Gần 100 năm đô hộ, dấu tích của người Pháp đã ghi lại ở Việt Nam là tên những con đường, địa danh mà giờ đây hầu như không còn nữa. Và ngược lại, nhiều tên đường ở Pháp cũng gợi lên những hoài niệm về một nước thuộc địa bên kia bờ Thái Bình Dương. Nhà văn Trần Thu Dung đã thu thập gần như đầy đủ những dấu tích đó qua quyển sách « Dấu ấn Việt Nam qua tên những con đường ở Pháp ». Thông tín Viên Tường An có cuộc phỏng vấn với nhà văn Trần Thu Dung về quyển sách này.
Sinh ra tại Hà nội, nhưng hơn nửa cuộc đời đã đi du học và làm việc tại Roumanie, Bỉ, Pháp... Chọn nước Pháp làm nơi định cư từ năm 1987. Bà Trần Thu Dung là tác giả của nhiều quyển sách khảo cứu như « Chữ viết ở Việt Nam , Đạo Cao đài và Victor Hugo, Hội Tam điểm…v.v… « Dấu ấn Việt Nam qua tên những con đường ở Pháp là cuốn sách song ngữ mới nhất mà bà Trần Thu Dung nguyên giáo sư trường sư phạm Hà nội, trường văn Nguyễn du vừa mới xuất bản bởi Nhà xuất bản Văn hoá thông tin, Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây
Quyển sách này là tập hợp của nhiều kiên trì, công phu và một phương pháp làm việc khoa học ; .
Bà phải mất 3 năm để tích luỹ tư liệu và kiểm chứng thông tin, mất 6 tháng để hoàn thành.
Quyển sách xuất bản cuối năm 2014 như một món quà tình cờ cho 40 năm quan hệ Pháp Việt. « Một sáng kiến tuyệt vời làm nhịp cầu thân ái nối kết hai dân tộc Việt- Pháp » như Giáo sư Nguyễn Thái Sơn ghi nhận.
Ngoài những hoài niệm về một thời huy hoàng của giấc mơ thuộc địa qua 71 tên con đường, địa danh có chữ Indochine ( Đông dương) và 65 con đường mang tên Tonkin (Bắc kỳ), cũng có những dấu ấn mang đậm chất Việt Nam như rue Viêt (phố Việt) , place Cho Lon (quảng trường Chợ Lớn) , rond point Saigon (bùng binh Sài gòn)…v.v…
Bên cạnh những trình bày rất khoa học như chụp hình bản đồ những con đường, kèm theo những đường link dẫn chứng, phân loại danh mục những con đường..v.v.. hơi hướm Hà Nội trong tác giả Trần Thu Dung vẫn thoảng qua trong cách gọi « đường » bằng « phố » như đường Việt ( rue Việt), đường Tonkin ( rue Tonkin) được gọi là phố Việt, phố Bắc kỳ..v.v…
Tường An : Thưa bà Trần Thu Dung, bắt đầu câu chuyện, xin bà có thể cho biết từ đâu mà bà có ý tưởng thực hiện cuốn sách này ?
Trần Thu Dung: Cái ý tưởng này nảy sinh cách đây 3 năm khi tôi nhận được bạn bè gửi 1 cái đường link về Đỗ hữu Vị. Rồi cứ tình cờ thấy đâu, đi chơi tôi bắt gặp những cái tên Annam, Tonkin, Tôi nảy ra ý định ghi chép toàn bộ tên đường thành một tư liệu. Hơn nữa tôi từng sống ở VN, chứng kiến những tên phố thay đổi nhiều, như trường tiểu học tôi học nằm ở đường Huyền Trân Công Chúa, sau vài năm đổi thành Bùi Thị Xuân, Ga hàng cỏ thành ga Hà nội, phố hàng cỏ, thành đường Nam Bộ, bây giờ là Đường Lê Duẩn, Hàng Bột thành đường Tôn Đức Thắng…. Sài pgòn sau 1975 một loạt tên phố cũng rất có ý nghĩa như Tự do, Công Lý cũng đổi tên. Ở Pháp sau cách mạng cũng một số đường đổi tên như đường thầy tu, thầy dòng bị đổi tên thành đường Voltaire, JJ Rousseau. Tên đường phố có gắn liền đến lịch sử chính trị của từng giai đoạn của mỗi nước. Vì thế nếu không ghi chép lại có thể cũng bị mất khi có sự kiện lớn khác xảy ra. Nên tôi nghĩ phải ghi chép lại để có một bằng chứng về một thời kỳ lịch sử nhất định. »
Tên đường phố có gắn liền đến lịch sử chính trị của từng giai đoạn của mỗi nước. Vì thế nếu không ghi chép lại có thể cũng bị mất khi có sự kiện lớn khác xảy ra. Nên tôi nghĩ phải ghi chép lại để có một bằng chứng về một thời kỳ lịch sử nhất địnhTrần Thu Dung
Tường An : Được biết bà đã tích luỹ tài liệu từ rất nhiều năm về trước, Để có được gần 200 tên đường thì khó khăn lớn nhất của bà khi thực hiện quyển sách này là gì ?
Trần Thu Dung : Khó khăn thực hiện cuốn sách này :
- Không phải tên đường nào cũng cập nhật trên mạng.
- Tên riêng VN cũng như chữ quốc ngữ có dấu : như Son Tây, Hai phong : - Cách viết rất khác nhau : không có đánh dấu, khi thì viết dính liền, khi thì viết rời, khi thì gạch ngang, khi có dấu, chưa kể lúc có lúc Haiphong (d’ và de), chữ đ, d tiếng Pháp viết đều là d : dang (đặng, có khi là dang N) Đó là cái khó khăn về ngôn ngữ , đó cũng là lý do vì sao tôi để tiếng Pháp nguyên vẹn và dùng 2 ngôn ngữ để người Pháp cũng tra cứu được.
- Kiểm chứng thông tin : Định vị chính xác ở đâu. Có nhiều đường không có trên bản đồ. Tôi phải mất khá nhiều thời gian : gọi điện cho tòa thị chính, hãng bất động sản, phòng mạch, tra tên trên nhiều site khác nhau vì một số hẻm, bùng binh quá nhỏ, hay mới có.
Ví dụ phố Đỗ Hữu Vị, tôi phải gọi điện đến tòa thị chính để kiểm chứng. Hoặc tôi tìm trên mạng bằng cách đánh tất cả tên các tỉnh lớn ở VN hay nhắc trong lịch sử xem có hiện ra không, nhưng có khi hiện ra là quảng cáo bán nhà của hãng bất động sản, tôi loay hoay tìm trên mạng không có thế là đành gọi điện hỏi hãng bất động sản. Nhiều khi thông tin cho cũng sai, và không có trên mạng như Hua bổn Hòa, người ta khẳng định 100% đã đến phố đó, ở nơi đó nhưng họ lại cho nhầm là bùi văn hòa, tôi loay hoay 3 ngày, và sau tôi tra danh sách phố của cả tỉnh đó….
- Cái khó khăn nữa là : Tìm nguyên nhân vì sao đặt tên người đó cho con đường : như hứa bổn hòa, Đặng N … là ai ( phố đặng (phố nha đặng)
Nói chung phải kiên nhẫn, nhưng rất lý thú khi tìm được những tên phố bất ngờ như Cao Bằng, Lạng sơn….là một sự bất ngờ đối với tôi.
Tường An : Xin bà cho biết chính quyền Pháp căn cứ vào tiêu chuẩn hay phương pháp nào để chọn một sự kiện, một nhân vật, một địa danh Việt Nam để đặt tên cho một con đường ?
Trần Thu Dung : Tiêu chí chọn tên con đường ở Pháp chủ yếu là vinh danh những con người, cho một xã hội tự do, dân chủ và bác ái, ca ngợi nghệ thuật và khẳng định giá trị của nền Cộng hoà. Có những kỷ niệm gắn liền với lịch sử nước Pháp , thí dụ như Tonkin, Indochine (Đông Dương) thí dụ như đường Đống đa, kỷ niệm sự kết nghĩa giữa Choisy le roi và quận Đống Đa Hà nội từ 1974. Những trận chiến thắng lớn, kỷ niệm thời hoàng kim thuộc địa : Son Tây, Bac ninh..v.v..
Điều tôi khâm phục là người thua cũng dám nhận mình thua, thí dụ: Cao Bằng, Điện Biên Phủ … Cái đó đau đớn của người Pháp, nhưng họ vẫn đặt tênTrần Thu Dung
Có rất nhiều tiêu chí, nhưng chủ yếu là vinh danh và cảm ơn những người có công đối với thành phố và nhân loại : Hua Bổn Hòa, Maximilien Phung. Tên phố như 1 tượng đài kỷ niệm những đồng đội ngã xuống trong chiến tranh.
Nhưng mà dù sao, người ta cũng đặt tên chung chung thôi, như là An nam, Tonkin, Hà Nội, có cả đường Sài gòn nữa.
Bao giờ người ta cũng ca ngợi chiến thắng, không bao giờ người ta ca ngợi sự thất bại cả, thành ra Điện Biên Phủ chí có một đường duy nhất thôi, mà ở rất xa, một nơi hẻo lánh.
Tường An : Như bà vừa nói : Tiêu chí chọn tên con đường ở Pháp chủ yếu là vinh danh những con người, cho xã hội, vinh danh cho giá trị nền cộng hòa : tự do dân chủ bác ái…. » tuy nhiên, ở nước Pháp có những con đường mang tên Hồ Chí Minh hay Nguyễn văn Trổi là những nhân vật mà đối với một số người có thể là người có công, những với một số người thì lại có tội, tại sao có những con đường mang tên Hồ Chí Minh, Nguyễn văn Trổi mà không là Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Phạm Quỳnh hay một nhân vật lịch sử nào khác ?
Trần Thu Dung : Để trả lời câu hỏi này là một đề tài nghiên cứu dài. Tôi nghĩ trong một cuộc chiến tranh nào thì dù thắng hay thua hai bên đều có nỗi đau, đều mất mát, hy sinh hết và tất nhiên bên thua thì đau đớn hơn nhiều. Và tên đường thể hiện sự bao dung, nhân đạo và khát vọng hoà bình. Điều tôi khâm phục là người thua cũng dám nhận mình thua, thí dụ : Cao Bằng, Điện Biên Phủ … Cái đó đau đớn của người Pháp, nhưng họ vẫn đặt tên. Thì tại sao có những tên đường mang tên Hồ Chí Minh hay Nguyễn văn Trỗi mà không có Phạm Quỳnh hay Bảo Đại hay Phan Bội Châu ? Tôi nghĩ tên danh nhân nào thì bao giờ cũng có một Hội đồng bình chọn. Nước Pháp đặt tên đường bằng tên Việt Nam chỉ có sau 1954, trước đó không có. Người Pháp chỉ đặt tên cho những người có công cho nhân loại hoặc có công đóng góp cho thành phố như Hứa Bổn Hoà hay Đỗ Hữu Vị. Thế nhưng tại sao đặt tên đường cho Hồ Chí Minh hay Nguyễn văn Trỗi ? Hồ Chí Minh thì đã rõ, bởi vì đây là một nhân vật lịch sử. Điều tôi khám phá ra là chỉ các đảo thuộc Pháp mới đặt tên đường Nguyễn văn Trỗi, Việt Nam anh hùng, theo tôi đó là ẩn chứa một khát vọng giành độc lập nhưng không thực hiện được như VN, nên họ khâm phục VN.
Ở nước Pháp, đảng Cộng sản khá mạnh, hầu như một số thì trưởng là người của đảng Cộng sản. Vành đai đỏ chung quanh Paris mang rất nhiều tên của người Cộng sản thí dụ như Lenine, Karl Marx…v.v… thì chuyện đặt tên Hồ Chí Minh hay Nguyễn văn Trỗi nó cũng nằm trong ý nghĩa đó.
Thú thực trước 1981 tôi không hề biết được làn sóng di tản lớn 1975 và 1979, vì thông tin bưng bít, chưa có internet, báo chí VIỆT NAM không đăng. Tôi đi du học trước 75. Tôi trở về và tham gia giảng dạy đại học. Nhưng báo chí không hề nhắc đến những cuộc di tản và những trại học tậpTrần Thu Dung
Tường An : Năm nay, kỷ niệm 40 năm chiến tranh chấm dứt. Ở Pháp có tên những con đường, những địa danh mà những người đã từng là thuyền nhân tị nạn không tránh khỏi khó khăn để chấp nhận. Riêng bà, khi đứng trước một con đường mang dấu ấn Việt Nam, cảm giác của bà ra sao ?
Trần Thu Dung : Khi đứng trước những con đường mang tên VN, đầu tiên là tôi ngạc nhiên, dù sao VN từng là nước bị Pháp đô hộ, mà Pháp lại lấy tên Việt Nam đặt cho tên đường, thì tôi thấy đây là tinh thần bao dung và nhân đạo, tự do dân chủ của người Pháp. Người ta muốn quên đi một cuộc chiến tranh và vinh danh một cái gì đó , có khoảng 60 đường mang tên Đông Dương, khi đó thì tôi cảm thấy vinh dự, cảm thấy khâm phục. Có quyền tự hào về điều đó chứ !
Nhưng thú thực, tôi lại rất buồn. Tại sao tôi buồn khi chị hỏi tôi là « cảm giác gì ? » Bởi vì tôi nghĩ rằng : Dân tộc chúng ta anh hùng như thế, tự hào như thế, tại sao lại có làn sóng di tản lớn như thế ?
Thú thực trước 1981 tôi không hề biết được làn sóng di tản lớn 1975 và 1979, vì thông tin bưng bít, chưa có internet, báo chí VIỆT NAM không đăng. Tôi đi du học trước 75. Tôi trở về và tham gia giảng dạy đại học. Nhưng báo chí không hề nhắc đến những cuộc di tản và những trại học tập và tôi cũng không biết trại học tập đó là ở đâu nữa. Kể cả bố mẹ tôi cũng giấu tôi về mối quan hệ gia đình vì tôi sinh sau 1954. Cả hai cụ thân sinh tôi đều có anh chị em ruột trong Sài Gòn, và có con cháu vượt biên và nằm trong trại học tập ở ngay ngoài Bắc. Những cuộc đi thăm của vợ con, gia đình những người ở trại học tập khi đến nhờ gia đình tôi giúp đỡ, cũng được giấu kín vì sợ ảnh hưởng đến lý lịch và sự nghiệp của tôi chính vì thế tôi cũng chưa vào Sài Gòn. Chỉ có năm 1990 tôi mới được biết Sài Gòn là gì .
Tôi nói dài ra một chút để chị hiểu thêm tôi có cảm giác gì khi mà nhìn tên những con đường đó, cái đó là cái đau buồn.
Còn vấn đề 40 năm, 40 năm rồi mà chúng ta chưa có một đội ngũ giảng dạy thật giỏi, con đại gia thì gửi ra nước ngoài học và không muốn về, kể cả những ông đại sứ Việt Nam sau khi hết nhiệm kỳ cũng ở lại nước ngoài mà có ông đại sứ nào ở nước muốn ở lại Việt Nam đâu ?
Tại sao Việt Nam anh hùng như thế mà tại sao chúng ta lại phải ra đi ? Nhân cuốn sách này, tôi cũng muốn nói ngầm là không có một chính quyền, một chính sách nào hoàn hảo cả. Vấn đề là mình có thừa nhận những sai lầm của mình để vươn lên hay không ? Dám đứng lên xin lỗi, nhận cái sai lầm của một giai đoạn nhất định.
Cám ơn bà Trần Thu Dung đã trả lời phỏng vấn cho đài Á Châu Tự Do.
Kính thưa quý vị,
Không phải đắn đo khi nhận định đây là một công trình nghiên cứu công phu và có giá trị về mặt tư liệu mà Patrice Jorland, chủ tịch Hội Ái Hữu Pháp-Việt gọi đó là « công việc quý của một thầy dòng chép sách »
Đóng quyển sách lại, người đọc cảm thấy khoảng cách hơn 10 ngàn cây số giữa hai nước Pháp và Việt như gần lại. Đã có 199 con đường ở Pháp mang tên Việt Nam, và con đường thứ 200 sẽ mang tên một địa danh nào hoặc sẽ vinh danh ai
?
?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét