Trời muốn hại ai thì bắt người đó… làm báo. Đấy là một chân lý Việt Nam thời hiện đại.
Làm báo trong nước thì cứ phải lách giữa hai lề, và với nhiều người tử tế thì “giữ lấy lề” là một bài toán để lương tâm khỏi rách. Làm báo ở hải ngoại thì cứ hoa mắt hàng ngày xem giữa ngàn tin nên chọn tin nào – do ai đưa ra và ai phiên dịch, với dụng ý gì – để làm tròn nhiệm vụ thông tin.
Nhiệm vụ có tròn mà kinh tế sa sút và quảng cáo không vào thì tròn cũng thành méo.
Người làm báo còn có cái nghiệp là xem lịch trước ngày. Khi thiên hạ đọc báo hôm nay thì mình đã phải xem ngày mai hay tuần tới chuyện gì mới là nóng! Người ta ăn Tết Tây thì mình đã lo Tết Ta, đến khi pháo nổ lậu ròn rã thì đã phải cho người chuẩn bị ngày… Valentine.
Làm báo đã khổ, viết báo còn khổ hơn. Viết về cái gì, cho ai đọc, với kết quả hay hậu quả ra sao?
Minh diễn chuyện đó là tình hình Ai Cập – Làm Ai Run Lập Cập….
Năm Quý Mão 1963, việc Thượng tọa Thích Quảng Đức tự thiêu tại một ngã tư ở Sàigon là biến cố báo hiệu nhiều thay đổi tại Việt Nam mà những người chứng kiến hay tường thuật việc đó thật ra cũng chẳng biết bao nhiêu. Người mong muốn thay đổi vì lý do chính đáng đã bị hoa mắt vì sự thay đổi dẫn tới những điều còn tệ hơn, cho đến cao điểm là năm Ất Mão 1975. Nói lại thành nhàm, nhưng nhắc lại vẫn không thừa!
Chuyện Ai Cập cũng vậy. Mà còn tệ hơn vậy.
Có khi là một tái diễn của biến cố Kỷ Mùi 1979, khi Mỹ hy sinh một đồng minh là Quốc vương Iran để lãnh một kẻ thù là chế độ Hồi giáo cực đoan tại Tehran. Hoặc khi Mỹ yểm trợ phong trào kháng chiến A Phú Hãn cho Liên Xô suy yếu hóa ra lại nuôi ong tay áo là hạt nhân của lực lượng Al Qaeda, tác giả vụ khủng bố 9-11. Hoặc khi Mỹ đuổi đồng minh Đài Loan ra khỏi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để rước Trung Quốc vào với lá phiếu có khả năng phủ quyết – và thường xuyên chống Mỹ. Henry Kissinger là doanh gia có tài nhờ chuyện buôn bán với Trung Quốc sau này, chứ là chiến lược gia cho Mỹ thì thuộc hạng bét!
Nhớ lại thì trong các đồng minh của Hoa Kỳ, Vương quốc Iran của triều Pahlavi không hề xin tiền viện trợ của Mỹ mà nhờ dầu hỏa còn nuôi được nhiều chính khách Mỹ. Vậy mà vẫn bị Mỹ lật! Và Carter dọn cỗ cho các Giáo chủ cực đoan chống Mỹ vào Tehran.
Trong các đồng minh của Mỹ, Ai Cập là quốc gia nhận được nhiều viện trợ nhất, vì trấn giữ một khu vực hiểm yếu nhất cho quyền lợi Hoa Kỳ. Vậy mà vẫn bị Mỹ lật!…
Trong khung cảnh đó, truyền thông không phải là vô can, có khi có tội mà không biết!
Năm 1989, lần đầu tiên sau nhiều năm gián đoạn, Tổng bí thư Michael Gorbachev thăm viếng Bắc Kinh. Biến cố đáng chú ý mà bị chìm trong một sự kiện khác. Hồ Diệu Bang tạ thế và nhân tang lễ của ông, một số đảng viên và quần chúng Trung Quốc muốn nêu vấn đề khác: lạm phát và tham nhũng trong đảng là những điều khó chấp nhận.
Họ để tang và tổ chức biểu tình, trước ống kính của truyền thông quốc tế – nỏ mồm nhất là của Mỹ, dại dột nhất là CNN – được tung qua để tường thuật chuyến đi của Gorbachev. Truyền thông Mỹ qua đó theo dõi hiệu ứng “perestroika” và “glasnost” tại Liên Xô trong tư duy của lãnh đạo Bắc Kinh, của cha đẻ việc cải cách là Đặng Tiểu Bình.
Họ Đặng nín thinh trước vụ biểu tình dù biết là có nhiều đảng viên cao cấp yểm trợ đằng sau. Vì phải đón tiếp Gorbachev và không tỏ ra tang gia bối rối… trước truyền hình quốc tế. Sự im lặng đó là nguồn cổ võ cho đám biểu tình. Truyền thông Mỹ làm nốt phần vụ còn lại: trình bày vụ biểu tình như biểu hiện của phong trào dân chủ. Thanh niên Trung Quốc xuống đường bỗng được choàng lên cổ vòng hoa lãnh đạo phong trào. Tượng “Nữ thần Tự do” với ấn bản Made in China dị hợm bỗng xuất hiện.
Gorbachev ra về và Đặng Tiểu Bình đi gặp lãnh đạo quân đội và thanh lý môn hộ bên trong rồi, bắt đầu quay ra phũ tay tồi tàn! Cả ngàn người chết khi truyền thông bị tắt đèn. Trung Quốc ngồi lên phong trào dân chủ và các lãnh tụ của phong trào đều bị tóm gọn. Từ biến cố đó, Bắc Kinh càng thủ rất chặt.
Tổng Bí thư Triệu Tử Dương mất chức và vào tù, các đồng chí đều tan nát sự nghiệp – trừ một kẻ khôn là Ôn Gia Bảo, ông ta xoay đúng lúc và nay là Thủ tướng! Tầng lớp thanh niên trí thức ước mơ dân chủ bị diệt và phải lưu vong. Một thế hệ khác đã trưởng thành: “không chơi dại mà đi làm cách mạng!” Họ trở thành đảng viên và doanh gia. Trong khi ấy, Hoa Kỳ coi chuyện Thiên an môn là không chấp nhận được, rồi cũng nhận mà không chấp, tiếp tục làm ăn buôn bán như xưa.
Những nhắc nhở ấy cho thấy trách nhiệm rất lớn của truyền thông khi đem mộng mị vào việc tường thuật và bình nghị về biến cố ma quỷ với sự vô minh phổ biến.
Như về chuyện Ai Cập, ba ngày sau khi bênh vực chế độ Hosni Mubarak, Nghị sĩ John Kerry đổi giọng. Dễ hiểu vì là chính khách, dù có là nhân vật thế giá của đảng Dân Chủ trong Thượng viện về đối ngoại thì cũng chỉ là chính khách. Bỏ qua cũng được. Nhưng khi phát ngôn viên Robert Gibbs của Tòa Bạch Cung lên tiếng rằng trong chính quyền mới của Ai Cập, phải có những đại biểu nằm ngoài dòng chính trị “thế quyền”, tức là phải có sự tham gia của xu hướng thần quyền và ôn hòa, chúng ta thấy hãi.
Với tư cách gì mà một viên chức Mỹ lại nói về cấu trúc chính trị của xứ khác khi tình hình đang ngùn ngụt? Hoa Kỳ có bị đả kích là đế quốc thì cũng không sai khi để xảy ra chuyện thối mồm chõ mõm vào xứ khác trong phút dầu sôi lửa bỏng.
Vì thật ra, Hoa Thịnh Đốn đã gửi đặc sứ qua Cairo để nói ra điều mình muốn. Trước đó, Hoa Kỳ cũng vừa tiếp Tham mưu trưởng Quân lực Ai Cập trong năm ngày, từ 24 đến 28, Tướng Sami Annan trở về thì cũng có thể nói ra quan điểm của Mỹ với Mubarak, tân Phó Tổng thống Omar Suleiman hay các khuôn mặt đối lập cả đạo lẫn đời. Nếu có sẵn kịch bản thì đây là lúc thi hành.
Nhưng vì sao Robert Gibss lại công khai nói thêm chuyện ấy? Chạy tội, trấn an hay xỏ mũi công chúng biểu tình?
Nhưng hãi hùng nhất là lời phát biểu trước truyền hình của Tổng thống Barack Obama, về việc Hosni Mubarack phải ra đi. Ông Obama là người ở vào vị trí tối cao của Hoa Kỳ, chứ không là Nghị sĩ John Kerry hay John McCain hay bất cứ ai khác. Vì sao lại trực tiếp xen vào chuyện đó?
Trong 30 năm độc tài của Mubarak, nước Mỹ có ba chục năm để nêu vấn đề khi bàn tính hàng năm về viện trợ. Mà cứ lặng thinh, cho tới lúc dầu sôi lửa bỏng thì mới châm thêm thùng dầu. Một nguồn cổ võ “phải đạo” cho phong trào dân chủ?
Người ta cứ tưởng là từ vụ Ất Mão 1963 tại Việt Nam đến nay, Hoa Kỳ học thêm kinh nghiệm xử trí với các đồng minh. Thật ra, mỗi đời tổng thống lại là một lần học bài… lại.
Ai Cập ngày nay đang gặp hai nguy cơ.
Thứ nhất là nạn đói vì xứ này thiếu gạo, phải nhập cảng và hải cảng lớn nhất Alexandria là mục tiêu “mềm” có thể bị tê liệt hoá. Mà tồn kho trong nước chỉ đủ cho bốn tuần tiêu thụ. Bất cứ ai nổi lửa “giải phóng” kho gạo để cứu đói sẽ gây nên trận đói làm chính quyền lâm thời bó tay hay tuột tay.
Nguy cơ thứ hai là lực lượng Huynh đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhoos) có thế lực, bản lãnh và cán bộ. Họ kín đáo ngồi yên, có con gà vừa được Mỹ choàng cho vòng hoa cải cách dân chủ là giáo sư luật khoa Mohamed ElBaradei – nguyên Tổng giám đốc Nguyên tử lực cuộc – để nhảy vào vòng chiến. ElBaradei sống bên ngoài, không có đảng viên hay cơ sở và về cứu nước hoặc tranh cử thì phải trông cậy vào lực lượng khác! Huynh đệ Hồi giáo ngồi chờ…
Khi biến cố Tunisie xảy ra, chúng ta đều mong khối Á Rập Hồi giáo sẽ thoát khỏi gọng kìm oan nghiệt. Một bên là chế độ độc tài, quân phiệt tham nhũng. Bên kia là xu hướng thần quyền của các nhóm Hồi giáo cực đoan. Chuyện ấy có thể đang xảy ra như ta thấy sự lúng túng xoay trở của các chính quyền Hồi giáo tại Syria, Jordan, Yemen và cả Saudi Arabia…
Nhưng có khi cái xẩy lại nẩy cái ung nếu Hoa Kỳ không khéo xử trí.
Kinh nghiệm cách mạng dân chủ tại Serbia 2001, Georgia 2003, Ukraine 2004, Miến Điện 2007, Moldova 2009, Iran 2009, và cả Kyrgyzstan 2010 (nhằm đẩy lui cách mạng dân chủ 2005) cho thấy hạt mầm dân chủ dễ gieo mà không dễ mọc. Bây giờ lại thêm yếu tố tôn giáo trong khối Á Rập Hồi giáo thì ta càng nên thận trọng.
Nhớ lại chuyện xưa, xin ai ơi đừng hồ hởi sảng!
Quả như vậy, vì áp lực Hồi giáo quá khích, Hoa Kỳ đã dung dưỡng quá lâu ách độc tài của nhiều đồng minh. Khi hữu sự thì lại giương lá cờ dân chủ, thẳng tay vứt bỏ các đồng minh cũ. Cũng là điều tốt thôi. Nhưng xử trí không khéo thì lại vứt vỏ dưa gậm vỏ dừa. Và những người có nhiệt tình cho dân chủ lại bị hy sinh….
Jimmy Carter đạt thành tích ấy tại Iran năm 1979. Biến cố đó còn là nguồn cổ võ cho Al-Qaeda, thành hình nhờ sự yểm trợ cũng của Chính quyền Carter. Sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng hơn và tiếp nhận kinh nghiệm của người đi trước, Chính quyền Obama không nên tái diễn thành tích này.
Đó là chuyện Mỹ.
Còn lại, Huynh đệ Hồi giáo là những ai, Các Giáo chủ Iran hay lãnh tụ Syria tính gì, Bắc Kinh lập cập ra sao về chuyện Ai Cập thì… sang năm ta tính.
Xin hãy để bà con ăn Tết chứ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét