Pages

Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

CÁC NƯỚC CHÂU ÂU CÓ THỂ ĐÓNG GÓP GÌ CHO VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG?

BienDong.Net: Trước những hành động hiếu chiến ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông nhất là sau việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam và đang ráo riết lấp biển, mở rộng quy mô lớn các cấu trúc mà họ đã chiếm đóng bằng vũ lực năm 1988, các nước Châu Âu ngày càng có thái độ rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn trên vấn đề Biển Đông.
Biển Đông là một trong những chủ đề chính trong chương trình nghị sự chuyến thăm Châu Âu, bao gồm cả trụ sở của EU ở Brussel, Bỉ của Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tháng 9/2014 và của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tháng 10/2014. Và vấn đề Biển Đông cũng là một nội dung quan trọng được bàn thảo tại Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM) tại Italy. Điều này thể hiện rõ mối lo ngại ngày càng tăng đối với những hành động hung hăng bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông.

Câu hỏi đặt ra là Châu Âu có thể đóng góp gì vào việc giảm căng thẳng và giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông? Châu Âu có lợi ích lớn trong việc duy trì hòa bình ổn định và đảm bảo tự do, an ninh an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Theo thống kê gần đây thì hàng năm Châu Âu nhập khẩu ít nhất là 425 tỷ Euro từ Đông Á và xuất khẩu hơn 251 tỷ Euro đến khu vực này và các hàng hóa xuất nhập khẩu này của Châu Âu đều đi qua Biển Đông.
Thời gian qua, Châu Âu đã có một lập trường chung trên vấn đề Biển Đông là phản đối các hành động gây hấn đơn phương; yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; phản đối sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc ép buộc. Một số nhà phân tích quốc tế cho rằng Châu Âu có thể đóng góp vào việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trên 4 khía cạnh.
Một là, Châu Âu cần ủng hộ việc giải quyết đa phương và các sáng kiến đa phương vì hòa bình ổn định. Sự ủng hộ của EU đối với các thể chế đa phương không chỉ bắt nguồn từ đánh giá của EU về cách thức tốt nhất để giải quyết các thách thức hiện nay đối với an ninh ở khu vực Biển Đông mà còn chủ yếu từ bản sắc của EU. Tiến trình hội nhập, nhất thể hóa thành công của Châu Âu là mô hình tốt để áp dụng cho các khu vực trên thế giới và cho phép Châu Âu có thể thúc đẩy mô hình hợp tác đa phương và hội nhập khu vực ra ngoài. Hiện Đông Á đang trong quá trình hội nhập, các nước ASEAN đang trong tiến trình liên kết nhất thể hóa thì việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương hiệu quả có nguyên tắc của EU có thể là đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định khu vực.
Tranh chấp Biển Đông liên quan đến nhiều bên, nhất là vấn đề hòa bình ổn định, đảm bảo tự do, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông liên quan đến các nước ngoài khu vực, bao gồm cả Châu Âu, do vậy giải quyết đa phương vấn đề Biển Đông là sự lựa chọn tối ưu. Giải quyết đa phương tranh chấp Biển Đông cũng giúp cho các nước nhỏ ven Biển Đông không bị sức ép từ Trung Quốc.
Việc Châu Âu chủ động đưa nội dung vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự của các hội nghị cấp cao ASEM thời gian qua là một hướng đi đúng, cần tiếp tục thúc đẩy.
Hai là, EU cần ủng hộ các giải pháp ngoại giao và hòa bình đối với các tranh chấp ở Biển Đông. Ngoại giao là một phần thiết yếu trong quá trình ra quyết sách và hội nhập của EU; đây là cách làm có rủi do thấp mà tất cả các thể chế và các quốc gia thành viên EU đã rất quen thuộc. Kinh nghiệm và bản sắc của EU trong lĩnh vực này sẽ giúp EU phát huy vai trò trong việc thúc đẩy giải pháp ngoại giao hòa bình để giảm căng thẳng và từng bước giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Điều này được EU thể hiện qua cam kết của EU thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
Ba là, Châu Âu có khả năng đóng vai trò trung gian giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế. EU hiện là một đối tác quan trọng của các nước Đông Á, bao gồm các nước liên quan đến tranh chấp Biển Đông Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei; Châu Âu không tạo ra các mối lo ngại cho các nước Đông Á như Mỹ. Do vậy, Châu Âu hoàn toàn có thể đề nghị các dịch vụ cho việc tư vấn làm trung gian hòa giải thúc đẩy đàm phán ngoại giao giữa các bên tranh chấp ở Biển Đông. Trên thực tế, các nước Châu Âu như Thụy Sĩ, Pháp đã từng là trung gian hòa giải cho các cuộc đàm phán hòa bình giải quyết chiến tranh ở Đông Dương hay giải quyết vấn đề Campuchia. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho Châu Âu phát huy vai trò trung gian trong tranh chấp Biển Đông.
Bốn là, Châu Âu có thể thúc đẩy việc sử dụng các cơ chế tài phán quốc tế trong giải quyết tranh chấp Biển Đông. Châu Âu đã giải quyết nhiều tranh chấp lãnh thổ, biển đảo thông qua các cơ chế tài phán quốc tế. Tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 là một giá trị của Châu Âu. Châu Âu có nhiều chuyên gia luật pháp hàng đầu thế giới và có nhiều thẩm phán tại các cơ chế tài phán quốc tế, là nơi đặt trụ sở của Tòa án Công lý quốc tế, Tòa án Luật Biển, Tòa Trọng tài Thường trực… Do vậy Châu Âu có nhiều lợi thế trong việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng cơ chế tài phán quốc tế. Trên thực tế, các nước ven Biển Đông đều là những nước nhỏ, tiềm lực kinh tế cũng như quân sự kém xa so với Trung Quốc nên rất khó đàm phán để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Nên việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng cơ chế tài phán quốc tế xem ra là hiện thực nhất.
Sau khi Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Phụ lục 7 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, các nước Châu Âu đã ủng hộ việc làm của Philippines. Nếu Tòa Trọng tài vụ kiện của Philippines đưa ra được một phán quyết công tâm theo đúng quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 sẽ tạo ra cơ sở quan trọng cho việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.
Ngoài ra, sự tăng cường gắn kết sâu rộng giữa EU và ASEAN sẽ tác động tích cực đối với duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Bên lê Hội nghị cấp cao ASEM ở Italy tháng 10/2014, nguyên thủ các nước ASEAN và EU đã lần đầu tiên tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN - EU và thảo luận sâu rộng vấn đề Biển Đông là một tiền đề tốt cho việc thúc đẩy đa phương hóa, quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.
Biển Đông thời gian qua đã trở thành địa bàn chiến lược của chủ nghĩa dân tộc bành trướng Đại Hán. Các bước đi của Trung Quốc, bao gồm việc triển khai giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển Việt Nam hay các công trình khổng lồ lấp biển, mở rộng quy mô lớn các cấu trúc ở Trường Sa đã được chính giới và chuyên gia các nước hết sức quan ngại. Những diễn biến này đang phá vỡ cục diện nguyên trạng ở Biển Đông, đe dọa hòa bình ổn định khu vực. Xây dựng một trật tự pháp quy dựa theo luật pháp quốc tế ở Biển Đông là một yêu cầu bức thiết hiện nay, Châu Âu cần tích cực thúc đẩy trật tự này hình thành ở Biển Đông./.
                                                                                    BDN

Không có nhận xét nào: