Pages

Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

Tại sao tiểu thương luôn chống lại các dự án xây chợ mới?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok

Tiểu thương chợ Đầm tụ tập phản đối trước chợ.

Tiểu thương chợ Đầm tụ tập phản đối trước chợ ngày 30 tháng 1, 2015
 Tienphong/online



Hầu như tất cả các dự án trưng thu đất đai đều bị người dân chống đối, ngay cả các dự án xây dựng chợ mới cũng không ngoại lệ. Mới đây nổi lên các vụ biểu tình chống dự án đập bỏ Chợ Đầm tại Nha Trang và vụ tự thiêu tại chợ mới Đại Hiệp huyện Đại Lộc, Quảng Nam cho thấy chính quyền địa phương khi ký duyệt các dự án luôn bỏ quên yếu tố quan trọng nhất là “người dân”.


Đằng sau các dự án
Khi một ngôi chợ trở nên cũ kỹ thông thường các tiểu thương đều trông mong nhà nước cho sửa sang lại để việc buôn bán của họ thuận tiện và phát đạt hơn. Mong muốn chính đáng và phổ biến ấy tuy được nhà nước chú ý và cho xây dựng các chợ mới, thông thường lớn hơn, sạch đẹp hơn nhưng lại không được giới tiểu thương chấp nhận và luôn luôn xảy ra các tranh chấp nặng nề.
Sự việc đáng ngạc nhiên ấy diễn ra hầu như trên toàn quốc, tại bất cứ dự án lớn nhỏ nào và chuyện này lập đi lập lại hàng chục năm qua từ khi các dự án xây mới chợ được nhà nước quan tâm. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân vẫn là sự ám muội từ một số cán bộ trong chính quyền khiến nhà đầu tư mặc sức muốn ép người dân cách nào cũng được. Nhà báo Võ Văn Tạo, người có rất nhiều bài viết về dự án đất đai cho biết cái nhìn của ông về vấn đề này:
-Nói về bản chất thì nó cũng như phần lớn các dự án trên toàn quốc Việt Nam thôi. Có nghĩa là nhân danh phát triển kinh tế rồi này kia các thứ. Người ta làm động tác thu hồi nhà nước và nhà đầu tư thu hồi đất để làm dự án. Phần lớn người dân hầu như trăm phần trăm đều phản đối vì bản chất vấn đề là người ta không bồi thường thỏa đáng. Dự án nào cũng mang cái lợi về cho nhà đầu tư và không loại trừ có dự án phải đi đêm. Quá trình làm thì tất nhiên trong luật của Việt Nam như luật đầu tư, xây dựng …đều bài bản lắm.
Luật thì không thiếu đâu rất đầy đủ. Như cần phải tiếp xúc với người dân lấy ý kiến…cần phải công khai minh bạch, dân biết dân bàn dân kiềm tra…gì gì nữa nhưng hầu như dự án nào họ cũng phớt lờ cái đó hết. Tất cả dự án thu hồi đất ở VN hiện nay là như thế
Nhà báo Võ Văn Tạo
Luật thì không thiếu đâu rất đầy đủ. Như cần phải tiếp xúc với người dân lấy ý kiến…cần phải công khai minh bạch, dân biết dân bàn dân kiềm tra…gì gì nữa nhưng hầu như dự án nào họ cũng phớt lờ cái đó hết. Tất cả dự án thu hồi đất ở Việt Nam hiện nay là như thế.
Hai câu chuyện về dự án xây dựng chợ mới xảy ra hầu như cùng lúc tại Nha Trang và Quảng Nam đã đặt lại vấn đề việc chính quyền và nhà đầu tư cùng nhau sách nhiễu tiểu thương thông qua các dự án phá bỏ chợ cũ xây dựng chợ mới.
Tại Nha Trang sáng ngày 30 tháng 1 hàng trăm tiểu thương đã bãi thị cầm biểu ngữ biểu tình phản đối chính quyền và chủ đầu tư là công ty cổ phần Sông Đà, đã ép họ trong một thời gian rất ngắn phải chấp nhận đăng ký tại khu chợ mới đang xây dựng và việc này dẫn đến rất nhiều hệ lụy cho việc mua bán của họ.
Với hơn 1.300 hộ đang kinh doanh trong chợ Đầm tròn, việc phá bỏ ngôi chợ cũ khiến một cộng đồng đang sinh hoạt mua bán sẽ bị xáo trộn và quan trọng nhất là quyền lợi hợp pháp của họ không được chú ý. Chính quyền tỏ ra không cần biết khi buộc tiểu thương rời khỏi gian hàng mà họ bỏ cả đời ra đầu tư mà không có sự bồi thường thiệt hại thỏa đáng. Trong khi đó chủ đầu tư cũng nương theo sự lơ là ấy buộc người dân theo các yêu cầu bất hợp lý đến độ khó tin và do đó việc phản kháng nổi lên là điều khó tránh.
Sự im lặng và bất cần nguyện vọng người dân của UBND Tỉnh  Nha Trang là viên đá ném vào mặt hồ dư luận khiến nó dậy sóng. Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang cho biết:
Thời gian rất là gấp mà trong khi dân người ta phản ứng ngay bằng cách gửi văn bản cho Ủy ban Tỉnh nhưng UB Tỉnh không tổ chức giải quyết, không họp, không trả lời cho nên mới xảy ra cái vụ đó
Nhà báo Võ Văn Tạo
-Vào ngày 7 tháng 1 thì tiểu thương đã có gửi đơn cho tỉnh nhưng họ không trả lời, không giải quyết cho nên nó mới bùng phát ra. Trong khi công ty cổ phần Sông Đà nó phát cái thông báo là ngày 30 tháng 12 nó hẹn trong một tháng thôi nếu ai không đến đăng ký thuê sạp hay góp vốn thì coi như hộ đó không có nhu cầu. Thời gian rất là gấp mà trong khi dân người ta phản ứng ngay bằng cách gửi văn bản cho Ủy ban Tỉnh nhưng UB Tỉnh không tổ chức giải quyết, không họp, không trả lời cho nên mới xảy ra cái vụ đó.
Tranh chấp giữa tiểu thương và chính quyền tại chợ Đại Hiệp đã dẫn lại kết quả đáng buồn là việc tự thiêu của bà Nguyển Minh Tân vào sáng ngày 31 tháng 1. Bà Tân được tiểu thương chợ đề cử như người đại diện lặn lội ra tận Hà Nội để kêu gọi sự chú ý của trung ương, khi bà mang văn bản yêu cầu ngưng dự án xây chợ mới Đại Hiệp do Quốc hội ký thì lại gặp cảnh hầu hết tiểu thương đã chấp nhận vào trong chợ mới. Tuyệt vọng và cho rằng bị phản bội bà Tân đã tự thiêu và hiện thời vẫn còn nằm trong bệnh viện với vết phỏng gần 60%.
Ý kiến người dân
Khi muốn thay đổi một địa điểm mua bán rộng lớn liên quan đến tập quán sinh hoạt của người dân tại địa phương việc cần chú ý nhất là địa điểm mới có thuận tiện cho người đi mua sắm hay không.  Kinh nghiệm ế ẩm của hàng trăm ngôi chợ mới xây khắp nước vẫn không cho các chính quyền địa phương một tầm nhìn khác, họ vẫn chấp nhận mọi dự án xây dựng chợ mới ở bất cứ đâu miễn là nhà đầu tư chịu bôi trơn khi dự thầu. Nhà báo Võ Văn Tạo theo kinh nghiệm của mình cho biết:
Chúng tôi cứ đứng mà khóc thôi chứ không biết làm gì hết. Đứng giữa trời nắng chưa có ki-ốt chưa có gì hết. Khu vực này không thể có khách được vì không có khách vãng lai. Mọi khi đến giờ là đã bán hết hàng rồi nhưng giờ chờ tới 10 giờ vẫn bưng hàng về
Bà Vân một tiểu thương
-Đã nhiều dự án chợ thất bại rồi có lẽ dự án chỉ cốt vẽ ra để lấy tiền thôi nhưng cuối cùng không tiện tập quán sinh hoạt của tiểu thương và người dân cho nên chợ làm xong để đó rất lãng phí.
Bà Vân một tiểu thương chợ Đại Hiệp mới vừa hoàn thành, đứng khóc giữa chợ vì buôn bán ế ẩm và tương lai mù mịt không biết ra sao, bà Vân cho chúng tôi biết:
-Giá cả thì không quan trọng tại vì buôn bán được thì giá cả bao nhiêu tụi tôi cũng đóng hết nhưng bây giờ buôn bán không được. Chính quyền đưa xuống bắt chúng tôi vào chứ hồi xưa chúng tôi đấu tranh là cho không chúng tôi cũng không vào chợ này mà. Địa điểm cách chợ cũ cả trăm mét nhưng mà chợ mới nằm ở trục đường quốc lộ cho các đường xe buýt, xe taxi đi và toàn người trong Khâu (dân tộc thiểu số Khâu). Cách chợ cũ hơn cả trăm mét luôn. Hồi xưa thì xoay mặt ra hướng quốc lộ bây giờ thì xoay mặt ra hướng lên núi toàn là người Khâu chứ không có người vãng lai nào hết.
Chúng tôi cứ đứng mà khóc thôi chứ không biết làm gì hết. Đứng giữa trời nắng chưa có ki-ốt chưa có gì hết. Khu vực này không thể có khách được vì không có khách vãng lai. Mọi khi đến giờ là đã bán hết hàng rồi nhưng giờ chờ tới 10 giờ vẫn bưng hàng về. Bữa hôm qua có mấy phóng viên tôi đã bưng hết những đồ ế ẩm của tui cho họ quay. Tôi mong các cấp trên về tới địa phương chúng tôi quan sát cảnh bần hàn của địa phương chúng tôi như thế nào.
Chợ Đầm tròn Nha Trang ngoài chức năng là một nơi buôn bán nó còn là biểu tượng của thành phố biển với kiến trúc tân kỳ. Cả nước không có mấy ngôi chợ có kiến trúc như thế vì vậy việc đập bỏ ngôi chợ còn gây bức xúc cho người dân thành phố. Nhà báo Võ Văn Tạo nhận xét:
-Khách quan mà nói thì trục mặt tiền của chợ nhiều khách trong Sài Gòn ra thừa nhận rằng chợ Đầm đẹp hơn nhiểu biểu tượng của chợ Bến Thành và ý nghĩa của Trung tâm thương mại chợ Đầm tròn Nha Trang nó lớn hơn nhiều so với thương xá Tax hiện nay ở Sài Gòn. Bởi vì ở Sài Gòn có rất nhiểu công trình khác tương tự nhưng ở Nha Trang thì chợ Đầm tròn là trung tâm thương mại lớn nhất, điển hình và nổi trội lên. Chợ này do ông Ngô Viết Thụ là một KTS tài danh của mình thiết kế đưa vào sử dụng vào năm 1974 rất đẹp. Nhìn nó giống như bông hoa sen nở ra có tính chất cách điệu. Ai cũng thấy xót xa việc chủ trương đập chợ. Tại sao họ đập? Tôi cũng đồng ý với nhiều tiều thương là không nên đập, nó là một biểu tượng rất quý và đẹp của Nha Trang, nên giữ lại nó. Nếu có bị thẩm thấu trên mái thì xử lý nó cũng không khó gì. Đối với một công trình rất đẹp như thế thì ta nên giữ vì nó là mãi mãi.
Bà con tiểu thương cho rằng những ngôi chợ khác trên khắp nước có lẽ sẽ cùng chung số phận nếu chính quyền địa phương vẫn cho rằng việc thăm dò ý kiến của bà con trong chợ là không cần thiết
.

Không có nhận xét nào: