Việt Nam đứng thứ 125 trong hồ sơ bị tiết lộ về các khách hàng của HSBC có tài khoản trong chi nhánh ở Thụy Sĩ.
Danh sách được một tổ chức phóng viên điều tra, ICIJ, công bố.
Dựa trên số tiền, các chủ tài khoản từ Thụy Sĩ đứng đầu bảng (31.2 tỉ đôla), theo sau là Anh, Venezuela, Mỹ, Pháp.
Dựa trên số lượng chủ tài khoản, Thụy Sĩ cũng đứng đầu với 11.235 chủ tài khoản, tiếp theo là Pháp, Anh, Brazil và Italy.
Dữ liệu do Herve Falciani, cựu nhân viên của ngân hàng HSBC, tiết lộ từ năm 2007, nhưng đây là lần đầu tiên một số tờ báo được tiếp cận.
Các tài liệu do Herve Falciani, làm việc cho HSBC ở Geneva, lấy cắp năm 2007, chứa thông tin của hơn 100.000 khách hàng của HSBC.
Dựa theo danh sách này, số lượng khách hàng liên quan Việt Nam có tài khoản tại HSBC Thụy Sĩ rất ít, chỉ có 26 khách hàng. Trong số này, chỉ có 12% có hộ chiếu hay quốc tịch Việt Nam.
Toàn bộ số tiền của 26 khách hàng này là khoảng 37.5 triệu đôla. Trong đó, một khách hàng có số tiền cao nhất là 12.2 triệu đôla.
Tổ chức ICIJ, nơi công bố số liệu hôm 9/2, nhấn mạnh có những việc sử dụng hợp pháp tài khoản tại ngân hàng Thụy Sĩ.
“Chúng tôi không có ý định ám chỉ những cá nhân, công ty hay tổ chức có trong bảng Tiết lộ Thụy Sĩ ICIJ đã vi phạm luật pháp hay làm việc mờ ám,” tổ chức này nói.
'Giúp trốn thuế'
Trong khi đó, tại Anh, nơi HSBC là ngân hàng lớn nhất nước, ngân hàng bị cáo buộc giúp các khách hàng giàu có gian lận hàng triệu bảng Anh tiền thuế.
Chương trình Panorama của BBC xem hàng ngàn tài khoản từ ngân hàng cá nhân cao cấp của HSBC tại Thụy Sĩ do Herve Falciani tiết lộ hồi năm 2007.
Những tài liệu này cho thấy ngân hàng này đã giúp khách hàng trốn thuế và cung cấp các dịch vụ giúp những người muốn trốn thuế có thể tránh trước các luật định.
HSBC thừa nhận rằng một số cá nhân đã lợi dụng quyền được giữ bí mật của ngân hàng cá nhân cao cấp để không khai báo những tài khoản này. Nhưng nay ngân hàng này nói họ đã "thay đổi về cơ bản".
Các tài liệu, do Herve Falciani, chuyên gia máy tính làm việc cho HSBC tại Geneva đánh cắp vào năm 2007, trong đó có các chi tiết về hơn 100.000 khách hàng từ khắp nơi trên thế giới.
Các tài khoản ở nước ngoài không phải là bất hợp pháp, nhưng nhiều người sử dụng chúng để giấu tiền trước các cơ quan thuế. Và trong khi tránh thuế là hoàn toàn hợp pháp, nhưng cố tình giấu tiền để trốn thuế thì lại không.
Giới chức trách Pháp đã xem xét các dữ liệu bị đánh cắp và kết luận hồi năm 2013 là 99,8% công dân Pháp trong danh sách đó có lẽ là trốn thuế.
Điều tra phối hợp
Tờ báo Pháp Le Monde đã nhận được hàng ngàn trang tài liệu. Trong một cuộc điều tra phối hợp, các tài liệu này được chuyển đến Hiệp hội quốc tế các nhà báo điều tra, tờ Guardian, chương trình Panorama của BBC và hơn 50 phương tiện truyền thông khác trên khắp thế giới.
Các tài liệu này bao gồm các thông tin chi tiết của gần 7.000 khách hàng Anh - và nhiều trong số các tài khoản này đã không được báo cho cơ quan thuế.
Cơ quan thuế của Anh, HM Revenue và Customs (HMRC) được cung cấp các dữ liệu bị rò rỉ này từ năm 2010 và đã xác định 1.100 người không trả thuế. Nhưng sau gần năm năm, chỉ có một người trốn thuế trong số này bị truy tố.
HMRC cho biết 135 triệu bảng Anh tiền thuế, tiền lãi và tiền phạt nay đang được những người giấu giếm tài sản của họ ở Thụy Sĩ chi trả.
Nhưng chủ tịch của Ủy ban Tài chính Công, dân biểu Margaret Hodge, nói: "Tôi không nghĩ rằng cơ quan thuế đủ mạnh tay, đủ quyết đoán, đủ dũng cảm, đủ rắn trong việc đảm bảo thu lại cho những người dân Anh đang đóng thuế các khoản tiền mà họ có quyền được nhận."
HSBC không chỉ nhắm mắt làm ngơ với những người trốn thuế - trong một số trường hợp ngân hàng này còn vi phạm luật bằng cách chủ động giúp khách hàng của mình.
Ngân hàng này đã cho một gia đình giàu có một thẻ tín dụng nước ngoài để họ có thể rút tiền mặt không khai báo tại các máy rút tiền ở nước ngoài.
HSBC cũng giúp khách hàng trốn thuế bằng cách tránh trước các luật định.
Khi Quy định về tiền gửi tiết kiệm của châu Âu được áp dụng vào năm 2005, ý tưởng lúc đó là các ngân hàng Thụy Sĩ sẽ phải thu tiền thuế còn nợ từ tài khoản không khai báo và chuyển giao nó cơ quan thuế.
Đó là một loại thuế được thiết kế để bắt những người trốn thuế. Nhưng thay vì chỉ đơn giản là thu tiền, HSBC đã viết thư cho khách hàng và cung cấp cho họ các cách thức để có tránh được quy định này.
HSBC bác bỏ ý kiến nói rằng tất cả các chủ tài khoản đã trốn thuế.
'Trốn tránh trách nhiệm'
Richard Brooks, một cựu thanh tra thuế và là tác giả của cuốn Vụ cướp thuế lớn, nói: "Tôi cho rằng họ là một dịch vụ tránh thuế và trốn thuế. Tôi nghĩ rằng đó là những gì họ đã làm. Họ biết rõ rằng mọi người đến với họ để né tránh nghĩa vụ thuế."
Ngân hàng nay phải đối mặt với các cuộc điều tra hình sự ở Mỹ, Pháp, Bỉ và Argentina. HSBC cho biết họ đang "hợp tác với các cơ quan có liên quan". Nhưng ở Anh, nơi ngân hàng đặt trụ sở, thì chưa thấy thực hiện việc đó.
Người phụ trách HSBC tại thời điểm đó, Stephen Green, trở thành một thành viên thuộc đảng Bảo thủ của Thượng viện và được bổ nhiệm vào chính phủ.
Lord Green đã được bổ nhiệm chức thứ trưởng tám tháng sau khi HMRC đã nhận được các tài liệu bị rò rỉ từ ngân hàng của ông. Ông từng là một thứ trưởng thương mại và đầu tư cho tới năm 2013.
Ông nói với Panorama: "Đây là vấn đề nguyên tắc, tôi sẽ không bình luận về việc kinh doanh của HSBC trong quá khứ hay hiện tại."
HSBC cho biết đã hoàn toàn thay đổi lĩnh vực kinh doanh ngân hàng cá nhân cao cấp của họ và đã giảm gần 70% số tài khoản Thụy Sĩ kể từ năm 2007.
Trong một tuyên bố, ngân hàng này nói: "HSBC đã thực hiện nhiều sáng kiến được đề ra để ngăn chặn các dịch vụ ngân hàng của mình được sử dụng để trốn thuế hoặc rửa tiền."
Ngân hàng cho biết hiện nay họ đặt việc tuân thủ và minh bạch lên trước lợi nhuận.
Nhưng chương trình Panorama đã nói chuyện với một người tố giác, người vẫn nói là còn vấn đề trốn thuế tại ngân hàng cá nhân cao cấp của HSBC khi bà làm việc ở đó năm 2013.
Sue Shelley là người phụ trách về vấn đề tuân thủ các quy định của ngân hàng cá nhân cao cấp tại Luxembourg. Bà cho biết HSBC đã không giữ lời hứa sẽ phải thay đổi của họ.
"Tôi cho rằng các tuyên bố thật tuyệt vời, nhưng chúng đã chẳng được đưa vào thực hiện và điều đó khiến tôi rất khó chịu," bà nói.
Đó là công việc của bà phải đảm bảo rằng HSBC tuân thủ các luật định, nhưng bà cho biết bà đã bị sa thải sau khi lên tiếng bày tỏ quan ngại. Sau đó bà đã thắng trong một phiên xử về sa thải bất công.
Tranh cãi chính trị
Những tiết lộ này đang gây ra một cuộc tranh cãi chính trị.
Bộ trưởng Tài chính, ông David Gauke, thúc giục ông Ed Balls, khi đó là Thứ trưởng năm 2007 chuyên trách về trung tâm tài chính Anh (City of London), phải đưa ra một tuyên bố về việc chính phủ của đảng Lao động đã xử lý việc trốn thuế này như thế nào.
"Đó là việc của Thứ trưởng phụ trách trung tâm tài chính City cho tới năm 2007, ông Ed Balls, phải có một tuyên bố khẩn cấp những gì ông biết về tất cả chuyện này và tại sao chính phủ khi đó đã để tình trạng tránh thuế và trốn diễn ra trên một quy mô như vậy.
“Từ năm 2010, chúng ta đã xóa bỏ nhiều kẽ hở được vạch ra trong báo cáo này và đã có hành động cụ thể để lấy lại số tiền bị mất từ các tài khoản tại Ngân hàng Thụy Sĩ."
Nhưng bà Rachel Reeves, người phụ trách về lao động và hưu trí của Đảng Lao động, đã biện hộ cho đảng này trước những cáo buộc là đã không có hành động chống trốn thuế khi họ đang cầm quyền.
"Hành vi này của HSBC đã không được hé lộ cho mãi tới tận năm 2010 vì thế nó là chuyện mà Ed Balls hoặc chính phủ trước không thể làm được bất cứ điều gì," bà nói với Radio 5.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét