Pages

Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2010

Chế độ Hà Nội đối diện với nhiều thử thách chính trị

HÀ NỘI (NV) - Ðại hội đảng CSVN sắp diễn ra đầu năm tới và sẽ có một vài kẻ phải ra đi, vài kẻ tranh được các cái ghế béo bở nhất và không có dấu hiệu gì cho thấy đảng CSVN từ bỏ quyền hành.

Dù vậy, một bản phúc trình cho quý thứ tư 2010 của một tổ chức tham vấn và bán dữ kiện thông tin an ninh quốc phòng các nước trên thế giới, nhận định tổng quát nói rằng: “Ðảng CSVN sẽ phải đối diện với những thử thách chính trị ngày một gia tăng trong những năm tới.”


Hàng ngàn người dân tỉnh Bắc Giang biểu tình ngày 25 tháng 7, 2010 để phản đối công an đánh chết người. Người dân càng ngày càng bớt sợ hãi chế độ độc tài tại Hà Nội. (Hình: Internet)


Những lời đòi hỏi nhân quyền, đa nguyên đa đảng, tự do báo chí, tự do hội họp và lập hội, hiện đều bị coi là “tuyên truyền chống nhà nước” và những người tham dự hay chủ xướng đều bị khủng bố tù đày.

Nhưng không phải vì vậy mà người dân sẽ sợ hãi, chịu đựng mãi mãi.

Tổ chức tham vấn có tên Research and Market tiên đoán rằng chế độ Hà Nội có vẻ muốn tự lột xác thành một guồng máy có trình độ kỹ thuật. Nhưng họ sẽ phải đối diện với các khó khăn kinh tế mà nếu vụng về, dễ dẫn tới hỗn loạn xã hội.

Trên chính sách đối ngoại, Market and Research dự đoán tham vọng bành trướng bá quyền của một nước Trung Quốc ngày càng hùng mạnh về kinh tế và quân sự, sẽ đẩy Việt Nam và các nước khác trong khu vực, tiến gần hơn đến Mỹ.

Ngày 17 tháng 8, 2010, Việt Nam mở cuộc đối thoại quốc phòng lần đầu tiên với Hoa Kỳ. Ðại diện Việt Nam là Thứ Trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh còn đại diện Mỹ là phụ tá bộ trưởng Quốc Phòng đặc trách Ðông Nam Á, Robert Scher.

Ông Scher, sau cuộc họp này, cho biết hai bên thảo luận các vấn đề liên quan đến an ninh hải hành, tham gia lực lượng bảo vệ hòa bình thế giới, hoạt động tìm kiếm và cấp cứu, hoạt động nhân đạo và cứu trợ nạn nhân các thiên tai cũng như huấn luyện ngôn ngữ. Họ cũng thảo luận cả về vấn đề hậu quả thuốc khai quang và dò tìm tiêu hủy bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Cả hai đều xác nhận cuộc đối thoại không coi các tranh chấp trên biển Ðông giữa Việt Nam và Trung Quốc là đề tài chính của cuộc đối thoại, nhưng cho rằng các cuộc thương thuyết trong ôn hòa sẽ góp phần tăng sự ổn định của khu vực.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Robert Gates, đã đến Hà Nội dự Hội nghị an ninh khu vực ASEAN mở rộng hồi tháng 10. Việt Nam cũng như các nước khác của khu vực và những nước có quyền lợi hải hành trên biển Ðông đều cảm thấy bất an trước sự lớn mạnh quá nhanh của guồng máy quân sự Trung Quốc. Không những vậy, càng ngày họ càng tỏ ra hung hăng hơn.

Hoa Kỳ muốn quốc tế hóa cuộc tranh chấp biển Ðông đã làm cho nhà cầm quyền Bắc Kinh tức giận, theo Market and Research.

Tổ chức này tin rằng các sự căng thẳng sẽ không “vượt khỏi tầm tay” nhưng đang có những dấu hiệu Hoa Kỳ muốn lấy lại ảnh hưởng ở khu vực Ðông Nam Á với sự hậu thuẫn từ phía Việt Nam.

So với các nước ASEAN khác, theo Market and Research, Việt Nam là nước lo âu nhất về sự lớn mạnh vượt bậc và nhanh chóng của sức mạnh quân sự Trung Quốc. Theo lịch sử, Việt Nam là nước sau cùng bị Trung Quốc tấn công khi Bắc Kinh xua đại binh đánh suốt 6 tỉnh dọc biên giới của Việt Nam năm 1979. Nay thì hai bên đang tranh chấp chủ quyền biển đảo trên biển Ðông mà vụ việc nhìn thấy còn kéo dài.

Cũng tương tự như Việt Nam âu lo về sức mạnh quân sự Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Ðộ cũng sẽ tăng cường mối quan hệ quân sự với Việt Nam. Tuy nhiên, một liên minh mới với các nước này sẽ không hình thành vì nếu vậy, Việt Nam sẽ gặp khó khăn trước các áp lực của Trung Quốc ngay bên cạnh.

Việt Nam muốn gia tăng ảnh hưởng chính trị với các nước khác trong khu vực ASEAN cùng với sự gia tăng kinh tế. Research and Market tin rằng nhà cầm quyền Hà Nội vẫn cố gắng tạo ảnh hưởng với hai nước Lào và Cambodia.

Không có nhận xét nào: