Pages

Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Chân dung Thiếu tướng Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre Hồ Quốc Việt

Bài 1: Bàn tay không che khuất nổi mặt trời?

Thời gian qua, Báo Người cao tuổi đăng loạt bài phản ảnh nhiều tiêu cực xảy ra tại tỉnh Bến Tre nhưng chưa được xử lí như: “Vườn phố Thường vụ”, “Ban Thường vụ Tỉnh ủy bao che cho kẻ phá 25,8ha rừng đặc dụng”, “Một đường dây làm hộ chiếu giả”, “Nhiều vụ án giết người không bị khởi tố hình sự”, v.v… liên quan đến ngành Công an Bến Tre vẫn đang bị bưng bít, ém nhẹm… Ai bảo kê cho các loại tội phạm trên? Báo Người cao tuổi tiếp tục đăng chân dung một vị tướng công an từng gây ra nhiều tai tiếng ở tỉnh này…
Thiếu tướng Hồ Quốc Việt, cựu Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre.
Thiếu tướng Hồ Quốc Việt, cựu GĐ Công an Bến Tre.
Giai đoạn 1997 – 2003, ông Hồ Quốc Việt giữ chức Trưởng phòng Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Bến Tre cấu kết với Hồ Văn Trí, hội viên Hội Luật gia huyện Thạnh Phú (Bến Tre) làm hàng loạt giấy tờ giả tiếp tay cho nhiều kẻ phạm tội xuất cảnh ra nước ngoài trái phép. Sau khi phát hiện hàng chục trường hợp, Sở Tư pháp Bến Tre có Văn bản số 972/CV-HT-SYP đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lí hình sự đối với ông Hồ Văn Trí, trong đó có hàng chục trường hợp nộp hồ sơ ở Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh bị phát hiện trả về. Tại xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú, nhóm tội phạm này lập khống rất nhiều hồ sơ giả cho các đối tượng từng phạm tội ở các tỉnh khác đến để được “xuất cảnh lậu” ra nước ngoài. Cứ mỗi bộ hồ sơ, Hồ Văn Trí thu từ 200 triệu đến 500 triệu đồng. Tất cả các chi tiết cụ thể về đường dây làm hộ chiếu giả đã được Báo Người cao tuổi đăng trên số 77 (1394) ra ngày 14/5/2014. Thời kì 1997 đến 2003, khi ông Hồ Quốc Việt còn giữ chức Trưởng phòng Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Bến Tre đã xảy ra những hành vi phạm pháp nghiêm trọng như vậy. Kể từ 2004 đến 2013, ông Việt lên Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre thì số hồ sơ giả này còn gấp bội, nhưng ông ta bưng bít hết? Những năm gần đây, có một phụ nữ ở lộ Hàng Keo thuộc phường Phú Khương, thành phố Bến Tre tố cáo ông Hồ Văn Trí cấu kết với ông Hồ Quốc Việt nhận làm hồ sơ giả cho bà xuất cảnh sang Mỹ với giá 10.000 USD, ứng trước 8.000 USD, sau hai năm không xuất cảnh được, người phụ nữ này đòi lại tiền thì Trí mới trả lại 2.000 USD, số tiền còn lại 6.000 USD, Trí hứa đòi lại từ ông Việt sẽ trả lại sau. Những hành vi vi phạm pháp luật hình sự của nhóm người này nghiêm trọng như vậy, nhưng Hồ Văn Trí vẫn được Công an tỉnh Bến Tre tạo điều kiện cho vợ con ông ta xuất cảnh sang định cư ở Úc. Còn Trí hiện vẫn sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật ở huyện Thạnh Phú, Bến Tre? Nếu như Hồ Văn Trí bị khởi tố thì đường dây làm hộ chiếu giả ở tỉnh Bến Tre sẽ lộ diện và bị bóc trần. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre cho rằng: “Hiện tại, ông Hồ Quốc Việt đang điều trị… bệnh, sau khi lành bệnh, Tỉnh ủy sẽ họp xử lí”. Nhiều vị cán bộ lão thành bức xúc: “Căn bệnh của ông Việt như ma theo, hễ thấy đoàn thanh tra nào đến thì lặng lẽ… xin nhập viện, có lẽ suốt đời ông này chẳng có loại thuốc nào chữa nổi!”.

Chuyện ông Giám đốc và sĩ quan nghèo Công an tỉnh Bến Tre…

Nhiều cán bộ, sĩ quan ngành Công an Bến Tre bức xúc chuyện ông Hồ Quốc Việt lên tỉnh Bình Phước xin đất sản xuất cải thiện đời sống cho ngành, nhưng ông ta và Hồ Văn Trí chiếm đất, lập trang trại rồi bán. Thời gian trước, ông Hồ Quốc Việt đã bị kỉ luật, nhưng khi khai lí lịch để được đề bạt lên Thiếu tướng thì ông ta cố tình giấu thông tin này. Căn dinh thự của ông Hồ Quốc Việt tọa lạc tại Phường 7, thành phố Bến Tre được dư luận đánh giá thuộc loại “á hậu” của tỉnh (chỉ đứng sau khu biệt dinh của ông Trần Văn Truyền). Nó chiếm lĩnh trên 8 lô đất, rộng hàng nghìn mét vuông nằm ngay vị trí 3 mặt tiền. Đây là khu đất được phân ra thành 47 lô, UBND tỉnh Bến Tre dành riêng bán ưu tiên cho số sĩ quan nghèo trong ngành Công an Bến Tre chưa có nhà ở, đang tạm trú tại khu tập thể Phường 3, thành phố Bến Tre bị giải tỏa trắng. Theo ông Nguyễn Thái Xây, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đó là một chủ trương đúng đắn của tỉnh, nhưng sau khi ông Xây nghỉ hưu thì Giám đốc Công an tỉnh Hồ Quốc Việt đề nghị với ông Huỳnh Văn Be, Bí thư Tỉnh ủy đem rao bán giá cao. Các sĩ quan nghèo không đủ tiền mua đất cất nhà. Lợi dụng “thành tích hiến kế” này, ông Việt mua một lúc 6 lô đất cất dinh thự. Tuy chưa có chủ quyền đất, ông Việt bất chấp các quy định của luật pháp, tự động xây dinh thự, hai năm sau đó mới tiến hành hợp thức hóa chủ quyền đất và giấy phép xây dựng. Nhà của ông Giám đốc Công an tỉnh nằm ở giữa, một bên là trụ sở Công an Phường 7, một bên là trụ sở Công an tỉnh. Giữa trụ sở Công an Phường 7 và nhà ông Việt có một con đường đổ bê-tông nhựa, Thiếu tướng Hồ Quốc Việt sử dụng thứ quyền lực dùng hàng rào bê-tông và cửa sắt chắn ngang chiếm đoạt luôn đường đi công cộng của cả khu dân cư. Hành vi ngang ngược và trắng trợn như vậy vẫn được Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Nguyễn Văn Tâm cùng một số cán bộ chủ chốt của UBND Phường 7 và UBND thành phố Bến Tre “ngậm bồ hòn làm ngọt” kí giấy tờ hợp thức hóa hành vi phạm pháp chiếm đất công thổ của ông Giám đốc Công an tỉnh làm của riêng? Khi con đường công cộng bị ông Việt chiếm dụng, khu đô thị Sao Mai tại Phường 7 lại phải mất diện tích hơn một lô đất để mở đường cho cả khu dân cư ở phía sau lưng nhà ông Giám đốc. Như vậy, khu dinh thự “á hậu” của ông Việt chiếm hơn 8 lô đất để có 3 mặt tiền, nguy nga tráng lệ.

Là kẻ cắp còn già mồm?

Với nhiều tiêu cực của ông Hồ Quốc Việt bị báo chí phanh phui, nhiều vị Đại tá công tác trong ngành Công an Bến Tre đã nghỉ hưu sinh hoạt chung Tổ đảng với bà Phạm Thị Hồng (vợ ông Việt) đề nghị Chi bộ làm rõ từng vấn đề tiêu cực báo nêu. Bà Hồng nhiều lần phát ngôn thể hiện bản chất vô văn hóa: “Cái thằng Hạnh Bắc Kỳ làm ở Báo Người cao tuổi, cấu kết với mấy thằng cha già nghỉ hưu mất nết ở Bến Tre đưa lên báo bôi xấu chồng tôi!”. Trong quá trình tác nghiệp nhiều bài tiêu cực ở Bến Tre, nhà báo, luật sư Nguyễn Chính Hạnh không được tòa soạn phân công thực hiện mà là một nhóm phóng viên điều tra do vậy hành vi phát ngôn lỗ mãng của bà Hồng đã xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhà báo Nguyễn Chính Hạnh. Lần theo thông tin của các cụ cao niên cung cấp, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhiều cán bộ từng là thủ trưởng đơn vị của bà Hồng công tác ngày xưa. Đề cập đến bản chất của bà Hồng, nhiều cụ khẳng định: “Vợ chồng nhà nó thì không còn chỗ để nói, đúng là nồi nào, vung nấy”. Trước đây, khi bà Hồng là Trung úy Cảnh sát thì ông Việt chồng bà là Đội trưởng, cả hai đều công tác ở Phòng Cảnh sát Xuất nhập cảnh Công an Bến Tre. Bà Hồng từng làm hồ sơ xuất cảnh ra nước ngoài cho nhiều trường hợp, trong đó có một trường hợp tố cáo bà Hồng nhận hối lộ 3 chỉ vàng. Sau khi điều tra, xác minh và đem ra cơ quan họp kiểm điểm thì bà Hồng thiếu thành khẩn. Xét thấy hành vi lừa đảo người dân để nhận hối lộ của bà Phạm Thị Hồng gây ảnh hưởng xấu đến phẩm chất, danh dự, uy tín của Công an, nên Trưởng phòng Cảnh sát Xuất nhập cảnh Công an Bến Tre đã buộc bà Hồng phải nghỉ việc. Ấy vậy mà hiện tại bà Hồng vẫn có sổ lương hưu và không hề bị xử lí kỉ luật về đảng?

Bài 2: Quỵt nợ 303 chỉ vàng, 5 hột xoàn, tiền mua vật liệu xây dựng và nỗi đau nhân tình

Trong đơn tố cáo gửi Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan chức năng, bà Lê Thị Kim Nuống hiện công tác tại Sở Tài chính tỉnh Bến Tre cho biết, vợ chồng ông Hồ Quốc Việt, bà Phạm Thị Hồng đã lừa đảo bà Nuống lấy 303 chỉ vàng SJC và 5 hột xoàn (trong đó có 1 hột 5 li 4 và 4 hột 4 li 5). Nguồn gốc của vụ việc xuất phát từ chỗ, ông Hồ Quốc Việt được cấp một căn nhà lầu trong khu “Vườn phố Thường vụ” (Trung tâm Thương mại) tại số 17, đường Nguyễn Du, Phường 2, thành phố Bến Tre, hiện đang cho tiệm tạp hóa thuê với giá 12 triệu đồng/ tháng. Để có cớ hợp thức hóa nguồn vốn xây dinh thự hàng nghìn mét vuông ở vị trí 3 mặt tiền tại Phường 7, thành phố Bến Tre, vợ chồng ông Việt tung tin rằng, nhờ có tiền bán nhà cũ (tại số 17 Nguyễn Du) xây nhà mới để tránh tai tiếng trong dư luận. Số vàng và hột xoàn này bà Nuống đưa cho vợ chồng ông Việt bằng cách bà Nuống và bà Hồng cùng ra gửi tại Ngân hàng Sacombank Chi nhánh Bến Tre sổ mang tên bà Hồng. Sau khi ông Việt xây xong dinh thự, vợ chồng ông ta tuyên bố không bán nhà số 17 cho bà Nuống nữa mà giữ cho người khác thuê. Còn 303 chỉ vàng SJC và 5 hột xoàn vợ chồng ông Việt, bà Hồng quỵt luôn từ năm 2010 đến nay đã hơn 4 năm không trả khiến bà Nuống chỉ biết kêu trời.

Trong quá trình xây dựng dinh thự mới, ông Việt cử cán bộ trong ngành đến mua vật liệu, còn thiếu 20 triệu đồng tại cửa hàng vật liệu Cửu Châu, số 98, đường Nguyễn Đình Chiểu, Phường 2, thành phố Bến Tre. Sau thời gian dài không thanh toán, chị Thủy chủ cửa hàng đến nhà riêng ông Việt đòi tiền. Ông Việt nổi khùng: “Cô có về không, nếu đứng đó lát nữa tôi cho lính còng cổ cô đó!”. Chị Thủy la lên: “Tôi đâu có làm đĩ, hay trộm cắp cướp giật gì mà ông đòi còng cổ tôi?”. Bà con trong khu phố xúm đông nghẹt chứng kiến cảnh lật lọng quỵt tiền của ông Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre.

Căn biệt thự “á hậu” của Thiếu tướng Hồ Quốc Việt, Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre, nhìn từ phía cổng phụ.
Căn biệt thự “á hậu” của Thiếu tướng Hồ Quốc Việt, Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre, nhìn từ phía cổng phụ.
Tiêu cực từ xây dựng trụ sở đến bán biển số xe đẹp!

Chỉ riêng công trình trụ sở làm việc của Công an huyện Thạnh Phú mà nhà thầu phải đút lót tiêu cực phí 5% cho lãnh đạo Công an tỉnh để được nhận thầu với số tiền hàng tỉ đồng. Ngoài ra Đại tá Lê Minh Trung, Phó Giám đốc Công an tỉnh còn “xin đểu” thêm 100 triệu đồng từ nhà thầu. Còn trụ sở làm việc Công an tỉnh Bến Tre đã vượt dự toán lên gần 200 tỉ đồng. Nếu chỉ tính từ 5 – 7% chi phí nhận thầu thì số tiền thất thoát chui vào túi một vài cá nhân sẽ là con số khổng lồ. Giám đốc Công an tỉnh Hồ Quốc Việt tự ý chỉnh sửa thiết kế và dự toán. Theo thiết kế ban đầu chỉ cho phép ốp gạch men có chiều cao 1,5m, nhưng ông chỉ đạo ốp gạch men lên tận “trời mây”. Công trình mới hoàn thành đưa vào sử dụng hơn 3 năm, nay lớp gạch men đổ sụp từng mảng lớn từ trên cao rơi xuống khói bụi mịt mù, nhiều lần suýt xảy ra án mạng. Giá trị thay đổi thiết kế do ông Giám đốc Công an tỉnh đã bị Bộ Công an xuất toán gần 10 tỉ đồng. Hậu quả này do chính ông Giám đốc gây ra, lẽ nào ngân sách nhà nước gánh chịu? Còn chuyện cấp phát mua bán biển số đẹp đăng kí các loại xe ô-tô, mô-tô thì ông Hồ Quốc Việt đã “thả rong” cho bà Phạm Thị Hồng (vợ ông) và nhiều người thân trong gia đình tự tung hoành ngang dọc. Theo một số quan chức ở Bến Tre trong một thời gian ngắn mà số xe đẹp “tứ quý” vợ ông Giám đốc Công an tỉnh đã lấy tới 170 số. Tất cả đều được bán với giá từ 2.000 – 3.000 USD/ một số xe. Riêng số xe 71H9-9999 bà Hồng đã bán cho người thân với giá hơn 2.000 USD. Nhiều sĩ quan Công an tỉnh Bến Tre cho biết, hễ ngày nào Phòng Cảnh sát Giao thông đăng kí biển số xe thì ngày ấy có mặt bà Phạm Thị Hồng túc trực, chỉ đạo. Nhiều doanh nghiệp tư nhân chuyên khai thác cát lậu trên sông, nếu bị Cảnh sát Đường thủy kiểm tra thì lập tức bà Hồng điện thoại đến hiện trường là lực lượng Cảnh sát buông tay. Nhiều anh em trong ngành kiên quyết lập biên bản xử phạt thì bị chồng bà xử lí cho thuyên chuyển công tác, hoặc bị hăm dọa đuổi việc!

Nỗi đau của người lái xe phục vụ Giám đốc?

Suốt 10 năm (2003 – 2013) ông Ngô Văn Hùng lái xe cho Giám đốc Hồ Quốc Việt, trước khi nghỉ hưu ông Hùng cũng được nhận một hình thức kỉ luật: Cảnh cáo. Nguyên nhân bắt đầu từ việc Trung úy Nguyễn Minh Tuyền công tác tại Phòng Cảnh sát Giao thông là cháu vợ ông Việt mắc nợ 250 triệu đồng. Vợ ông Hùng cho Trung úy Tuyền vay 250 triệu đồng để trả nợ. Đáo hạn Tuyền không thanh toán, buộc vợ ông Hùng phải kiện ra tòa. Bà Hồng “chỉ đạo” chồng mình phải đuổi ông Hùng không được lái xe cho chồng nữa. Mấy hôm sau, ông Hùng nhận được quyết định “Cảnh cáo”, chuyển công tác về Phòng Hậu cần. Trước lúc “chia tay”, ông Việt gọi ông Hùng lên căn dặn 2 điều: Một là, ra ngoài đừng nói xấu cán bộ trong ngành. Hai là, chú còn có thằng con trai đang công tác ở Phòng An ninh Kinh tế. Nếu chú vi phạm, con chú sẽ bị đuổi việc. Tưởng bị kỉ luật oan và bị điều chuyển công tác là an phận, ai ngờ khi về lái xe cho Phòng Hậu cần, bà Hồng điện thoại cho Đại tá Nguyễn Văn Cơ: “Nếu mày không kỉ luật thằng Hùng, thì tao nói với ông Tám (Hồ Quốc Việt) đuổi việc mày”. Vì ông Cơ không thể chấp hành kiểu điều hành ngược ngạo này, liền sau đó Đại tá Nguyễn Văn Cơ “được ưu tiên” chuyển công tác về huyện Chợ Lách, thuộc vùng sâu, vùng xa…

Ông Ngô Văn Hùng cho biết, ông Hồ Quốc Việt còn có phần cổ đông ở nhiều doanh nghiệp như Công ty Vật liệu Xây dựng Việt Thắng, Công ty Ngọc Thủy, Công ty Thức ăn Thủy sản huyện Bình Đại, Công ty Vật liệu Xây dựng thuộc Sở Xây dựng tỉnh và góp vốn vào Bệnh viện Đa khoa Minh Đức 2 tỉ đồng. Trao đổi với chúng tôi, ông Hùng “buồn nhất” là chuyện vợ chồng ông Việt, bà Hồng giàu có không có con, phải xin cô con gái nuôi có tên là Ngọc Mai. Ông Hùng có “diễm phúc” được phục vụ cả hai cha con ông Giám đốc suốt 10 năm liên tục. Lúc ông Việt còn đi học Đại học An ninh, ông Hùng xe đưa, xe đón, đến lượt cô con gái nuôi đi thi đại học ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác, ông Hùng phải phục vụ đưa đón trong suốt kì thi. Do “thiếu minh mẫn” nên lần thi đầu, Ngọc Mai làm bài cả 3 môn thi chỉ được 6 điểm. Về thi ở Đại học Vĩnh Long cũng được 6 điểm. Sau đó xin vào học dự thính tại Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An đến năm thứ 3, Hồ Văn Trí (một trong những tên trong đường dây chuyên làm hộ chiếu giả) chở lên TP Hồ Chí Minh thi lại cũng bị rớt. Vậy mà hiện nay Ngọc Mai được vào làm việc tại Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Bến Tre? Ông Hùng bức xúc: Con gái nuôi của quan Việt đi đâu tôi cũng phải chở đi đúng giờ, phục vụ tận tình, trong khi vợ ông Hùng bị bệnh điều trị tại Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh xin một chuyến xe do ông tự đổ xăng chở vợ về, ông Giám đốc Việt bảo: “Chạy xe máy chở vợ mày về!”. Ông Hùng cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp làm “từ thiện” tận tụy nhiệt tình, khi biết ông Hồ Quốc Việt muốn mua thêm bộ sa-lông loại xịn. Ông Phùng Tam, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế chở ông Việt xuống tận Hà Tiên (Kiên Giang) giới thiệu bộ sa-lông bằng gỗ Cẩm Thị trị giá hơn 1 tỉ đồng và được xe tải của người thân chở về nhà ông Việt. Còn tiền bà Hồng bán biển số xe có ngày thu vài trăm triệu đồng là chuyện thường, v.v…

Đại tá, Phó Giám đốc đấu tranh bị kỉ luật oan?

Do phát hiện ra nhiều tiêu cực trong suốt thời gian dài tại Công an tỉnh Bến Tre, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, Đại tá Ngô Minh Vũ, Phó Giám đốc Công an tỉnh kiên quyết đấu tranh đưa ra ánh sáng đường dây làm hộ chiếu giả do Thiếu tướng Hồ Quốc Việt thực hiện trong nhiều năm với nhóm tội phạm Hồ Văn Trí, Lê Văn Tre và những tiêu cực khác như bà vợ ông Việt lợi dụng chức vụ, quyền hạn của chồng để trục lợi bất chính, Ban Thường vụ Tỉnh ủy bao che cho kẻ phá 25,8ha rừng đặc dụng, nhiều vụ án hình sự bị “chìm xuồng”, v.v… Vậy mà, Ban Giám đốc Công an tỉnh đề nghị Tỉnh ủy Bến Tre xử lí kỉ luật Đại tá Ngô Minh Vũ với hình thức khiển trách. Sau khi ông Vũ gửi đơn khiếu nại, Tỉnh ủy Bến Tre ban hành văn bản xóa kỉ luật đối với Đại tá Vũ. Sau đó, Đại tá Lê Minh Trung (người dính tham nhũng) lấy tư cách là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an tỉnh triệu tập cuộc họp trong Ban Thường vụ Đảng ủy bỏ phiếu kín đề nghị Bộ Công an xử lí kỉ luật ông Ngô Minh Vũ tiếp lần hai. Kết quả 3/7 phiếu đề nghị không kỉ luật. 4/7 phiếu (toàn người thân Giám đốc) đề nghị khiển trách. Sau đó, Đại tá Ngô Minh Vũ được điều động về làm Cục phó Cục Công tác Chính trị Văn phòng phía Nam, Bộ Công an tại TP Hồ Chí Minh. Hiện tại, ông Vũ đang gửi đơn khiếu nại về hình thức kỉ luật độc đoán, oan sai này mà người tự phá bỏ mọi nguyên tắc chính là Đại tá Lê Minh Trung, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre, đệ tử số một của ông Hồ Quốc Việt.

Trong khi Thiếu tướng Hồ Quốc Việt, Giám đốc Công an tỉnh lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, phạm pháp hình sự nghiêm trọng, để vợ và cháu vợ lũng đoạn, cơ hội, trục lợi bất chính, phát ngôn bừa bãi, tha hóa biến chất… mà không hề bị xử lí bất kì hình thức kỉ luật nào? Còn những người trung thực dám đấu tranh vì cái ác, cái xấu để thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước như Đại tá Ngô Minh Vũ thì lại bị xử lí kỉ luật?

Trường Sơn – Thiên Thanh – Hải Đăng

Không có nhận xét nào: