Pages

Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015

'CA được lập nhà tù trong nhà tù ở VN?'

Trại tù Xuyên Mộc

Blogger Điều Cày nói 'một số tù nhân chính trị ở Việt Nam đang tuyệt thực để phản đối chế độ giam giữ.'

Chính quyền Việt Nam đã đang cho phép công an, an ninh lập 'nhà tù trong nhà tù' ở Việt Nam một cách 'trái pháp luật' trong cả nước, khiến các quyền con người của tù nhân chính trị càng thêm bị 'xâm phạm', theo Blogger - Điếu Cày Nguyễn Văn Hải.
Trao đổi với Bàn tròn của BBC Việt ngữ tuần này nhân Việt Nam và Hoa Kỳ đánh dấu tròn 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, nhà báo tự do, cựu tù nhân chính trị từng kinh qua hơn một chục nhà tù khác nhau ở Việt Nam trước khi được phóng thích và đưa sang Hoa Kỳ, nói:

"Như tôi trong vai trò của một blogger và một tù nhân chính trị ở trong nước, tôi đã đi qua 11 nhà tù và tôi hiểu rằng ở trong các nhà tù ở Việt Nam hiện nay, họ đang quản trị nhà tù trên các thông tư, các văn bản dưới luật, chứ không theo luật."
Ông Hải đề cập trường hợp Thông tư số 37/2011/TT-BCA ngày 03/6/2011 của Bộ Công an quy định về "phân loại và giam giữ phạm nhân theo loại".


Ông nói: "Cụ thể Thông tư 37 của Bộ Công an Việt Nam là hiện đang triển khai hàng loạt các nhà tù an ninh mà thực chất là những nhà tù ở trong nhà tù. Và các tù nhân chính trị không được hưởng các quyền lợi, những chế độ đã được ghi trong Hiến pháp, ghi trong luật thi hành án hình sự.
"Bởi vì Thông tư 37 của Bộ Công an đã tước đoạt đi tất cả và gần đây nhất các tù nhân ở trại giam Xuyên Mộc, bốn người trong đó đang tuyệt thực để phản đối chế độ giam giữ.
"Chúng ta biết rằng trong chế độ tạm giam, người tù đã ở trong phòng giam, nhưng hết thời gian tạm giam, đã ra trại giam, là người ta sống một cuộc sống hàng chục năm như vậy, thì lại bị nhốt như trong tạm giam, đấy là chế độ mà trại giam Xuyên Môc đang áp dụng.
"Tôi cũng chính là người đã từng ở trong trại giam Xuyên Mộc và tôi biết những hình thức giam giữ ở trại giam Xuyên Mộc như thế nào.

'Mong muốn với quốc tế'

Nhà báo tự do và blogger tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền từng bị chính quyền Việt Nam bỏ tù trong 7 năm với hai bản án kế tiếp nhau từ năm 2008, nhân dịp này nêu hai mong muốn đối với cộng đồng quốc tế liên quan tới hồ sơ nhân quyền ở Việt Nam.

Blogger Điếu Cày
Blogger Điếu Cày cho rằng Việt Nam đang có các 'nhà tù trong nhà tù' ở nhiều nơi.

Ông nói: "Tôi cũng mong muốn cộng đồng quốc tế, khi nói đến nhân quyền ở Việt Nam, phải nhìn vào hàng chục văn bản dưới luật có nội dung trái luật đang tước đi những quyền lợi của người dân Việt Nam.
"Chứ không phải chỉ nhìn vào những điều ở trong Hiến pháp, ở trong luật mà khi cộng đồng quốc tế gây sức ép, lên án thì họ (chính quyền VN) bắt đầu đưa những điều khoản đó vào trong luật.
"Nhưng thực tế có được thực thi hay không thì phải xem những văn bản dưới luật đã tước đi những gì? Tất cả những thông tư liên bộ của Bộ Công an, của truyền thông, của giáo dục, liên quan đến vấn đề giam giữ tù nhân ở Việt Nam, nó đang tước đoạt đi tất cả những quyền đó.
"Và chúng tôi muốn rằng cộng đồng quốc tế phải nhìn rõ bản chất của việc xây dựng pháp luật ở Việt Nam, đó là ở Việt Nam, bộ ngành nào quản lý lĩnh vực nào, thì bộ ngành đó soạn thảo và ban hành luật đó, còn Quốc hội chỉ là nơi xem xét thông qua.


"Nhưng bất kỳ bộ luật nào cũng thòng thêm một câu rằng 'giao cho Chính phủ thi hành chi tiết luật này, bộ đó sẽ tiếp tục xây dựng thông tư, xây dựng nghị định và cuối cùng là xây dựng thông tư. Nói trắng ra, họ tự ban hành luật để họ thi hành luật.
"Cho nên vấn đề nhân quyền ở Việt Nam rất là trầm trọng và những cam kết đó phải được sửa đổi," blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải nói với Bàn tròn về bang giao Việt - Mỹ.

'Không tránh khỏi mâu thuẫn'

Bình luận ý kiến này của blogger Điếu Cày, PGS. TS. Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nêu nói:
"Việt Nam mới bước vào kinh tế thị trường mới chỉ khoảng 20 năm nay thôi, trước đó Việt Nam có thể nói có một nền kinh tế hết sức lạc hậu, rồi lại trải qua rất nhiều năm chiến tranh, và sau đó một thời gian về chế độ bao cấp.

PGS. TS. Cù Chí Lợi
PGS. TS. Cù Chí Lợi nói nhiều thể chế ở VN như xã hội dân sự, kinh tế thị trường và pháp luật 'gần như chưa có'.

"Thực ra những xã hội dân sự hay những thể chế kinh tế thị trường, hoặc những thể chế pháp luật của Việt Nam là gần như chưa có. Cho nên trong hai năm vừa qua đã có những nỗ lực, đã có những cố gắng ban hành những luật, rồi cụ thể hóa thành những văn bản.
"Tôi nghĩ rằng về mặt kinh nghiệm hoặc là những kiến thức quản trị xã hội của Việt Nam vẫn còn tương đối nghèo, nếu mà nhìn các xã hội khác, nhìn các nước phương Tây, họ đã có vài trăm năm phát triển.
"Và trên cơ sở kinh nghiệm đó, người ta đã hiểu rất rõ về quản trị xã hội như thế nào, hình thành những luật lệ thế nào cho nó thực sự phù hợp, thì tôi nghĩ Việt Nam mới bước vào một không gian như thế, trong thời gian 20 năm vừa qua thôi, cho nên không tránh khỏi sự mâu thuẫn của luật nọ với luật kia, cũng như luật, những mâu thuẫn của những quy định cụ thể.
"Tất nhiên, quá trình này sẽ được từng bước điều chỉnh và thay đổi, tôi đồng ý rằng có những mâu thuẫn, thế nhưng tôi cho rằng nhìn về tổng thể và nói chung là những nỗ lực, thì cũng đang hướng vào.


"Vấn đề là làm sao xây dựng được một nhà nước pháp quyền, những văn bản pháp luật cho nó thực sự là phù hợp hơn, thì tôi cho rằng đây là những vấn đề mà Việt Nam cũng phải nỗ lực rất nhiều," ông Lợi nói.

'Cần qua một thời gian'

Quan chức nghiên cứu cho rằng Việt Nam cần có thời gian để 'hoàn chỉnh, điều chỉnh' luật pháp trong vấn đề 'quản lý xã hội' do Việt Nam còn có ít kinh nghiệm.
Phó Giáo sư Cù Chì Lợi nói: "Nhưng nhìn một cách tổng thể, nó đã có những thay đổi, có những bước phát triển, ví dụ sang kinh tế thị trường, nó vẫn còn nhiều những văn bản cần phải điều chỉnh nữa, thế nhưng mà đã có những bước tiến ít nhiều.
"Còn trong quản lý xã hội, thì chắc chắn Việt Nam còn phải học hỏi rất nhiều và cũng cần phải qua một thời gian mà mới có những bộ luật thực sự hoàn chỉnh.
"Tất nhiên tôi phải thừa nhận có những quan điểm ở trong vấn đề này, thế nhưng tôi cho rằng nền tảng cơ bản của Việt Nam, một xã hội quản trị bằng pháp luật là ở Việt Nam chưa có kinh nghiệm nhiều lắm.
"Cho nên không tránh khỏi những khó khăn nọ, có những mâu thuẫn giữa những luật và những quy định cụ thể, thì tôi cho rằng là đây là một lĩnh vực của Việt Nam cũng đang ưu tiên trong sự phát triển đó," ông Lợi nói.

'Không thể có khác biệt'

Trước đó, nhà nghiên cứu từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cũng thừa nhận hồ sơ dân chủ - nhân quyền vẫn còn là một trong những vấn đề, 'trở ngại' chính trong quan hệ Việt - Mỹ, mà ông gọi là 'khác biệt'.
Phó Giáo sư Cù Chí Lợi nói: "Vấn đề về dân chủ, nhân quyền là một vấn đề có từ lâu rồi, hai bên cũng có những khác biệt về vấn đề này, nhưng tôi nghĩ rằng là những vấn đề dân chủ, nhân quyền hai bên cũng đã có những trao đổi."
Bình luận về ý kiến này của ông Lợi, blogger Điếu Cày nói:


"Ở đây vấn đề như anh Lợi có nói vấn đề khác biệt giữa hai bên về vấn đề nhân quyền, tôi xin nói là Việt Nam và Mỹ cùng tham gia vào các Công ước Quốc tế, vì vậy chuẩn mực của công ước quốc tế là cái mà hai bên cùng phải theo đuổi để đáp ứng vấn đề nhân quyền.
"Chứ không thể có sự khác biệt vì hai bên đều là thành viên của các công ước đó. Còn vấn đề về nhân quyền ở Việt Nam và đặc biệt là vấn đề xây dựng pháp luật ở Việt Nam, để có một môi trường pháp luật minh bạch cho người dân, cho cả những nhà đầu tư nước ngoài, kể cả nhà đầu tư Hoa Kỳ, thì ở Việt Nam, môi trường pháp luật rất kinh khủng...
"Đó là việc hiện nay Việt Nam, chính báo chí Việt Nam đăng, là đang có hàng chục ngàn văn bản dưới luật có nội dung trái luật.
"Như vậy, các quyền của người dân, của doanh nghiệp có thể bị vi phạm bất cứ lúc nào, trong khi các quyền đó được nêu trong Hiến pháp, trong luật và trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết," từ Hoa Kỳ blogger Điếu Cày đưa ra lời phản biện với quan chức nghiên cứu tại Việt Nam.

Không có nhận xét nào: