Việt Nam và Philippines đang tiến gần đến việc thành lập một liên minh để đối phó với tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông, một nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận định.
Trước đó, Việt Nam và Philippines, hai nước lên tiếng phê phán mạnh mẽ nhất tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông, đã đàm phán thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược, hãng tin AFP dẫn lời ông Charles Jose, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Philippines, nói hôm thứ Ba ngày 3/2.
Mặc dù không trực tiếp nêu tên Trung Quốc, ông Jose cho biết các cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và người đồng cấp Việt Nam Phạm Bình Minh đã tập trung vào các mối quan tâm chung giữa hai nước, nhất là vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.
Ông cũng cho rằng vấn đề tranh chấp Biển Đông là ‘động lực thúc đẩy’ hai nước đi đến quan hệ đối tác chiến lược và cho biết ‘an ninh và quốc phòng’ cũng nằm trong mối quan hệ đối tác chiến lược này bên cạnh các vấn đề kinh tế và thương mại.
‘Made in China’
Trên trang mạng của tạp chí The National Interest, tác giả Michael Mazza, một nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại và ngoại giao tại Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp của Mỹ, gọi mối quan hệ đối tác chiến lược này là ‘trục do Trung Quốc tạo ra (made-in-China axis)’.
“Trung Quốc đã đẩy các nước láng giềng của họ lại gần nhau và đẩy các nước này vào vòng tay của Hoa Kỳ,” bài báo viết.
Theo ông Mazza, hai nước đối thủ (Hà Nội và Manila vốn cũng có tranh chấp với quần đảo Trường Sa trên Biển Đông) đã vượt hơn mức tình đoàn kết biểu tượng – thi đấu thể thao giao hữu trên đảo tranh chấp – để tiến tới hợp tác thực chất, trong đó có tập trận hải quân và tuần tra chung.
“Cả Việt Nam và Philippines đã nhận ra rằng Trung Quốc là mối đe dọa nguy hiểm đối với họ hơn là giữa họ đối với nhau,” bài báo viết.
Tác giả Mazza nhận định rằng Bắc Kinh đã ‘gieo nhân nào gặt quả đó’ sau khi họ ‘chiếm lãnh thổ của Philippines, đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và có nhiều hành động khiêu khích trong những năm qua’.
Theo ông thì nếu Việt Nam và Philippines theo đuổi mối quan hệ đối tác chiến lược này và hợp tác an ninh chặt chẽ bất chấp tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, điều đó có nghĩa là hai nước đã đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ của mình xuống hàng thứ yếu và điều này sẽ là vấn đề khó chịu đối với Trung Quốc.
“Tại sao điều này khiến Trung Quốc lo nghĩ? Thứ nhất, nó cho các nước có tranh chấp khác trên Biển Đông thấy rằng họ có thể đạt được thỏa thuận. Nó cũng cho mọi người thấy rõ rằng Bắc Kinh đã chọn con đường cưỡng ép thay vì hợp tác và do đó sẽ càng làm cho mối quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Asean thêm căng thẳng,” ông Mazza viết.
“Thứ hai, một liên minh Việt Nam – Philippines có thể sẽ ngăn trở sự tự do hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông. Bước kế tiếp có thể sẽ là Manila và Hà Nội bắt đầu chia sẻ thông tin do thám và theo dõi trên biển để họ có thể chuẩn bị tốt hơn trong trường hợp Bắc Kinh khiêu khích. Do đó, họ sẽ khiến Bắc Kinh mất đi yếu tố bất ngờ trong các hành động khiêu khích.”
Liên minh nhiều nước?
“Mối quan hệ đối tác chiến lược này sẽ mở cánh cửa cho các nỗ lực đa phương nhằm cân bằng Trung Quốc. Sẽ không lâu nữa Mỹ, vốn là đồng minh của Manila và đang phát triển quan hệ an ninh với Hà Nội, sẽ tham gia cùng Philippines và Việt Nam trong các cuộc tập trận hải quân ba bên. Nhật Bản cũng sẽ tăng cường quan hệ an ninh với hai quốc gia đông nam Á này. Nhật và Mỹ cũng đang xây dựng quan hệ quốc phòng với Ấn Độ – quốc gia đang huấn luyện thủy thủ tàu ngầm cho Việt Nam và có thỏa thuận khai thác dầu khí với Việt Nam trên vùng biển tranh chấp với Trung Quốc,” ông nhận định.
Philippines đã có quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ và Nhật trong khi Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với Nhật và đang tiến tới khuôn khổ quan hệ này với Mỹ.
Hồi tháng trước, Ngoại trưởng Alberto del Rosario nói ông sẽ cảnh báo các nước Asean khác, trong đó có Việt Nam, Brunei và Malaysia, rằng các động thái của Trung Quốc trong khu vực sẽ là ‘mối đe dọa đối với tất cả họ’.
Sau đó, Tân Hoa Xã đã lên tiếng so sánh Manila như một đứa trẻ ‘khóc toáng lên’ để kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế chống lại hành động của Trung Quốc.
Bài báo của Michael Mazza đã thu hút được nhiều bình luận trên The National Interest.
“Trước năm 1975, Nam Việt Nam giàu có hơn Thái Lan và Nam Hàn cho đến khi Cộng sản tiến vào. Với những thay đổi đang diễn ra ở Việt Nam và cuối cùng là nền dân chủ thì Việt Nam sẽ vươn lên. Trung Quốc rất ngại về một nước Việt Nam hùng mạnh vốn sẽ thách thức Trung Quốc về mặt quân sự,” một người có tên là Mike JeffAshe viết.
“Không ghét bỏ gì người Trung Quốc ở đây cả nhưng có vẻ như nước này đang có những việc làm phản tác dụng trên biển. Cướp đoạt đảo và đưa ra những đòi hỏi chủ quyền không có cơ sở làm cho người ta nổi giận. Trung Quốc nghĩa rằng Mỹ sẽ không giúp Đài Loan, Philippines hay Việt Nam nhưng đã gần ba năm kể từ khi Mỹ phát động một cuộc chiến và Lầu Năm Góc đang sôi lên đấy,” Crom! viết.
“Philippines còn lâu mới là một cường quốc quân sự thật sự. Thật là khôi hài khi gọi đây là một trục. Nên gọi Philippines là một đứa trẻ con mà Việt Nam dắt theo. Người Việt Nam đã lấy đảo Pugad từ tay họ. Có lẽ họ đã quên rồi,” Fre Okin viết.
Còn Michael Kinney bình luận: “Đừng tin tưởng người Mỹ sẽ nhảy vào một cuộc xung đột quân sự toàn diện với Trung Quốc. Mọi thứ trong các cửa hàng của chúng ta đều do Trung Quốc sản xuất. Hiện tại không có nước nào trên thế giới có đủ tiền để giúp chúng ta.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét