Một phó thủ tướng Việt Nam nói cần chú trọng đấu tranh chống lại những thông tin không đúng sự thật, bất lợi, gây chia rẽ, nhụt chí.
Bình luận được ông Vũ Đức Đam đưa ra tại một hội nghị "triển khai công tác năm 2015" của Bộ Thông tin Truyền thông tại Hà Nội.
Ông Đam mô tả điều ông gọi là "Văn kiện Đại hội Đảng luôn là dấu mốc quan trọng cho thời kỳ phát triển tới, nên trách nhiệm nặng nề mà ý nghĩa của ngành thông tin - truyền thông là huy động sự đóng góp ý kiến của nhân dân, biến đại hội các cấp thành sự kiện lớn, không chỉ của Đảng mà của cả nước.
“Càng gần đến các sự kiện lớn cần chú trọng đấu tranh chống lại những thông tin không đúng sự thật, bất lợi, gây chia rẽ, nhụt chí.
“Nhưng điều quan trọng nhất là cùng với đấu tranh chúng ta phải làm sao tích cực trong việc chủ động cung cấp thông tin, thông tin đúng, thông tin chuẩn.
“Một khi thông tin tốt đến kịp thời thì những thông tin xấu, thông tin bất lợi nó sẽ tự bị đẩy lùi”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được truyền thông trong nướcdẫn lời.
Một nhà quan sát muốn ẩn danh từ trong nước nói với BBC rằng đây là chỉ dấu rõ ràng nhất cho thấy nhà chức trách sẽ có động thái mạnh đối với các tiếng nói phản biện độc lập trước Đại hội Đảng XII năm 2016.
Hồi cuối tháng 11 năm nay, Nhà báo Nguyễn Công Khế, cựu tổng biên tập báo Thanh Niên, nói với BBC rằng việc cởi trói cho báo chí được tự do bày tỏ quan điểm của mình ‘chỉ có lợi’ cho chính quyền chứ ‘không làm mất chế độ’.
Theo ông Khế thì trong nền báo chí một chiều bị kiểm soát chặt chẽ hiện nay ‘thiệt hại lớn nhất là của Nhà nước’ bởi theo ông “khi đăng tin một chiều và không để cho người ta nói thì số lượng người đọc và lòng tin của người dân giảm”.
“Người ta tìm vào chỗ khác. Có chỗ khác thay thế,” ông nói thêm, “Điều gì anh không nói sẽ có người khác nói thay. Đúng sai thì anh chịu.”
Ông Khế trước đó gửi bài viết đăng trên mục Ý kiến của tờ New York Times hôm 19/11 kêu gọi chính quyền Việt Nam thực hiện tự do báo chí.
“Tôi có trao đổi với hai lãnh đạo Tuyên giáo. Tôi nói rằng một nền báo chí mà chỉ cho những tờ báo lá cải câu view những chuyện bậy bạ đã vô hình chung phát triển theo hướng đó.
“Trong khi mỗi ngày những chuyện chính yếu như kinh tế, nợ công, nợ xấu, những vấn đề sống còn của đất nước thì không bàn,” ông Khế cho biết trước khi ông đăng bài trên New York Times.
Ông Khế cho rằng khi nền báo chí tự do ‘nói những vấn đề, phản biện hàng ngày’ thì các lãnh đạo Đảng, Nhà nước ‘có thể lắng nghe để sửa chữa hoàn thiện cho tốt’.
“Các nhà nước sử dụng tự do ngôn luận và dân chủ thì chỉ có lợi thôi. Soi gương hàng ngày mới biết trên mặt mình có gì thì mới sửa chữa được và phát triển được.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét