Hai tiếng đồng hồ trước đây (chiều tối ngày 11/02/2010 ở Ai Cập), nhà độc tài Hosni Mubarak từ chức và trao quyền lãnh đạo đất nước lại cho Hội đồng Quân đội Tối cao, chấp nhận sự thành công của người dân Ai Cập sau 18 ngày đêm biểu tình đấu tranh liên tục, quyết liệt. Tiến trình tái lập dân chủ và xây dựng chính phủ mới còn nhiều bước cam go; tuy nhiên, cánh cửa dân chủ đã mở ra cho Ai Cập.
Bối cảnh chính trị, văn hoá, xã hội của Ai Cập và Việt Nam có khá nhiều điểm khác biệt nhau. Chúng ta hãy cùng nhận diện tính chất của cuộc đấu tranh danh tiếng vừa xảy ra để có một thái độ và định hướng hợp lý.
1. Biểu tình đông người: Dù là dưới chế độ độc tài, người dân ở Ai Cập thể biểu tình đông người — một điều chưa hề có dưới chế độ CSVN. Nhờ điều kiện thuận lợi này, cuộc đấu tranh của nhân dân Ai Cập dễ được thành hình, quy tụ được số đông hàng trăm ngàn người và tạo được sức mạnh có áp lực to lớn với chế độ. Ở Tunisia mấy tuần lễ trước đây cũng vậy.
Đây là một yếu tố lớn đóng vai trò quan trọng trong những cuộc đấu tranh với nền tảng là phong trào quần chúng. Tương tự như Ai Cập, các nước Phi Luật Tân, Nam Dương, Thái Lan, Đài Loan, Mã Lai Á… dẹp được chế độ độc tài quân phiệt hay đảng phiệt cũng đều nhờ vào yếu tố chính yếu là có thể quy tụ được đông đảo người dân xuống đường. Học hỏi được những kinh nghiệm này, đảng CSVN đã trấn áp thô bạo những cuộc xuống đường, tụ tập đông người dù là dưới danh nghĩa đòi dân chủ tự do hay công bằng xã hội. Do đó, cho đến khi điều kiện thực tế trở nên thuận lợi hơn để những cuộc biểu tình ôn hoà có thể tổ chức được, chủ trương đấu tranh ôn hoà thuần tuý bằng những đòi hỏi suông sẽ khó có khả năng tạo đủ áp lực để buộc đảng CSVN phải nhượng bộ và trả lại quyền lãnh đạo cho toàn dân. Làm sao vận động được sự hưởng ứng, tham gia (của đông đảo người dân) vẫn là một câu hỏi lớn cho các tổ chức đấu tranh dân chủ Việt Nam.
Đủ rồi.
Đã quá đủ rồi,
30 năm tham nhũng, 10 nội các khác nhau, 1 tổng thống,
80 triệu con người khốn khổ.
Trò chơi đã chấm dứt.
Hãy nghe lời nhân dân mà cút đi ngay.
Cút đi Mubarak.
Mubarak là tên đốn mạt nhất ở Ai Cập. Cút đi Mubarak.
Cút đi đồ hèn nhát.
2. Độc tài cá nhân: Chế độ ở Ai Cập do sự lãnh đạo độc tài của cá nhân ông Hosni Mubarak. Thực tế cho thấy diễn tiến thay đổi ở Ai cập tuỳ thuộc vào thái độ và quyết định của cá nhân ông Mubarak. Cuộc đấu tranh 18 ngày đêm chỉ kết thúc tốt đẹp khi ông tuyên bố từ chức và trao quyền lãnh đạo lại cho Hội đồng Quân đội Tối cao.
Còn ở Việt Nam, sự độc tài là từ một đảng. Rút kinh nghiệm từ sự thay đổi đột ngột của Liên Sô, đảng CSVN đã nhanh chóng tản quyền trong thực tế, để mọi quyết định lớn đều phải thông qua cơ chế Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thay vì tuỳ thuộc ở cá nhân người nắm vai trò Tổng Bí Thư, Thủ Tướng hay Chủ tịch nước. Tình trạng kềm chế lẫn nhau để bảo đảm cho sự lãnh đạo không bị thay đổi đột biến bởi quyết định của một cá nhân. Với thực tế đó, mọi trông đợi vào tinh thần cách mạng của bất cứ cá nhân nào theo kiểu Yeltsin ở Nga đều không còn khả năng xảy ra, mà sự thay đổi chỉ có thể phát xuất từ áp lực bất khả kháng cự tạo nên bởi các biến động chính trị hoặc xã hội.
Mubarak, mày cút đi thì tao mới chịu về nhà. Chấm hết.
Nhân dân ghét mày.
3. Vai trò Quân đội: Suốt trong cuộc biểu tình gần 3 tuần lễ, phía quân đội Ai Cập giữ thế trung lập, thay vì đàn áp những người đối lập xuống đường đòi dân chủ. Lời cam kết của Tướng Tổng tham mưu trưởng Sami Al-Anan rằng “quân đội không đàn áp những công dân xuống đường bày tỏ nguyện vọng của mình” là một sự bảo đảm an toàn, đóng vai trò quan trọng cho sự lớn mạnh của cuộc biểu tình. Một mặt nào đó, thái độ trung lập của quân đội là một khích lệ đóng vai trò quyết định lớn cho sự thành công không đổ máu của quá trình đấu tranh đòi ông Mubarak ra đi.
Ở Việt Nam ta, phía quân đội chắc chắn sẽ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình thay đổi đất nước. Một khi biến động xảy ra, thái độ của quân đội sẽ quyết định phần lớn cho sự thành bại của cuộc đấu tranh, đặc biệt là vấn đề có đổ máu hay không. Nếu phía quân đội chọn thái độ đứng về phía nhân dân và bảo vệ đất nước, đồng bào, thay vì bảo vệ đảng CSVN, thì tình hình chính trị sẽ có cơ hội ổn định sớm. Khi quân đội chọn thái độ ủng hộ dân chủ (như ở Romania, Tunisia) hay trung lập (như ở Ai Cập) thì lực lượng võ trang bảo vệ tổ quốc sẽ không bị khủng hoảng trong buổi giao thời, để có khả năng ngăn ngừa sự xâm lăng đột biến từ nước khác.
Hôm qua tất cả chúng ta là người Tunisia.
Hôm nay chúng ta là người Ai Cập.
Ngày mai tất cả chúng ta sẽ được tự do.
4. Đối lập đoàn kết: Cho đến nay, có thể cũng còn sớm để nhìn thấy được toàn diện hậu trường chính trị của cuộc xuống đường đấu tranh ở Ai Cập. Tuy nhiên, qua báo chí quốc tế, người ta nhìn thấy được sự đoàn kết, hay ít nhất là không có tình trạng mâu thuẫn, chống phá nhau giữ các tổ chức đối lập. Thể thức điều động toàn bộ cuộc biểu tình rất tinh vi, khoa học và khéo léo; từ mặt an ninh cho đến vệ sinh.
Đây là một kinh nghiệm đáng trân trọng và học hỏi cho người Việt chúng ta. Trong bối cảnh có khá nhiều tổ chức chính trị đang công khai hay bí mật hoạt động ở trong nước, sự chuẩn bị trước những gì cần phải làm để giúp cuộc cách mạng dân chủ sắp tới có thể thành công một cách nhanh chóng suông sẽ, tốt đẹp là điều không thể thiếu được. Sự chuẩn bị này không phải chỉ giúp bảo đảm thêm an toàn, mà còn ngăn chận được những sự phá hoại chắc chắn sẽ có từ đảng CSVN một khi biến động xảy ra.
Cái khoảng trống duy nhất đáng lo ngại hiện đang nằm trong đầu tên Mubarak
Thà chết vì chân lý còn hơn sống một cuộc đời vô nghĩa
5. Quyết liệt và sáng suốt: Không tin vào sự thay đổi từ thiện chí của chế độ, ngay cả khi Tổng thống Mubarak đã chính thức tuyên bố là sẽ không tiếp tục tranh cử, hay sẽ trao quyền lãnh đạo cho Phó Tổng Thống Omar Suleiman, v.v… Tính quyết liệt, sáng suốt và kiên nhẫn của những người lãnh đạo phong trào và toàn thể người tham gia đã giúp cho nhân dân Ai Cập đạt được thành quả dứt khoát; thay vì vội vã chấp nhận giải pháp nửa vời và hồi hộp chờ đợi một sự đổi thay không chắc là có thể đến hay không.
Đây cũng là một bài học đáng suy gẫm cho người Việt Nam trong công cuộc đấu tranh dân chủ hoá đất nước. Theo đó, người ta có quyền mong là những người lãnh đạo đảng CSVN hiện nay có thể sẽ có một số thay đổi đáng kể hơn so với thời gian trước, nhưng họ sẽ không tự thay đổi chế độ độc tài toàn trị hiện thời thành một chính thể dân chủ đa đảng. Sự thay đổi đó chỉ có thể có khi nhân dân Việt Nam cùng đứng lên và đồng loạt đòi hỏi “Cộng sản! Hãy cút đi!” mà thôi!
Sự kiện đổi thay thể chế ở Ai Cập đáng để chúng ta học hỏi và hy vọng. Chỉ ba tuần lễ trước đây, chế độ của ông Hosni Mubarak là một trong số các nước độc tài đồng minh của Hoa Kỳ, tương tự như trường hợp CSVN. Do đó, sự kiện Hoa Kỳ ký kết các hiệp ước quân sự, kinh tế, ngoại giao với CSVN chỉ là những công việc cần thiết để bảo đảm cho quyền lợi của Hoa Kỳ trong bối cảnh hiện nay. Những ký kết này kia không khẳng định là Hoa Kỳ sẽ ra tay bảo vệ CSVN một khi nhân dân Việt Nam đứng lên. Ngược lại, chắc chắn là khi tình hình chính trị Việt Nam có dấu hiệu thay đổi rõ nét, thái độ của chính phủ Hoa Kỳ lúc đó cũng sẽ có sự thay đổi thích ứng kịp thời.
Đến nay, vẫn khó để xác định Hoa Kỳ đã có nhúng tay thế nào và bao nhiêu vào cuộc thay đổi ở Ai Cập song ít nhất người ta có thể nhìn thấy khi cần phải thay đổi thái độ, Hoa Kỳ có ngay những phản ứng hợp lý một cách nhanh chóng. Điều này không phải do người Ai Cập vận động trước, mà là phản ứng tự nhiên từ một tiến trình có nhiều thành quả của cuộc đấu tranh.
Tiến trình dân chủ hoá ở Việt Nam đang thách thức óc sáng tạo, lòng can đảm và ý chí quyết thắng của những người đấu tranh dân chủ ở trong và ngoài nước. Vấn đề không phải chỉ là chấm dứt tình trạng độc tài, mà là thay đổi thế nào để không gây ra cảnh tang thương, đổ vỡ cho đồng bào, đất nước. Và quan trọng nhất là không có một thành phần nào phải bị trở thành nạn nhân của chế độ mới.
Người Ai Cập đã hành động thay vì chờ đợi! Còn người Việt Nam chúng ta thì sao? Câu trả lời ở mỗi chúng ta.
Nguyễn Công Bằng
Tổng thư ký Đảng Vì Dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét