Kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, cùng với thời gian, cả Washington lẫn Hà Nội đều theo đuổi một quan hệ gần gũi nhau hơn trên nhiều phương diện, và dần dần đã chuyển dịch từ thế đối địch sang đối tác.
Trước tiên, nói đến quan hệ giữa hai quốc gia với nhau, thông thường các đối tác cần phải dựa trên niềm tin, từ Ngoại giao, thương mại, văn hoá, giáo dục ch tới truyền thông v.v… và đặc biệt là về an ninh, quốc phòng.
Câu hỏi đặt ra là liệu Hà Nội và Washington đã sẵn sàng và đủ độ tin cậy lẫn nhau để nâng tầm quan hệ song phương lên cấp "đối tác chiến lược" hay chưa, nhất là Việt Nam, nếu đã sẵn sàng thì phải có động thái cụ thể gì?
Vụ giàn khoan HD-981 của Trung Quốc hạ đặt sâu vào thềm lục địa của Việt Nam trong năm 2014 vừa qua là một bằng chứng cho thấy sự hung hăng, lấn lướt và mưu đồ của Trung Quốc đã lộ rõ nguyên hình, bản chất.
Thực vậy, nhìn lại nhiều thập niên trở lại đây, Trung Quốc đã đang từng bước thực hiện mưu đồ thôn tính Biển Đông trong một chiến lược dài hạn, chứ không phải chỉ dừng ở những diễn biến, vụ việc đơn lẻ.
Bài ca "4 tốt và 16 chữ vàng " giờ là nỗi ô nhục trong quan hệ của cả hai nước, khiến Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết là cần phải lựa chọn Hoa Kỳ là đối tác an ninh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải trên Biển Đông và tham gia vào TPP để hưởng lợi ích Kinh tế và thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc.
Hợp tác thế nào?
Vấn đề được đặt ra là hợp tác thế nào để cả Việt Nam và Mỹ đều cùng có lợi không chỉ cho ngày hôm nay mà chắc chắn trong cả tương lai lâu dài.
Thực vậy, Hoa Kỳ đã bày tỏ mong muốn Việt Nam trở nên mạnh mẽ, ổn định, độc lập và có năng lực cũng như quyết tâm, quyết đoán hơn chống lại sức ép từ Trung Quốc (điều này cũng phù hợp với mong muốn của người dân Việt Nam).
Do vậy Hoa Kỳ phải có biện pháp để vừa cải thiện năng lực quân sự của Việt Nam, trong lúc không quên thúc đẩy hơn nữa tiến trình dân chủ của quốc gia Đông Nam Á này.
Việt Nam có thể trở thành một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ trong việc xây dựng một nền tảng an ninh để duy trì hoà bình trong khu vực.
Phía Mỹ cũng muốn Việt Nam hội nhập vào hiệp định TPP và giúp Việt Nam thực hiện các cải cách kinh tế, luật pháp và chính trị cần thiết, nhằm tạo ra một môi trường lành mạnh thuận lợi cho các nhà đầu tư của Mỹ vào Việt Nam.
Việt Nam có vẻ đã hiểu rằng sự chậm trễ tiến bộ về dân chủ - nhân quyền là một trở ngại lớn cho quan hệ chiến lược giữa hai nước.
Thế nhưng, Việt Nam đã thực sự nghiêm túc, chiến lược , dài hạn hay chưa trong quan hệ với Hoa Kỳ? Hay chỉ đáp ứng, cử xử như nhu cầu tình thế.
Về mặt Nhân quyền, khi Việt Nam tham gia ký kết Công ước Quốc tế về Quyền con người, thiết nghĩ họ không thể ký cho có được.
Trái lại, họ buộc phải rà soát, xem lại luật pháp, Hiến pháp của mình xem có điều gì trái với các công ước quốc tế mà mình đã ký kết, tham gia, để chỉnh sửa chúng sao cho phù hợp với trào lưu Nhân quyền của loài người tiến bộ trên toàn Thế giới.
Về mặt pháp luật, một môi trường pháp luật không minh bạch sẽ gây nhiều trở ngại và thiệt hại cho các nhà đầu tư tư nhân cũng như các nhà đầu tư nước ngoài, tuy mang lại lợi thế trước mắt cho các doanh nghiệp nhà nước.
'Sửa đổi, xóa bỏ'
Tuy nhiên, hàng chục ngàn văn bản dưới luật có nội dung trái luật, trái Hiến pháp, vi phạm các công ước quốc tế đã đang được ban hành và ngang nhiên tước đoạt những quyền con người cơ bản, quyền dân sự và chính trị của người dân, doanh nghiệp là một thực tế mà Việt Nam phải thừa nhận và sửa đổi.
Thực vậy, Nhà nước Cộng sản Việt Nam không cho phép báo chí tư nhân được thành lập và hoạt động, họ bắt giam và sách nhiễu những người bất đồng chính kiến bằng những điều luật mơ hồ như các điều 258, 88,79 và nghị định 72.
Họ ngăn cấm người dân tham gia vào việc quản lý Nhà nước bằng điều 4 Hiến pháp.
Họ xây dựng hàng loạt nhà tù của an ninh và thực hiện việc giam giữ tù nhân chính trị theo Thông tư 37 BCA của Bộ Công an, một văn bản trái với tinh thần của Hiến pháp, trái với các công ước nhân quyền và quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Văn bản này đã và đang tước đoạt hết các quyền và chế độ của tù nhân đã được quy định trong Luật Thi hành án Hình sự và các bộ luật có liên quan.
Rõ ràng, chính những điều luật này đã đi ngược lại công ước Quốc tế về Quyền Con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Vậy thì để hội nhập và để hợp tác sâu hơn, nghiêm túc hơn với các đối tác phát triển, an ninh như Hoa Kỳ và phương Tây, ở quốc tế, cũng như khu vực, Việt Nam phải nghiêm túc sửa đổi hoặc xóa bỏ những điều luật vi phạm nhân quyền đó.
Chính quyền Việt Nam phải chấm dứt ngay và hủy bỏ việc ban hành những văn bản dưới luật sai trái như vậy, phải nghiêm túc xây dựng một môi trường pháp luật minh bạch hơn, tôn trọng nhân quyền hơn.
Thiết nghĩ, có như vậy thì quyền con người tại Việt Nam mới được thực thi đúng được theo công ước Quốc tế đã chỉ ra và bởi vì vấn đề Nhân quyền luôn là vấn đề hàng đầu trong mọi quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam.
Đây chính là mấu chốt của vấn đề dẫn đến niềm tin của cả hai phía, tạo ra sự đồng thuận để cùng nhau phát triển, đồng thời giúp cho Việt Nam bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải của mình hữu hiệu hơn trước âm mưu biến Biển Đông thành "ao nhà" của chính quyền cộng sản Trung Quôc vốn có dã tâm và chiến lược lâu nay nhắm tới thôn tính Việt Nam.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà báo, blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải, cựu tù nhân chính trị, thành viên sáng lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do Việt Nam, hiện đang sống ở Nam California, Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét