Pages

Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

VNTB- 'Giá điện còn phải tăng...': Thứ trưởng công thương chống lệnh Thủ tướng!

VNTB: Chỉ một ngày sau chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải giảm mạnh giá điện để ổn định đời sống dân sinh và vực dậy nền kinh tế, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thắng Hải đã ra mặt ngụy biện 'Giá điện tăng, mọi người đều được lợi', và còn thẳng thừng tuyên bố: "Chỉ đạo của Thủ tướng thì vẫn phải làm nhưng việc tăng giá điện vẫn phải tăng. Không còn cách nào khác".

Xem ra chính phủ Việt Nam đã đến thời hỗn quân hỗn quan, trên bảo dưới không thèm nghe. Một thủ tướng đương nhiệm, dù vừa được đánh giá là đạt tỷ lệ tín nhiệm cao nhất trong đảng, nhưng dường như vẫn không thể làm cho các nhóm lợi ích cấp dưới ý thức về bài học vỡ lòng tín nhiệm đó.

Tình cảnh trên là hoàn toàn khác với Petrolimex. Từ tháng 8/2014 đến nay, Petrolomex đã "thương dân" mà giảm giá xăng dầu đến 15 lần và góp phần cho GDP tăng đến 1%. Trong khi đó, những "đày tớ" siêu độc quyền của ngành điện vẫn mặc lòng lạnh lẽo trước nỗi thống khổ thuế má và giá cả tăng vọt đè trên đầu dân chúng, cán bộ công chức và toàn bộ lực lượng vũ trang.

Bị xem là "bảo kê" cho EVN từ khi đổ tiền vào chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản từ những năm trước, để kết quả phải gánh số lỗ hơn 40.000 tỷ đồng, Bộ Công thương vừa phải thú nhận là nếu không tăng giá điện, EVN sẽ phá sản.
Giới chuyên gia phản biện nhà nước đâu cả rồi? Tại sao không làm ngay một dộng tác quá đơn giản là giải thể EVN và xóa bỏ thế độc quyền ngành điện?

Phát ngôn của Thứ trưởng Nguyễn Thắng Hải có thể được coi là là trường hợp chống lệnh công khai và mang tính thách thức nhất từ trước tới nay trong nội bộ Chính phủ Việt Nam.

Hãy chờ xem Thủ tướng Dũng hành xử thế nào với Thứ trưởng chống lệnh Nguyễn Thắng Hải. Cho dù chưa được Quốc hội thông qua dự luật "tăng quyền cho thủ tướng", nhưng ít nhất ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn cơ hội làm đi đôi với nói nếu ông thực tâm muốn sử dụng quyền cách chức cấp thứ trưởng.

Còn nếu sau vụ việc trên mà Thủ tướng Dũng vẫn im lặng, không ai dám chắc là mức tín nhiệm cao mà ông nhận được có đủ tốt để ông sắp xếp nhân sự và điều binh khiển tướng trước đại hội 12. 

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thắng Hải

'Chỉ đạo của Thủ tướng vẫn phải thực hiện nhưng giá điện vẫn phải tăng'... Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thắng Hải.

Ông Hải giãi bày, tăng giá điện là điều bất khả kháng, đó là giải pháp bắt buộc vì hiện nay giá điện vẫn đang được bán đưới giá thành. "Vấn đề hiện nay là tăng bao nhiêu, tăng lúc nào mà thôi", ông Hải nói.

Tại sao lại có điều nghịch dị này, trong khi nhiều ngày qua Thủ tướng liên tục có văn bản chỉ đạo yêu cầu EVN và Bộ Công thương phải rà soát, có các biện pháp cụ thể, quyết liệt để giảm mạnh giá thành, trong đó có vấn đề hao hụt điện năng và tăng năng suất lao động.

Chỉ đạo của Thủ tướng ở đây được ông Hải lý giải là phải hiểu điều hành giá điện theo cơ chế thị trường. Với chỉ đạo như vậy thì giá điện sẽ còn phải tăng nhiều.

Cho rằng đó là hai vấn đề khác nhau, ông Hải cho hay, "Chỉ đạo của Thủ tướng thì vẫn phải làm nhưng việc tăng giá điện vẫn phải tăng. Không còn cách nào khác".

Giải thích này có vẻ hợp lý trong bối cảnh Bộ công thương cũng đã lên tiếng, nếu không tăng giá điện EVN sẽ phá sản.

Nhất là trong bối cảnh lãnh đạo EVN phải thừa nhận đang loay hoay tính kế xử lý khoản lỗ gần 17.000 tỉ đồng trong năm 2015.

"Với tình trạng nợ nần như hiện nay của EVN mà giá điện bán lẻ vẫn dưới mức giá thành thì ngành điện sẽ không thể chịu đựng được lâu dài, thậm chí EVN sẽ phá sản", ông Hải nói.

Nhiều ý kiến băn khoăn, tăng giá điện có phải giải pháp nhằm cứu 'đứa con cưng" của Bộ Công thương?

Đề xuất ngược

Bàn về vấn đề giá điện, theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công thương, EVN đang phải đối mặt là tập đoàn này đang nợ đầm đìa... Tất cả những việc này Nhà nước phải tính toán để tìm cách giải quyết. Và đề xuất tăng giá điện là một cách nhằm bù đắp, giảm bớt những chi phí trong quá trình thực hiện các biện pháp căn cơ, có tính lâu dài hơn.

Tuy nhiên, đề nghị tăng giá điện đúng trong bối cảnh các yếu tố đầu vào trong cơ cấu giá thành điện đều giảm. Cụ thể, giá dầu và khí giảm mạnh hơn 6 tháng qua, nguồn thuỷ điện trong nước dồi dào, giá than thế giới cũng đang tuột dốc... là nằm trong cách điều hành độc quyền của ngành điện Việt Nam.

"Bất cứ ai nằm trong thế độc quyền bao giờ cũng tìm cách để phát huy lợi thế của độc quyền. Do vậy, nếu không giải quyết được vấn đề này thì không bao giờ đưa được giá cả theo cơ chế thị trường", ông Phạm Tất Thắng chỉ rõ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan gay gắt cho rằng: "Vị nào phát biểu EVN sẽ phá sản nếu không tăng giá thực sự không có căn cứ gì!". Theo bà Lan, giá xăng dầu đang giảm mạnh đáng lẽ phải giúp cho giá thành của ngành điện giảm xuống.

"Trong khi các yếu tố đầu vào không hề tăng, thậm chí đang giảm mà ngành điện không chịu giảm giá, đã thế lại còn đòi tăng quả là chuyện rất nực cười", bà nói.

                                                                                                        (Theo Vũ Lan - Đất Việt)
 
Thứ trưởng Công Thương: 'Giá điện tăng, mọi người đều được lợi'

Người phát ngôn Bộ Công Thương cho rằng, việc giá điện bán lẻ tiệm cận thị trường tạo nên sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, khiến chi phí sản xuất giảm. Nhà nước không phải bù lỗ và người dân cũng được hưởng lợi.

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng giá bán lẻ điện tiệm cận giá thị trường sẽ giúp người dân được hưởng lợi từ sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

Chủ trì cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 2/2, hầu hết câu hỏi mà Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận được đều xung quanh kế hoạch tăng giá điện, vốn đã được cơ quan điều hành "bật mí" trước đó là sẽ điều chỉnh trong giai đoạn đầu năm 2015.

Không đưa thêm thông tin cụ thể hơn về kế hoạch này, đại diện Bộ Công Thương tiếp tục khẳng định, giá điện sẽ được điều hành theo lộ trình tiến gần hơn tới thị trường, như một số mặt hàng thiết yếu khác. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết việc giá bán hiện còn thấp hơn giá thành là không có lợi cho Chính phủ, doanh nghiệp cũng như người dân.

"Doanh nghiệp trực tiếp sản xuất là Tập đoàn Điện lực (EVN) phải chịu lỗ thì Nhà nước phải bù. Ngay cả các tổ chức quốc tế cũng luôn cảnh báo về giá bán điện của Việt Nam hiện nay", ông nói. Do vậy, vị này cho rằng nếu không thay đổi giá bán chắc chắn không một nhà đầu tư nào muốn đổ tiền vào các dự án điện trong nước.

Nói rõ hơn về việc điều chỉnh tăng giá sẽ "mang lại lợi ích cho mọi người", Thứ trưởng phân tích: "Giá bán lẻ là một trong những điều khoản thu hút vốn của các nhà đầu tư. Một khi có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất và bán điện thì chi phí sẽ hạ. Khi đó người dân sẽ được hưởng một mức giá cạnh tranh nhất".

Ngoài việc có thêm tiền để cân bằng các khoản lỗ, EVN và một số doanh nghiệp trong nước không chịu nhiều áp lực về nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, với giá bán như hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất khối FDI đang được hưởng ưu đãi nhiều nhất và chính Nhà nước phải hỗ trợ để bù giá, ngoài những khoản lỗ của ngành điện hiện có. "Đó chính là sự hưởng lợi của các bên khi tăng giá bán lẻ điện năng", đại diện Bộ Công Thương khẳng định.

Trước mắt, đề giảm tối đa được các chi phí trong sản xuất kinh doanh, cơ quan này đã yêu cầu EVN tìm mọi phương án tăng năng suất lao động, tiết kiệm tối đa điện năng đồng thời tập trung vấn đề quản trị doanh nghiệp.

Nhắc lại thời điểm điều chỉnh, Thứ trưởng Hải cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng, từ nay đến Tết Nguyên đán, giá điện sẽ chưa tăng. Trong tháng 3/2015, dựa trên đánh giá tình hình của EVN cũng như các vấn đề liên quan, Bộ sẽ chính thức trình phương án tăng giá lên Thủ tướng quyết định.


(Theo Thành Tâm - Vnexpress)

Không có nhận xét nào: