Pages

Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Ấn Độ và ASEAN thảo luận về Biển Đông nhân đối thoại thường niên

mediaThủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại New Delhi, 17/02/2015.REUTERS/Stringer
Kể từ hôm nay, 11/03/2015, ấn bản thứ bẩy của một diễn đàn thảo luận thường niên song phương ASEAN -Ấn Độ sẽ mở ra tại New Delhi và kéo dài trong hai ngày. Mang tên Đối thoại Delhi (Delhi Dialogue), đây là một cơ chế nhằm củng cố và phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên. Theo Bộ Ngoại giao Ấn, hồ sơ Biển Đông sẽ được ASEAN và Ấn Độ đề cập đến cuộc họp lần này.




Theo báo chí Ấn Độ, phát biểu với các ký giả vào hôm qua, một quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã xác nhận rằng nhân hai ngày họp, ngoài các hồ sơ kinh tế, Hiệp hội Đông Nam Á và Ấn Độ cũng sẽ thảo luận về một kiến trúc an ninh khu vực và hồ sơ Biển Đông, với những vấn đề như an ninh trên biển, Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc.
Trong thời gian gần đây, đặc biệt là từ ngày ông Narendra Modi lên làm Thủ tướng Ấn Độ, nhân danh quyền tự do lưu thông trên không và trên biển, New Delhi ngày càng tỏ rõ quyết tâm can dự vào Biển Đông. Một trong những ví dụ điển hình là việc cấp tín dụng cho Việt Nam để mua thêm tàu tuần tra trên biển.
Quan điểm trên đây cũng đã được Đại sứ Ấn Độ tại Philippines nêu bật hôm qua khi ông gián tiếp lên tiếng ủng hộ Philippines trong vụ kiện các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông trước Tòa án Trọng tài Quốc tế .
Phát biểu với các nhà báo của tờ Manila Times, ông Shri Lalduhthlana Ralte xác định rằng New Delhi, cũng như Philippines, cho rằng phương thức khả thi và hiệu quả nhất để giải quyết các tranh chấp là đưa vấn đề ra trước trọng tài quốc tế.
Theo Đại sứ Ấn tại Manila, thì vùng Nam Á đã cầu viện đến các tòa án quốc tế để giải quyết ổn thỏa nhiều tranh chấp trên biển, chắng hạn như giữa Ấn Độ và Bangladesh vào năm 2014. Điều này, theo ông, hoàn toàn có thể dùng vào trượng hợp Biển Đông.
Đại sứ Ấn phân tích : « Quan điểm của chúng tôi là trong loại tranh chấp này, các nước có yêu sách chủ quyền phải tuân thủ pháp luật và chuẩn mực quốc tế theo đó các tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình. Chúng ta phải chấp nhận tuân thủ luật pháp quốc tế ».
Tuyên bố của Đại sứ Ấn đã lập tức được báo chí Philippines xem là thể hiện hậu thuẫn của New Delhi đối với Manila trong vụ kiện Bắc Kinh.

Không có nhận xét nào: