Alexander L. Vuving *- Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương
Nền chính trị Việt Nam có những phe phái chính nào? Điều gì là đặc trưng cho những động lực của nền chính trị ấy? Nó sẽ như thế nào trong vài năm tới? Bài viết này cố gắng trả lời các câu hỏi trên. Bài đưa ra ý sau: Nền chính trị Việt Nam có thể được hình dung như một trò chơi giữa bốn phe phái chính. Nếu chính phủ được định nghĩa là nơi tập trung quyền lực chính trị của một nước, thì Chính phủ Việt Nam trước hết được hiểu là chế độ của phe bảo thủ, phe hiện đại, phe trục lợi và Trung Quốc. Mỗi phe là một khối các nhân vật khác nhau có chung khuynh hướng hay mục tiêu chiến lược cao nhất.
Sự khác biệt của ba khối cùng là người Việt này cần được giải thích sâu hơn. Tiêu chí để xếp ai đó vào một khối là sự ưu tiên hay khuynh hướng của người ấy trước một số vấn đề cơ bản như ý thức hệ (đất nước nên mở hay đóng cửa trước các tư tưởng tự do từ phương Tây) và quan hệ của Đảng Cộng sản (ĐSC) với dân tộc (Đảng ở cao hơn hay thấp hơn dân tộc). Phe bảo thủ là một khối thiên về lựa chọn chính sách “khép cửa” và “Đảng là số 1”; phe hiện đại chọn lựa chính sách mở cửa và vì tiền đồ của toàn dân tộc; phe trục lợi hướng đến bất kỳ cái gì mang lại cho họ nhiều lợi ích nhất.
Trong các bài diễn văn, giới lãnh đạo thường sử dụng ngôn từ hàng ngày, tuy nhiên cách họ nhấn mạnh những điểm nào đó sẽ bộc lộ lập trường của họ. Một nhân vật bảo thủ như nguyên Tổng Bí thư Đảng Lê Khả Phiêu có thể nhấn mạnh các ý “dân chủ trong nội bộ đảng”, “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” và Việt Nam như “một quốc gia hiện đại”, một “đối tác hữu nghị đáng tin cậy với những nước khác”, nhưng cách nhấn mạnh của ông Phiêu là dựa trên bản chất giai cấp, tương phản với bản chất của toàn dân tộc, nó vì những lợi ích cốt lõi của đảng, duy trì đặc tính “xã hội chủ nghĩa” của đất nước, và mâu thuẫn với phương Tây “tư bản và đế quốc. Hiện đại hoá, cải cách, dân chủ và hội nhập quốc tế, nếu được thực thi, chỉ là phương tiện để đi tới một mục đích cao hơn, và nếu cần, có thể hy sinh những phương tiện này. Mục đích cao hơn ấy là sự tiếp tục chế độ cộng sản. (1)
Một người thuộc phe hiện đại, như cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, có thể cam kết duy trì “vai trò lãnh đạo của đảng” và xây dựng “chủ nghĩa xã hội” nhưng tầm nhìn của ông về đảng và chủ nghĩa xã hội hoàn toàn khác những người bảo thủ. Ông Kiệt và những nhân vật hiện đại khác trong ĐCS muốn một đảng coi lợi ích của toàn dân tộc là lợi ích của chính nó và định nghĩa xã hội chủ nghĩa là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Chủ nghĩa yêu nước, chứ không phải chủ nghĩa Mác-Lênin, là lý tưởng ràng buộc và dẫn đường cho phe hiện đại. Trong khi phe bảo thủ như các tổng bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh đều quả quyết rằng “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” (nghĩa là biệt lập khỏi những ảnh hưởng tự do, ảnh hưởng phương Tây, đồng thời duy trì các đặc trưng cộng sản và sự cai trị của cộng sản) là những nguyên tắc cơ bản của chính sách Việt Nam, ông Kiệt trong một lá thư mật gửi tới Bộ Chính trị ĐCS vào tháng 8/1995 đã thay thế những cụm từ ấy bằng “dân tộc và dân chủ”. (2) Mặc dù những nhân vật tinh hoa theo phe hiện đại không thể tán thành dân chủ đa đảng vì đây là điều cấm kỵ, nhưng phe này ủng hộ cải tổ chính trị nhiều hơn, sâu hơn nhằm mở rộng dân chủ và tăng cường tính hiệu quả.
Phe trục lợi là những nhà cơ hội, tìm kiếm lợi ích tối đa thường có được nhờ những đặc quyền do chính phủ ban cho; không quan tâm tới khái niệm lợi ích dân tộc dù là theo định nghĩa của phe bảo thủ hay phe hiện đại. Như phần sau sẽ chỉ ra, phe trục lợi ở Việt Nam là một nhóm đặc biệt gồm những người mưu tìm lợi nhuận, và họ mạnh hơn phe hiện đại cũng như phe bảo thủ nhờ có một thế lực độc quyền hậu thuẫn.
Cả ba khối này – bảo thủ, hiện đại và trục lợi – đều hiện diện ở cả trong và ngoài đảng cầm quyền và chính phủ, và họ hiện diện ở mọi cấp hoạch định chính sách. Những con đường sai lầm mà họ chọn trải dài qua nhiều thế hệ, khu vực và định chế. Phần lớn các nhà lãnh đạo Việt Nam thường giữ lập trường ít nhiều thống nhất trong một khối, nhưng cũng có một số người chuyển từ phe này sang phe khác và những người khác thì khó nhận biết hơn. Những nhân vật bảo thủ nổi bật gồm các Tổng Bí thư Đỗ Mười (1991-97), Lê Khả Phiêu (1997-2001), Nông Đức Mạnh (2001 đến nay), và nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh (1992-1997). Phe hiện đại hiện diện mạnh mẽ hơn trong đội ngũ lãnh đạo cao cấp thông qua các gương mặt cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyên Cơ Thạch (1982-1991), cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1991-1997) và nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (2001-2006), và các nhân vật ít tạo dấu ấn hơn như cựu Chủ tịch nước Võ Chí Công (1987-1992) và nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (1997-2006). Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương (1997-2006) có thể coi là thuộc phe trục lợi. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1986-1991) đã thay đổi, chuyển từ phe hiện đại sang phe bảo thủ vào năm 1989. Và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (2006 đến nay) là người khó nhận biết là theo phe nào.
Chính trị Việt Nam diễn ra trên bốn bình diện lớn – kinh tế, chính trị trong nước, quan hệ nhà nước – xã hội, và quan hệ đối ngoại. Động lực (tức yếu tố kích thích sự thay đổi – ND) của nó trong mỗi lĩnh vực ấy đều có một đặc trưng riêng biệt. Trên mặt trận kinh tế, động lực ấy là sự khủng hoảng của mô hình phát triển kiểu Việt Nam. Ở trung tâm của nền chính trị trong nước, động lực ấy là một hợp lưu giữa ba dòng: tiền, quyền và tác động từ thế giới, hoặc nói một cách tao nhã hơn, đó là ba dòng lợi ích, quyền lực và tiền đồ bên ngoài. Sự nổi lên của xã hội dân sự, đặc biệt là khối dân sự tinh hoa dòng chính thống, ngày càng tạo nên một xu thế trong quan hệ nhà nước – xã hội. Trong lĩnh vực địa chính trị, tâm điểm của chính trị Việt Nam nằm ở những nỗ lực hòng đạt được sự tự lực tự cường trên vùng sân sau của Trung Quốc.
Năm 2009 đã ghi nhanh tình hình chính trị Việt Nam với bốn phe chính và những đặc điểm của các động lực trong nền chính trị ấy. Phần thảo luận tiếp sau đây sẽ phác thảo nên một số nét của chính trị Việt Nam thông qua việc xem xét bốn phe phái chính cùng bốn đặc điểm, được minh họa bằng những sự kiện và quá trình trong suốt năm 2009.
Nơi hội tụ của Lợi ích, Quyền lực, và Tiền đồ
Từ khi khởi động phong trào đổi mới vào năm 1986, Việt Nam đã thể nghiệm một sự pha trộn chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản. Thử nghiệm này là một cuộc chung đụng đầy mâu thuẫn giữa hai đường lối chủ đạo do hai khối theo đuổi, hai khối này có thể gọi là “phe bảo thủ” và “phe hiện đại”. Tôi gọi họ thế bởi lẽ mục tiêu trọng tâm của phe bảo thủ là duy trì chế độ cộng sản trong khi mục tiêu của phe hiện đại là hiện đại hóa đất nước bằng cách đưa vào các yếu tố tư bản và tự do chủ nghĩa. (3) Mặc dù có một thực tế là hai khối này đại diện cho hai đường lối chủ đạo cùng cai trị đất nước, nhưng nền chính trị Việt Nam không phải chỉ gồm hai phe bảo thủ và hiện đại. Quá trình “chung đụng” đã tạo ra một khối thứ ba, tận dụng cái hỗn hợp nói trên và có khả năng thích ứng cao với môi trường “nước lợ”. Khối thứ ba nỗ lực duy trì hỗn hợp tư bản-cộng sản chủ nghĩa để hậu thuẫn cho đường lối của họ. Vì chủ nghĩa tư bản đem đến cơ hội kiếm tiền, còn chủ nghĩa cộng sản mang lại độc quyền quyền lực, nên hỗn hợp của cả hai sẽ tạo điều kiện vừa có lợi cho việc dùng tiền để mua quyền, vừa có lợi cho việc dùng quyền để kiếm tiền. Khối thứ ba này, có thể được gọi bằng cái tên “phe trục lợi”, dùng tiền để thao túng nền chính trị, và một khi đã có cửa vào vị trí quyền lực trong ĐCS, họ sẽ sử dụng độc quyền về chính trị để tạo siêu lợi nhuận. (4) Không giống như phe bảo thủ và phe hiện đại, phe trục lợi không theo chủ trương đường lối nào; họ chỉ đi theo động cơ lợi nhuận.
Khi sự đồng tồn tại chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản trở thành đặc trưng của nền chính trị Việt Nam, thì bằng trực giác, có thể nghĩ rằng hầu hết xung đột chính trị ở Việt Nam đều diễn ra dọc cái trục bảo thủ chống hiện đại. Tuy nhiên, mô hình như vậy không chính xác. Không chính xác bởi vì nó đã bỏ qua phe trục lợi, mà trong nhiều trường hợp đó mới là những nhân vật chủ chốt; hoặc nó đã chỉ coi đám ấy như những kẻ mưu kiếm tiền – những người mà theo suy luận thông thường, hẳn phải thích chủ nghĩa tư bản hơn chủ nghĩa cộng sản. Mà nếu thế thì trong mô hình này, phe trục lợi có xu hướng ngả về phía phe hiện đại hơn là về phe bảo thủ. Tuy vậy, trên thực tế, các nhân vật thuộc phái trục lợi ở Việt Nam có xu hướng đi cùng phe bảo thủ khi nào cần tiếp tục độc quyền lãnh đạo của ĐCS, và đi cùng phe hiện đại khi nào cần cho phép các đảng viên sở hữu những tài sản lớn và điều hành công ty tư bản. Phe trục lợi là một loài chuyên sống ở “vùng nước lợ” – chủ nghĩa trọng thương dưới chế độ cộng sản. Được độc quyền lãnh đạo của ĐCS hậu thuẫn, họ rõ ràng là mạnh hơn hẳn những người chỉ mưu kiếm tiền thuần túy. Với sự tồn tại của phe thứ ba này, nền chính trị Việt Nam, ở một chừng mực nào đó là sự tranh chấp giữa phe bảo thủ và phe hiện đại, nhưng ở một chừng mực khác lại là ngã ba hợp lưu ba dòng lợi ích, quyền lực, và tiền đồ. (5)
Năm 2009 chứng kiến hợp lưu ba dòng lợi ích, quyền lực, và tiền đồ qua một vài vụ việc, trong đó hai vụ có thể nói là rất nổi bật. Vào ngày 19/11, Tòa phúc thẩm tỉnh Cần Thơ tuyên y án sơ thẩm hồi tháng 8 đối với bị cáo Trần Ngọc Sương, được biết đến với tên gọi “bà Ba Sương”, vì tội lập quỹ giao dịch ngoài sổ sách. Là cựu giám đốc Nông trường quốc doanh Sông Hậu, từng được Chính phủ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, bà Sương bị kết án 8 năm tù, buộc bồi thường 4,3 tỷ đồng (tương đương 240.500 USD). Bản án gây phẫn nộ trong dư luận, vài quan chức cấp cao và nhân vật có danh phận lên tiếng ủng hộ bà Sương. Nguyên phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, một nhà bảo thủ, nói bản án đối với bà Sương là “bất công” bởi bà Sương đã “cống hiến cả đời mình cho cuộc sống của hàng nghìn nông dân” và bà “lập quỹ không vì mưu lợi cá nhân”, một chân dung từng được những tờ báo có tư tưởng đổi mới dựng nên và còn được xác nhận bởi nhà báo Huy Đức, người đã viết bài về Nông trường Sông Hậu và bà Sương trong nhiều năm. Báo chí cũng viết rằng Nông trường Sông Hậu được Chính phủ tặng hai Huân chương Lao động và coi như một điển hình của chủ nghĩa xã hội – nơi nhà nước giữ quyền sử dụng đất nhưng cung cấp phúc lợi tương đối tốt.
Mặc dù cơn thịnh nộ của công chúng được khuấy lên chủ yếu do khía cạnh đạo đức của vụ việc, nhưng người ta cũng hy vọng rằng chính quyền xã hội chủ nghĩa sẽ can thiệp để cứu lấy một vị anh hùng trong sự nghiệp của chế độ. Nhưng chính quyền đã không làm thế. Trên thực tế, đại diện của bà Sương tại tòa án là những luật sư có tư duy đổi mới và sự ủng hộ của công chúng dành cho bà cũng do cánh báo chí đổi mới huy động. Còn chính quyền đã làm gì? Tòa án nhận chỉ thị từ lãnh đạo đảng ủy Cần Thơ, và sau vài tuần đưa tin ồ ạt, giới truyền thông được lệnh phải chấm dứt nói về vụ án bà Sương. Trước đó, trong hậu trường, cơ quan chính quyền tỉnh Cần Thơ vốn đã có quyết định phân bổ đất của Nông trường Sông Hậu cho một dự án khu công nghiệp và khu đô thị. Phó Bí thư tỉnh ủy Cần Thơ Phạm Thành Vận được ghi âm đã nói câu này với bà Sương: “Chị sẽ về hưu và hạ cánh an toàn nếu chị trả lại đất của nông trường [cho thành phố]”. (6)
Vụ việc thứ hai liên quan đến Jetstar Pacific Airline (JPA), một liên doanh giữa Công ty Đầu tư Vốn Nhà nước (SCIC) với hãng hàng không Qantas của Australia, trong đó doanh nghiệp nhà nước của phía Việt Nam (DNNN) sở hữu 70% cổ phần, chiếm đa số. Cuối năm 2009, tranh cãi bùng nổ sau khi một cuộc điều tra của Cơ quan Kiểm toán Nhà nước cho thấy các giám đốc điều hành của JPA gây thua lỗ tới 31 triệu USD trong một thương vụ mua xăng, thế nhưng họ lại kiếm được nhiều hơn giám đốc điều hành của các DNNN tương tự. Tranh cãi cũng kéo theo một số nghi vấn về mức lương cao bất thường của các giám đốc điều hành SCIC. Đầu tháng 12, ông Lương Hoài Nam, nguyên giám đốc điều hành JPA kiêm quan chức cấp cao của SCIC, bị công an bắt do có dính líu vào thương vụ mua xăng, trong khi hai giám đốc điều hành người Úc của JPA bị cấm xuất cảnh khỏi Việt Nam.
Tiền thân của JPA là Pacific Airlines (PA), một liên doanh trong nước, trong đó hãng vận tải quốc doanh Vietnam Airlines (VNA) nắm phần lớn cổ phần. Được thành lập năm 1990, PA là hiện thân cho nỗ lực của phe hiện đại muốn tạo ra một mức độ cạnh tranh nhất định trong ngành hàng không của Việt Nam. Tuy nhiên, duy trì yếu tố cạnh tranh này tỏ ra là một việc khó. Sau 10 năm hoạt động, PA công bố lỗ chồng chất tới hơn 10 triệu USD. (7) Mặc dù là công ty con của VNA, song có tin PA không được công ty mẹ chào đón lắm.
Vị thế độc quyền của hãng vận tải quốc doanh này trở thành một thực tế khó nhằn đối với công ty kế nhiệm PA. Có thể thấy hợp lưu ba dòng lợi ích, quyền lực và tiền đồ trong vụ này, theo một bài báo trên tờ Herald Sun:
[Vào giữa năm 2009]. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng buộc phải can thiệp khi nguồn cung xăng máy bay bị cắt đứt do Vietnam Airlines không cho đội xe của mình tiếp tế nhiên liệu cho Jetstar Pacific. Loạt rắc rối mới nhất với Jetstar Pacific bắt đầu tháng 7 năm đó khi công ty báo cáo tháng đầu tiên có lợi nhuận sau suốt 18 năm vận hành (mà hồi ban đầu là dưới tên gọi Pacific Airlines). Khi ấy, Bộ Giao thông Vận tải liền ra lệnh cho Qantas bỏ tên Jetstar và bỏ thương hiệu màu cam nổi bật khỏi hạm đội 6 chiếc Jetstar, họ bảo như thế “Úc quá”. (8)
Nhà quan sát kỳ cựu Carlyle Thayer phân tích:
Vấn đề nảy sinh là do thành công của Jetstar Pacific vào giữa năm 2009, khi hãng này lại làm ăn có lãi sau khi đã cắt giảm chi phí và tăng thị phần (18% lên 25%) làm Vietnam Airlines phải thua thiệt. Hoạt động đẩy mạnh một cách quyết liệt việc bán vé giá rẻ của Jetstar Pacific đã làm người ta khó chịu. Tôi nhìn thấy một sự tương đồng với vụ ANB-AMBRO năm 2006 khi một ngân hàng quốc doanh để thua lỗ trong những vụ đổi tiền. Ở đây, trong vụ Jetstar Pacific thì Tổng Công ty Đầu tư Vốn Nhà nước thua lỗ vì một thương vụ thực hiện phòng ngừa rủi ro về xăng dầu (fuel hedging). Trong cả hai vụ việc, an ninh điều tra/ công an đã hình sự hóa hoạt động quản trị kinh doanh và hình sự hóa việc ra những quyết định sai lầm. Người Hà Lan đã trả vài triệu để thoát trách nhiệm, và tôi hồ nghi việc Qantas/Jetstar sẽ phải chi một khoản phạt hay bồi thường nào đó, do vậy SCIC, một doanh nghiệp nhà nước, sẽ không được miễn thuế… Rõ ràng là có một nhóm lợi ích thuộc doanh nghiệp nhà nước trong công việc. Đây là chuyện phải lấy được tiền ra khỏi Qantas khi các nhân viên trong nước của họ tiến hành nghiệp vụ hedging và thua lỗ vì giá xăng. Điều này ảnh hưởng tới Tổng Công ty Đầu tư Vốn Nhà nước, vốn là cổ đông chính trong Jetstar. (9)
Khủng hoảng mô hình tăng trưởng
Trong hai thập niên qua, hợp lưu ba dòng lợi ích, quyền lực, và tiền đồ, ở một nước Việt Nam thời kỳ đổi mới đã tạo ra một đường lối kinh tế làm lợi nhiều nhất cho phe trục lợi. Trong giai đoạn đầu của nó, con đường do đồng tiền dẫn dắt này đi song song với con đường do lao động dẫn dắt, và đã trình diễn những mô hình tăng trưởng đáng chú ý. Vào năm 2005, ấn tượng trước các thành tựu tăng trưởng của Việt Nam trong thập niên trước đó, Goldman Sachs đã coi Việt Nam là một trong “11 Quốc Gia Kế Tiếp” có tiềm năng tạo được ảnh hưởng giống như khối BRIC trong việc cạnh tranh với G7. (10) Nghiên cứu của Goldman Sachs cho rằng vào năm 2025 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 17 trên thế giới và vào năm 2050 thì đứng vị trí thứ 15. Những dự báo này dựa trên tiền đề “các nền kinh tế đó có thể tiếp tục đi con đường hiện tại của họ”. (11) Nhưng chẳng bao lâu sau khi các báo cáo được công bố, mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã bộc lộ nhiều dấu hiệu cho thấy các vấn đề nghiêm trọng. Suốt trong năm 2008, tỷ lệ lạm phát tăng vọt lên mức hơn 20%, buộc chính phủ phải hãm phanh đối với chính sách ưu tiên tăng trưởng và đổi số sang chương trình chống lạm phát. Rất tương ứng với dự đoán của chúng tôi trong bài này, các bong bóng vỡ tung khi cơn sốt đầu tư tiếp sau việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) va đập với các nút cổ chai của hệ thống hành chính, các thiết chế, cơ sở hạ tầng, và giáo dục của đất nước. (12) Nổi lên trên tất cả những cái đó là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, bắt đầu cùng vào năm ấy.
Là một nền kinh tế mà giá trị ngoại thương nhiều hơn tổng sản phẩm quốc nội xấp xỉ 1,5 lần, Việt Nam bị ảnh hưởng rất nặng từ cuộc khủng hoảng toàn cầu. Đầu tư nước ngoài sa sút mạnh và thị trường nước ngoài cho sản phẩm của Việt Nam bị thu nhỏ. Khối lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép trong năm 2009 là 21,5 tỷ USD, thấp hơn 70% so với năm trước đó. Lượng FDI được giải ngân trong năm 2009 ước đạt 10 tỷ USD, giảm 13% so với năm 2008. Xuất khẩu của Việt Nam năm 2009 ước tính đã sụt giảm 9,7% xuống còn 56,6 tỷ USD, trong khi nhập khẩu giảm 14,7% xuống còn 68,8 tỷ USD. Phần đáng kể trong mức suy giảm xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2009 là do những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước bị giảm giá bán, như dầu, gạo, cà phê, than. Kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Việt Nam, vốn chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, ước tính đã giảm 40% mặc dù khối lượng xuất khẩu chỉ giảm có 2,4%. Năm 2009, Việt Nam ghi nhận kỷ lục về xuất khẩu gạo và một mức tăng trưởng 25,4% cả năm về khối lượng, nhưng giá trị, chiếm 4,8% trong tổng xuất khẩu, đã giảm 8%. Cũng vậy, xuất khẩu cà phê, chiếm 3% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 10,2% về khối lượng nhưng giảm 19% về giá trị, và xuất khẩu than, chiếm 2,3%, giảm 4,5% về giá trị bất chấp mức tăng 29,9% về khối lượng. (13)
Khủng hoảng kinh tế gây ra một cuộc tranh cãi mới về định hướng chủ đạo trong các chính sách kinh tế của Việt Nam. Đối với phe bảo thủ, khủng hoảng hiện tại là bằng chứng rõ ràng cho thấy vai trò giám sát và kiểm soát của Nhà nước có tính quyết định đối với sự vận hành của nền kinh tế. Phe bảo thủ cũng ca ngợi tính ưu việt của hệ thống độc đảng trong việc vượt qua khủng hoảng. Họ lập luận rằng độc đảng giúp huy động tối đa nguồn lực và tạo sự đồng thuận vào thời điểm những điều này là cần thiết nhất mà lại thường khó đạt được nhất. Các quan điểm như vậy được bộc lộ chẳng hạn trong những phát biểu của ông Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tuyên giáo của Đảng, tại hội nghị lý luận lần thứ năm giữa hai đảng cộng sản Trung-Việt, tháng 12/2009. Nhưng nhà tuyên truyền hàng đầu của Đảng, người đã được bầu vào Bộ Chính trị tại phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ban Chấp hành TW Đảng hồi tháng 1/2009, không phải là nhân vật đại diện cho các quan điểm của riêng phe bảo thủ. Lặp lại lời của phe hiện đại, ông Rứa công nhận rằng khủng hoảng đem lại một cơ hội tái cấu trúc nền kinh tế và ông ta đoan chắc rằng việc tái cấu trúc phải nhằm hướng tới một mô hình tăng trưởng mới dựa vào “lợi thế cạnh tranh năng động” và đưa vào khái niệm “phát triển bền vững”. Tư duy mới này về phát triển là nhằm giảng hòa giữa ba mục tiêu tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội, và thân thiện với môi trường. (14)
Bề ngoài, để tránh các vấn đề gây nhiều tranh cãi, diễn văn của ông Rứa không nhắc gì tới vai trò của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), vốn là điểm mấu chốt trong cuộc tranh cãi giữa phe bảo thủ và phe hiện đại. Phe bảo thủ muốn giữ vai trò chủ đạo của khu vực nhà nước trong nền kinh tế. Họ chủ trương rằng, nền kinh tế quốc dân phải dựa vào các DNNN như là trụ cột, DNNN nào lớn nhất thì sẽ đóng vai trò như “quả đấm thép” của quốc gia – cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế và là một công cụ quản lý hùng mạnh, cả trong kinh tế lẫn trong chính trị. Không như các đơn vị tư nhân, DNNN phải tuân lệnh Đảng và Nhà nước, và phải đáp ứng những nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước đặt ra. Đổi lại, các DNNN có được sự ưu đãi về chính sách, tín dụng, đất đai và các nguồn lực khác mà Nhà nước sở hữu. Sự nhập nhằng giữa Nhà nước và các công ty riêng của nó thể hiện trong việc các vị quan chức trong tập đoàn (conglomerate) Nhà nước lớn nhất đều là ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng – cơ quan mà xét về địa vị, vốn là cơ quan chính sách có quyền lực cao nhất nước giữa hai kỳ đại hội Đảng. (15)
Tuy vậy, phe hiện đại lại coi các tập đoàn nhà nước như “những con khủng long trong một nền kinh tế vị thành niên”. (16) Họ chỉ ra rằng các doanh nghiệp này đã thất bại trong việc trở thành những quả đấm thép của quốc gia – không vươn lên mạnh mẽ trong cạnh tranh quốc tế mà cũng chẳng hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Thay vì thế, chúng ra sức tận dụng và duy trì những đặc quyền đặc lợi và địa vị độc quyền được Nhà nước thừa nhận – vì lợi nhuận của riêng chúng. Hậu quả là, chúng trở thành những nhà sản xuất kém hiệu quả và tham nhũng. (17) Tái cấu trúc các DNNN, do đó, là vấn đề trung tâm trong chương trình nghị sự của phe hiện đại. Cụ thể, phe hiện đại đòi thay đổi cấu trúc sở hữu của SOE theo hướng tư nhân hóa nhiều hơn. Đánh giá tình hình hiện nay, phe hiện đại lập luận rằng mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã đạt tới đỉnh và tái cấu trúc là chìa khóa để vượt qua khủng hoảng cũng như tránh cái bẫy thu nhập trung bình. Nhiều người theo phe hiện đại nhất trí rằng đây phải là một cuộc tái cấu trúc toàn diện bao gồm cả biến đổi cơ cấu sở hữu các DNNN, lẫn cải cách các định chế và điều lệ kinh tế, tái cấu trúc thị trường và doanh nghiệp nội địa. (18)
Chính phủ cố gắng kết hợp quan điểm của cả hai phe hiện đại và bảo thủ. Tuy nhiên, họ tập trung chủ yếu vào giải quyết các vấn đề ngắn hạn có thể đe dọa quyền lực của mình. Khi khủng hoảng toàn cầu nổi lên, chính phủ nhanh chóng sang số từ chống lạm phát thành chống suy thoái (tháng 12-2008). Phản ứng chủ đạo của họ là thực hiện một gói kích cầu với chi phí lên tới 8 tỷ USD. Khi nền kinh tế bộc lộ những dấu hiệu hồi phục và bóng ma lạm phát có nguy cơ quay lại, chính phủ phá giá tiền đồng xấp xỉ 5% so với đô-la Mỹ, làm tăng lãi suất chuẩn của ngân hàng trung ương lên 8%, và chấm dứt chương trình kích cầu sớm hơn dự định (cuối tháng 11, đầu tháng 12/2009). (19) Với tỷ lệ tăng trưởng 5,32%, Việt Nam nổi bật, cùng với Trung Quốc, Indonesia và Campuchia, như một trong số rất ít nền kinh tế ở Đông Á tăng trưởng hơn 2% trong năm 2009.
Tuy nhiên, Việt Nam đã phải trả một cái giá cao cho thành công ngắn hạn của mình. Việt Nam là một trong số ít nước vừa có thâm hụt ngân sách vừa bị thâm hụt cán cân vãng lai. (20) Nhất là, chính phủ lại chịu thâm hụt ngoại thương khổng lồ suốt hơn một thập niên. Cùng lúc đó, như chính Thống đốc Ngân hàng Trung ương Việt Nam thừa nhận, nợ nước ngoài của Việt Nam đã tăng mạnh vào năm 2009 so với các năm trước đó. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá nợ nước ngoài của Việt Nam ở mức một phần ba tổng sản phẩm quốc nội (GDP), còn Ủy ban Ngân sách và Tài chính của Quốc hội cho rằng tổng nợ của chính phủ chiếm tới 44,6% GDP. (21) Sự hội tụ tất cả các yếu tố này gây ra một tình thế lưỡng nan cho chính phủ. Thâm hụt cả ba mặt gây áp lực khổng lồ khiến tiền đồng suy yếu. Sự mất giá thê thảm của tiền đồng có thể làm tăng xuất khẩu và giảm nhập siêu nhưng cũng có thể gây những tác động tâm lý tiêu cực và làm các khoản nợ nước ngoài lớn thêm. Nhưng duy trì giá trị danh nghĩa cao của tiền đồng quá lâu có thể vắt kiệt dự trữ ngoại tệ vốn đã eo hẹp. Các nhà phân tích ước tính lượng đô-la bán ra trong năm 2009 nhằm ổn định tiền đồng đã thu hẹp dự trữ ngoại tệ của Việt Nam xuống còn 16,5 tỷ USD, chỉ đủ cho không đầy ba tháng nhập khẩu. Bên ngoài khu vực, các láng giềng của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan thì đã tăng đáng kể dự trữ của họ. (22)
Tỷ lệ tăng trưởng tương đối cao của Việt Nam làm bộc lộ những điểm kém hiệu quả đáng buồn nản. Năm 2009, hệ số sinh lời từ gia tăng vốn đầu tư (ICOR), chỉ số đo độ kém hiệu quả của chi tiêu đầu tư, tăng vọt lên mức 8,05 so với mức 6,92 của năm 2008 và 4,76 của 2007. (23) Những con số này cao hơn hẳn so với những nước tăng trưởng nhanh khác trong giai đoạn đầu tư trước khi tới đỉnh của họ. Ví dụ, ICOR của Nhật Bản vào thập niên 1960 và của Hàn Quốc vào thập niên 1980 chỉ hơn 3. Gần đây hơn là Trung Quốc, ICOR của họ tăng từ 3 trong những năm 90 của thế kỷ trước lên gần 4, mức trung bình của giai đoạn từ 2001 tới 2008, và được dự đoán là khoảng 6,7 vào năm 2009. (24) Chỉ số ICOR quá cao của Việt Nam cho thấy mức tăng trưởng kinh tế của quốc gia được dẫn dắt chủ yếu nhờ mở rộng vốn đầu tư, chứ không phải do tăng năng suất. Nếu Việt Nam tiếp tục đi con đường hiện nay, không chắc nền kinh tế sẽ cất cánh được như dự án của Goldman Sachs đã nói, và suy sụp là rất có thể.
(Còn tiếp 1 kỳ)
Người dịch: Đan Thanh
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
* Cùng tác giả: Đại chiến lược hai hướng.
–
Chú thích:
Tác giả cảm ơn Ben Kerkvliet, Steven Kim, Daljit Singh, và Carlyle Thayer vì những nhận xét có giá trị của họ, và cảm ơn sự giúp đỡ hiệu quả của Kylee Kim. Các quan điểm thể hiện trong bài này là của tác giả.
(1) Lê Khả Phiêu, “Đảng Cộng sản Việt Nam tám mươi xuân”, Nhân Dân, 3/2/2010
(2) Võ Văn Kiệt, “Thư gửi Bộ Chính trị “, 9/8/1995, Diễn Đàn, số 48 (tháng 1/1996): 16-25. Về sự kiên định của ông Phiêu theo đường lối “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, xin xem bài viết của ông, đã dẫn.
(3) Trong các bài viết trước đây, tôi gọi hai đường lối chủ lực của Việt Nam là “chống đế quốc” và “hội nhập”. Những tên gọi này muốn nói đến định hướng chính sách đối ngoại trung tâm của hai đường lối lớn đó. Tôi đặt tên như vậy bởi lẽ các bài viết trước đây của tôi chủ yếu nói về chính sách đối ngoại của Việt Nam.
(4) Trục lợi là một hành vi tìm kiếm lợi ích đặc biệt, tạo ra lợi ích chủ yếu nhờ đặc quyền đặc lợi và các luật lệ có ảnh hưởng do chính phủ ban hành.
(5) Tham khảo một thảo luận khác về sự giao thoa giữa lợi ích và quyền lực ở nước Việt Nam cộng sản: Bill Hayton, “Vietnam’s New Money”, Foreign Policy, 21/1/2010
(6) Thông tin nền, xem “As Clamor against Suong Verdict Grows, Officials
Vow to Dig for Truth”, VietNamNet Bridge, 27/11/2009
vietnamnet.vn/reports/200911 /As-clamor-against-Suong-verdict-grows-officials-vow-todig-for-truth-881145/>; “NA Committee May Intervene in Labour Hero Case, Security
Minister Orders Report”, VietNamNet Bridge, 24/11/2009
vietnamnet.vn/reports/200911/NA-Committee-may-intervene-in-labour-hero-case-
Security-minister-orders-report-880585/>; Huy Đức, “Sau bà Ba Sương là các nông trường viên”, Blog Osin, 1-12-2009
(7) Dinh Thang, “Pacific Airlines thành Jetstar Pacific: Nhiều lận đận”, Tien Phong, 11/1/2010
(8) Geoff Easdown, “Power Struggle Strands Execs”, Herald Sun (Australia), 11/1/2010
(9) Thông tin cá nhân, 16/1/2010.
(10) Goldman Sachs Global Economic Group, BRICs and Beyond (Goldman Sachs, 2007), p. 131. BRIC là chữ viết tắt do Goldman Sachs đưa ra để chỉ một nhóm các nền kinh tế lớn đang nổi lên, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.
(11) Ibid., pp. 139, 140.
(12) Alexander L. Vuving, “Vietnam: Arriving in the World — and at a Crossroads,” Southeast Asian Affairs 2008, biên tập Daljit Singh và Tin Maung Maung Than
(Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 2008), pp. 375-77.
(13) Tổng cục Thống kê Việt Nam, “Tình hình kinh tế xã hội năm 2009”, 12/2009
(14) Tô Huy Rứa, “Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam”, Nhân Dân, 14/12/2009.
(15) Tham khảo một thảo luận về vai trò của DNNN, xem Vũ Quang Việt, “Vietnam Economic Crisis: Policy Follies and the Role of State-Owned Conglomerates”, in Southeast Asian Affairs 2009, biên tập Daljit Singh (Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 2009), pp. 389-417.
(16) Phan Thế Hải, “Đàn khủng long của nền kinh tế vị thành niên”, TuanVietNam, 12/11/2009
(17) Phạm Minh Trí, “Muốn chủ đạo phải tự thân”, TuanVietNam, 9/11/2009
0524/51921 begin_of_the_skype_highlighting 0524/51921 end_of_the_skype_highlighting>.
(18) Hoàng Phương, “Không tái cấu trúc quản lý, mọi nỗ lực khác là vô nghĩa”,
TuanVietNam, 19/5/2009
luc-khac-la-vo-nghia>.
(19) Vu Trong Khanh và Patrick Barta, “Hanoi Tightens Reins on Credit”, Wall Street
yowrna/, 3/12/2009, p. A13.
(20) James Hookway và Alex Frangos, “Vietnam Devalues Its Currency”, Wall Street
Journal, 26/11/2009, p. 23.
(21) “Vietnam Acknowledges Growing Foreign Debt”, Deutsche Presse-Agentur,
17/11/2009.
(22) Hookway và Frangos, “Vietnam Devalues”.
http://basam.info/2011/02/06/331-b%E1%BB%91n-phe-phai-trong-n%E1%BB%81n-chinh…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét