Pages

Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

Học chính trị nhưng không được nói về chính trị

Cái lạ lùng là nếu mười sinh viên được hỏi vì sao lại không muốn đề cập đến chuyện quốc gia, chính trị trong những câu chuyện trao đổi hàng ngày thì có đến hơn chín người trả lời là vì nỗi sợ “trùm úm” lên họ. Có “gần một người” muốn nói thì kiểu “ỡm ờ” không rõ ràng. Thực ra thì ai cũng biết, biết ít hay biết nhiều, thậm chí hiểu rất sâu sắc về thời cuộc, xã hội, chính trị nhưng họ không dám nói, không dám lên tiếng. Một sinh viên cho hay “chúng em được học chính trị đại cương ngay từ đầu năm học, nhưng chỉ được nghe giáo viên giảng bài một cách rốt ráo thôi, chứ không dám có ý kiến gì cả”.

Câu chuyện lang thang vỉa hè mà tôi được chia sẻ, trao đổi với một số sinh viên tại các trường đại học khác nhau về việc học tập khiến tôi vỡ lẽ nhiều điều. Tôi nhớ trước đây, mới bước vào học cấp cao hơn cũng được “tư duy chính trị” kinh khủng lắm, một kiểu tư duy chính trị thụ động, giáo viên nói trời, nói đất gì thì mình nghe và coi như “buộc” phải hiểu như vậy, chứ không dám có ý kiến gì cả. Nhưng hồi đó ở lớp tôi học, ở cái thời cách đây mấy năm, khi đó “nửa người” ho he “vặn” lại thầy cũng không có chứ nói gì là một người, vài người. Có lẽ bây giờ khác nhiều ?

Vô tình một lần ngồi uống nước trà đá gần trường Bách Khoa, gặp một số cô cậu sinh viên trông ai cũng khá thông minh, điển trai, xinh gái. Thấy các cô cậu này râm ran đủ thứ chuyện, rất vô tư, hồn nhiên đến khó ngờ. Nhưng khi nói về những diễn biến mang tính thời sự của đất nước thì họ im thin thít, cái sự im lặng này không phải là họ không muốn nói hay không biết chuyện, mà cái chính là họ sợ.

Một cô sinh viên sắc sảo kể với tôi về một nhân vật dám “vặn thầy” trong một buổi học. Cô ấy nói “em không nhớ rõ lắm nhưng đại khái là thế này, khi thầy giáo dạy đang “sung” nói về xã hội chủ nghĩa là bước tiến lớn, vĩ đại của loài người mà đất nước ta đang vững bước tiến theo. Rồi là chúng ta luôn đi trước tư bản một bước, các nước tư bản đang trên bờ vực phá sản”. Mới nghe như vậy, một anh chàng trong lớp đứng lên xin phép thầy nói to rằng “thưa thầy, nếu chúng ta luôn đi trước tư bản một bước, mà các nước tư bản thì đang đứng trên bờ vực phá sản, hóa ra chúng ta đang ở dưới hố sâu của bờ vực phá sản ạ”?. Nghe vậy, cả lớp được phen cười rả rích, thầy giáo thì im lặng, mặt đỏ au. Sau đó, nhân vật này có lẽ không được xuôi chèo mát mái lắm.

Nhiều chuyện hay, chuyện vui, buồn của đời sinh viên chuyện gì cũng có thể đem ra bàn luận, mổ xẻ được hết. Dù đó là chuyện chỉ “hai người” hay chuyện no, đói, ghẻ lở, lô đề, trốn học đều có thể kể ra được hết, nhưng nói đến chuyện chính trị thì xem ra giới sinh viên rất e dè. Không chỉ giới sinh viên học sinh, mà là cả xã hội Việt Nam. Vì nói chính trị là dễ vào tù bóc lịch lắm.

Nếu nói về chính trị mà dễ bị vào tù thế thì học chính trị để làm gì? Câu trả lời đơn giản nhất có thể đưa ra là “để tuyệt đối trung thành với đường lối cách mạng của đảng cộng sản”. Nếu không nghe lời, bộc lộ tư tưởng khác với đường lối của đảng thì dễ bị ăn “búa đập đầu” hay mạnh hơn là “liềm cắt cổ”.

Mấy ngày trong miền Trung lũ lụt vừa qua, tôi có gặp anh bạn người ở miền này, hiện đang là một luật sư làm việc tại Hà Nội. Chúng tôi có trao đổi về những tai họa mà người dân miền Trung phải hứng chịu trong khi đó ở Hà Nội thì lại ngợp trời cờ hoa mừng đại lễ. Anh bạn này thấy được sự phô vẽ một cách thái quá của nhà cầm quyền Hà Nội qua cái hoành tráng của đại lễ mà quên đi dân nghèo. Thấy được điều đó, có phải là có nhãn quan chính trị không? Hẳn là một điều đương nhiên, chính trị chi phối mọi hoạt động của người dân.

Nhưng mà nếu thấy được điều đó, tốt nhất là nên im lặng, không thì chuốc họa vào thân. Anh bạn này cũng chia sẻ “ở nước mình, trong cái thể chế độc tài toàn trị, có 3 nhóm người mà đảng cộng sản liệt vào hàng phản động đó là; giới Luật sư, dân IT và báo chí”. Vì sao ư? vì ba nhóm này hay bàn luận chính trị.

Cũng liên quan đến vấn đề lãnh đạo, chính trị, Chuyện ông Tổng thống Chilê phơi mình từng giờ để đón rước và bên cạnh những người thợ mỏ bị kẹt dưới lòng đất trở về khiến cho cả thế giới lâng lâng say men tình người. Một vị Tổng thống bày tỏ sự hiệp thông, ý chí, trách nhiệm đối với nhân dân, dân tộc của mình. Sự kiện này cũng được người dân nước Việt đón nhận và râm ran bàn tán.

Nhưng đó là chuyện của một đất nước Chilê tận đẩu tận đâu, còn với Việt Nam thì việc gì liên quan đến lãnh đạo, đến đảng nhất quyết không được bàn tán. Nếu nói đến là đang bàn chuyện chính trị và có âm mưu lật đổ chính quyền, chắc phần thưởng sẽ là ở tù, chuyện bình thường như cơm bữa.

Việt Nam thì sao nhỉ, còn nhớ ông Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị “trách” dân : “tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm”, trong khi người dân đã vén cạn sức mình để đối chọi với thiên tai lũ lụt.

Các ông lãnh đạo ở Việt Nam phải là trịnh trọng, vương hoàng, người dân không được phép “xé vô” chuyện đại sự quốc gia của các “ngài”. Muốn làm gì, hành động ra sao, đối nội, đối ngoại như thế nào thì đó là chuyện của những “ông nhớn”. Biển đảo, lãnh hải biên thùy hay bán đất, cho thuê rừng, khai thác tài nguyên khoáng sản cho Trung Quốc hay cho nước nào đó là quyền, là chủ trương lớn của các ông lãnh đạo đảng cộng sản. Người dân không có quyền lên tiếng. Lên tiếng là bàn về chính chị, là không trung thành với đường lối cách mệnh của đảng, bỏ tù hết.

Ai cũng được học về chính trị, và được quán triệt đường lối chính trị một cách hết sức rốt ráo, những bài học đó phải được thấm sâu vào mỗi người với tư tưởng “tuyệt đối trung thành với đường lối cách mạng của đảng”. Không được bàn luận và nói về chính trị, nếu ai đó nói về chính trị là đang có ý đồ làm chính trị và âm mưu lật đổ cái chính quyền quàng thêm vào cái đuôi nhân dân.

Chúng ta nói về đất nước, dân tộc và vận mệnh đất nước là đang nói về chính trị. Một chính quyền tốt, vì dân, vì nước, vì người Việt Nam hãy để người dân lên tiếng, góp ý xây dựng non sông, dân tộc Việt Nam sánh ngang với các cường quốc năm châu.

Học chính trị để làm gì? Không phải là để trung thành và bảo vệ đảng cộng sản, mà là bảo vệ xây dựng đất nước, dân tộc Việt Nam (chứ không phải là Nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa), đó là điều nhân dân Việt Nam cần, muốn và sẽ hành động. Dân Việt Nam, con người Việt Nam, Đất nước Việt Nam mới là trường tồn. Một nhóm người của đảng phái nào đó không theo ý nguyện của dân ắt phải tiêu vong.

Hà Nội 16/10/2010

Thăng Thiên

Không có nhận xét nào: