Pages

Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

Từ Bắc Phi đến Việt Nam


VRNs – Những biến động xảy ra tại các quốc gia bắc Phi mà khởi sự là Tunisia đầu năm 2011 đã khiến dư luận bàn bạc khá nhiều về ảnh hưởng giây chuyền của nó. Ảnh hưởng ấy không chỉ giới hạn trong phạm vi các quốc gia Ả Rập mà thậm chí đến cả đất nước Việt Nam của chúng ta.
Công luận có lý do thích đáng để suy nghĩ như vậy. Bỏi lẽ giản dị là ngoài xu thế chung không thể đảo ngược nằm trong khát vọng chính đáng của con người xuyên qua không gian và thời gian, là những nét tương đồng trong cảnh ngộ của khối quần chúng bắc Phi và ngót 90 triệu dân chúng Việt Nam dưới chế độ cộng sản hiện nay.

Không ai có thể ngờ rằng nguyên tố làm bùng nổ biến động tại các quốc gia bắc Phi lại bất ngờ và đơn giản đến như vậy. Khởi đầu là cái chết của Mohamed Bouazizi, người thanh niên 26 tuổi, công dân Tunisia. Giống như hàng triệu người trẻ khác tại xứ sở này, Mohamed Bouazizi phải kiếm sống qua ngày bằng nghề bán hàng rong trên hè phố, một thứ nghề không có nghiệp, luôn phải phấn đấu hàng ngày với những màn xua đuổi dữ dằn của cảnh sát vốn không phải để bảo vệ dân nghèo mà chỉ có trách nhiệm phục vụ quyền lợi của những khuôn mặt lớn trong chính quyền và các đại gia dư tiền nhiều bạc. Và một ngày không chờ đợi anh bị cảnh sát tịch thu toàn bộ gánh hàng rong, ngưồn sống duy nhất của gia đình anh. Và trong giây phút chán chường, tuyệt vọng anh đã tự tìm cái chết bằng cách tự thiêu.

Chính ngọn đuốc được thắp lên bằng nhục thân của người thanh niên bất hạnh này đã châm ngòi cho cuộc cách mạng “hoa lài” của người dân Tunisia để từ đấy, giống như vết dầu loang, đã tràn lan như nước vỡ bờ qua các quốc gia lân bang, như Yemen, Jordan, Syrie, Ai Cập.

Từ trước đến nay, khó ai có thể đoán được chuyện gì sẽ xảy ra cho Việt Nam, cho dẫu trong mấy năm qua đã có những dấu hiệu lạ[1], khiến guồng máy cai trị trung ương của cộng đảng Việt Nam phải âu lo, hoảng hốt. Đó là những cuộc tập trung cầu nguyện, đối kháng bất bạo động có lúc lên tới hàng chục ngàn người (ở tòa Khâm sứ cũ, ở Thái Hà) hoặc cả trăm ngàn tín hữu Công giáo (ở Xã Đoài, giáo phận Vinh). Nhưng những gì đã, đang và sẻ xảy ra ở Tunisie, ở Yemen, ở Jordan, Sysie hoặc ở Ai Cập hiện nay cho phép người ta tiên đoán về khả năng một cuộc đột biến cũng có thể bất ngờ bùng ra ở Việt Nam trong tương lai.

Những nét tương đồng trong cảnh ngộ

* Giữa các nước bắc Phi:

Lấy hai trường hợp tiêu biểu là Tunisia và Ai Cập làm thí dụ. Cả hai dân tộc này đều bị đặt dưới ách thống trị triền miên trong suốt hơn một phần tư thế kỷ bởi những nhà lãnh đạo độc tài, tham nhũng, thối nát Ông Ben Ali giữ ghế Tổng thống Tunisia trong 5 nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 1987 đến nay, và còn tiếp tục nhiều năm trong nhiệm kỳ chót nếu cuộc cách mạng của quần chúng không bất ngờ nổ ra đầu năm nay. Trong khi ấy, TT Mubarak của Ai Cập cũng ở ngôi vị này suốt từ năm 1981, tức là chẵn ba chục năm qua.

Nhìn vào đời sống của quảng đại quần chúng tại các xứ Ả Rập đều có một nét chung là nghèo đói, thấp kém về mọi phương diện. Trong khi ấy, những thành phần đấu tranh cho dân chủ, tự do luôn bị đàn áp thẳng tay. Tệ nạn tham những, bè phái lan tràn từ trên xuống dưới. Riêng tại Tunisia, trong nhiều năm qua, tỷ lệ thất nghiệp trong thành phần thanh niên tiếp tục gia tăng một cách đáng ngại. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã không kiếm ra việc làm, đành phải bỏ trốn sang Pháp tìm việc hoặc chấp nhận những nghề bấp bênh hèn mọn như anh Mohamed Bouazizi. Tình trang các xứ khác như Yemen, Jordan, Syrie hoặc Ai Cập cũng không khác bao nhiêu.

* Giữa bắc Phi và Việt Nam:

Nhìn vế quá khứ, ngoài biểu tượng của cái gọi là “Cha Già Dân Tộc” HCM mà sau khi chết vẫn còn được chế độ suy tôn như một thứ “thần tượng đời đời”, Phạm Văn Đồng từng ngồi lì ở ghế thủ tướng vượt qua số năm của ông Mubarak! Gần đây nhất, là trường hợp Nguyễn Tấn Dũng, một kẻ trong nhiệm kỳ Thủ tướng vừa qua đã để lại những kỳ tích về những hành vi bán nước hại dân, phe cánh, tham nhũng, hối mại quyền thế, xuyên qua những vụ rước quan thày Trung quốc vào khai thác mỏ Bô-xít ở Cao nguyên, chuyển nhượng quyền khai thác rừng và dất hiếm cho Bắc Kinh, làm thất thoát nhiều tỷ đô-la Mỹ qua việc tổ chức đại hội mừng một ngàn năm Thăng Long, dung túng sự lộng hành của đàn em tại công ty quốc doanh Vinashin. Ấy vậy mà trong Đại Hội Đảng kỳ thứ XI vừa qua y lại được tái cử vào vị trí này một nhiệm kỳ nũa!

Thêm một nét tương đồng khác giữa các chế độ độc tài bắc Phi và chế độ chuyên chính cộng sản Hànội là chủ trương phục hồi chế độ cha truyền con nối trong thời phong kiến xa xưa.

Được biết, vì năm nay đã 83 tuổi nên tổng thống Ai Cập Mubarak đang tính đến chuyện dọn đường cho con trai là Gamal Mubarak, 47 tuổi lên kế vị khi nhiệm kỳ của ông chấm dứt vào tháng 10 năm 2011. Trước đó đương sự đã có mưu toan vận động quốc hội sửa đổi hiến pháp, biến y thành vị tổng thống trọn đời của Ai Cập! Những hành vi tham quyền cố vị tương tự cũng xảy ra với những nhà lãnh đão Tunisia, Yemen và nhiều xứ khác trong vùng.

Nhìn về đất nước Việt Nam, ngoài Nguyễn Chí Vịnh từng là Ủy viên trong Bộ Chính Trị Trung Ương và hiện là Phụ tá tổng trưởng Quốc Phòng vốn là con trai Nguyễn Chí Thanh, trong kỳ đại hội Đảng thứ XI vừa qua, con trai của Nông Đức Mạnh là Nông Đức Tuấn và con trai của Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Thanh Nghị cũng đã được tiến dẫn để trở thành những “hạt giống Đỏ” cấy vào cơ cấu tối cao của đảng cộng sản, sửa soạn cho một ngày nào đó nối tiếp ngôi vị của cha. Gần đây cũng có nhiều nguồi tin thân cận trong đảng CSVN tiết lộ là chính Nguyễn Tấn Dũng cũng là con trai của tướng Nguyễn Chí Thanh! Như thế chỉ riêng dòng họ Nguyễn này cũng đã ba đời thay nhau nắm giữ vai trò đè đầu cưỡi cổ nhân dân rồi!

Cuộc xuống đương ở Quãng trương Tahrir đã lật đổ ông Mubarak sau 18 ngày đấu tranh

Ngoài mặt chính trị, về phương diện giáo dục, xã hội, kinh tế, trong các quốc gia Ả Rập ở bắc Phi và Việt Nam cộng sản cũng có nhiều nét tương đồng không khác những người anh em song sinh. Dĩ nhiên là tương đồng theo nghĩa tiêu cực. Bên cạnh tình trạng xuống dốc về mặt giáo dục, nói chung, các xứ bắc Phi cũng như Việt Nam đều đang phải đối diện với nạn lạm phát trí thức “dổm” một loại trí thức không có khả năng, mà chỉ nhờ tiền bạc hoặc nhờ ảnh hưởng của cha anh đang nắm giữ những vị trí then chốt trong guồng máy đảng và nhà nước mà có. Sự kiện bất công đáng xấu hổ này đã khiến cho hàng ngàn, hàng chục ngàn những người trẻ sau khi tốt nghiệp đại học không kiếm được việc làm, hoặc phải chấp nhận những việc không xứng với cấp bằng trong khi tuyệt đại đa số chịu cảnh thất nghiệp, sống lây lất qua ngày. Nó cũng là căn nguyên sản sinh ra hiện tượng ăn chơi thả dàn, không biết đến ngày mai của một số đông giới trẻ tại Việt Nam ngày nay, dẫn tới những tệ nạn xã hội đen, như băng đảng, xì-ke, ma túy, HIV cùng tệ trạng phá thai, bán dâm của những em gái vị thành niên. Về phương diện này, không thể không nói tới thảm cảnh hàng trăm ngàn thanh niên, thiếu nữ phải bán sức lao động cho ngoại bang, trong đó có rất nhiều trường hợp đã trở thành nạn nhân của những vụ lừa bịp khiến cho rất nhiều thanh niên bị bóc lột hoặc bị đuổi việc phải sống bất hợp pháp nơi xứ người và không ít thiếu nữ, thay vì có công ăn việc làm lương thiện như hứa hẹn lúc ban đầu đã bị đẩy vào nghề mãi dâm trá hình.

Dưới đây là bảng so sánh về chỉ số phát triển con người được trích trên mạng của đài phát thanh BBC gần đây, cho thấy trên nhiều phương diện chỉ số phát triển con người của Tunisia còn khá hơn Việt Nam. Ấy vậy mà cuộc cách mạng hoa lài, lật đổ chế độ Ben Ali vẫn xảy ra. Như thế, nếu có một biến cố tương tự nổ ra ở Việt Nam lúc này sẽ chẳng khiến cho ai ngạc nhiên:



Nhữngchỉ số tiêu biểu Viet Nam Tunisia
1. Chỉ số phát triển con người 2010 113 81
2. Chỉ số tham nhũng 2010 116 59
3. Chỉ số tự do kinh tế 2010 139 100
4. Chỉ số tự do báo chí 2010 165 164
5. GDP đầu người năm 2009 1060 USD 3852 USD

Trong bản tường trình ngày 29-01-2011, phái viên Ngọc Trân của đài RFA cho hay:

“Cũng như Việt Nam, tuy nền kinh tế Tunisia ổn định và phát triển, thế nhưng đại đa số người dân Tunisia đều không được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế, mà hầu hết của cải làm ra chỉ tập trung trong tay một nhóm thiểu số, đó là những người nắm quyền lực trong bộ máy nhà nước, trong khi đa số người dân Tunisia đều nghèo khổ và khốn cùng”.

Nhìn về VN, khi nhà nước luôn huênh hoang về những con số tăng trưởng kinh tế, thì tình trạng chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn lao. Trong lúc những khuôn mặt lớn trong đảng và những đại gia ngự tại những biệt thự nguy nga, lái những chiếc xe hơi ngoại hạng giá cả triệu đô la Mỹ thì tuyệt đại đa số nông dân, lao động vẫn phải sống trong cảnh đói cơm, thiếu áo.



Từ bài học bắc Phi suy nghĩ về trường hợp Việt Nam

Không phải chỉ có công luận quốc tế và những thế lực quần chúng Việt trong và ngoài nước đối kháng chế độ độc tài chuyên chính cộng sản Hànội mới nghĩ tới mối liên hệ nhân quả, giây chuyền giữa những biến động ở bắc Phi và Việt Nam. Hơn ai hết, chính những tay đầu sỏ thuộc trung ương đảng ở Bắc Bộ Phủ cũng đã tiên liệu điều này. Được biết, ngay sau khi biến cố bắc Phi xảy ra, các lãnh tụ vừa được đại hội đảng đề cử đã có những quyết định bất ngờ. Trước hết là ‘Bộ chỉ huy Quân sự TP Hồ Chí Minh’ được đổi tên thành ‘Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh’ với mục tiêu không giấu giếm là để “tăng cường sức mạnh vũ trang” hầu đối phó với các “lực lượng thù địch”. Song song với quyết định này, bắt chước quan thày Bắc Kinh, Hànội tăng cường việc dựng lên bức tường lửa nhằm ngăn chặn những tin tức và hình ảnh của hàng trăm ngàn người dân Tunisia, Ai Cập rầm rộ xuống đường trong nhiều ngày liên tiếp, đòi lật đổ những chế độ độc tài tại đây. Hiển nhiên là đảng và nhà nước cộng sản đã tiên liệu những biến động bất ngờ có thể xảy ra tại Việt Nam bất cứ lúc nào nên họ đã phải lo chuyện be bờ đắp lũy!

Vấn đề đặt ra là liệu họ có khả năng ngăn chặn được hết những tin tức rò rỉ qua nhiều ngõ ngách khác nhau, khi mà những phương tiện truyền tin tân tiến càng ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ Việt Nam, kể cả trong hàng ngũ những cán bộ, đảng viên bao gồm cả quân đội, trong đó không ít người đã bắt đầu nhận ra bộ mặt thật của thiểu số những kẻ cầm quyền.

Vẫn theo nhận định của phái viên đài RFA trong buổi phát thanh ngày 29-01 vừa qua thì “cuộc sống nghèo khổ của người dân chỉ là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự nổi dậy ở Tunisia vừa qua. Một nguyên nhân sâu xa hơn nữa đã khiến chế độ Ben Ali sụp đổ, đó là sự đàn áp, khủng bố chính trị của chính quyền. Do cai trị người dân bằng chính sách độc tài, cho nên ông Ben Ali không chấp nhận đa đảng, không chấp nhận tự do bầu cử và tất cả các đảng phái đối lập ở Tunisia đều bị đặt ra ngoài vòng pháp luật”.

Nhận định này áp dụng cho các chế độ độc tài ở Yemen, ở Jordan, Syrie, Ai Cập giống như hai giọt nước và nếu đem đối chiếu với chế độ chuyên chính Hànội, gợi nhớ cho mọi người về những cuộc đàn áp, bắt bớ triền miên những nhà dân chủ và những vụ án bất công xảy ra liên tiếp trong thời gian tiền đại hội đảng thứ XI vừa qua. Nó cũng là âm vang những lời tuyên bố dứt khoát kiên trì với chủ nghĩa lỗi thời Mác-xít, Lê-nin-nít mà Nguyễn Phú Trọng và Đinh Thế Hiển đã mạnh miệng tuyên xưng gần đây.

Những nguồn tin quốc tế loan tải hôm Thứ Sáu 11-02-2011 cho hay, sau 18 ngày ngoan cố trước áp lực của quần chúng Ai Cập, ông Mubarack đã phải rời bỏ chức vụ TT xứ này. Như vậy là tiếp theo cuộc cách mạng hoa lài ở Tunisia, ý nguyện của người dân Ai Cập đã toàn thắng: chế độ độc tài, tham nhũng, thối nát Ai Cập đã cáo chung.



Khi con người bị chà đạp thì chuyện gì cũng có thể xảy ra

Trong bài viết có nhan đề “Vietnam as Tunisia in waiting”, tác giả Adam Boutzan đã nêu lên nhiều giả dụ cho thấy những gì đã xảy ra ở Tunisia sẽ không chỉ tái diễn ở các quốc gia lân bang bắc Phi mà còn chờ đợi một sự xuất hiện khó tiên đoán được ngay tại Việt Nam. Để dẫn chứng, Boutzan căn cứ vào nhận định thực tiễn của nhiều giới phân tích tình hình xuyên qua những gì đã xảy ra ở Tunisia và đang xảy ra ở Ai Cập.

Theo Adam Boutzan, những nhà quan sát, giải thích cuộc đột biến tại bắc Phi ngày nay đã chỉ ra rằng: hợp chất đễ bắt lửa để khởi đầu cho một đám cháy dữ dội nơi một xã hội trong đó có quá nhiều người trẻ có học bên cạnh một thiểu số con ông cháu cha được ưu đãi mà ông mệnh danh là “kleptocratic elite”, tạm dịch là “lũ trí thức chuyên ăn cắp vặt”[2]. Lối phân tích dựa trên thực tiễn này thật sát với thực trạng cay đắng đang diễn ra tại Việt Nam ngày nay khi người ta liên tưởng tới tình trạng ùn tắc của hàng chục ngàn người trẻ Việt hàng năm tốt nghiệp đại học nhưng không tìm ra việc làm xứng đáng trong khi một thiểu số con cháu của những viên chức cao cấp nhà nước và các đại gia phè phỡn ăn chơi thả giàn, với những cuộc truy hoan suốt sáng, với những chiếc xe hơi “xịn” nhập cảng được tính giá cả triệu đô la Mỹ, lại đang nắm giữ những vai trò quan trọng trong hầu hết các lãnh vực, từ chính trị tới kinh tế, văn hóa, xã hội!

Sau khi nói tới sự thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam sau những suy thoái trầm trọng giữa thập niên 80 để đáp ứng được phần nào những nhu cầu cơm áo của quảng đại quần chúng mà ông cho là những người lạc quan dẽ dãi, tác giả nêu lên một loạt những giả dụ có thể dẫn tới sự tái diễn bài học Tunisia ở ngay Hànội

Adam Boutzan viết: “Giả dụ đà phát triển kinh tế bị gián đoạn hay đình trệ. (Trong cảnh ngộ ấy) thử hình dung một người trẻ tốt nghiệp đại học không công ăn việc làm, phải đứng đầu đường bán dưa hấu, rồi hình dung tiếp là công an, cảnh sát nhà nước tới săn bắt anh, tịch thu sạp dưa của anh với tội danh không có phép, anh sẽ khiếu kiện, nhưng bị cho qua lại còn bị xỉ nhục?”

Kết thúc bài viết, sau khi nhấn mạnh là những chuyện như thế không hiếm xảy ra ở Việt Nam ngày nay, Adam Boutzan gợi lại vụ tự thiêu của người thanh niên 26 tuổi ở Tunisia để nêu lên một giả dụ chót là nếu quả thật có một người trẻ có học phải kiếm sống vất vưởng trên hè phố Việt Nam, bị xách nhiễu, bị dồn vào bước đường cùng thì hẳn sẽ có một phút giây nào đó anh tự rưới xăng trên mình lao tới tự thiêu ngay trước trụ sở của đảng cộng sản?[3]

Khi ấy chuyện gì sẽ xảy ra?



Trên đây là những “giả dụ” của Adam Boutzan tác giả bài “Vietnam as Tunisia in waiting”. Với người viết những giòng này, tôi muốn gợi lại những kinh nghiệm hiếm có trong nội tình Giáo hội Công giáo Việt nam trong vòng hơn ba năm qua. Đó là những buổi tập trung cầu nguyện của cả chục ngàn giáo dân Hànội và các vùng phụ cận tại tòa Khâm sứ cũ, tại Thái Hà cuối năm 2007, đầu năm 2008. Tiếp theo đó là hàng hàng lớp lớp những tín hữu Công giáo thuộc giáo phận Vinh đổ về Xã Đoài nhân lễ kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Bổn mạng giáo phận hôm Thứ Bảy ngày 15-8-2009, mà theo ước tính lên tới khoảng 250 ngàn người. Đây quả là một kinh nghiệm hiếm có, vì trong hơn nửa thế kỷ qua, lần đầu tiên có những cuộc tập hợp của đông đảo quần chúng không do đảng và nhà nước CSVN khởi xướng. Đặc điểm của những buổi tập trung cầu nguyện này là hoàn toàn mang tính ôn hòa, bất bạo động. Nhưng, ý nguyện thẳm sâu của tập thể đã bộc lộ thật rõ qua rừng biểu ngữ với nội dung:

“Lạy Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Quan Thày Giáo Phận Vinh, Xin Mẹ Đoái Thương Giáo Dân Tam Tòa Đang Phải Chịu Bách Hại Vì Đức Tin”

“Nhà Cầm Quyền Quảng Bình Phải Chịu Quả Báo Về Những Hành Động Bất Nhân”

“Công Lý Sẽ Đẩy Lui Bất Công”

“Cuối Cùng, Trái Tim Mẹ Sẽ Thắng”

“Nhà Cầm Quyền Quảng Bình Hãy Dừng Ngay Những Hành Vi Man Rợ”

“Toàn Giáo Phận Hành Động Để Cứu Tam Tòa”



Bên cạnh những buổi tập trung cầu nguyện đòi nhân quyền, công lý của người Công giáo cũng phải nói tới cảnh hàng ngàn Dân Oan bị mất đất, mất nhà cửa, sản nghiệp từ khắp các địa phương đổ về vườn hoa Mai Xuân Thưởng ở Hànội và văn phòng 2 Quốc Hội ở Sàigon để khiếu kiện trong mấy năm gần đây.

Qua cuộc cách mạng hoa lài ở Tunisia và những cuộc xuống đường liên tiếp trong 18 ngày của người dân Ai Cập cưỡng bách TT Mubarack phải từ chức hôm 11-02-2011, người viết cũng muốn nêu lên vài giả dụ có khả năng dẫn đến sự cáo chung của chủ nghĩa độc tài hoang tưởng trên đất nước chúng ta hôm nay.

Giả dụ 1: Nhờ nguồn hứng khởi tạo nên sự tiếp sức của các cuộc cách mạng hiện nay ở bắc phi, những kinh nghiệm hiếm có của các tín hữu Công giáo miền Bắc những năm qua sẽ không còn giới hạn ở Hànội, ở Vinh mà sẽ lan rộng tới các Giáo phận Huế, Sàigòn để một ngày, một giờ N nào đó, 7 triệu tín hữu Công giáo trên khắp ba miền đất nước cùng kéo về những Thánh đường, những Nhà chung, Chủng viện, cùng cất cao lời Kinh Hòa Bình để cầu nguyện cho tự do, nhân quyền và công lý.


Giả dụ 2: Biến cố bắc phi cùng với những động thái ngoạn mục của tập thể Công giáo toàn quốc sẽ thúc đẩy sự nhập cuộc vô giới hạn của các tín đồ thuộc các hệ phái Tin Lành nhất là các tín đồ Phật giáo, Hòa hảo, Cao đài với những phương thế đấu tranh tuy vẫn trong khuôn khổ bất bạo động nhưng đa dạng, nhất quán hơn, bao gồm cả những cuộc tự thiêu, không phải chỉ đơn lẻ như người thanh niên Tunisia, mà diễn ra hàng loạt.

Lập lại câu hỏi của Adam Boutzan: khi ấy, chuyện gì sẽ xảy ra?

*

Nam California ngày 04-01-2011 – hoàn chỉnh ngày 11-02-2011

Trần Phong Vũ

http://www.chuacuuthe.com/?p=14280


--------------------------------------------------------------------------------

[1] Những cuộc tập trung đông người ngoài sự vận động chính thức của đảng và nhà nước cộng sản.

[2] Analysts now are pointing to the combustible mix of too many educated young people and too few jobs, a “kleptocratic elite”

[3] … suppose economic growth did stutter or stall? And suppose a young Vietnamese with a university degree, unable to find steady work, set up a sidewalk business vending watermelons? Suppose several policemen busted him for vending without a permit and confiscated his wares? Suppose he protested to the powers that be and was ignored or humiliated?

These things happen often in Vietnam. And suppose that the young educated vendor then dowsed himself with gasoline in front of a local party headquarters and lit a match?

Không có nhận xét nào: