Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011
“Đừng giết lễ hội bằng cách đổ tiền thiếu văn hóa”!
Hoàng Hường – Chúng ta đã có nhiều bài học bảo tồn di sản văn hóa, đặc biệt với những di sản được vinh danh. Tôi mong lần này không vì hội Gióng được UNESCO công nhận mà “Nhà nước hóa” nó. Khi đổ tiền hay can thiệp thô bạo vào hoạt động lễ hội, tức là chúng ta đã bắt đầu giết chết di sản dân gian đó – PGS,TS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia.
Di sản không cần phải khoác thêm chiếc áo chính trị …
- Trở thành lễ hội đầu tiên được vinh danh trong muôn vàn lễ hội khắp đất nước, hẳn hội Gióng sẽ trở thành khuôn mẫu điển hình trong trong công tác bảo tồn hoạt động cộng đồng này. Với tư cách một chuyên gia di sản, ông có khuyến nghị gì với những nhà quản lý văn hóa?
- Thú thật, trong tất cả các hoạt động của hội Gióng, tôi thấy buồn nhất là màn đọc văn tế thần tại đền Sóc, cứ như đọc một cái báo cáo tổng kết hàng năm ấy. Nhiều cái rất buồn cười, chuyện mưa thuận gió hòa là còn khá, chứ báo cáo cả chuyện sinh đẻ có kế hoạch, rồi thì là bao nhiêu học sinh được vào đại học, rồi chuyện trồng cây thế nào, mùa màng ra sao…
Đáng buồn hơn là do Ban Quản lý di tích làm dưới sự chỉ đạo của cơ quan văn hóa cấp trên nên nó mất đi cái thuần khiết của dân. Lễ hội xuất phát từ dân gian, là hoạt động phản ánh suy nghĩ, khát vọng của người dân. Hãy nên để cho người ta nghĩ sao nói vậy, đừng đem áp đặt những cái chính trị “thô sơ” hay giáo dục rất sống sượng vào mà nên làm mềm, làm dân dã những cái đó đi thì hay hơn.
- Có nhà khoa học phàn nàn rằng, cứ nghe Nhà nước đang chú trọng đến di sản nào là anh ta lại nơm nớp lo cho số phận di sản đó, như thể đầu tư đến đâu, di sản mất đến đó. Ông nghe vô lý không?
- Thực ra sự lo ngại của họ không hẳn vô lý. Chúng ta đã nhìn thấy thành nhà Mạc ở Tuyên Quang, thành cổ Sơn Tây, hay Ô Quan Chưởng đó; để yên thì còn di sản, đổ một đống tiền vào trùng tu- di sản biến mất.
Di sản phải được bảo vệ, bảo tồn là đúng rồi, nhưng cách người ta đang làm lại là vấn đề khác. Như với không gian văn hóa cồng chiêng chẳng hạn, chính là một sai lầm của việc bảo tồn văn hóa, khi mà họ lôi cồng chiêng ra khỏi đời sống buôn làng, biến thành sân khấu. Các nhà làm văn hóa cứ nghĩ tổ chức ở Pleiku, ở Buôn Mê Thuột những ngày hội cồng chiêng cực kì to, có nhiều khách quốc tế, khách du lịch đến, tức là đang quảng bá hay làm sống lại di sản. Đó là một tư duy rất sai.
Sân khấu cồng chiêng càng to, càng tốn kém, người xem càng đông thì Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch càng cho rằng đó là những sự kiện thành công. Hằng năm, 10 sự kiện văn hóa của Bộ đó bao giờ cũng tìm chọn ra những sự kiện gì to nhất, đầu tư nhiều tiền nhất, hoành tráng nhất, ầm ĩ nhất. Còn những sự kiện nho nhỏ với cách tiếp cận mới, có hiệu quả, thành công trong buôn làng chính là nền tảng của văn hóa thì lại không ai quan tâm.
Chưa bao giờ chúng ta thấy những sự kiện nhỏ nhưng có ý nghĩa lại trở thành sự kiện văn hóa đáng lưu ý trong năm. Bao giờ cũng chỉ nhìn những sự kiện ở Vân Hồ, Giảng Võ, những sự kiện có tính khu vực… Những sự kiện huy động lực lượng di sản và văn hóa toàn quốc, chi rất nhiều tiền, có các lãnh đạo đến dự, coi đó là những sự kiện thành công. Họ không cần tính đến cái hoạt động thật sự của sự kiện ấy, không tính đến cái yếu tố văn hóa ở cơ sở mới là nền tảng quan trọng nhất.
Trở lại câu chuyện hội Gióng, người ta đã làm một bức tượng rất to ở đền Sóc, rồi làm con đường to ở rừng thông, xây Học viện Phật giáo… nói chung đã hoàn tất việc bê tông hóa quần thể đó. Đền Sóc đã mất đi nhiều vẻ cũ, nhưng cảnh quan và môi trường ở làng Phù Đổng thì chưa bị đụng tới vậy nên phải cố gắng cứu lấy. Đừng vì hội Gióng trở thành “Di sản của nhân loại” mà 1-2 năm nữa chúng ta lại có thể thấy ở đó dựng lên một cái tượng đài Thánh Gióng to tướng ở làng này.
Tượng Thánh Gióng bay lên trời ở núi Sóc đã là một tư duy rất kém cỏi so với các cụ ngày xưa. Các cụ ngày xưa không dựng tượng mà sử dụng rất khéo những biểu tượng để đi vào lòng người. Thậm chí ở hội trận ngày ông Gióng ra trận cũng hoàn toàn không có hình bóng Thánh Gióng với sự hiển hiện là một con người.
Ngay các tên gọi của ông Gióng và các nhân vật khác cũng không gọi trực tiếp như trong lời kể của truyền thuyết mà dân gian đã sáng tạo ra cách gọi là các ông hiệu: Ông hiệu cờ, hiệu trống, hiệu chiêng hay các cô tướng. Với chỉ cái biểu tượng lá cờ và cách phất cờ, bất cứ ai cũng hiểu và biết đó là Thánh Gióng, không cần chỉ mặt đặt tên một cách trần trụi. Thế mà vẫn rất thiêng. Cha ông chúng ta giỏi như thế đấy.
Sợ nhất là khi thành “di sản”, người ta bắt đầu xây cái mới phá cái cũ. Nhớ bài học đau xót biết bao khi thành Sam mứn (thành Tam Vạn) của Hoàng Công Chất ở Điện Biên là một thành đất nhưng vì có tiền, vì theo yêu cầu của nhà tài trợ, người ta đã xây lên đó một thành bằng đá chẳng khác gì Vạn Lý trường thành. Hoành tráng đấy nhưng mất hết ý nghĩa.
Hội trận làng Phù Đổng truyền thống diễn ra ở 2 nơi, một ở trong đê, một ở ngoài đê. Nơi đó chỉ đơn giản là một bãi đất thanh niên làng hay ra đá bóng hay trên mặt ruộng lúa đã gặt, nhưng bây giờ có thể người ta nghĩ đó đã là bộ mặt “quốc gia” cần hoành tráng, “văn minh” hơn, liền bê tông hóa, biến nó thành sân khấu, hoặc như kiểu hội chọi trâu tổ chức ở sân vận động.
Một trong những cái đẹp nhất ở hội Gióng chính là đám rước ở trên đê với hai bờ cỏ xanh mượt, đầy hương vị dân gian. Không khéo người ta lại ‘nâng tầm’ lên, mời một ông đạo diễn sân khấu vào chỉ đạo chương trình, rồi cho tu sửa con đê, bê tông hóa nó … như vậy thì chết!
Đừng dùng tiền một cách thiếu văn hóa
- Vậy, như ông nói, chúng ta không nên đầu tư can thiệp gì, để di sản tự nhiên như nó vốn có?
- Có cần đầu tư chứ, nhưng phải làm một cách văn minh và khoa học.
- Ông có cao kiến gì không?
- Trước hết tôi thì chỉ muốn làm sao cho hội Gióng vào tháng 4 tới đừng để người ta phá vỡ đi cái cảnh quan lễ hội. Cái chính là cần phải rải nó ra; rải ra về thời gian và không gian, đừng có đầu tư quá nhiều vào các hoạt động lễ hội, đừng đầu tư tiền một cách thiếu văn hóa. Thí dụ, tôi nghe nói người ta đang đầu tư 35 tỉ đồng cho làng Phù Đổng, thế là họ bắt đầu bóc hết những gạch cũ, thay bằng các gạch bóng, tôi cũng chưa về xem, liệu có đúng như thế không?
Về mặt phát triển thì phải rải ra, đừng nên chỉ tập trung vào 2 cái làng đó. Khi tuyên truyền nhiều như vậy rồi khách du lịch sẽ đến rất đông. Cần phải có nhiều cách để rải ra. Chứ nếu quá tập trung như là quan họ, người đến chật ních ở hội Lim, rồi cuối cùng có ai nghe được quan họ đâu, mà chỉ người xem người, rồi những lễ hội đó mất phần ý nghĩa đi.
Hội Gióng này chúng ta cũng phải hết sức cảnh giác vấn đề đó. Còn có hội Gióng ở mười mấy làng khác nữa cơ mà. Nếu chúng ta thiết lập một tuyến du lịch các làng có thờ Thánh Gióng, lập một bản đồ du lịch các làng ấy, xây dựng các tua du lịch như vậy để giúp những người muốn hiểu câu chuyện và di sản về Thánh Gióng, về hội Gióng này, thì người ta không chỉ đến 2 địa chỉ này, mà còn rất nhiều nơi khác nữa trong khu vực. Điều đó sẽ kích thích sự phát triển trên nhiều phương diện.
Về vấn đề thời điểm: Đền Phù Đổng vào những ngày thường cũng rất vắng, ở đây chỉ đặc biệt đông vào những ngày hội tháng Tư thôi. Thế thì vấn đề quan trọng nhất là phải biết cách lôi kéo, biết cách tổ chức để khách du lịch đến rải ra quanh năm. Chúng ta có rất nhiều tiềm năng để làm như vậy.
Thí dụ như đến đấy không chỉ đến với những ngôi đền thờ Thánh Gióng, thờ bà mẹ Thánh Gióng, chùa làng… mà người ta còn có thể tổ chức cho du khách đi thăm và tìm hiểu thêm văn hóa và cuộc sống của người dân làng Phù Đổng. Thăm những di sản vật thể và phi vật thể phân bố khắp nơi trong những xóm nhỏ.
Từ các miếu, các ngôi nhà cổ, hay như cả nếp sống bây giờ, người dân ở đó trồng cây cảnh để chuyển về Hà Nội bán… Tại sao không tìm cách biến tất cả những tiềm năng trong lòng làng quê đó, cho thành một quần thể để có thể khai thác du lịch, bật lên khả năng kết nối văn hóa, kinh tế, du lịch.
Thứ nữa, tôi nghĩ rằng ở đền Sóc đã được đầu tư và quan tâm rất nhiều. Thực sự Hà Nội bây giờ chỉ biết đền Sóc, chỉ mới quan tâm đền Sóc, vì nghĩ rằng ở đó có nhiều yếu tố tâm linh chứ chưa đầu tư một cách xứng đáng với hội Phù Đổng. Nay hội Gióng được UNESCO công nhận, tôi tin chắc chắn mọi sự sẽ khác.
Hà Nội có thể hỗ trợ cho dân làng Phù Đổng làm một bảo tàng của cộng đồng về hội Gióng. Bản thân hội Gióng là một bảo tàng sống nhưng ở đó cũng rất cần một bảo tàng được vật chất hóa. Một bảo tàng nho nhỏ sử dụng các công trình kiến trúc đã có hay xây mới cho phù hợp với cảnh quan ở không gian không xa đền.
Đó sẽ là nơi khách thập phương khi không phải ngày hội vẫn có thể tìm hiểu về hội Gióng, về lịch sử và những thay đổi của hội Gióng, về những câu chuyện hấp dẫn đằng sau nó. Ví dụ câu chuyện về việc phục hồi hội Gióng sau mấy chục năm bị mai một, về những con người tham gia vào hội Gióng, ai là người đóng vai ông hiệu cờ (biểu tượng ông Gióng), ai là người đóng vai các ông hiệu trống, hiệu chiêng, hiệu tiểu cổ… chẳng hạn.
Để được chấp nhận vai ông hiệu, các gia đình phải tình nguyện đăng ký, bốc thăm. Họ phải tự bỏ ra hàng năm sáu chục triệu để chi phí cho việc y phục, luyện tập, ăn uống cho cả một nhóm phục vụ ông hiệu.
Đó là câu chuyện của cộng đồng. Khi họ bỏ tiền ra và con họ được đóng vai ông hiệu cờ, ông hiệu trống hoặc được đóng vai cô tướng… thì đó là trách nhiệm trước dân làng và vinh hạnh của cả gia đình ấy, của con người ấy, của dòng họ ấy.
Vinh hạnh đó không chỉ trong ngày hội mà còn kéo dài suốt đời. Có những người già 70, 80 tuổi, đã từng đóng vai ông hiệu, thì dân làng vẫn gọi là ông hiệu. Chẳng hạn khi có chuyện gì xảy ra ở nhà ông hiệu ấy, hoặc khi ông ấy mất đi, dân làng cũng nói rằng cái ông hiệu ở xóm A, xóm B mới mất … Vậy là một lần được đóng vai trong hội Gióng, nó cứ như một danh hiệu cao quý, theo người ta suốt đời! (cười).
Toàn bộ những đồ lễ, đồ cúng, đồ rước, sau lễ hội, thay vì cất vào kho hãy để vào bảo tàng để mọi người có thể xem những cái kiệu, những đồ rước, những binh khí… Đồng thời trong Bảo tàng Hội Gióng chúng ta sẽ chiếu những video màn ảnh lớn, nhỏ về miêu tả toàn cảnh và những chi tiết hội Gióng diễn ra như thế nào mà dễ gì những người dự hội có thể xem được hết.
Những pano ảnh về hội Gióng, sau 10 năm nhìn lại chúng ta sẽ thấy khác lắm rồi.Vậy là ngày thường khách thập phương có thể xem được, hiểu được không khí của hội Gióng, xem được những điều giải thích về toàn bộ lễ hội, hiểu được người dân làng Gióng nghĩ gì và nói gì về di sản văn hóa của mình. Một bảo tàng nho nhỏ như vậy chắc sẽ gây tò mò và xúc động. Tôi nghĩ đó là điều rất thiết thực và là một cơ hội với những người dân làng Gióng
Đừng như ông nhà giàu nuông chiều quý tử
Tôi đã từng ngồi với bà con làng Phù Đổng và hỏi về chuyện họ được tham gia hội Gióng như thế. Họ thật sự rất phấn khởi. Hội mở ra dân làng mang theo niềm vui và hy vọng suốt cả năm. Hội mang lại một nhiệt huyết, một tình cảm cộng đồng, một cái nhìn về tương lai rất rộng mở với tất cả các gia đình, với từng người.
Đó là giá trị sống của hội Gióng. Và hội Gióng được bảo tồn mãi mãi ở trong cộng đồng cũng là nhờ dân làng luôn có lòng tự hào và mong muốn được tham gia vào dịp hội hàng năm, và một khi đã tham gia, họ mang theo niềm vinh dự và kỉ niệm đó suốt đời.
Hội Gióng không cần Nhà nước đầu tư tiền, mà là cần Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân làm những gì họ mong muốn.
Còn đầu tư tiền không đúng chỗ cho những hoạt động hội, chẳng hạn như tài trợ cho những gia đình đăng ký làm ông hiệu, cô tướng, chính là bắt đầu giết tính năng động của hội Gióng.
Điều đó sẽ làm mất đi tính dân dã, và triệt tiêu đi tình cảm và mong muốn tự thân của người dân. Cái quan trọng nhất là người dân mong muốn được tham gia vào những câu chuyện ấy, được tham gia bỏ tiền chi phí vào những hoạt động hội của mình, từ đó họ mong lộc Thánh sẽ đến với gia đình mình, thôn xóm và làng của mình.
Nhưng mặt khác hội Gióng lại rất cần Nhà nước làm bà đỡ và đầu tư cho những hoạt động bên ngoài hội chứ không phải can thiệp trực tiếp vào hội. Chẳng hạn, đến hội Gióng hiện nay chúng ta không thấy có bán những sản phẩm văn hóa có chất lượng cao, xứng tầm với di sản văn hóa đại diện cho nhân loại. Không có sách ảnh, băng đĩa, bưu ảnh. Không có những sản phẩm kỷ niệm với những biểu trưng của hội Gióng như các huy hiệu, cốc, đĩa, áo phông… như thường thấy ở các địa điểm di sản và du lịch.
Các doanh nghiệp tư nhân ở ta chưa làm được thì Nhà nước có chính sách khuyến khích ngành văn hóa đầu tư thử vào hội Gióng để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch có chất lượng cao.
Cũng đừng vì chuyện hội Gióng đã được UNESCO công nhận mà “Nhà nước hóa” tất cả. Đổ tiền cho nó như ông nhà giàu nuông chiều quý tử, thực ra là làm hỏng con, đó là điều nguy hiểm.
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-02-13-dung-giet-le-hoi-bang-cach-do-tien-thieu-van-hoa-
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét