VRNs (01.02.2015) – Tuần thứ 91 đến 96, tức từ ngày 29/12/2014 đến ngày 31/01/2015, Văn phòng nhận được hồ sơ của Dân oan các Tỉnh/Thành phố Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Sài Gòn và Bến Tre.
1) Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu:
Ông Trần Xuân Hiến; Ông Lý Khiêu; Bà Nguyễn Thị Hương- huyện Xuyên Mộc: Ông Hiến và là đại diện cho Ông Khiêu, Bà Hương trình bày: “Năm 1980, chúng tôi từ các tỉnh miền Bắc đi kinh tế mới vào Xuyên Mộc. Đầu năm 1987, Cty Dầu thực vật Đồng Nai hợp đồng dừa để sản xuất dầu ăn xuất sang Liên Xô. Chúng tôi đã bỏ công, sức, tiền bạc, mồ hôi, nước mắt vào khu rừng hoang, ngập nước ven biển (sau này gọi là ấp Hồ Tràm) để khai hoang trồng dừa. Theo HĐ với Cty, chúng tôi tự khai hoang đất, sau đó nhận cây giống, phân bón, tiền hỗ trợ từ Cty và bán sản phẩm cho Cty. Năm 1990, Liên Xô tan rã, Cty Dầu thực vật cũng lặng lẽ ra đi, tự ý đơn phương chấm dứt HĐ trồng dừa với chúng tôi. Từ đó chúng tôi canh tác ổn định, không có tranh chấp từ đó đến nay….
Căn cứ Điều 2 Luật Đất đai 1987, việc khai hoang, vỡ hóa đất của gia đình chúng tôi được nhà nước cho phép và khuyến khích…’. Nhưng ngày 22/4/2014, UBND huyện Xuyên Mộc đã ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai cho rằng những hộ dân này có hành vi vi phạm “chiếm đất’ và “hủy hoại đất đai”. Và ra quyết định “áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả…”. Các hộ dân khiếu nại và UBND huyện đã ra quyết định giải quyết cho rằng: Năm 1987, UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt ranh giới vùng chuyên canh trồng cây cọ dầu và cây dừa để thực hiện dự án hợp tác giữa VN với Liên Xô (cũ) và CHDC Đức (cũ). UB tỉnh giao cho Cty liên hiệp Dầu thực vật Đồng Nai làm chủ đầu tư….Cty ký HĐ trồng mới cây dừa với ông Hiến và giao diện tích 7.5 ha. Cấp vốn, phân bón, cây giống…và ông Hiến nộp sản phẩm khi thu hoạch… Tháng 6/1990, Cty ra thông báo ngừng đầu tư hợp tác trồng dừa nhưng chưa thanh lý hợp đồng… Ngày 23/7/1993, UB tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu quyết định chuyển 210 ha trồng dừa (trong đó có 7.5 ha mà Ông Hiến nhận trồng dừa theo hợp đồng) sang trồng rừng để phủ xanh đất trống. Ngày 22/5/2008, UB tỉnh thu hồi 156 ha đất tại xã Phước Thuận, do dự án rừng phòng hộ đang quản lý…giao UB huyện Xuyên Mộc quản lý. Qua kiểm tra, rà soát, UB xã phát hiện vi phạm và tiến hành lập Biên bản… Ông Hiến tự ý lấn chiếm diện tích 23.465 m2 và hủy hoại đất công…” Quyết định cũng căn cứ Luật Đất đai 1993 và 2003 “nghiêm cấm lấn, chiếm, hủy hoại đất…” để bác khiếu nại của các hộ dân. Hồ sơ các hộ dân cung cấp có Đơn khiếu nại (lần 2), theo Văn phòng đã đầy đủ nội dung. Tuy vậy, còn một số nội dung không phù hợp pháp luật khác như UB Huyện đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng cùng ngày lại ra quyết định “áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính” là mâu thuẫn, trái luật. Hồ sơ giải quyết khiếu nại- trong trường hợp này- không có “tổ chức đối thoại” là chưa phù hợp Luật Khiếu nại. Từ năm 1990, theo UB, Cty đã ngừng hợp đồng, nhưng chưa thanh lý, ông Hiến vẫn khai hoang, sử dụng đất…Đến 1993, theo UB, tỉnh mới có quyết định chuyển…Như vậy, không thể cho rằng ông Hiến lấn, chiếm đất…và càng không thể áp dụng Luật đất đai 1993 và 2003 về “nghiêm cấm lấn chiếm…”. Do vụ việc ở xa, lại không có đủ hồ sơ, Văn phòng đề nghị các hộ dân liên hệ Luật sư tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu hoặc Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh số 40 đường Lý Thường Kiệt phường 1, thành phố Vũng Tàu; Điện thoại: 064.381.0095; 064.351.2275; Fax : 064.351. 2275.
2) Tỉnh Bình Dương:
Ông Lê Đình Một, huyện Phú Giáo: Ông viết: “Gia đình tôi đã có quá trình sử dụng đất trước 15/10/1993, diện tích đất là 588m2. Nhưng huyện Phú Giáo cho rằng đất gia đình tôi đang sử dụng là đất công. Khi gia đình xin cấp quyền sử dụng đất thì chỉ cấp 248m2. Số còn lại là 340m2, UB huyện đã tự ý cưỡng chế lấy đất của tôi ngày 21/1/2015 mà không có quyết định thu hồi…”. Vụ việc của Ông đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai của tỉnh Bình Dương từ 2012, nội dung trong quyết định của huyện và tỉnh khác với trình bày của Ông, Văn phòng đề nghị Ông vui lòng cung cấp Đơn xin cấp nhà ở ngày 30/71988 để có căn cứ hướng dẫn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp .
3) Sài Gòn:
Ông Nguyễn Quốc Khánh, quận Bình Thạnh: Ông gửi hồ sơ Bản án kết tội ông “âm mưu lật đổ chính quyền”, với mức án 6 năm tù và bị tịch thu 1/3 tài sản trong vụ án “Mặt trận quốc gia giải phóng Việt nam” năm 1980. Theo bản án , “ông ngoan cố không nhận tội”… Trong hồ sơ ông gửi cũng có chứng từ bưu điện (photo) đóng dấu ngày 8/12/1994 gửi Chánh án TANDTC tại Hà Nội Khiếu nại Bản án… Văn phòng sẽ trực tiếp liên hệ với ông.
4) Tỉnh Bến Tre:
Bà Đoàn Thị Thảo, huyện Giồng Trôm: Bà cho biết: “Gia đình tôi chịu bản án oan do 2 cấp Tòa sơ thẩm và phúc thẩm huyện, tỉnh chèn ép. Được Giám đốc thẩm Hà Nội hủy án, yêu cầu xác minh làm rõ. Nhưng hai cấp sơ và phúc thẩm không theo chỉ đạo giám đốc thẩm mà vẫn trói buộc, chèn ép gia đình chúng tôi. Gia đình tôi đầy đủ chứng cứ nhưng đến nay chưa được Tòa án chấp nhận”. “Cơ quan thi hành án làm sai, không xem xét rõ tài sản sản của gia đình là đất cấp cho hộ mà kê biên lấy hết…không chừa phần nào sinh sống…tiếp theo là ủy ban huyện, tỉnh ra quyết định khắc phục hậu quả trả đất lại cho người mua trúng đấu giá…ép buộc gia đình chúng tôi. Gia đình chúng tôi không chấp nhận ức oan này, chúng tôi nhờ sự giúp đỡ của Phòng Công Lý Hòa Bình làm sáng tỏ trả lại công bằng cho gia đình…” . Vụ việc tranh chấp “hợp đồng vay tài sản” giữa các cá nhân (nguyên đơn ông/bà Huỳnh Trung Thiện và Đào Thị Pha với bị đơn ông/bà Nguyễn Văn Cơ và Đoàn Thị Thảo) đã qua 5 lần xét xử của Tòa án huyện, tỉnh và giám đốc thẩm. Bản án phúc thẩm (lần 2) do Tòa án tỉnh Bến Tre tuyên xử ngày 16/7/2012. Hồ sơ có nhiều Đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm …Và hồ sơ khiếu nại Chi cục thi hành án dân sự huyện Giồng Trôm; Quyết định v/v áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của UBND huyện Giồng Trôm…Văn phòng sẽ liên hệ trực tiếp hẹn giờ làm việc với Bà để tìm hiểu thông tin trước khi có hướng dẫn
Văn phòng Công lý-Hoà bình
Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét