50% học sinh huyện Mã Ðà, Ðồng Nai chỉ muốn học tới lớp 5
KONTUM (TH) - Hàng ngàn người lặn lội vào rừng sâu tìm hái một loại cây dại gọi là cây kim cương để bán, trong đó không ít người là các trẻ em bỏ học để đi hái kiếm tiền.
Các em học trò đội mưa vào rừng hái cây kim cương. (Hình tài liệu)
Theo báo Tuổi Trẻ, sáng 16 tháng 11, Trưởng Phòng Giáo Dục huyện Kon Plong (Kon Tum) Nguyễn Ðức Hưởng báo động về tình trạng học sinh bỏ học, lặn lội vào rừng tìm hái cây lan gấm, còn có tên là cây kim cương hoặc thạch tằm. Ông Hưởng gửi công văn đến các trường học trong toàn huyện, đặc biệt là các trường ở xã Ðăk Tăng, Măng Bút, Pờ Ê, Măng Cành... yêu cầu vận động cha mẹ ngăn cấm con bỏ học, đi rừng đồng thời áp dụng nhiều biện pháp chiêu dụ như cung cấp thêm gạo và thực phẩm cho các trường bán trú.
Có thể nói, biện pháp chiêu dụ của ông trưởng phòng Giáo Dục huyện Kon Plông xem ra là chậm nên khó có tác dụng. Tâm lý thông thường của giới “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” là thích chơi hơn học đã thúc đẩy các em luồn vào các khu rừng già tìm hái cây kim cương - loại cây nghe đồn đãi là dược thảo quý, bán lại cho thương nhân Ðài Loan, Trung Cộng đang ra sức săn lùng với giá từ 30-40 Mỹ kim mỗi kí lô.
Ðược biết cây kim cương là loài cây mọc dại có thể chữa được bệnh. Có người cho rằng giá bán nêu trên chỉ mới bằng 1% giá trị thật của nó ở thị trường.
Trong khi đó, tờ An Ninh Thủ Ðô tại Hà Nội đưa tin về tình trạng bỏ học giữa chừng ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Ðồng Nai kéo dài suốt 10 năm nay, giờ đã vượt quá mức báo động. Theo cán bộ ngành Giáo Dục huyện này, có đến 50% học sinh tiểu học bỏ lớp trong niên học 2009-2010. Vì vậy, số học sinh vào lớp 6 bậc trung học lác đác trên đầu ngón tay. “Bí” quá, cán bộ huyện chỉ thị cán bộ Mặt Trận ấp đi từng nhà vận động, năn nỉ cha mẹ buộc con phải tới trường. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thu, cán bộ Mặt Trận ấp 4, ông chỉ vận động được... 3 học sinh trở lại trường trong tổng số 36 học sinh bỏ học tại xã Mã Ðà, huyện Vĩnh Cửu.
Ông Thu kể về một trong những học sinh được khen “học sinh tiên tiến” là Bố Thị Hoa đã xếp sách vở ở tuổi 12, ngay sau khi học xong lớp 5: “Bé Hoa cất cẩn thận tất cả những tờ giấy khen, từ học sinh tiên tiến đến học sinh giỏi từ lớp 1 đến lớp 5. Sách vở của em mang đi bán... ve chai lấy tiền đong gạo. Mỗi sáng thức dậy sớm lúc 5 giờ, thay vì đến trường, Hoa và anh trai kéo ra bờ sông lọp tép cho đến trưa. Hoa cho biết, hôm nào “trúng,” tép bán được 25,000 đồng thì đưa hết cho mẹ mua gạo.
Mẹ của em là bà Lương Thị Phỉ tâm sự: “Cho con đi học, coi như tui cụt tay. Gia đình tui chạy gạo từng bữa, lấy đâu ra 15,000 đồng mỗi ngày cho con tiền xe đi học?” Ai hỏi thăm chuyện bỏ học, Hoa cũng đều lắc đầu buồn bã: “Em muốn học lên lớp 6 lắm nhưng cha mẹ em nghèo quá, không có tiền cho em tiếp tục học.”
Bạn cùng lớp của Hoa là Lê Văn Trí cũng bỏ học để theo ghe chài của gia đình lênh đênh trên sông nước. Năm đầu dang dở học hành, Trí vẫn còn nhớ trường nhớ lớp nên treo bằng khen “Học sinh tiên tiến” lên vách gỗ chiếc thuyền. Còn rất nhiều em khác như Từ Thị Phụng, 14 tuổi; Lê Văn Hậu; Nguyễn Thị Mạnh... đều không vào lớp 6, mà tản hết ra ngoài: kẻ ra chợ, người ở nhà giữ em...
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hường, giáo viên trường Suối Tượng, việc học sinh bỏ học giữa chừng không đáng ngạc nhiên vì cha mẹ các em quan niệm rằng học hết lớp 5 là... đủ rồi, có học lên thêm cũng không khá hơn được.
Theo ông Thu, một trong những lý do khiến học sinh bỏ học giữa chừng quá đông là trường học ở xa khu vực dân cư. Ông Thu nói: “Các em không thể đạp xe 50km mỗi ngày cả đi lẫn về để đến trường, mà tiền xe đưa đón học sinh đã hết 15,000 đồng/ngày.”
Tất cả các khoản tiền ăn ở, đi lại, học phí ngày càng cao trong khi lợi tức của người dân không cải thiện được đã ngăn bước các em đến trường. Ông Thu ước tính chi phí học hành của mỗi học sinh cấp hai khoảng 9 triệu đồng một năm, và khoảng 15 triệu đồng/năm cho một học sinh cấp ba, trong khi thu nhập của đại đa số cư dân trong vùng chỉ vào khoảng 600,000 đồng mỗi tháng.
Học sinh may mắn duy nhất tiếp tục vào lớp 6 là Nguyễn Thị Ngọc Giàu 11 tuổi kể về cuộc sống truân chuyên của em hiện nay: “Khoảng 4 giờ sáng, em thức dậy chuẩn bị cặp sách. Gia đình em sống trên căn nhà nổi bằng thùng phuy chồng chềnh trên hồ Trị An. Ba em chống thuyền đưa em vô bờ rồi em đạp xe đi ba cây số rưỡi trên đường dốc ra đến trung tâm ấp. Em ngoắc xe đò đi tiếp 25 cây số nữa mới đến trường trung học cơ sở Mã Ðà.” Tính ra, mỗi ngày Giàu phải vượt một quãng đường dài trên 50 cây số bằng thuyền, xe đạp, xe hơi và cả cuốc bộ để đến trường.
Thật ra. Giàu đã một lần bỏ lớp cho đến khi được cán bộ ấp vận động đến trường. Em nói: “Còn ráng được thì cứ ráng, xem sao.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét