Suy ngẫm cùng luật gia Lê Hiếu Ðằng và Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu
* V. Quốc Uy
(Nguồn: Thông Luận 2010)
Trong bài viết Kiến nghị dừng khai thác bauxite, luật gia Lê Hiếu Ðằng nêu lên tình trạng các cán bộ, đảng viên, báo chí, đại biểu Quốc Hội cứ giữ im lặng, cứ “nhân nhượng, dĩ hòa vi quý với cái sai, cái nguy hại cho đất nước, cho dân tộc”, “không có ai lên tiếng thẳng thắn về những chuyện nghiêm trọng” như vụ khai thác bô-xít, cho thuê rừng đầu nguồn, vụ Vinashin, v.v. và ông quy nguyên nhân về nỗi “sợ”.
Ông Lê Hiếu Đằng từng là Phó chủ tịch Mặt Trận Tồ Quốc thành phố Sài Gòn.
Nỗi sợ thì không lạ, trước mắt là trăm ngàn nỗi sợ khác nhau, nhưng là một đảng viên khá cao cấp, ông Lê Hiếu Ðằng đề cập đến một nỗi “sợ” rất đặc biệt, rất “nội bộ”: Ðảng viên trong cùng một đảng lại sợ nhau, và ông tự hỏi “Cớ gì bây giờ mình phải sợ hãi các đồng chí của mình?”
Nỗi sợ này, theo ông Lê Hiếu Ðằng là vô lý. Và để nhấn mạnh sự cực kỳ vô lý, ông khẳng định nỗi sợ này lại nằm trong những con người không hề nhút nhát, trái lại đã từng gan góc trước “kẻ thù” (lúc ấy), từng coi cái chết nhẹ như lông hồng! Vô lý nữa, tình “đồng chí” đã từng được coi là mặn nồng hơn cả tình ruột thịt, sao lại có thể sợ nhau?
Nghĩ rằng “nỗi sợ đồng chí” là vô lý, là không thể chấp nhận nên ông Lê Hiếu Ðằng nhắn nhủ và động viên tất cả các đồng chí của mình, rằng hãy mạnh dạn lên tiếng trước các vấn nạn, như ông đã lên tiếng. Quả thực so với trước đây, bây giờ đã ngày càng nhiều đảng viên (và các cán bộ của đảng) đã dám mạnh dạn lên tiếng. Ý kiến của ông Lê Hiếu Ðằng đang có tác dụng thúc giục thêm, vậy đây là một ý kiến đáng trân trọng.*
Song, nếu nhìn toàn cảnh thì sự im tiếng, sự sợ hãi vẫn chiếm số rất đông, số đảng viên mạnh dạn lên tiếng còn lâu mới được 1%! Nghĩa là vượt qua “nỗi sợ đồng chí” không phải việc đơn giản, bởi nỗi sợ ấy không vô lý như ta tưởng, mà nó có lý của nó. Có lẽ vì thế mà Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu đã khẳng định rằng muốn giải thích được nỗi sợ ấy cần vận dụng đến 3 điều không đơn giản là “sự hiểu biết, lòng trung thực và nhân cách”! Muốn “giải đáp cho ra ngọn nguồn” như lời Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu thật không đơn giản chút nào. Tôi xin mạo muội đề cập đôi điều góp phần lý giải vấn đề không đơn giản ấy.
Trong chiến tranh thì toàn đảng và dân chúng (do đảng lãnh đạo) ở cùng một phía, phía kia là thực dân Pháp hoặc Mỹ cùng với chính quyền miền Nam. Lúc ấy quyền và lợi cơ bản chưa có, chỉ có gian khổ hy sinh. Lúc ấy có thể nói “Ðảng với dân là một”, huống chi cùng là “đồng chí” trong đảng thì sự chia sẻ gian khổ với nhau còn hơn cả người thân. Chữ “đồng chí” lúc ấy thiêng liêng, đáng yêu đến mức Tố Hữu viết: “Thương nhau, anh gọi em: Ðồng chí!”, gọi “đồng chí” là âu yếm hơn cả vợ chồng. Sau này khi mô tả lại, nhà thơ Bùi Minh Quốc cũng viết “Ðồng chí - tiếng ấm nồng máu đỏ”, tình đồng chí là tình máu thịt. Nếu “đồng chí” với nghĩa như vậy thì làm gì có chuyện “sợ” nhau như bây giờ? Lúc ấy, nếu cấp dưới có phải nghe lệnh cấp trên thì cũng là tự nguyện.
Nhưng chiến thắng là bước ngoặt phân ly, chấm dứt quan hệ cũ, bắt đầu quan hệ mới. Ðảng lên nắm chính quyền một cách cố định không luân chuyển, lãnh đạo cả đất nước, đầy quyền uy. Dù có thương yêu nhau đến mấy, trong cấu trúc xã hội tự nhiên cũng phân thành hai cực: Ðảng ở cực lãnh đạo (hay cai trị), dân ở cực bị lãnh đạo (hay bị cai trị). Không có lý thuyết xã hội học nào lại coi hai cực cai trị và bị trị “là một” cả, từ đây nếu còn nói “Ðảng với dân là một” là duy ý chí. Quan hệ giữa hai cực “đối tác” ấy sẽ hài hòa hay bất ổn là phụ thuộc vào đường lối của giới cai trị có thuận lòng dân hay không, lợi ích có mâu thuẫn với lợi ích dân tộc hay không.
Song xét thực chất, quyền lực không nằm ở toàn đảng, quyền lực chỉ nằm trong tay thiểu số đảng viên trong Bộ Chính Trị và Ban Chấp hành Trung ương. Ða số đảng viên là “đảng viên thường” thực chất chỉ là công cụ để thực hiện những chủ trương của Bộ Chính Trị và Ban Chấp hành Trung ương. Hơn 2 triệu “đảng viên thường” này nằm ở giữa hai cực cai trị và bị cai trị. Về danh nghĩa họ là “công dân loại 1”, được hưởng một số quyền lợi của đảng viên, nhưng vì họ là công cụ giao lưu trực tiếp với dân nên phần nào họ cũng gần dân, và về một số mặt họ bị thiệt thòi hơn cả dân thường. “Ðảng viên thường”, hay đảng viên cấp dưới, có nhiệm vụ phải làm gương, vừa để cho dân trông vào, vừa làm bình phong che cho những tật xấu, những điều bất chính ở các cấp cao. Thậm chí, khi phạm tội lỗi mà bị dân phát hiện họ dễ dàng bị kỷ luật để tượng trưng cho tính nghiêm minh. Nhiều đảng viên thổ lộ rằng sự mất dân chủ trong đảng còn nặng nề hơn bên ngoài, “19 điều cấm” khiến cho “đảng viên thường” còn thua một công dân bình thường về quyền công dân.
Trong đảng, trật tự tôn ty phân biệt rất rõ, phẩm trật trên dưới phân định quyền sinh quyền sát nghiêm khắc hơn thời phong kiến, thử hỏi các “đảng viên thường” tức đảng viên không giữ quyền lực không “sợ các đồng chí” nắm quyền ở thượng cấp sao được? Không thể tự ý ra khỏi đảng, không được nói tiếng nói của lòng mình, đa số “đảng viên thường” cũng đầy tâm tư, bế tắc, luôn sống trong nỗi sợ.
Lại xét đến những biến động ngay trong giới nắm quyền lực. Quyền lực biến đổi con người, lúc gian khổ họ khiêm nhường, nhân ái. Quyền càng to càng mau tha hóa, trở nên ham muốn vô bờ và mưu mẹo, sẵn sàng phản bội tình “đồng chí”, sẵn sàng cướp công, vu vạ, hãm hại “đồng chí” như chơi.
Hãy so sánh hai bài thơ mô tả tình đồng chí ở hai thời kỳ chưa cầm quyền và cầm quyền thì rõ.
Năm 1948, mấy ai không thuộc bài “Ðồng chí” của Chính Hữu:
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay...
Nhà thơ Bùi Minh Quốc chỉ vì đòi quyền tự do sáng tác (theo đúng tinh thần nghị quyết 05 của Bộ Chính Trị) mà bị khai trừ, năm 1988, trong bài “Những ngày thường đã cháy lên” ông viết:
Ðồng chí - tiếng ấm nồng máu đỏ
Sao có lúc vang lên lạnh rợn thế này?
Ðồng chí - dao đã nằm ém nhẹm dưới lòng tay
Và mọi ngả đường đã giăng cạm bẫy!
Rồi năm 1997, trong bài “Hý trường” của tập “Thơ vụt hiện trong phòng thẩm vấn” có đoạn:
Hậu trường có gì xôm không nhỉ?
Cuộc sát phạt vào màn hay ho
Ðồng chí ăn thịt đồng chí
Nhạc hùng càng nổi to!
“Dao ém nhẹm du lòng tay”, “mọi ngả đường đã giăng cạm bẫy”, “đồng chí ăn thịt đồng chí” thì các đồng chí phải “sợ các đồng chí của mình” là lẽ đương nhiên, có gì là vô lý? Sự cạnh tranh chức quyền và “lợi ích nhóm” khiến cho cấp dưới sợ cấp trên đã đành, mà các cấp trên với nhau cũng “sợ” nhau từng giờ từng phút, nhất là trước thềm những đại hội.
Báo chí của đảng đang nêu bật mối lo sợ “tự diễn biến”, nhưng đây là sự tự diễn biến theo cả hai phía, một phía cấp tiến, gần lại hơn với nhân dân và thời đại dân chủ tự do, một phía bị tha hóa bởi quyền lực, miệng nói lý tưởng nhưng việc làm lại hy sinh lý tưởng cho lợi quyền riêng. Sự phân ly về hai phía không tránh khỏi ấy sẽ khiến cho tính chất “đồng chí” suy giảm dần, đến một lúc khó coi nhau là “đồng chí”, sẵn sàng quy kết nhau, thì sợ nhau là phải!
*
Lấy quá khứ làm điểm tựa, Luật gia Lê Hiếu Ðằng cứ giả thiết mọi người còn đồng tâm thực thi lý tưởng Ðộc lập - Dân chủ nên coi hiện tượng “đồng chí sợ đồng chí” là Vô lý, cần khắc phục ngay. Trái lại, Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu với cái nhìn khoa học lại gợi ý rằng tình trạng này rất khó khắc phục vì “đồng chí sợ đồng chí” là rất Có lý, cần vận dụng cả “sự hiểu biết, lòng trung thực và cả nhân cách” mới lý giải được, nếu thiếu một trong ba nhân tố ấy, câu trả lời sẽ “ấp úng” ngay! Theo Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu thì đa số đảng viên và cán bộ vẫn cứ “tự kiểm duyệt” để biến những mệnh lệnh không văn bản của thượng cấp thành sự đồng thuận tự nguyện, để mọi thứ vẫn êm trôi như không có gì xảy ra. Khi nỗi sợ đã ngấm vào máu, đã thành bản năng sinh tồn thì những lời động viên khích lệ chưa đủ, cần sự tháo gỡ từ gốc! Phải làm sao để đảng viên không phải sợ đảng, “đồng chí” với nhau không phải sợ nhau nữa?
Như vậy thì cả ý kiến của hai ông đều đúng, mỗi ý kiến đáp ứng một phần của hiện thực và có tác dụng riêng, cả hai gộp lại mới thành bức tranh toàn cảnh về “nỗi sợ đồng chí”. Nỗi sợ ấy vẫn là một trở ngại vô cùng nặng nề, ngăn cản sự thực hiện lời đảng rằng phải “dũng cảm nhìn thẳng sự thật, nói hết sự thật”, ngăn cản việc đặt lên bàn những vấn nạn công khai để mổ xẻ thật cụ thể và tìm cách khắc phục hữu hiệu.
Cùng với Luật gia Lê Hiếu Ðằng, ngày càng nhiều ý kiến đồng ý rằng “Dân chủ là giải pháp cho mọi vấn đề của đất nước”, nhưng cần nói tiếp: “Chưa có được dân chủ trong đảng thì chưa thể nói gì đến dân chủ cho xã hội!”
Làm thế nào chuyển được những nhận thức này thành hiện thực, chắc chắn đây không phải bài toán dễ dàng, nhưng chừng nào chưa giải được bài toán gốc này thì những việc hệ trọng cho quốc kế dân sinh như vụ Bauxite, vụ Vinashin, vụ tàu cao tốc, vụ cho thuê rừng đầu nguồn, dù có đưa ra Quốc Hội (nơi đại đa số là đảng viên) cuối cùng cũng chỉ loanh quanh giậm chân tại chỗ, cứ “vũ như cẫn” hoặc càng xấu hơn.
V. Quốc Uy
Tháng 11, 2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét