Những kịch bản của điều tra viên
Còn nghìn, vạn vụ án oan sai! - Tôi dám khẳng định như vậy vì nhiều lý do.
Vừa qua, nhờ “cảm hứng” từ vụ án Nguyễn Thanh Chấn bị tòa xử tử hình oan đã vô tình được sáng tỏ nên nạn nhân, gia đình, bè bạn của Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Dương, Hồ Duy Hải ở Long An và một số nghi phạm khác mới có quyết tâm vượt qua sự khốn khó, vô vọng để phản kháng quyết liệt đòi xem xét lại sự oan khuất của mình.
Chỉ riêng tôi quan sát, trực tiếp điều tra, viết bài thì thấy trong xã hội hiện nay đang tồn tại nhiều trường hợp bị khép tội oan sai có những tình tiết giống hệt các vụ án của Nguyễn Thanh Chấn, Hồ Duy Hải... Đó là, khi ai đó bị cơ quan điều tra nhận định là thủ phạm trong vụ án mà qua điều tra, xét hỏi thông thường nghi phạm không nhận tội thì một kịch bản kiểu như thế này diễn ra: Điều tra viên (ĐTV) dùng thủ đoạn bỏ đói, thay nhau lấy cung ngày, đêm không cho ngủ, khủng bố tinh thần, đánh đập nhục hình, lừa bịp… cho đến khi nghi phạm không thể chịu nổi, buộc phải nhận tội bừa để giữ mạng sống hy vọng khi ra tòa kêu oan. Khi nghi phạm đã phải nhận tội thì ĐTV sẽ ép nạn nhân cùng họ khai, tạo các bằng chứng phù hợp với “tội”.
Việc đi mua thớt và dao ở chợ về làm vật chứng trong vụ Hồ Duy Hải không phải cá biệt. Khi đưa ra xét xử các cấp tòa dù nghi phạm, luật sư kêu oan thấu trời nhưng tòa vẫn cứ trưng ra các bản cung nghi phạm ký nhận, các vật chứng rởm để bác bỏ mọi bào chữa dù có lý đến đâu để vụ xử được suôn sẻ, giữ “uy tín” cho cơ quan pháp luật.
Vụ bỏ tù oan 5 nông dân ở thôn Mai Chung, xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương năm 2005 là một ví dụ. Đầu tiên, một người chuyên ăn trộm cá ở xã bên bị ai đó đánh vỡ đầu chết cách các ao cá của 5 người kia hơn 1 km dù tại đây không chỉ năm người này có ao cá. Mặc dù có rất nhiều tình tiết ngoại phạm và hết sức vô lý nhưng năm người này vẫn phải nhận tội do ĐTV dùng nhục hình, lừa bịp. Nghi phạm Phan Ngọc Hải tố cáo: “ĐTV tên Tuấn Anh lấy còng sắt cột tay nạn nhân vào ghế rồi dùng gậy gỗ vuông, dùi cui cao su vụt vào mắt cá chân, các khớp xương, dùng giày đá vào mạng sườn… Hải vẫn cắn răng kêu van nhưng càng kêu thì những trận đòn càng dữ dội hơn đến khi ngất lịm. Buổi chiều 1/5/2005 lại lấy cung Hải vẫn kêu oan, ĐTV nguyền rủa cùng với những trận đòn như trước… Một giờ sáng hôm sau ĐTV dựng dậy cho Hải xem 4 bản viết và nói: Đây, chúng nó nhận cùng đánh chết trộm hết rồi chỉ còn mày, khôn hồn thì nhận đi..”. Hải thất kinh, yêu cầu đối chất với 4 người kia nhưng ĐTV không cho. Đến khi gặp nhau cả 4 người đều nói với Hải “sao lại khai vấy cho tôi?”. Đến 3 giờ sáng 2/5/2005 tiếp tục bị đánh, tinh thần hoảng loạn nghĩ không thể sống nếu không nhận “tội” nên Hải phải nhận bừa để còn sống khi ra tòa kêu oan… Khi đã “nhận tội” thì ĐTV nói “nếu như thế thì phải có bằng chứng gì như con dao, cái lưới chẳng hạn”, và Hải phải bịa ra lưới của kẻ trộm để ở đâu, con dao chém trộm ở chỗ nào… Nhưng đến khi tìm đến các “bằng chứng” dù con dao, tấm lưới mạng nhện chăng ở nơi không phù hợp nhưng vẫn được đưa vào hồ sơ… Cũng với các bằng chứng rởm, ĐTV còn lừa Hải bằng cách hỏi cái ao cá nằm ở vị trí như thế nào đưa giấy, bút để Hải vẽ sơ đồ. Hải không ngờ khi xử thấy quan tòa đưa ra cái bản vẽ và coi đó cũng là một sự thừa nhận tội, v,v,……
Từ điều tra đến nhà tù
Theo tôi, hiện trạng việc điều tra, xét xử của cơ quan pháp luật lâu nay gây ra rất nhiều oan sai do:
- Công an điều tra có quyền quá lớn trong hoạt động tư pháp. Về hình thức thì trong hoạt động tư pháp có ba ngành kiểm soát lẫn nhau: Công an điều tra, viện kiểm sát kiểm sát, tòa án xét xử, nhưng thực chất khi một vụ án xẩy ra thì công an gần như toàn quyền khởi tố, điều tra. Rất ít vụ án VKS tham gia cả quá trình điều tra, càng không có luật sư bảo vệ nghi can nên ĐTV tha hồ áp dụng các biện pháp thâm độc, tàn bạo để chóng “hoàn thành nhiệm vụ” nghỉ ngơi, lên chức, lên lương…
- Từ điều tra đến nhà tù đều do ngành công an đảm nhiệm khép kín nên không có cơ hội cho tù nhân kêu oan. Trong vụ án ở Cẩm Giàng, Hải Dương nêu trên, nhiều lần tù nhân viết đơn kêu oan để gia đình gửi đi nhưng bị cấm đoán, ngăn chặn.
- Cả ba cơ quan tố tụng đều do một ông đảng địa phương, trung ương lãnh đạo, chỉ đạo nên họ không độc lập trong công việc. Dù tình tiết vụ án như thế nào, nếu “cấp trên” muốn bắt, xử đối tượng nào đó theo mức nào thì hầu hết cơ quan tố tụng không thể làm trái do cái ghế, sự nghiệp của họ là do “lãnh đạo” định đoạt. Đây là trường hợp dân gian gọi là “án bỏ túi”. Đặc biệt, những vụ liên quan chính trị thì không cần pháp luật, họ bắt, bỏ tù ai đó chỉ vì nghỉ trong phòng có bao cao su, thiếu thuế ít tiền, điều 258… mơ hồ.
- Việc kiện cáo, kêu oan của nạn nhân hầu hết không được hệ thống quyền hành đoái hoài, các nhà lãnh đạo VN cũng không biết hoặc làm ngơ. Trong vụ án ở Cẩm Giàng nói trên, từ khi các nghi phạm bị bắt, đi tù 2005, 2007, đến khi được ra tù (chỉ bị tù 1/2 thời gian tòa xử) vào 2010, 2011, đã rất nhiều lần họ gửi đơn cho quốc hội, viện kiểm sát, tòa án nhân dân tối cao, chủ tịch nước. Báo Cựu chiến binh VN số 867 ngày 16/6/2011 đã đăng bài “Kỳ án trộm cá và những mâu thuẫn trong hồ sơ vụ án” nói lên đầy rẫy mâu thuẫn, uẩn khúc, sai phạm trong việc điều tra, xét xử vụ án này nhưng tất cả không có một sự hồi âm nào. Đến nay các nạn nhân phải cam chịu vì họ không có tiền bạc, hơi sức để tiếp tục kiện cáo. Chắc chắn đây không phải là trường hợp cá biệt.
Với kinh nghiệm của mình, tôi khẳng định vụ Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng cũng là oan sai.
Nguyễn Đình Ấm
(Việt Nam Thời Báo)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét