Pages

Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

Chuyện kể của một ông cậu tên Hồ

Simon Roughneen, Tales of an avuncular Ho, Phan Lưu Quỳnh phỏng dịch




Trong thời gian chuẩn bị cho Đại hội quan trọng của đảng vào năm tới, nhà cầm quyền Việt Nam đang cố hết sức để bó buộc những tiếng nói bất đồng chính kiến phải im lặng, bằng cách thị uy làm cho các luật sư, nhà báo, các nhà hoạt động nhân quyền và dân oan phải sợ hãi bằng các vụ bắt bớ, giam cầm, đe doạ và theo dõi.

Ít nhất có 19 nhà bất đồng chính kiến đã bị tóm vào mẻ lưới do nhà nước tung ra từ Tháng Mười. Những ai còn đang được tự do cũng phải vô cùng thận trọng khi trình bày quan điểm của mình hoặc gặp gỡ người nước ngoài. Mới đây tờ Á châu Thời báo đã tìm cách nói chuyện trực tiếp với một nhà bất đồng chính kiến yêu cầu được giấu tên ở Hà Nội, và trong câu chuyện này ông chỉ đơn giản được nhắc đến bằng cái tên “Hồ”.

Ông Hồ lập tức đưa ra vài nhận xét chua cay về đời sống của một người bị coi như kẻ thù của chế độ. “Tại Đông Đức, dưới thời Stasi, được biết là hễ cứ 50 người dân thì trong đó có 1 người là mật vụ. Ở Việt Nam ngày nay, tỷ lệ đó là một trong 40.”

Trong khi nhà nước độc tài Việt Nam đang bị chỉ trích về những vụ bắt bớ gần đây, bao gồm những cuộc vây bắt trước thềm Hội nghị thượng đỉnh khối ASEAN và khối Đông Á được tổ chức tại Hà Nội trong tháng này. Thì người ta cho rằng những vụ bắt bớ này đúng ra là để ngăn cản không cho họ gặp gỡ báo chí nước ngoài đến tường thuật đưa tin tại các buổi họp.

Việt Nam năm nay hiện đang giữ chức vụ chủ tịch ASEAN và khối mười thành viên này vừa đánh dấu dịp kỷ niệm một năm ngày thành lập Uỷ ban Liên Chính phủ về Nhân quyền, bị nhiều nhà tranh đấu gạt bỏ coi như một tổ chức chỉ có tiếng mà không có miếng.

Những bản án mới nhất được đưa ra vào hôm Thứ Ba, khi hai người Thượng ở vùng Tây Nguyên bị bỏ tù vì có âm mưu tổ chức những cuộc biểu tình chống chính quyền, là một nhắc nhở cho mọi người hiểu rằng quyền năng pháp luật có phạm vi rộng rãi áp dụng từ dân đen cho đến giới luật sư, nhà văn có tiếng tăm và nhiệt tình.

“Có một lịch sử lâu dài về việc chính quyền đàn áp người Thượng Montagnard ở vùng Tây Nguyên cùng những người có liên quan đến các giáo hội Tin Lành tại gia”, theo ông Phil Robertson, phụ tá giám đốc Á Châu của Tổ chức Giám sát Nhân quyền cho biết. “Có nhiều vụ bắt giữ không được ai biết đến mãi cho đến khi người bị bắt đã bị giam giữ khá lâu, và nhiều ngăn cấm trong việc đi lại và giám sát khiến cho các nhà báo gặp rất nhiều khó khăn để đến khu vực này”

Nhà báo tự do kiêm blogger Nguyễn Hoàng Hải, được biết nhiều hơn qua cái tên Điếu Cày, vẫn đang bị giam giữ sau khi bản án 30 tháng tù về tội trốn thuế bị mọi người xem như một tội danh bịa đặt, theo quy định là đã mãn hạn vào ngày 20 Tháng Mười. Nhưng các giới chức nhà nước lại nói rằng ông vẫn bị giữ lại để điều tra về một tội danh mới là phổ biến “tuyên truyền chống lại nhà nước xã hội chủ nghĩa”.

Việt Nam là một quốc gia độc đảng và mọi liên quan đến các đảng phái đối lập bị cấm đoán – dù thật hoặc giả– thường được dùng để kết án các nhà bất đồng chính kiến. Đặc biệt là chính quyền rất mạnh tay đối với đảng Việt Tân, là tổ chức mà các đảng viên thường lên tiếng kêu gọi cho dân chủ.

Theo đài truyền hình nhà nước đưa tin thì ông Cù Huy Hà Vũ, là một luật sư vừa bị bắt vào ngày 5 Tháng Mười Một vì phổ biến “tài liệu tuyên truyền chống nhà nước”. Nhiều bản tin đã trích dẫn lại lời của Bộ Công an nói rằng cán bộ điều tra đã tìm thấy nhiều tài liệu đòi lật đổ nhà nước và kêu gọi thành lập một hệ thống chính trị đa đảng trong máy tính xách tay của ông Vũ. Điều 4 trong hiến pháp Việt Nam có hiệu lực đặt Đảng Cộng sản lên trên luật pháp, cho phép nó là đảng phái hợp pháp duy nhất trong đất nước này.

Hồi năm ngoái ông Vũ đã không thành công khi nộp đơn kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về một dự án khai thác bô-xít gây nhiều tranh cãi ở khu vực Tây Nguyên. Nhà cầm quyền cũng bác bỏ một đơn xin của công ty luật của ông Vũ để được phép biện hộ cho sáu giáo dân Công giáo vừa mới bị kết án tù trong tháng này sau một phiên toà vội vã mang nhiều kịch tích.

Sáu người này thuộc về một nhóm giáo dân đã phản đối việc cấm đoán của nhà cầm quyền không cho họ được phép an táng một giáo dân qua đời tại nghĩa trang giáo xứ Cồn Dầu ở trung phần Việt Nam hồi Tháng Năm. Việc cấm đoán này làm bùng nổ một loạt những mối căng thẳng mới giữa nhà nước và đông đảo người Công giáo tại Việt Nam. Chính phủ cho biết nghĩa trang sẽ được biến thành một khách sạn và khu vực giải trí, và rõ ràng là họ đã bán miếng đất này cho một nhà đầu tư.

Một linh mục Công giáo yêu cầu được giấu tên cho biết việc nhà nước xâm phạm và chiếm đoạt tài sản giáo hội vẫn đang xảy ra hai năm sau khi bọn côn đồ do nhà nước đỡ đầu xông vào phá phách một buổi cầu nguyện phản kháng với sự tham dự của hơn 15 ngàn giáo dân Công giáo tại khu vực Tòa Khâm Sứ cũ ở Hà Nội.

Vị linh mục tiếp chuyện chúng tôi gần Vương cung Thánh đường Thánh Giuse trong khu phố xưa của Hà Nội đầy rẫy những quán cà phê và phòng trưng bày nghệ thuật, cho biết rằng ông đã nêu trường hợp của một tu viện gần đấy có bờ tường rào bị công trình xây dựng của nhà nước gây chướng ngại, lên các viên chức của Toà Đại sứ Hoa Kỳ trước chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng Hillary Clinton đến Việt Nam. “Họ hứa sẽ can thiệp, nhưng không có gì xảy ra cả”, vị linh mục nói.


Bế tắc ngoại giao

Nhưng việc đàn áp các nhà bất đồng chính kiến vẫn là một điểm bế tắc vào lúc mà quan hệ Mỹ-Việt đang có một xu hướng rõ ràng là mang nhiều thiện cảm. Phát biểu tại Hà Nội bên lề các Hội nghị thượng đỉnh khối ASEAN và Đông Á, bà Clinton nói rằng “Hoa Kỳ vẫn quan tâm về việc bắt giữ những nhà bất đồng chính kiến và sự hạn chế về tự do tôn giáo ở Việt Nam”.


Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm thụ động ngồi yên suốt bài phát biểu của bà Clinton; nhà bất đồng chính kiến tên Hồ lưu ý rằng hầu hết mọi người Việt Nam đều không bao giờ được nghe những lời chỉ trích của bà Clinton vì “người thông dịch đã phớt lờ đi (không dịch lại) những lời phê bình của bà, để những lời chỉ trích đó không được loan tải lên đài truyền hình hoặc bất cứ cơ quan truyền thông quốc doanh nào khác”.

Cũng như các nhà tranh đấu khác, ông Hồ cũng nổi giận về một vài vấn đề liên quan đến môi sinh cũng như đầu tư của nhà nước, bao gồm dự án khai thác bô-xít tai tiếng ở Tây Nguyên. Tập đoàn quốc doanh Chinalco của Trung Quốc là một đối tác làm ăn trong dự án được cho là có hàng ngàn công nhân Trung Quốc được tuyển dụng vào làm việc ở các khu mỏ, còn công nhân Việt Nam chỉ được giao một vài công việc.

Ông Hồ nói là ông tin rằng nhiều công nhân Trung Quốc “có thể là lính tráng” và phần lớn những lợi nhuận và tài nguyên khai thác “sẽ được chuyển về Trung Quốc, chứ đất nước này chẳng hưởng được gì, ngoại trừ những gì mà cán bộ đảng có thể thủ riêng cho họ qua việc cho phép Trung Quốc khai thác dự án.”

Đó là những lời nói cứng rắn, nhưng cũng không kém phần quan trọng như tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã tố cáo “khi Đại hội Đảng Cộng sản vào năm 2011 đang đến gần, chế độ lại bóp nghẹt tiếng nói của các nhà bất đồng chính kiến trên Internet, và mục tiêu đầu tiên của chế độ là những kẻ chỉ trích chính sách của nhà nước đối với Trung Quốc”. Thật vậy, nhà nước Việt Nam đã nắm lấy một tư thế không khoan nhượng trên Biển Nam Trung Hoa, ở Việt Nam gọi là Biển Đông, một khu vực được coi là rất phong phú về dầu mỏ và khí đốt.

Cùng với những quốc gia Đông Nam Á khác đang tuyên bố chủ quyền trong vùng biển này, Việt Nam dường như ngày càng cảm thấy bị đe doạ bởi tuyên bố của Trung Quốc cho rằng Biển Nam Trung Hoa có một “tầm quan trọng nòng cốt” ngang hàng với Tây Tạng và Đài Loan, với Đài Loan bị Bắc Kinh xem như một tỉnh phiến loạn. Vùng biển là khu vực của một số các tranh chấp chủ quyền có trọng tâm là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Mặc dù mối quan hệ Việt-Trung ngày càng lạnh nhạt, các truyền thông quốc doanh vẫn bị nhà nước ngăn cản không cho loan truyền những tin tức nhạy cảm liên quan đến Trung Quốc. Chẳng hạn như báo chí lề phải bị nhà nước bắt buộc phải rút xuống một bản tin trong lúc có hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Đông Á vừa qua, trong bản tin đó tường thuật về việc Nhật Bản dự định khai thác các loại quặng quý hiếm tại Việt Nam và có thể có những thương lượng (với Việt Nam) về Biển Nam Trung Hoa trong các buổi họp.

Với Đại hội Đảng đang đến gần, ông Hồ tiên đoán rằng mặc dù có nhiều tranh chấp gần đây giữa hai nước, nhưng “Trung Quốc sẽ đưa được người của họ vào” khi các chức vụ cao cấp, trong đó có chức vụ thủ tướng, được quyết định trong đại hội. Trung Quốc thường có thói quen lùi lại khi họ cảm nhận có những quan chức Việt Nam mang quan điểm mâu thuẫn với quyền lợi của Bắc Kinh nắm giữ các vị trí quyền lực.

Giáo sư Carl Thayer, một nhà chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam tại Học việc Quốc phòng Úc Đại Lợi, thuật lại một trường hợp điển hình hồi đầu thập niên 1990s khi Trung Quốc “gây áp lực nhằm loại bỏ một uỷ viên bộ chính trị là phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch”. Ông Thạch, bây giờ đã mất, từng đi đầu trong các nỗ lực nhằm sớm sủa tái lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Nhìn về đại hội đảng vào Tháng Giêng sắp tới, giáo sư Thayer nói thêm rằng “có nhiều lời đồn đãi mạnh mẽ rằng ông Nguyễn Phú Trọng, uỷ viên bộ chính trị kiêm chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được ủng hộ nắm chức vụ tổng bí thư đảng một phần vì ông được Trung Quốc chấp nhận”.

Bỏ vấn đề đàn áp chính trị sang một bên, có một số người ở Việt Nam lại lập luận rằng sự cai trị của Đảng Cộng sản đã tạo được nhiều thành quả kinh tế. Ông Hồ nhìn nhận rằng gần hai thập niên với tỷ lệ kinh tế tăng trưởng trung bình hằng năm ở mức 6% và một mức nhảy vọt trong lợi tức trung bình cá nhân đã cải thiện đời sống của nhiều thường dân Việt Nam, mặc dù ông không tin tưởng vào các con số thống kê chính thức của nhà nước. Phối hợp độc quyền chính trị và kinh tế thị trường kiểu Trung Quốc của Việt Nam đang thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là sau khi Hoa Kỳ đã mở đường cho Việt Nam gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới vào năm 2007.

Bỏ một ít đường vào chén thuốc đắng, bà Clinton ca ngợi Hà Nội ký kết vào Công ước chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc trong buổi họp báo của bà và ông Khiêm, đồng thời bà đoan chắc rằng bớt kiểm soát chính trị và thêm tự do dân sự sẽ làm cho thành công kinh tế vừa qua của Việt Nam được vững chắc. Trong khi đó, việc đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến như của ông Hồ vẫn tiếp tục.


Khi an ninh nhà nước đến để dòm ngó, có một thái độ khôi hài đãi bôi cũng đỡ lắm, ông cho biết. "Cộng sản, tư bản hay xã hội chủ nghĩa cuối cùng rồi thì cũng chẳng thành vấn đề. Vấn đề là bịnh đau khớp xương!", ông hay bảo thế với bọn mật vụ mặt còn non choẹt thường đến nhà ông theo chỉ thị với những lý do nhảm nhí như xem nhà ông có điện hay không.

Ra khỏi nhà ông, tôi thấy có một cái máy lau nhà nằm ở hành lang ngoài cửa với một vũng nước xà bông chảy lênh láng và ai đó đang sử dụng cái máy lại không thấy đâu. Ông Hồ gật đầu ra vẻ hiểu ý, chỉ tay vào cái máy mỉa mai mỉm cười và vẫy tay chào. Rồi lẹ làng lui vào bên trong cửa, miệng nở một nụ cười bất khuất nhưng khiêm tốn, ông gật đầu chào một lần cuối trước khi nhẹ nhàng đóng cửa cài then.

Không có nhận xét nào: