Vào tháng 1/2011, Trung Quốc đã làm cho Hoa Kỳ sửng sốt khi chiếc khu trục cơ Chengdu J-20 cất cánh lần đầu đúng ngày bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates đến thăm Bắc Kinh.
Đó là chiếc chiến đấu cơ được thiết kế theo công nghệ tàng hình (stealth technology) mà giới chuyên gia quân sự Tây Phương không nghĩ rằng Trung Quốc đã có khả năng chế tạo.
Sau đó, chiếc khu trục cơ Shenyang J-31 ra mắt tại Hội chợ Hàng không tại Chu Hải tháng 11/2014, trùng thời gian với chuyến viếng thăm Bắc Kinh của Tổng thống Barack Obama nhân dịp hội nghị thượng đỉnh Apec, và lại làm thế giới ngạc nhiên.
Sự ra mắt của hai chiếc chiến đấu cơ tối tân là nhằm phô trương tiềm lực công nghệ của Trung Quốc.
Đó cũng là một tín hiệu buộc các nước láng giềng để phải chú ý đến sức lực quân sự ngày càng gia tăng của cường quốc này.
Từ đầu thiên kỷ 2000 Trung Quốc tân trang hóa quân đội với kết quả là không quân và hải quân được tăng cường hàng loạt máy bay, chiến hạm và tàu ngầm hiện đại.
Như chiếc J-20, chiếc J-31 cũng được thiết kế theo công nghệ tàng hình, có nghiã là các hệ thống phòng không như radar khó có thể phát hiện được những máy bay này.
Hoa Kỳ hết độc quyền?
Công nghệ tàng hình cho đến nay đã được xem là một kiến thức độc quyền của kỹ nghệ hàng không Mỹ.
Mãi đến năm 2010, tức là gần hai mươi năm sau chuyến bay đầu tiên của chiếc máy bay tàng hình đầu tiên của Mỹ F-117, chỉ có Nga mới đưa ra một chiếc khu trục cơ với công nghệ này là chiếc Sukhoi T-50.
Trung Quốc theo bước các nước trong lãnh vực này nhanh chóng và sự trùng dạng đập vào mắt của J-31 với F-35 của Mỹ được cho là kết quả của nỗ̉ lực 'thu nhập' kiến thức bí mật quốc phòng của Trung Quốc tại phương Tây, nói thẳng ra là hoạt động gián điệp.
Theo báo Wall Street Journal, năm 2009 tình báo Mỹ đã khám phá ra cuộc tấn công quy mô vào các hệ thống vi tính của bộ quốc phòng Mỹ cũng như của các hãng chế tạo máy bay quân sự.
Kẻ đột nhập đã cướp được nhiều terrabyte tài liệu về những hệ thống vũ khí mới nhất của Mỹ, trong đó có những tài liệu về cấu trúc của chiếc F-35.
Tháng Sáu 2014, theo trang tin Defense News, cơ quan tình báo FBI buộc tội một người Hoa sống tại Canada tên là Su Bin đã tìm cách lấy những tài liệu bí mật về hai chiếc F-22 và F-35 từ các hệ thống vi tính của các công ty quốc phòng Mỹ.
Hoa Kỳ cho rằng những tài liệu về chương trình thử nghiệm của chiếc F-35 có thể giúp Trung Quốc bắt kịp trình độ của Mỹ một cách nhanh chóng.
Các kiểu máy bay chiến đấu mới nhất hiện tại của Trung Quốc đều đuợc chế tạo không ít thì nhiều với sự giúp đỡ của nước ngoài.
Như Chengdu J-10 được cho là đã hấp thụ một phần lớn kiến thức của Israel vì chiếc máy bay giống chiếc chiến đấu cơ Israel Aerospace Industries Lavi rõ rệt, và chiếc J-10 xuất hiện khoảng 10 năm sau khi chương trình chế tạo chiếc Lavi kết thúc.
Các chiến đấu cơ mạnh nhất của Trung Quốc là chiếc Shenyang J-11 và J-15 đều là bản sao lại của chiếc Su-30 và SU-33 của Nga.
Những thí dụ này cho thấy là Trung Quốc không thể nào có đủ sức để tự thiết kế máy bay tàng hình tinh vi nếu không có những kiến thức lấy được.
Chiếc J-31 tuy hình giạng giống nhiều nhưng chưa chắc đã tinh vi như cái mẫu của nó. Ngoài cấu trúc tàng hình, chiếc F-35 còn có những điểm đặc trưng sau:
- Hệ thống rađa điện tử dùng công nghệ AESA (Active Electronically Scanned Array).
- Hệ thống truyền tin băng thông cao và khó bắt chặn (high-bandwidth, low-probability of intercept data link)
- Hệ thống giác quan tối tân giúp người phi công có thể quan sát 360 độ quanh chiếc máy bay.
- Buồng lái thiết kế trên nguyên tắc 'fusion cockpit'. Tất cả các dụng cụ điều chỉnh máy bay, hệ thống giác quan và hệ thống quản lý chiến đấu đều được tích hợp vào trong một màn hình cảm ứng lớn, gọi là PCD (Panorama Cockpit Display), giúp người phi công nhận xét tình hình chiến thuật nhanh chóng. Người phi công cũng sẽ có thể điều khiển máy bay hoặc vũ khí bằng tiếng nói (voice control).
Nhưng những điểm đó không chắc chắn là chiếc J-31 sẽ có.
Thêm nữa, để không bị radar phát hiện, vũ khí phải được treo trong các ẩn ở thân máy bay.
Bắn hỏa tiễn từ trong những buồng này trong lúc bay với tốc độ cao cũng không phải là chuyện dễ.
Không phải kiểu bom hoặc hỏa tiễn nào cũng gắn được lên những máy bay tàng hình này, và mỗi loại hỏa tiễn hoặc bom đều phải được chỉnh sửa để thích nghi với máy bay. Hiện tại chiếc F-35 có khả năng mang nhiều loại vũ khí hơn cả chiếc F-22.
Ngoài ra một động cơ phản lực mới cũng đã được thiết kế cho chiếc F-35. Chiếc động cơ Pratt & Whittney F-135 là động cơ phản lực mạnh nhất hiện nay.
Vì chiếc F-35 sẽ được sản xuất theo ba mẫu, F-35 A cho Không quân, F-35 B với khả năng lên thẳng cho Thủy quân lục chiến, và chiếc F-35 C cho Hải quân dùng trên những hàng không mẫu hạm, động cơ F-135 cũng sẽ có ba kiểu.
Trong khi đó Trung Quốc hiện tại không có khả năng để tự thiết kế động cơ phản lực. Hơn nữa Trung Quốc phải mua động cơ của Nga để trang bị cho những máy bay xuất khẩu, thí dụ như chiếc FC-1 bán cho Pakistan.
Theo phỏng đoán của các chuyên gia hàng không phương Tây thì chiếc J-31 dùng hai động cơ kiểu Saturn AL-31 của Nga. Đó là động cơ cũng đuợc sử dụng trên chiếc SU-33 cũng như trên chiếc J-11 và J-15.
Trung Quốc đang cố gắng tự chế tạo một động cơ tên là WS-13 nhưng không biết sẽ thành công hay không. Sau những xích mích về việc Trung Quốc bỏ hợp đồng mua 50 chiếc SU-33 và sao lại chiếc này mặc dù không có sự chấp thuận của Nga, việc nước Nga giúp
Trung Quốc làm động cơ cho máy bay để cạnh tranh với mình là một chuyện không có xác suất cao lắm.
Như thế, tuy chiếc J-31 đã bay lần đầu thành công, nhiều câu hỏi về công suất và khả năng của nó chưa được trả lời cặn kẽ, cho nên chưa ai có thể xác định rằng nói có phải là một đối thủ xứng đáng cho F-35 của Mỹ hay chỉ là 'rồng giấy'.
Trước mắt, sự trùng hợp hình dạng của J-31 với F-35 cho thấy có thể Trung Quốc đã thành công phần nào trong việc nhái lại công nghệ tàng hình.
Điều chắc chắn là J-31 sẽ rẻ hơn chiếc F-35 rất nhiều.
Hiện tại dự thảo ngân sách của Mỹ để mua khoảng 2.456 chiếc F-35 cho tất cả ba binh chủng là 396 tỉ USD. Như thế giá hệ thống (system price) của một chiếc F-35 là khoảng 160 triệu USD.
Vì J-31 chỉ có thể tàng hình bằng một phần và còn chưa bằng đối thủ về độ tinh vi, Trung Quốc phản sản xuất một số lượng lớn mới tạo ra một vấn đề cho Mỹ và các đồng minh hật và Nam Hàn trong một trường hợp xung đột trực tiếp.
Nhật cũng đã đặt mua 42 chiếc F-35, và Nam Hàn 40 chiếc. Nhưng dù chiếc F-35 có tân tiến tới đâu, nếu phải đương đầu với một lực lượng tuy kém hơn một chút nhưng đông gấp mấy lần thì cũng không dễ dàng dành được chiến thắng.
Với hai chiếc J-20 và J-31, Trung Quốc đã trực tiếp bước vào cuộc chạy đua vũ khí với Mỹ trên bầu trời.
Con rồng đỏ còn vụng về yếu ớt. Nhưng nó đang tập bay và tìm mọi cách để học những bí quyết của con đại bàng. Con đại bàng phải phấn đấu để giữ thế ưu việt chứ nếu không đến một ngày sẽ bị con rồng đỏ quật xuống.
Bài viết thể hiện cách phân tích riêng của ông Nguyễn Xuân Vinh, một kỹ sư hàng không, hiện sống tại Frankfurt, CHLB Đức.
1 nhận xét:
PHẢI CÓ NGƯỜÍ BÁN CÔNG NGHỆ CHO TÀU CỘNG CHỨ .NÓ KG THÔNG MINH LẮM ĐÂU .CẢ TRĂM NĂM SỐNG THÁI BÌNH LO QUẦN QUẬT VỚI MIẾNG CƠM MANH ÁO .LÀM CHÊT MẸ ĐỄ NUÔI ĐẢNG ĂN TRÊN NGỒI TRỐC .NẾU DƯỚI NỀN DÂN CHỦ THÌ KHÁC .NÓ ĐỪNG LÁO CÁ RÁNG CHỜ 2-30 NĂM NỮA ĐỂ TÍCH LŨY CÔG NGHỆ THẰG MỸ SẼ THUA NHƯNG Ý ĐỒ BÀNH TRƯỚNG LỘ RA QÚA SỚM TÀU CỘNG SẼ BỊ TIÊU DIỆT .
Đăng nhận xét