Các khách mời của Bàn tròn Cuối tuần của BBC thảo luận một số chủ đề được quan tâm trong tuần từ việc thực hư Đảng viên Cộng sản không được nhập quốc tịch ở Mỹ, tới tài liệu mới công bố trên báo Việt Nam hôm 3/2/2015 về một chuyến công cán của Tướng Lê Đức Anh gặp Tổng Bí thư Trung Quốc Giang Trạch Dân 14 năm trước nay mới được công khai.
Tuần này, một số luật gia người Việt và nhà quan sát từ Hoa Kỳ dẫn lại một số điều luật và quy định về di trú và nhập quốc tịch ở Hoa Kỳ.
Trong đó, liên quan tới những người nộp đơn xin 'vô dân' đến từ các quốc gia theo thế chế cộng sản hoặc có liên quan tới đảng cộng sản, các ý kiến quan sát này nêu ra một số điểm sư sau.
Theo Bộ An ninh Nội địa và Cơ Quan Di trú và Nhập tịch Mỹ (U.S. Immigration and Naturalization Service – Department of Homeland Security) một người nếu là đảng viên đảng cộng sản hay có liên hệ với đảng cộng sản trong vòng 10 năm trước ngày nộp đơn và cho đến ngày tuyên thệ gia nhập quốc tịch thì sẽ không được nhập quốc tịch Mỹ.
Tuy nhiên điều luật này có thể được miễn trừ nếu người xin nhập quốc tịch chứng minh được, bao gồm những điều sau đây nhưng không phải nhất thiết là tất cả:
(1) Việc họ tham gia đảng cộng sản hay mối liên hệ với nó là việc không tự nguyện, (2) khi tham gia họ không có sự nhận thức về mục đích của tổ chức của đảng cộng sản và khi có nhận thức về điều đó họ đã chấm dứt quan hệ với tổ chức, (3) họ đã chấm dứt quan hệ với đảng cộng sản trước năm 16 tuổi, (4) họ tham gia đảng cộng sản vì đó là sự bắt buộc phải chấp hành theo quy trình pháp luật, (5) họ tham gia đảng cộng sản vì những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống như để có được việc làm, được phân phối thực phẩm và những nhu yếu phẩm khác; và (6) họ đã không còn là đảng viên đảng cộng sản trên 10 năm."
'Thực sự có câu hỏi đó'
Bình luận về diễn biến này, nhà báo, đạo diễn Trần Nhật Phong, khách mời từ California Hoa Kỳ nói:
"Thực sự là khi quý vị nhập quốc tịch Hoa Kỳ thì ở trong cái đơn N400, thì thực sự họ có câu hỏi đó. Tức là quý vị có đang là thành viên, đảng viên của đảng cộng sản hay là những tổ chức có các thái độ thù nghịch với Hoa Kỳ hay không.
"Đây là câu hỏi chính thức nằm trong 100 câu hỏi khi quý vị đi thi quốc tịch Hoa Kỳ."
Tuy nhiên, cũng theo ông Phong, những câu hỏi này vốn thường được đặt ra vào những năm thập nhiên 1980 mà nay ít được các nhân viên sở di trú, hoặc cơ quan xét quốc tịch đặt ra, đã được khơi lại gần đây do một lý do chính.
Ông nói: "Thập niên 80 khi quý vị đi thi quốc tịch, tại vì người Việt Nam đa số thời điểm đó là những người đi vượt biển, những người rời khỏi Việt Nam bằng thái độ chính trị, tức là họ có sự bất công về chính trị, bất công về cuộc sống và họ bị đàn áp ở trong Việt Nam.
"Và họ đi với hai thân phận, một là tị nạn cộng sản, còn hai là tị nạn chính trị, do đó khi họ đi thi quốc tịch ở thập niên 80 thì họ luôn bị đặt câu hỏi này...
"Bước qua thập niên 90, tức là sau khi mà đóng cửa các trại tị nạn rồi, và mở lại chương trình ODB lẫn chương trình HO, thì các sỹ quan (nhân viên) Sở di trú lại ít hỏi điều này.
"Tuy nhiên, trong thời gian gần đây thì lại bị đặt vấn đề trở lại, trong thời gian gần đây đa số bên cộng đồng đặt vấn đề nhiều hơn, tức là những người nào có thái độ tiếp cận với viên chức nhà nước Việt Nam, làm ăn trong Việt Nam, hay tiếp cận với những đảng viên đảng cộng sản.
"Thì họ luôn bị đặt vấn đề là ngày xưa anh khai láo như thế nào để anh qua Mỹ, đại khái như vậy và có tiếp cận, do đó vấn đề được đặt trở lại bây giờ."
'Ca ngợi công lao'
Về sự kiện trên báo chí Việt Nam hôm 3/2 công bố tư liệu về chuyến công du đặc biệt của Tướng Lê Đức Anh, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, qua Trung Quốc, tiếp kiến các ông Giang Trạch Dân, Lý Bằng vào tháng 7/1991, mà nay vừa được Vietnamnet công bố.
Từ Geneva, ông Đặng Xương Hùng, nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Lãnh sự Việt Nam tại Geneva, bình luận:
"Cái này tôi thấy rằng anh thư ký (Đại tá) Khuất Biên Hòa) có viết lại bài này chắc có sự đồng ý của ông Đại tướng Lê Đức Anh rồi. Tức là khi ông này cũng đã nhiều tuổi rồi và cũng có vẻ trong trào lưu hiện nay, một vài vị như ông Đỗ Mười, rồi ông Lê Đức Anh đã cao tuổi, thì hiện tượng các đồng chí thư ký viết bài để tuyên dương, để mà ca ngợi công lao của các vị đó.
"Tuy nhiên đây là những cơ hội tốt để chúng ta thấy những tài liệu mà từ lâu nó nằm trong hồ sơ của lãnh đạo Việt Nam và bây giờ nó được đưa ra và chúng ta có thể thấy rõ thêm là Hội nghị Thành Đô năm 1990 và tác giả của nó là ông Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và người cổ vũ mạnh mẽ nhất là ông Lê Đức Anh, lúc đó Bộ trưởng Bộ Quốc phòng."
'Đi xin chỉ thị?'
Tư liệu được tờ VietnamNet hômm 03/2 công bố từ tài liệu của Đại tá Khuất Biên Hòa có đoạn ghi lại chi tiết lời nói của ông Lê Đức Anh khi tiếp kiến ông Giang Trạch Dân hôm 31/7/1991:
"Hôm qua chúng tôi được đồng chí Lý Bằng tiếp và cho phương hướng giải quyết những vấn đề thuộc Nhà nước. Chúng tôi rất phấn khởi. Hôm nay gặp đồng chí Tổng bí thư, xin đề nghị đồng chí Tổng bí thư cho ý kiến về những mong muốn của Đảng chúng tôi, về việc Đoàn cấp cao Đảng và Nhà nước chúng tôi do đồng chí Đỗ Mười dẫn đầu sang thăm chính thức Trung Quốc mở đầu trang sử mới trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước sau hơn mười năm trắc trở," Tướng Anh được tài liệu dẫn lời nói.
"Đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười, Bộ Chính trị và ba đồng chí Cố vấn mong rằng sự kiện đó sẽ được thực hiện trong năm 1991 này. Được như thế thì rất đáng phấn khởi không chỉ đối với lãnh đạo mà cả đối với toàn Đảng, toàn dân chúng tôi."
Trước câu hỏi liệu các đặt vấn đề 'xin cho ý kiến' và 'xin cho phương hướng' của đại diện Đảng, nhà nước Việt Nam như vậy trước lãnh đạo quốc gia khác có 'phù hợp' không, có phải là 'xin chỉ thị' của lãnh đạo nước ngoài hay không, ông Đặng Xương Hùng bình luận tiếp:
"Như vậy nó thể hiện sự nhịn nhục của lãnh đạo Việt Nam trong giai đoạn đó để mà đổi lấy quan hệ hai nước."
Các khách mời của Bàn tròn Cuối tuần của BBC cũng chia sẻ không khí chuẩn bị Tết Nguyên Đán Ất Mùi hiện nay ra sao từ tiểu bang California, Hoa Kỳ hay ở Geneva, Thụy Sỹ.
Mời quý vị theo dõi toàn văn nội dung cuộc Tọa đàm hôm 08/2/2015 tại đâyhttp://bit.ly/1AKkZeL và tại đây http://bit.ly/1A6OLsX.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét