Pages

Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2011

Bởi vì họ không hiểu, những gì họ nói!

Hôm thứ tư ngày 19.1 vừa qua mọi người hồi hộp theo dõi buổi họp báo đầu tiên của ông Nguyễn Phú Trọng, tân Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Việt Nam nhiệm kỳ 5 năm 2011-2016. Buổi họp báo thật sự chẳng có gì mới, tất cả đều trong dự đoán. Những lời tuyên bố của ông Trọng cũng chỉ tựu chung trong những lời xã giao khéo léo không gây nhiều hứng thú cho người nghe. Phải chăng do tuổi hạc đã cao (67 tuổi) để trí óc không còn năng động sáng tạo hay do bị trói buộc trong khuôn phép nhất định nên những dự tính cho tương lai của ông Tân Tổng Bí Thư cũng chỉ là những lời sáo ngữ không tạo dấu ấn, tư duy không đủ lửa để thuyết phục lòng người. Trong buổi họp báo đầu tiên ông Trọng đưa ra một vài điểm thật khó hiểu nhưng lại không được giới quan sát quan tâm đến ( vì chỉ là điều lập lại từ lâu nay) mặc dù rất quan trọng cho chính sách nhà nước trong thời gian năm năm tới đó là: „phải xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, tiếp tục từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội“.

Dù là một GS TS về ngành xây đựng đảng, được xem một lý thuyết gia đã từng du học từ Sô- Viết trở về, ông Trọng xem ra không hiểu, không nắm vững học thuyết chính trị cũng như không nắm vững cơ chế phát triển ngày nay của nhà nước.

Nếu lật lại kho tàng lý luận của chủ nghĩa Marxit-Leninit người ta sẽ tìm cho đến mù mắt vẫn không có khái niệm „Bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội“ vì theo học thuyết này chủ nghĩa xã hội là giai đoạn nằm giữa trong quá trình từ chủ nghĩa tư bản tiến lên chủ nghĩa Cộng Sản chứ hoàn toàn không có „Bước Quá Độ“ tức là một hình thức „đi ngang về tắt“ nhảy bỏ chủ nghĩa Tư Bản. Và còn nếu muốn „việt nam hóa“, tự lý luận và cho rằng, đây là bước nhảy vọt sáng tạo, bỏ qua thời kỳ tư bản để tiến lên thời kỳ chủ nghĩa xã hội thì thử hỏi thời kỳ „kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa“ hiện nay đang nằm trong giai đọan nào trong mớ lý thuyết rối lòng thòng của ông Trọng?

Thật sự mà nói hiện cũng có một vài nước tại Bắc và Tây âu đang áp dụng loại „kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa“. Tuy nhiên đây là một cơ chế kinh tế xã hội, chấp nhận nhiều hình thái kinh tế chính trị khác nhau, tạo công bằng xã hội qua hình thức an sinh xã hội cho mọi người dân dựa và chính sách thuế khóa và nhất là không chủ trương tiến đến mục đích cuối cùng là Chủ nghĩa Cộng Sãn. Loại „kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa“ của ông Trọng hiện nay lại khác hẵn. Họ chấp nhận kinh tế thị trường nhưng lại dồn mọi ưu tiên lợi thế cho lãnh vực kinh tế do nhà nước kiểm soát. Mặt an sinh xã hội bị bỏ rơi, giao cho người dân tự giải quyết như vấn đề sức khỏe, giáo dục v.v…và mục đích cuối cùng là đạt đến một thế giới đại đồng Cộng Sãn như ngay chính tên gọi của Đảng. Một thế giới mà mọi người dân được bình đẳng, ấm no, hạnh phúc?

Mức sáng tạo „…tiếp tục từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội“ của lý thuyết gia Nguyễn Phú Trọng càng lên tột đỉnh, càng rối lòng thòng hơn khi chấp nhận cho giới doanh nhân thương nghiệp tư được gia nhập trở thành đảng viên đảng CSVN. Giới công nhân bị trị chưa kịp vùng lên đánh đổ thoát khỏi áp bức bóc lột của giới chủ thì nay lại kéo ghế mời kẻ địch ngồi chung! Có anh công nhân nào lại không muốn làm ít ăn nhiều, ngược lại mọi anh chủ đều muốn công nhân làm nhiều mà ăn ít. Đây chính là mâu thuẩn nội tại sâu sắc nhất trong mớ lý thuyết sáng tạo của ông Trọng. Và cũng đừng quên rằng, ở đâu có mâu thuẫn ở đó có xung đột.

Không một thành quả nào của xã hội mà lại không có sự hy sinh đóng góp của người dân. Nhà nước phải phát thảo kế hoạch, dự toán chính xác để người dân cùng hợp lực xây dựng. Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội sẽ được mọi người tán thưởng nếu một khi người dân thấy được một viễn cảnh xã hội tươi sáng với chủ nghĩa này. Thật sự sẽ có một xã hội sung túc, công bằng bác ái cho mọi người dân? Từ cuối thế kỷ 19 đến nay, kể từ khi cụm từ „xã hội chủ nghĩa“ bắt đầu xuất hiện sau khi những cuộc đấu tranh của giới công nhân thợ thuyền nổ ra tại Âu châu người ta vẫn chưa chứng kiến „tận mắt“ một hình thái xã hội nào mà người dân lại được hưỡng đầy đủ mọi quyền lợi như vậy. Mĩa mai thay, những nước theo chủ nghĩa tư bản mà ông Trọng muốn „quá độ“ nhảy qua để tiến lên chủ nghĩa xã hội thì người dân lại có cuộc sống được tạm xem là sung túc và công bằng hơn! Cái nôi của chủ nghĩa Marxit-Leninit và các ông chủ của nó đã tự „diễn biến hòa bình“ để tự biến mất hơn hai thập kỷ qua.

Nhưng thật sự có cần thấy một viễn cảnh tươi đẹp rồi mới tin tưởng góp công góp của xây dựng xã hội chủ nghĩa? Tôn giáo thì sao? Những người con Phật có mấy ai thấy được cõi Phật, người theo Thiên Chúa có ai biết Thiên Đường như thế nào mà nay lại đã lo sống đạo, sống đời cho tốt để ngày nào đó được bước chân vào những cõi cao hơn?

Tôn giáo, cái mà Karl Marx đã từng cho là thuốc phiện, chưa chứng minh, chưa đưa ra được một hình ảnh cuộc sống trên Thiên Đường hay ở cõi Phật cụ thể như thế nào nhưng các Tôn giáo đưa ra được những cơ sở tinh thần đúng đắn để người ta sống và làm theo nhằm đủ điều kiện căn bản cho một đời sống ở một mức cao hơn. Một Tứ Ân – ơn Cha Mẹ, ơn Thầy Tổ, ơn Tổ quốc và ơn Chúng sinh – , một Hạnh Bố Thí – Biết Cho, biết Nhận, đức hạnh tối quan trọng không chỉ dành riêng cho con nhà Phật mà tất cả chúng sinh – , một Tân ước, một Cựu ước đều dạy và hướng dẫn con người sống một cuộc sống đạo đức, không tham lam, biết tôn trọng con người và thiên nhiên v.v… Dù chưa thấy Cõi Phật, Thiên Đường nhưng cơ sở xây dựng căn bản, đào tạo con người của các Tôn giáo rất rõ ràng, minh bạch đầy thuyết phục và rõ ràng họ đã và đang thực hiện được những điều đó, nên được mọi người chấp nhận hy sinh cống hiến.

Riêng còn „quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội“ hầu có được một xã hội sung túc bình đẳng của ông Trọng đang có sức thuyết phục như thế nào đối với người dân Việt Nam?

Về mặt kinh tế: Sau nhiều thập kỷ „dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất“ sách lược xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, tiếp tục từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội của ông Trọng để lại một món nợ nước ngoài chừng 28 tỷ Dollar, trong đó con tàu ma Vinashin chiếm hơn 4 tỷ Dollar, điện lực EVN chiếm hơn nữa tỷ Dollar và một con số lớn không thể thống kê hết các công ty quốc doanh làm ăn thua lỗ hoặc bị phá sản. Ông Trọng muốn „quá độ“ nhảy qua thời kỳ tư bản chủ nghĩa nhưng khốn thay nền kinh tế Việt Nam hiện nay thực sự đang bị các công ty đầu tư nước ngoài FDI và hệ thống kinh doanh tư nhân trong nước chi phối.

Một sự thực khác là ông Trọng phải bó tay không thể „xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật“ nếu không có đồng vốn cho không ODA như viện trợ xóa đói giảm nghèo, viện trợ xây cầu đường xá giao thông v.v… của nước ngoài cũng như số Kiều hối khoãng chừng 6 tỷ Dollar do người Việt ở hải ngoại gửi về hàng năm.

Trong khi đó, thống kê mới nhất từ Citygroup cho thấy mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam nay chỉ còn 13,7 tỷ Dollar chưa đủ để nhập hàng sản xuất cho kỹ nghệ xuất khẩu trong vòng tám tuần.

Về mặt tinh thần: Đây là vấn đề quan trọng nhất, một khi lòng tin của người dân đã mất thì không một tôn giáo, một chính thể, một chủ nghĩa nào có thể đứng vững. Ông Nguyễn Minh Triết chủ tịch nước cũng đã thấy điều đó qua lời phát biểu trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 20.1 vừa qua: „…chăm lo cho dân thì sự nghiệp này mới vững bền. Nếu để mất lòng tin là mất tất cả …“ , hoặc „…chăm lo cuộc sống cho nhân dân, từ bữa ăn đến chữa bệnh, đến học hành.“. Hãy nhìn qua hành động cụ thể xây dựng những bước căn bản cho một viễn cảnh chủ nghĩa xã hội của ông Trọng, ông Triết như thế nào:

Bức tranh xã hội 1: Từ cuộc sống cho nhân dân…

Alastair Leithead, thông tín viên của đài BBC viết đi từ Hà Nội:

“… Địa điểm tiếp theo của tôi là để thưởng thức phở, món súp tiếp đạm cho quốc gia thường được bán với giá một đô la. Nhưng chúng tôi không đến những quán phở thường mà tới nếm thử loại phở đắt nhất nước với giá 35 đô la một tô.

Hai chiếc xe Porsche hai cầu đỗ bên ngoài quán. Tôi còn không biết là Porsche chế tạo cả xe hai cầu. Ông chủ quán nói với chúng tôi về chất lượng thịt bò Nhật, độ sạch sẽ của bếp nấu và số tiền mà những người giàu sẵn sàng bỏ ra để húp món phở đắt nhất Việt Nam.

Một thực khách thú nhận ông vừa ăn món phở đặc biệt của nhà hàng và gần như cảm thấy có lỗi khi nói với tôi ông làm cho chính phủ. Chúng tôi cũng nhận được ánh mắt nghi ngờ của một Ủy viên Trung ương Đảng bước nhanh ra khỏi cửa và chui vào chiếc Mercedes…

Và thanh niên 26 tuổi tràn đầy tự tin cũng cho tôi xem chiếc xe Rolls-Royce Phantom được chế tạo theo đơn đặt hàng đang hợm hĩnh phô kính trước mặt những người bán hàng rong đội nón lá. Người anh toát ra toàn kim hoàn và hột xoàn. Khi là chủ cửa hàng bán xe đắt tiền như thế này, người ta có thể dùng điện thoại giát vàng và đồng hồ gắn kim cương.

…”Ông sẽ không bao giờ nhìn thấy nhiều xe hạng sang như thế này ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới,” một trong những người nước ngoài là thành viên câu lạc bộ nói với tôi. Ở một góc độ nào đó, tôi nghĩ là họ cũng muốn tỏ ra như vậy nhưng động cơ của chiếc xe họ lái cũng chỉ gầm rú để toát lên mùi tiền[1].

Trong khi đó, tờ VNEXPRESS chạy bản tin gây sững sờ người đọc chuyện một cụ ông 98 tuổi vẫn còn đạp xích lô nuôi vợ: „Sáng sáng, người dân xã Phú Dương (Phú Vang, Thừa Thiên Huế) đều thấy cụ Đặng Huyền (98 tuổi) đạp xích lô xuống chợ kiếm sống. Cụ đã được vinh danh là người đạp xích lô có tuổi nghề nhiều nhất tại Huế.

Mặc dù đã 98 tuổi, cụ Đặng Huyền vẫn được người dân quen gọi là cụ Huần, ngày ngày vẫn đạp xích lô chở khách kiếm sống. Cụ thường bắt đầu một ngày làm việc từ khi trời còn mù sương. Cụ tâm sự: „Tui còn sức còn đạp xích lô chứ bây giờ nghỉ thì vợ chồng già không biết nương tựa vào ai”. Trong hội thi diễu hành xích lô ở Festival làng nghề truyền thống Huế 2007, cụ Huần được vinh danh là người lái xích lô có tuổi nghề nhiều nhất tại Huế[2].

Lòng tin của người dân về một tương lai tươi sáng được nâng cao hơn qua hình ảnh một tô phở giá 37 Dollar trong khi những tô phở bình thường chỉ với giá 1 Dollar? Hoặc qua hình ảnh một cụ ông 98 tuổi được vinh danh là người lái xích lô có tuổi nghề nhiều nhất? Thành quả „chăm lo cuộc sống cho nhân dân…“ của ông Triết đang ở mức độ nào khi chính người được vinh danh tâm sự: „Tui còn sức còn đạp xích lô chứ bây giờ nghỉ thì vợ chồng già không biết nương tựa vào ai”?

Bức tranh xã hội 2: … qua công bằng bác ái…

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang vừa hoàn tất kết luận điều tra (lần hai) vụ án Sầm Đức Xương- Nguyên Hiệu trưởng trường THPT Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, Hà Giang, tháng 9/2009 mua dâm học trò. 16 người (trong đó có nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trường Tô) trong bản “danh sách đen” được cho là không đủ cơ sở xử lý hình sự. Hai nữ sinh Nguyễn Thúy Hằng, Nguyễn Thị Thanh Thúy bị khởi tố về hành vi môi giới mại dâm. Quá trình điều tra, đã làm rõ hàng chục học sinh cấp 2, cấp 3 là nạn nhân trong đường dây mua dâm học trò này.

Sau đó, trong phiên tòa ngày 27/1/2010 do TAND tỉnh Hà Giang xét xử thì bị cáo Thúy, Hằng (học trò của Sầm Đức Xương) khai nhận, họ từng quan hệ với nhiều cán bộ công chức cỡ “VIP” tại tỉnh Hà Giang.

Tuy nhiên kết luận điều tra vừa được Công an tỉnh Hà Giang hoàn tất lại cho rằng không đủ cơ sở để xử lý hình sự những cá nhân bị Hằng, Thúy tố cáo. CQĐT cho hay đã tiến hành điều tra trong một thời gian dài, ba lần gia hạn điều tra, đã làm rõ lời khai của Thúy, Hằng, lấy lời khai của các cá nhân bị tố cáo, tổ chức đối chất, nhận dạng nhưng không đủ chứng cứ để chứng minh 16 cá nhân mua dâm[3].

Hai nữ sinh Thúy, Hằng đến nay vẫn còn bị giam giữ do bị cáo buộc buôn dâm trong khi 16 người bị tố cáo mua dâm lại không đủ bằng chứng để truy tố. Vậy thì hai nữ sinh Thúy, Hằng bán dâm cho ai? Tại sao vẫn bị tiếp tục giam giữ trong khi không đủ bằng chứng để truy tố (vì không có người mua dâm)? Và như vậy thì qủa là oan sai khi cách chức ông nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trường Tô! Nhà nước cũng phải trả lại chức quyền cho Nguyễn Trường Tô vì ông ta đâu có mua dâm mà phạt? Ngoài ra, tất cả hơn 700 tờ báo trong nước phải trân trọng xin lỗi ông Nguyễn Trường Tô vì những lời lên án nhục mạ thiếu căn cứ trong năm vừa qua mới phải đạo!

Bức tranh xã hội 3: …đến học hành

Vào ngày 30 tháng 12 vừa qua, vietnamnet chạy bản tin „Trẻ sơ sinh phải đóng phí xây dựng trường“ làm người đọc không tin vào mắt mình:

Chuyện diễn ra ở xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa), khiến người dân ở đây vô cùng bức xúc. Tất cả mọi người, kể cả trẻ sơ sinh đều phải đóng phí xây dựng trường học.

Ông Lê Văn Giới, ở Vĩ Thôn bức xúc cho biết: “Được mấy sào ruộng, một năm hai vụ đóng góp, mà nặng nhất vẫn là khoản tiền xây dựng trường mầm non. Gia đình tôi có 8 khẩu, mỗi người phải đóng 197.000 đồng, chia thành hai lần. Điều vô lý nữa là thằng cháu nhà tôi, năm nay vào trường mầm non của xã, đã phải nộp 50.000 đồng tiền xây dựng, vậy mà về nhà cháu vẫn phải nộp tiền xây dựng trường theo đầu khẩu”.

Ông Đỗ Xuân Định, xóm 2, xã Thiệu Phúc bày tỏ: “Nhà tôi có một cháu học lớp 2, cháu phải đóng 2 lần tiền xây dựng trường, một lần đóng ở trường tiểu học, một lần đóng theo đầu khẩu do UBND xã đề ra. Chẳng biết chính quyền xã đưa ra mức thu như vậy có đúng không, nhưng chúng tôi không đóng là không được”.

Ông Lê Quang Bảy – Trưởng trạm Y tế xã Thiệu Phúc cho biết, năm 2009-2010 cả xã có 130 trẻ sơ sinh thì tất cả số trẻ này đều phải đóng tiền xây dựng trường như một khẩu người lớn.

Chủ tịch UBND xã Thiệu Phúc Trần Đức Hậu – thừa nhận việc thu tiền đóng góp xây dựng trường mầm non của nhân dân theo mức 197.000 đồng/khẩu trong 2 năm qua là có thật. Ông lý giải:“Hội đồng nhân dân xã đã họp và thống nhất thu tiền xây dựng trường mầm non theo đầu khẩu, chỉ có người già từ 60 tuổi trở lên mới được miễn, còn trẻ mới sinh cũng phải chịu một khẩu như người lớn”[4].

Con người là vốn quý của xã hội, con trẻ chính là sức bật của dân tộc. Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội như ông Trọng tuyên bố, không thể đi vòng lẩn tránh mà phải thật sự chăm lo chuyện học hành con trẻ như ông Triết đưa ra. Chăm lo bằng cách từ trẻ sơ sinh đến ông cụ 60 tuổi cũng phải đóng tiền để tự xây trường mầm non?

Được sống trong một xã hội trong sáng ở đó mọi người được làm việc theo sức, hưởng theo nhu cầu, hạnh phúc bình đẳng là điều mong mỏi không chỉ người dân Việt Nam mà chính là của nhân loại. Hình ảnh một xã hội như vậy thật hết sức quyến rủ. Nhưng quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội qua từng viên gạch xấu, thô bạo mà người dân hiện nay đang phải nếm mùi liệu có phải là nền tảng vững vàng cho một xã hội tươi sáng trong tương lai?

Liệu những lời tuyên bố của lãnh đạo đầy sáo ngữ có đủ sức thuyết phục người nghe? Liệu có loại cây đắng nào lại sinh trái ngọt?

Liệu người dân cuối cùng rồi phải thốt lên câu nói cuối cùng của đức Chúa Jesus: „Lạy Cha, hãy tha thứ cho họ, bởi vì họ không biết những gì họ làm!“ (Lukas 23,34)

Phương Tôn
Tháng 1.2011

[1]Ăn phở 35 đô ở nước Việt Nam cộng sản – Alastair Leithead, BBC News, Hà Nội
[2]Cụ ông gần 100 tuổi đạp xích lô
[3]Vụ án thầy mua dâm học trò ở Hà Giang: 16 người không đủ bằng chứng buộc tội
[4]Trẻ sơ sinh phải đóng phí xây dựng trường

http://khoahoc.net/

Không có nhận xét nào: