Trọng Nghĩa
Bát Nhã, Đồng Chiêm, Cồn Dầu… đây là ba trong số nhiều địa danh vừa được Hoa Kỳ nêu lên thành thí dụ về tình trạng quyền tự do tôn giáo bị coi thường tại Việt Nam.
Báo cáo 2010 của bộ Ngoại giao Mỹ về tự do tôn giáo trên thế giới
US State Department
Trong bản Báo cáo Thường niên về tình hình tự do tôn giáo trên thế giới, công bố vào hôm qua, bộ Ngoại giao Mỹ một mặt công nhận một số tiến bộ trong lãnh vực tự do tôn giáo và tín ngưỡng tại Việt Nam, nhưng một mặt khác cũng phê phán các vụ sách nhiễu và bạo hành quá đáng nhắm vào một số cộng đồng tôn giáo tại Việt Nam trong một năm gần đây.
Một cách tổng quát, Hoa Kỳ lần này đã bày tỏ thái độ quan ngại đặc biệt đến các biểu hiện chống tự do tôn giáo tại Afghanistan, Ai Cập, cũng như ở các nước nằm trong danh sách CPC của bộ Ngoại giao Mỹ, tức là các quốc gia cần quan tâm về vấn đề tự do tôn giáo. Danh sách này hiện bao gồm Miến Điện, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Iran, Erithrea, Ả rập Sê út, Sudan và Uzbekistan.
Riêng đối với Việt Nam, bản báo cáo trước tiên ghi nhận mâu thuẫn giữa lý thuyết và thực tế trong địa hạt tự do tôn giáo : Hiến pháp Việt Nam bảo đảm quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, tuy nhiên, chính quyền vẫn duy trì nhiều hạn chế trên hoạt động có tổ chức của các nhóm tôn giáo.
Về các yếu tố tích cực, bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận là chính quyền Việt Nam đã tiếp tục thi hành sắc lệnh về tôn giáo và tín ngưỡng ban hành vào năm 2004 và các nghị quyết bổ sung năm 2005, qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng nhà thờ, nhà nguyện, chùa chiền, tu viện, học viện, thu hút được hàng ngàn chủng sinh hay tu sinh.
Bên cạnh đó, theo bản báo cáo, nhiều lãnh vực cũng đã được cải thiện : “Chính phủ đã cho phép các tổ chức tôn giáo mở rộng hoạt động từ thiện. Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết cũng ghé Tòa thánh Vatican hội kiến với Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI, trong một nỗ lực tiếp tục cải thiện đối thoại. Hai bên đã đồng ý cho Vatican bổ nhiệm một đại diện không thường trú tại Việt Nam, một bước đầu tiên trong việc tiến tới bang giao toàn diện.
Tại nhiều nơi trong số 64 tỉnh thành của Việt Nam, một số giáo đoàn mới được đăng ký, và một nhóm tôn giáo mới và hai giáo hội Tin lành được công nhận trên toàn quốc. Giáo hội Công giáo, các Hội thánh Tin Lành, và nhiều nhóm tôn giáo nhỏ khác đã cho biết là họ đã có thể tập hợp tín đồ và hành đạo dễ dàng hơn. Chính phủ cũng cho phép một số tôn giáo tổ chức lễ với quy mô lớn, có lúc thu hút hơn 100 ngàn người tham gia.
Tuy nhiên báo cáo của bộ Ngoại giao Mỹ cũng xác định là còn tồn tại nhiều vấn đề nghiêm trọng trong lãnh vực tự do tôn giáo, cả ở cấp địa phương, lẫn cấp toàn quốc. Đặc biệt nổi cộm trong năm qua là ba vụ Bát Nhã, Đồng Chiêm và Cồn Dầu, nơi một số viên chức địa phương đã có hành động sách nhiễu và sử dụng vũ lực quá đáng. Báo cáo viết như sau :
« Có thí dụ về việc chính quyền can dự trực tiếp, hay cho phép các hành động bạo lực đối với thành viên của các nhóm tôn giáo. Đó là trường hợp vụ tấn công vào cộng đồng tu sinh Phật giáo Làng Mai tại Bát Nhã, (thuộc tỉnh Lâm Đồng) và vụ phá hủy một cây thánh giá tại Đồng Chiêm. Cũng có những thông tin về cách đối xử khắc nghiệt nhắm vào những người bị bắt bị cáo buộc là đã kích động bạo lực trong một cuộc biểu tình chống việc thực thi một thỏa thuận giữa Giáo Hội Công Giáo và chính phủ nhằm đóng cửa một nghĩa trang ở giáo xứ Cồn Dầu ».
Trên một bình diện khác, báo cáo cũng ghi nhận các vụ chính quyền một số nơi ở miền Bắc và vùng thượng du Tây Bắc chậm trễ trong việc chấp thuận sự đăng ký của một số giáo hội Tin lành. Nhiều nơi, các cộng đoàn tôn giáo cũng bị sách nhiễu. 5 năm nay chính quyền vẫn không chuẩn thuận bản dịch thánh kinh sang tiếng Hmong.
Đối với bộ Ngoại giao Mỹ, nhiều tôn giáo bị chèn ép nhất là khi hoạt động của họ bị coi là có khả năng thách thức quyền lực của đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là trường hợp của Đạo Cao Đài và Hòa hảo, vẫn không được phép đăng ký hoạt động. Trong lúc đó, một số tín đồ bị gây khó khăn để không dám tham gia những giáo hội không được nhìn nhận”.
Trong thời gian qua, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Mỹ, tham vấn cho chính quyền, đã liên tục tố cáo tình trạng vị phạm tự do tại Việt Nam. Ủy ban này cũng khuyến nghị chính quyền Mỹ đưa Việt Nam vào lại danh sách các nước cần được quan tâm về tự do tôn giáo CPC, nhưng không được bộ Ngoại giao Mỹ đáp ứng.
Hôm qua, khi được hỏi về vấn đề này, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Nhân Quyền Dân chủ và Lao động Michael Posner xác nhận là Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế có nêu lên đề nghị đó, và bộ Ngoại giao sẽ nghiên cứu và quyết định trong mấy tháng tới đây.
Ông Posner tiết lộ là vào tháng 12 sắp tới ông sẽ sang Việt Nam để tiếp nối đối thoại song phương về nhân quyền đã diễn ra hồi tháng 10. Theo ông, vấn đề liên quan đến danh sách CPC có thể được đề cập tới trong dịp đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét