Pages

Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

Không thể bẻ cong sự thật để tự ru ngủ mình và bạn đọc

“… Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu…“

— Phùng Quán (Lời mẹ dặn)

Tôi là người tính tình hơi khô cứng, bạn bè anh em nhận xét về tôi như vậy. Cũng có thể là vì tôi sống có nguyên tắc cụ thể trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, mọi nguyên tắc do tôi tự đề ra cho mình và tự ghép mình trong các khuôn khổ đó phải thực hiện cho đúng.
Ví dụ quan điểm về chính trị của tôi là “Tôi quan tâm đến chính trị nhưng không tham gia,bởi dù thay chính quyền hiện tại bằng chính quyền khác đi chăng nữa tôi cũng xin giữ vai trò người phản biện” hay quan điểm về viết blog hay viết báo cũng rõ ràng, viết đúng, trung thực và không bẻ cong ngòi bút để bảo vệ sự đúng đắn của chân lý cuộc sống.

Trong mấy ngày vừa qua, sau khi bài viết “Vì sao chưa thể có một biến cố như Tunisia ở Việt nam” của Kami được đăng tải và xuất hiện trên trang blog rfavietnam và sau đó cùng hàng chục các trang web site, blog có tên tuổi như Dân luận, X-cafevn, Đàn chim việt, Tiếng nói TDDC, Tin tức hàng ngày, Dân làm báo, Đối thoại, Báo Tổ quốc v.v… cùng đăng tải. Bài viết này đã gây nên nhiều luồng phản ứng khác nhau, khen có, chê có nhưng nhìn chung đa phần bạn đọc, đặc biệt là các bạn đọc trong nước có nhận xét bài viết có những đánh giá đúng mức, trung thực và khác quan.

Đây là một bài viết mang tính chất bình luận, đánh giá đối với một sự kiện mang tính chất cách mạng đang diễn ra ở Bắc Phi dưới góc nhìn của một cá nhân blogger đang trực tiếp sống ở Việt nam – người trong cuộc thông qua các thực tế khách quan đang diễn ra hàng ngày trước mắt của mình, hòng mang đến cho bạn đọc đặc biệt là các chính trị gia salon ở hải ngoại những sự thật mà họ còn chưa (hay cố tình không) muốn đối diện vì sợ. Mục đích của bài viết nhằm chỉ ra các nhược điểm thiếu sót mà những người đấu tranh cho dân chủ, đặc biệt là các tổ chức, hội đoàn chính trị và tôn giáo rút kinh nghiệm. Bởi một thực tế hơi phũ phàng hiện nay là giữa những điều những chính khách salon này nghĩ hay muốn tưởng tượng ra và sự thật thực tế cuộc sống đã có một khoảng cách khá xa, không trung thực. Cách suy nghĩ này đã tạo một tiền đề tương đối nguy hiểm cho các chính trị gia khi tự huyễn hoặc khi đánh giá tình hình trong nước theo suy nghĩ chủ quan của mình mà tách rời thực tế khác quan để “tự sướng” hoặc ru ngủ quần chúng rồi tiến tới áp đặt các suy nghĩ của mình cho người khác nhất là với các bloggers phải viết theo ý của họ. Ví dụ như một số ngưòi cho rằng hiện nay dân chúng trong nước có tới 85-90% chán ghét chế độ hiện tại sẵn sàng đứng lên để làm một cuộc chính biến như ở Tunisia hay Ai cập, hay chính biến tương tự như đã xảy ra ở các nước Bắc Phi sẽ nổ ra ở Việt nam trong năm 2011. Điều này cho thấy hình như những người này đã và đang quên câu binh pháp của Tôn Tử nói rằng “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng” trong công việc đấu tranh của họ.

Nguy hiểm hơn là các bloggers hay các cây bút ở hải ngoại không biết một điều rằng nhưng nhận định hay các bài viết mang tính chất phỏng đoán mang tính viển vông, xa rời thực tế hòng lên giây cót tinh thần cho bạn đọc vì một tương lai “tươi sáng”, mà đã xa rời thực tế khách quan hay đại loại như vậy cũng gây không ít phản cảm cho bạn đọc trong nước và dẫn tới sự suy giảm lòng tin với báo chí lề trái. Mà không nhớ rằng một sự bất tín của báo chí thì sẽ dẫn tới vạn sự bất tin của độc giả, bởi một nền truyền thông có uy tín không cho phép ai lạm dụng lòng tin của độc giả để tuyên truyền dối trá cho họ.

Nói ra điều này cũng vì trên mạng xã hội Multiply hiện nay một số các bloggers của nhóm Blogger Tự do của một đảng chính trị có tên tuổi hải ngoại đang có một cuộc tranh luận kín nhằm mổ xẻ về các vấn đề được mất xung quanh bài viết “Vì sao chưa thể có một biến cố như Tunisia ở Việt nam” này. Điều muốn nói ở đây là bọn họ còn nghi ngờ về bản chất 2 mặt của tác giả bài viết, mà theo họ là có xu hướng thân cộng và bài viết đó không phản ảnh trung thực sự thật (!?) dẫn tới không có lợi cho sự nghiệp của họ đang dấn thân và đặc biệt là ảnh hưởng của giới trẻ trong và ngoài nước. Chuyện các cá nhân tham gia tranh luận, mổ xẻ hay phản biện một vấn đề xã hội hay một bài viết là một nét văn hoá đẹp chúng ta nên ủng hộ và tạo điều kiện vì nó giúp mọi người nghe được nhiều ý kiến với các góc nhìn không giống nhau nhằm tạo điều kiện cho mọi người tự hoàn thiện mình. Nhưng phản biện không có nghĩa là trả thù hoặc bôi nhọ danh dự của người khác.

Trước hết xin nói rằng tôi biết rõ Nhóm blogger Tự do này vì cách đây chừng 6-7 tháng (Tháng 6/2010), người đứng đầu của nhóm này là ông Hoàng Cơ Định đã từng nhiều lần gửi PM mời tôi tham gia họat động với tư cách thành viên, trong các PM đó họ gửi kèm danh sách của các blogger đã tham gia cho tôi biết và yêu cầu tôi bảo mật danh tính các blogges này vì lý do an toàn. Gửi PM nhiều lần bởi tôi đã không trả lời đề nghị đó vì đơn giản nguyên tắc của tôi là không tham gia chính trị. Chuyện tưởng sẽ quên đi, không ngờ lại gặp lại thì những người từng có nhã ý mời tôi hợp tác và một số bloggers trong nhóm đó lại quay ra quy kết, chụp mũ cho rằng tôi là CAM, là cộng sản nằm vùng để phá hoại phong trào của họ. Người Việt nam mình không kể cộng sản hay cộng hoà có cái thói xấu giống nhau, không ưa ai thì chụp mũ đổ cho người ta là Việt tân hay cộng sản tuỳ cái họ ghét. Bản thân tôi đã từng bị blogger Beo – Hồ Thu Hồng, tổng biên tập báo Thể thao TPHCM, người tình của ông tướng công an Thứ trưởng Bộ nội vụ viết trong blog cá nhân của bà ta bảo tôi là người của Việt tân. Không hiểu bọn họ làm như vậy để đạt được mục đích trả thù và làm nhục người khác hay không?

Bài viết nói trên hoàn toàn phản ảnh quan điểm của cá nhân của tôi dưới góc nhìn của một blogger sống ở Việt nam, xin nói rằng, nguyên tắc của một xã hội dân chủ là mọi người hiểu, tôn trọng và chấp nhận mọi suy nghĩ khác biệt của các cá nhân khác mà cái đó còn gọi là sự chấp nhận đa nguyên tư tưởng. Đó là mong muốn cũng như cái đích của tôi cũng như mọi người đã và đang ủng hộ cho công cuộc đấu tranh vì một xã hội dân chủ tự do mong muốn cái đó sẽ hiện diện ở Việt nam trong một tương lai không xa. Đơn giản vì cho dù ta sống ở đâu, trong thể chế chính trị nào đi chăng nữa, độc tài, độc đoán hay độc đảng như ở Việt nam hiện nay thì tự do là khát vọng cháy bỏng của con người từ ngàn đời nay, như Vaclav Havel có nói “Tự do không có giới hạn thời gian, tự do không thuộc về riêng một chính quyền hoặc một thế hệ nào, mà tự do là ước mơ và là quyền của mọi con người, mọi quốc gia trong mọi thời đại”.

Bản thân tôi tuy chưa có điều kiện được sống trong một môi trường của một xã hội văn minh dân chủ ở các nước phát triển khác, nhưng ít nhất tôi cũng có điều kiện tiếp xúc với nó qua các chuyến đi du lịch và đặc biệt với mạng internet thì nó đã giúp khai sáng cho tôi những kiến thức về các vấn đề chính trị xã hội liên quan khác mà đối với những người trí thức khác nếu không chịu khó tìm hiểu thì ít ai biết. Cũng bởi chính sách giáo dục của chính quyền hiện nay là như vậy, họ muốn ngu dân, nếu ta không biết và không tìm cách vượt qua nó thì chính ta sẽ bị ngu như họ muốn. Tưởng rằng chính sách ngu dân ấy chỉ tồn tại trong một xã hội thông tin bị bưng bít như ở Việt nam hiện nay, vậy mà không phải thế nó đang hiện hữu và tồn tại ngay trong cộng đồng bloggers Việt nam và đáng tiếc hơn nó lại xuất hiện ngay trong chính các cá nhân của một đảng chính trị đang tự nhận mình đấu tranh vì một sự tự do dân chủ ở Việt nam trong lúc này. Bạn nghĩ gì khi đọc một comment của họ viết trong cuộc thảo luận đó như sau (trích):

“dongathi wrote on Feb 11, edited on Feb 11

Báo cho các bác biết là, hôm nay vào bài của KM xem, DAT đã thấy có vài comments phản biện khá hay. Trong đó cũng có comments dài của ĐAT. Như thế, là dù KM có muốn kiểm duyệt xóa bỏ cũng không được đâu.

Mong bà con ta vào comment tới tấp đi cho thật đông, thật nhiều, trước khi chúng ta bước sang giai đoạn 2 là gửi mail thẳng tới cho Ban Giám Đốc đài RFA cũng theo chiến thuật biển người nha.“

Phải chăng họ đã và đang nhân danh tự do để can thiệp thô bạo vào truyền thông để tước đoạt quyền tự do thể hiện quan điểm của người khác được hay sao?

Việc đó buộc tôi phải tự hỏi rằng cái nhóm blogger Tự do của một đảng chính trị ấy, trong giai đoạn này khi họ chưa có quyền lực trong tay mà đã có cách hành xử không đúng với nguyên tắc của tuyên ngôn nhân quyền trong quyền đảm bảo quyền tự do thông tin của con người, đó là “Điều 19: Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia“.

Xin hỏi những bloggers thuộc Nhóm blogger Tự do của ông Hoàng Cơ Định thuộc đảng chính trị kia họ không biết hay chưa biết cái điều sơ đẳng đó? Nhân danh tự do sao họ lại muốn những người khác phải viết theo ý của họ không khác gì chế độ độc tài cộng sản đã và đang tiến hành ở Việt nam.

Những người nhân danh cho phong trào đấu tranh cho dân chủ và tự do đừng quên lời của Voltaire rằng “Tôi có thể không đồng ý những điều anh nói, nhưng tôi có thể chết để bảo vệ quyền anh được nói những điều đó!”. Nghĩa là các bạn có quyền phản đối những điều tôi đã viết ra , chứ bạn không có quyền cấm tôi nói những điều sự thật đó. Tôi là một blogger ở trong nước, có lẽ tri thức có thể còn thấp hoặc hơn các bạn bloggers đang sống ở hải ngoại đang quy kết tôi, nhưng chắc chắn tôi không bao giờ tôi tìm cách hủy quyền được lên tiếng của các bạn như các nhà độc tài thường làm. Bởi lẽ chúng ta là những người đang đấu tranh vì và cho lẽ đó, đó là sự tự do và dân chủ cho cả xã hội cũng như mỗi cá nhân chúng ta.

Với tôi là một blogger chứ không phải một chính trị gia do vậy thì sự thật phải là sự thật, sự thật sẽ bất tử và sống mãi, nên một khi cái gì đã là sự thật thì blogger không thể bẻ cong sang một hướng khác có lợi như các chính trị gia thường muốn và làm bằng mọi cách để tự ru ngủ mình và bạn đọc. Như thế là hành động coi thường bạn đọc của mình, tôi không thể chấp nhận được và tôi không bao giờ làm như thế.

TP. HCM, ngày 14/02/2011

© Kami

© 2011 Radio Free Asia

Không có nhận xét nào: