Pages

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

Pháp nhăm nhe thị trường vũ khí Việt Nam



Bộ trưởng Lellouche vừa có chuyến thăm Hà Nội



Nhân chuyến thăm Hà Nội của Bộ trưởng, Quốc vụ khanh phụ trách Ngoại thương Pierre Lellouche, Pháp bày tỏ mong muốn cung cấp vũ khí cho Việt Nam.

Hãng thông tấn Pháp Agence-France Presse, trong bài viết gửi từ Hà Nội, nói ông Lellouche đã được nước chủ nhà trấn an rằng "sẽ có chỗ cho Pháp" trong thị trường vốn từng nằm dưới sự thống trị của Nga nhưng đang mở cửa mạnh mẽ này.

AFP cũng nhận xét rằng Mỹ, một thời là kẻ thù, nay đang quay trở lại Việt Nam một cách ráo riết.

Trước ông Lellouche, hồi tháng Bảy Bộ trưởng Hervé Morin đã có chuyến thăm lịch sử tới Hà Nội, với tư cách bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của Pháp tới Việt Nam kể từ khi Pháp thua trận Điện Biên Phủ năm 1954.

Trong chuyến thăm đó, ông Morin đã nhấn mạnh rằng Pháp "sẵn sàng về mặt chính trị" trong việc tham gia hiện đại hóa quân đội Việt Nam, và đã thảo luận với lãnh đạo Việt Nam về các hợp đồng mua bán radar, trực thăng và máy bay vận tải.

Hãng thông tấn Pháp cho rằng, với 3.200 cây số bờ biển, Việt Nam đang tập trung hiện đại hóa hải quân, nhất là trong bối cảnh căng thẳng về chủ quyền với nước láng giềng Trung Quốc tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Biển Đông.

Việt Nam đã mua nhiều vũ khí và trang thiết bị từ Nga trong hai năm qua, tiêu biểu là hợp đồng mua sáu tàu ngầm hạng Kilo và 20 chiến đấu cơ Su-30MK2.

"Thế nhưng nước Nga ngày nay không còn là Liên bang Xô viết nữa," AFP dẫn lời một nhà quan sát nói: "Việt Nam đang tìm cách tiếp cận các nước lớn phương Tây nhằm đề phòng quan hệ với Bắc Kinh xấu đi".

Hướng về phương Tây

Hãng tin Pháp cho rằng những điều cấm kỵ xưa kia trong quan hệ với Mỹ và Pháp nay không còn nữa.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh hồi cuối năm 2009 đã thăm cả hai quốc gia nói trên, và có cuộc gặp quan trọng tay đôi với người tương nhiệm Hoa Kỳ Robert Gates.

Việt Nam cũng ký kết nhiều thỏa thuận về kỹ thuật với Australia, Bỉ và New Zealand, thậm chí có quan hệ với cả các nhà cung cấp vũ khí Israel.

Ông Benoît de Tréglodé, Giám đốc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (IRASEC), đặt tại Bangkok, Thái Lan, nói: "Tuy quân đội Việt Nam không công bố về các thỏa thuận đối tác với nước ngoài, họ đã trở nên cởi mở hơn rất nhiều".

Tuy nhiên, theo AFP, vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra về quy mô hiện đại hóa quân sự của Việt Nam.

Về danh chính ngôn thuận, ngân sách quốc phòng chỉ chiếm 2% GDP của Việt Nam.Thế nhưng thực tế, theo đánh giá của Pháp, con số này không bao gồm nhiều hợp đồng mua bán vũ khí mà Hà Nội vẫn giữ bí mật.

Trong chuyến thăm của Quốc vụ khanh Pierre Lellouche, Việt Nam đã ký hợp đồng trị giá 56 triệu euro để thực hiện dự án chế tạo vệ tinh quan sát với hai công ty Pháp là Astrium SAS thuộc Tập đoàn Hàng không Vũ trụ và Quốc phòng châu Âu (EADS) và công ty VEGA Technologies.

Không có nhận xét nào: