Pages

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

Lê Diễn Đức - Hồ Chí Minh và di sản của ông


Hồ Chí Minh, muốn hay không muốn vẫn là một tên tuổi lịch sử lớn gắn liền với Việt Nam. Để có môt đánh giá công bằng về Hồ Chí Minh không đơn giản, bởi vì cuộc đời của ông có quá nhiều mảng tối chưa được đưa ra ánh sáng, trong khi chế độ Cộng sản không ngừng suy tôn ông như một vị thánh, dù ông đã chết đã lâu, từ năm 1969.

Nhân kỷ niệm 125 ngày sinh của ông (mặc dù ngày 19 tháng 5 chưa chằc chằc là ngày sinh của ông), tôi chỉ phân tích một vài nét xung quanh ông.

Khi Hồ Chí Minh tìm đến với chủ nghĩa Cộng sản là giai đoạn mà chủ nghĩa tư bản ở thời kỳ hoang dã, đi xâm chiếm thuộc địa và thấm bùn và máu trong chính sach bóc lột, khác với chủ nghĩa tư bản hiện đại ngày nay được xây dựng trên sức mạnh của văn hóa, khoa học-công nghệ, dân chủ, pháp quyền, là một xã hội văn minh.

Chủ nghĩa Cộng sản hình thành từ nửa cuối thế kỷ 19 là một trào lưu tư tưởng, một khuynh hướng  chính trị-xã hội cấp tiến, có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với quần chúng lao động và phần đông trí thức châu Âu.

Tới nước Nga, Nguyễn Ái Quốc (tức Hồ Chí Minh) đã tìm thấy ở Luận cương của Lenin chỗ dựa, một hướng đi mới, nên đã ngả theo Quốc tế 3, vì Quốc Tế 3 đã công khai ủng hộ các dân tộc thuộc địa. Trong bài phát biểu tại các diễn đàn ở đó Hồ Chí Minh đã nói “Tôi đến đây để không ngừng thức tỉnh các đồng chí về vấn đề thuộc địa”! Chính vì thế mà Stalin không mấy thiện cảm về Nguyễn Ái Quốc, coi ông “không phải một người cộng sản chân chính mà là một người còn mang nặng tinh thần dân tộc chủ nghĩa ít có”.

Dù sao cũng phải thừa nhận trước hết Hồ Chí Minh là một người có tinh thần dân tộc và mong muốn Việt Nam thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Thế nhưng bi kịch nhất là Hồ Chí Minh đã đưa chủ nghĩa Cộng sản vào Việt Nam, lựa chọn chủ nghĩa Staline và Mao Trạch Đông, kích động quần chúng làm cách mạng bạo lực.

Những tiêu chí cách mạng của Hồ Chí Minh như giành lại ruộng đất cho nông dân, nhà máy cho công nhân, tự do bình đẳng và bác ái là vũ khí tuyên truyền có tác dụng kích thích mạnh mẽ đối với xã hội Việt Nam còn tăm tối về tri thức, đói nghèo về vật chất và bị tư bản Pháp bóc lột nặng nề.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và hiệp định Geneva năm 1954, Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh cầm quyền trên miền Bắc. Ngay lập tức Hồ Chí Minh đã phản bội lại chính mình, phản bội lại tất cả những điều mà ông ta sử dụng nó để đưa người dân vào 9 năm kháng chiến trường kỳ.

Không thực thi chế độ bầu cử tự do, ĐCSVN tiếm luôn quyền cai trị tuyệt đối. Một nhà nước độc tài toàn trị được thiết lập với bộ máy kiểm soát của công an, an ninh và một hệ thống kiểm duyệt khắt khe nhất. Cuộc cải cách ruộng đất năm 1954-1956 đã làm hàng trăm ngàn người bị đấu tố và bị giết oan trái. Các tư tưởng phản kháng, đối lập ôn hoà không có đất dung thân, mà điển hình là vụ Nhân văn- Giai phẩm, nhiều nhà thơ, nhà văn bị trù dập, lao tù, đày ải. Nhân dân bị giam hãm trong cái trại ý thức hệ mác-xít mà hàng ngày bộ máy tuyên truyền khổng lồ mặc sức nhồi nhét, giáo dục.

Trong bản tuyên ngôn ngày 2 tháng 9 năm 1945 thành lập Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, một nhà nước "do dân làm chủ đầu tiên", mà trong đó Hồ Chí Minh tố cáo chế độ thực dân Pháp:

"Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.

- "Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu".

- "Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân".

- "Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều".

- "Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu".

- "Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng".

- "Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn".

Là bản copy rõ ràng nhất, chính xác nhất của chế độ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày hôm nay sau khi ĐCSVN của ông Hồ Chí Minh thực hiện xong cuộc chiến tranh đỏ hoá miền Nam và giành quyền cai trị trên cả nước từ năm 1975.

ĐCSVN của Hồ Chí Minh đang tiến hành một chủ nghĩa tư bản man rợ. Đất nước thoát ách đô hộ của thực dân thì bị ngay một chế độ thực dân khác- thực dân đỏ, chồng lên, còn tệ hại, khắc nghiệt hơn nhiều lần thời kỳ thực dân Pháp cai trị.

Gánh nặng nợ nần của đất nước ngày mỗi tăng lên trong khi nạn tham nhũng, rút ruột công trình trở nên phổ cập, quan chức "ăn của dân không chừa chỗ nào" (lời của bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước), đạo đức xã hội bị huỷ hoại, không còn đâu là kỷ cương trật tự xã hội, công an lạm quyền đánh dân đến chết là hiện tượng phổ biến, bệnh nhân phải nằm la liệt dưới sàn nhà trong các bệnh viện, hàng trăm ngàn nông dân bị tước doạt đất đai oan trái, công nhân bị bóc lột thậm tệ với đồng lương không đủ sống và điều kiện làm việc khốn khổ, không có báo chí tự do, mọi sự phản kháng đều bị đàn áp thô bạo thậm chí mượn tay côn đồ...

Thực chất là từ bóng đêm của chế độ thực dân Pháp, dân tộc Việt Nam lại rơi vào vũng lầy của chế độ thực dân đỏ. Một dân tộc quá kém may mắn và bất hạnh! Đây là một trong những giai đoạn đen tối nhất của dân tộc Việt Nam, lịch sử Việt Nam!

Chưa bàn tới đạo đức của Hồ Chí Minh, điều mà ĐCSVN bắt cả nước noi gương, học tập, di sản văn hoá, đạo đức và  chính trị mà ông ta để lại quả thật là khủng khiếp!

Trong diễn văn nhân 125 năm ngày sinh Hồ Chí Minh, Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng có nói "thời đại Hồ Chí Minh là thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam". Vâng, nhưng mà "rực rỡ" về sự cai trị chà đạp dân chủ, nhân quyền, bất bình đẳng, trí trá và độc ác!

© Lê Diễn Đức

 (Blog RFA)

Không có nhận xét nào: