Pages

Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

Ăn cây nào rào cây ấy

Có anh bạn nọ, khi đi làm thường “nổ” trong cơ quan, đả kích tham nhũng, áp bức bất công và cuối cùng anh ta dùng câu nói nổi tiếng của Tổng thống Obama: “change, we need” để kết thúc bài hùng biện của mình.

Một chị ngồi bàn kế bên lên tiếng:
- Tôi thấy tụi mình đang làm cho nhà nước, ăn lương nhà nước mà hễ cứ mở miệng ra là đả phá chế độ, công kích nhà nước, chê bai Đảng… nghe thật chướng tai.

Chị Trưởng phòng bồi thêm một đòn:

- Các cụ nhà ta thường nói: “ăn cây nào rào cây nấy” chúng ta đang ăn “cây của Đảng” thì phải rào cái cây ấy chứ. Đó là đạo lý ở đời, là lẽ phải ngàn năm nay.

Anh bạn nọ im re, ngó sang tôi tìm một sự chia sẻ. Tôi chưa kịp có thái độ thì một cậu nhân viên, lính mới đã nói:

- Em nghĩ chuyện đó ai cũng biết, ai cũng thừa nhận. Từ thời phong kiến đã nghe nói: “ăn lộc vua phải vùa việc nước”. Bổn phận của mình là phải làm việc, chỉ có vậy thôi.

Thấy anh bạn nọ bị ba mặt giáp công tới tấp tội nghiệp quá, nhưng tôi biết nói gì để gỡ rối cho anh ta bây giờ?

* * *

Ăn cây nào rào cây nấy. OK. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi. Đã ăn thì phải rào chứ, nếu không kẻ gian nó vào nó bẻ trộm cành, vặt hết trái cây, thậm chí bứng cả cây đem về nhà thì còn “đếch” gì mà ăn nữa!

Ăn cây nào rào cây nấy trở thành lá bùa hộ mạng cho nhiều loại người: anh công an xua đuổi những người biểu tình đòi trả ruộng vườn đất đai bị “quy hoạch” để chia lô bán cho các công ty nước ngoài, anh công an còng tay người xuống đường chống Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, anh bộ đội xả thân ngoài chiến tuyến, anh công chức suốt đời im lặng trước những âm mưu tham nhũng, hối lộ, chạy chức chạy quyền trong cơ quan nhà nước, thầy giáo cô giáo “hô khẩu hiệu” trong lớp học, sinh viên nhai đi nhai lại những sáo ngữ trong triết học Mác Lê-nin, nhà văn nhà báo uốn cong ngòi bút vẽ rắn thành rồng vẽ gà thành phượng, anh công nhân miệt mài trong nhà máy đầy khói bụi với đồng lương chết đói… tất cả chỉ vì đạo lý “ăn cây nào rào cây nấy.”

Kẻ nào không biết đạo lý ấy thì chẳng khác gì cầm thú, đồ vong ân bội nghĩa, vô liêm sỉ…

* * *

Vậy tôi phải nói sao với những người đang bắt bẻ anh bạn nọ?

Tôi rụt rè hỏi chị Trưởng phòng một câu rất nhỏ:

- Thưa chị. Chị nói ăn cây nào rào cây nấy. Vậy dám hỏi: chị đang ăn cây nào?

- Anh không biết sao? Tôi, anh và những người ngồi đây đều đang ăn lộc, ăn quả của Nhà nước, của Đảng, bộ anh không biết sao?

- Vậy Nhà nước và Đảng ăn lộc và quả của ai?

- Của ai? Hỏi lạ nhỉ?! Lộc và quả là của Đảng và Nhà nước. Họ muốn ăn bao nhiêu thì ăn, muốn ban cho ai thì người đó nhờ chứ.

- Ủa, vậy sao? Dám hỏi chị: Đảng và Nhà nước đã sản xuất ra của cải gì mà họ có lộc và quả nhiều vậy?

- Sản xuất gì? Cái anh này ngớ ngẩn nhỉ. Đảng và Nhà nước có cả một ngân sách quốc gia. Bộ anh không biết sao?

- Ngân sách đó ở đâu mà có?

-Thì… từ… thì ngân sách là do…

Tôi ra hiệu cho chị ngừng nói, vì thấy chị cà lăm rất tội nghiệp. Tôi nói:

- Ngân sách là đo dân đóng thuế mà có. Ngân sách là do dân lao động chân tay lao động trí óc tạo ra sản phẩm mà có. Tóm lại ngân sách là cái vườn cây. Vườn cây ấy là của dân. Tất cả chúng ta ăn lương là ăn lương của dân, ăn cây của dân vậy thì phải rào cho dân. Đảng cũng ăn lương của dân vậy thì cũng phải rào cho dân. Các ông Bộ trưởng, Thủ tướng, Chủ tịch nước cũng ăn lương của dân vậy thì cũng phải rào cho dân. Khi chúng ta nói: “Ăn cây nào rào cây nấy” có nghĩa là tất cả bộ máy của Đảng và chính quyền này đang ăn quả của dân vậy đều phải có nghĩa vụ rào cho dân tức là bảo bọc, bào vệ, che chắn, bênh vực cho dân. Kẻ nào hà hiếp, bóc lột, cướp bóc của dân thì mọi người có nghĩa vụ ngăn chặn để bảo vệ cho dân, rào cho kín khu vườn của dân chứ không phải rào cho Đảng, rào cho Nhà nước đâu. Đó mới là ý nghĩa đích thực của câu “ăn cây nào rào cây nấy” thưa bà chị.

* * *

Khi đã hiểu đúng ý nghĩa của câu “ăn cây nào rào cây nấy” thì chúng ta sẽ biết phải trung thành với ai? Với nhân dân hay với những kẻ đang hưởng thụ sự xa hoa vô độ bằng mồ hôi nước mắt của dân?

ĐH

Không có nhận xét nào: