Pages

Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

Vết dầu loang của phong trào dân chủ Ả Rập



Người biểu tình đòi dân chủ trên đường phố Rabat, thủ đô Maroc, ngày 20/02/2011.
Reuters/Youssef Boudlal


Mai Vân
Phong trào biểu tình đòi dân chủ tại các nước Ả Rập, như vết dầu loang, tiếp tục lan rộng ở vùng Bắc Phi và vùng Vịnh, bất chấp tình trạng bị đàn áp thẳng tay tại một số nơi như ở Libya. Sự kiện Trung Quốc đàn áp gới ly khai dám kêu gọi biểu tình ủng hộ Cách mạng Hoa nhài cũng rất được chú ý.
Le Monde nêu bật trước tiên trong hàng tựa trang nhất : "Đàn áp thô bạo tại Libya, Barhain và Yemen". Tờ báo ghi nhận bên dưới : "Các cuộc nổi dậy không ngừng lan rộng, và nay đến lượt Djibouti".

Le Figaro chú ý đến "cuộc nổi dậy đã lan rộng khắp Libya", tít trên trang nhất. Tường thuật tình hình ở trang trong, Le Figaro nhận thấy là mặc dù bị đàn áp đẫm máu, 174 người chết trong vòng 4 ngày, nhưng người xuống đường không thối lui, và tại thành phố Benghazi, thành phố lớn thứ nhì ở Libya, những người biểu tình hầu như đã kiểm soát thành phố, còn lực lượng an ninh thì đã lại rút về căn cứ của họ, trong lúc lãnh đạo các ủy ban nhân dân thân chính phủ thì đã bỏ chạy.

Le Figaro cũng như các đồng nghiệp, chưa nhìn thấy lối thoát như thế nào đối với các chế độ độc tài trong vùng, mà chỉ thấy là "sự tức giận người dân đang như vết dầu loang, từ Bắc Phi, với Maroc đang bị khuấy động, cho đến các nước vùng Vịnh, và cuối tuần qua đến lượt Djibouti.

Các cuộc nổi dậy cũng đã gợi cảm hứng cho người dân Trung Quốc : trên những sit web, có lẽ đặt ở nước ngoài, có lời kêu gọi những người thất nghiệp, sinh viên, động viên nhau đi biểu tình. Lực lượng cảnh sát đã được chính quyền triển khai hùng hậu tại 13 thành phố, trong đó có Bắc Kinh, Thượng Hải. Họ bắt người để ngăn chặn các cuộc biểu tình kiểu 'cách mạng Hoa nhài'. Theo tờ báo, từ thứ bẩy vừa qua, nhiều nhà hoạt động bảo vệ dân quyền đã biến mất.

Libération, cũng theo vết dầu loang, và cũng chú ý đến Maroc, nơi mà hôm qua, lần đầu tiên, theo tờ báo, hàng ngàn người biểu tình đã đòi chính phủ từ chức. Tờ báo cũng trích thành tựa, lời của một thanh niên, mang biểu ngữ : "Đây chỉ mới là bước đầu".

Trung Quốc bóp nghẹt phong trào ủng hộ Cách mạng Hoa nhài

Libération cũng ghi nhận cách đối phó khác nhau của các chính quyền : đàn áp đẫm máu như chế độ của ông Kadhafi', trong lúc mà tại Bahrain, quân đội rút lui, và chế độ cho biết sẵn sàng đối thoại. Tờ báo cũng nhìn sang Trung Quốc, nước đã "bóp nghẹt cuộc biểu tình của giới ly khai".

Đặc phái viên Libération tại Thượng Hải đã mô tả cảnh 3 nhân viên công an mặc sắc phục, cùng với 5 người mặc thường phục vây bắt một sinh viên độ 20 tuổi bên ngoài một quán cà phê ở Quảng trường Nhân Dân, ngay trung tâm Thượng Hải. Thanh niên đã bắt đầu diễn thuyết trước một đám đông nhỏ gồm những người đã đáp ứng lời kêu gọi biểu tình vì dân chủ mà giới ly khai Trung Quốc đã tung ra trên mạng Internet.

Trang mạng Bác Tấn (Boxun) do giới ly khai Trung Quốc ở hải ngoại quản lý, trước đó đã xác định rằng : "Trung Quốc cũng cần một cuộc cách mạng hoa nhài". Hộ đồng thời kêu gọi người Trung Quốc theo gương Tunisia và Ai Cập, tập hợp lại tại các thành phố lớn vào lúc 14 giờ ngày hôm qua 20/02, để hô to khẩu hiệu : « Chúng tôi muốn có ăn, có việc làm, nhà ở và một hệ thống công bằng ». "Tuy nhiên, công an Trung Quốc đã chuẩn bị đầy đủ để đối phó vì họ đã theo dõi chặt chẽ các trang blog và các mạng như Twitter đã loan truyền lời kêu gọi đó.

Thế là, theo Libération, hàng chục cảnh sát chống bạo động và một chiếc xe trang bị máy quay video đã được huy động đến, vây quanh Quảng trường Nhân Dân ở Thượng Hải. Đám đông nhỏ biểu tình hầu như không phản ứng gì khi công an xông vào bắt chàng thanh niên táo bạo đó và kéo xệch anh ta lên xe.

Những người tham gia biểu tình, trong đó có một số giả vờ làm khách bộ hành, chỉ dám chụp cảnh bắt giữ bằng máy điện thoại di động của họ mà thôi. Một cụ già 78 tuổi đã về hưu chứng kiến cảnh tượng này đã thì thầm : « Vấn đề ở đây là người Trung Quốc ghét chủ nghĩa cộng sản, nhưng lại có tâm lý sợ hãi ». Cụ già này nói tiếp : « Chính phủ này là một chính phủ của kẻ cướp và kẻ côn đồ ». Ông đã thì thầm như trên ở giữa đám đông, và sử dụng tiếng Anh để người chung quanh không hiểu ông nói gì.

Kéo chúng tôi ra một chỗ vắng vẻ, ông nói thêm: "Tại Trung Quốc, không có dân chủ, không có tự do ngôn luận, không có quyền tự do nào cả. Ở các nước bình thường khác, quân đội phục vụ đất nước, nhưng ở Trung Quốc, họ lại phục vụ Đảng Cộng sản. ».

Ngoài thanh niên bị bắt kể trên, theo đặc phái viên Libération, dường như còn có hai người khác cũng bị bắt giữ tại Thượng Hải. Các cuộc tụ tập nho nhỏ cũng diễn ra ở Bắc Kinh, trên đại lộ Vương Phủ Tỉnh, và ở 11 thành phố khác như Thành Đô, Tràng Sa và Quảng Đông. Ở nơi nào cũng thế, chính quyền đã cho triển khai một lực lượng ngăn chặn hùng hậu.

Từ "hoa nhài" bị cấm trên các diễn đàn, giống như từ "Ai Cập", "Tunisia" và "dân chủ"

Theo tờ báo Pháp, có lẽ không phải là ngẫu nhiên mà vào hôm kia, chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã yêu cầu kiểm soát một cách chặt chẽ hơn màng lưới Internet, vốn đã là đối tượng của một chế độ kiểm duyệt rất hà khắc. Hiện nay, theo Libération, từ "hoa nhài" đã bị cấm trên các diễn đàn, tương tự như các từ "Ai Cập", "Tunisia" và "dân chủ".

Thất bại trong việc huy động lực lượng vào hôm qua tuy nhiên đã không làm cho giới bất đồng chính kiến nản lòng, cho rằng điều đó chỉ tương đối mà thôi. Ông Bào Đồng, nguyên bí thư của cựu Tổng bí thư Triệu Tử Dương, bị kỷ luật sau vụ đàn áp Thiên An Môn năm 1989 xác định : « Ngay cả khi không đạt kết quả mong muốn, lời kêu gọi biểu tình này cho thấy là người dân Trung Quốc vẫn khao khát dân chủ ».

Về phần mình, nhà văn Hà Thanh Liên trên mạng Twitter, đã không ngần ngại chỉ trích một chính quyền Trung Quốc hoang tưởng, nhìn đâu cũng thấy địch. Theo ông : « Duy trì ổn định bằng vũ lực có thể có hiệu quả trong ngắn hạn, nhưng không bao giờ hiệu nghiệm trong dài hạn... Tốt nhất là chính quyền nên trao trả quyền lực lại cho nhân dân ».

Còn một người sử dụng Twitter khác, bút danh là FreeMandchuria (tạm dịch là Mãn Châu Tự do) thì kêu gọi tung ra trên mạng lời kêu gọi biểu tình cứ mỗi hai tháng một lần để làm cho XIN TRICH : « Đảng Cộng sản ăn cướp đó phải sống trong lo âu thường xuyên[...]. Điều quan trọng không phải là thực sự xuống đường ».

Một khách hàng Twitter khác thì tiếc răng ‘’Hoa nhài Trung Quốc chưa nở’’ vì còn thiếu ‘’một chất xúc tác, một khẩu hiệu có sức động viên, một đòi hỏi và mục tiêu rõ ràng’’. Tuy nhiên nhân vật này hy vọng rằng : « Hoa nhài sẽ nở trong thời gian tới đây ».

Nhật Bản lo ngại bị giới đầu tư địa ốc Trung Quốc mua đứt

Cũng liên quan đến Trung Quốc, báo Le Monde, dưới ngòi bút của Philippes Pons, chú ý đến sự kiện Nhật lo ngại trước các nhà đầu tư điạ ốc Trung Quốc đang đổ dồn vào Nhật. Họ mua từ khách sạn cho đến rừng, sân golf... Các nhà đầu tư Trung Quốc tranh thủ những quy định lỏng lẻo của Nhật hiện nay để thu mua tài sản. Tình hình này đang khiến người dân Nhật lo ngại. Họ cảm nhận là Trung Quốc đang mua dần quần đảo của họ.

Theo tác giả bài báo, dĩ nhiên là những phần đất mua chỉ là những diện tích nhỏ mà thôi, nhưng xu hướng hiện nay khá mạnh, đến nỗi làm dấy lên cả một cuộc thảo luận trong đảng cầm quyền về biện pháp đưa ra để kiểm soát việc nguời nước ngoài mua đất dai và nhà cửa ở Nhật Bản. Một ủy ban được thành lập, đặc trách việc rà soát lại những quy định hiện hành và đưa ra đề nghị vào cuối tháng 3 tới đây.

Bài báo nhắc lại là mối lo ngại của Nhật bắt nguồn từ việc Trung Quốc mua 400 ha rừng trên đảo Hokkaido. Từ năm 2007, thì các nhà đầu tư Trung Quốc và Hồng Kông đã mua 2 trạm trượt tuyết, 5 sân golf, 5 khách sạn. Kế đến là những trung tâm trị liệu bằng nước khoáng ở những vùng khác, những trung tâm du lịch gần núi Phú Sĩ.

Theo bài báo, số lượng rừng được bán đột nhiên tăng lên trong những năm gần đây. Nhật với 70% diện tích là núi phủ rừng, cho nên rừng ít đươc quan tâm, vả lại nhập gỗ xây nhà lại còn rẻ hơn, do đó giá rừng đã giảm sụt, và cũng không có quy định đặc biệt gì về quốc tịch người mua, chính quyền cũng không kiểm tra gì kỹ càng những khu rừng bán, trong lúc mà Trung Quốc rất quan tâm đến vấn đề gỗ và các mạch nước ngầm.

Ngoài ra, các công ty Nhật cũng không thoát khỏi tay của giới đầu tư Trung Quốc : trong 6 tháng đầu năm 2010, họ đã mua một lọat công ty vừa và nhỏ của Nhật với tổng trị giá 100 triệu euro, một khoản tiền khiêm tốn trong mắt tác giả bài báo.

Tóm lại có nhiều yếu tố thuận lợi đối với giới đầu tư Trung Quốc : tình trạng giảm phát tại Nhật, người Nhật không còn mua nhà và đất như trước, cộng thêm với quy định lỏng lẻo, cho nên họ đổ tiền vào Nhật.

Theo bài báo không chỉ có Trung Quốc, mà Hàn Quốc hay Singapore, Úc, cũng nhìn vào Nhật Bản. Thế nhưng theo Le Monde, trong trường hợp Trung Quốc, các việc mua bán nói trên được thực hiện qua những người Trung Quốc định cư tại Nhật. Và trong một số trường hợp, tiền giao dịch là qua các 'ngân hàng đen' của giới mafia Nhật và Trung Quốc, và tiền đâu tư mua đất tại Nhật cũng đã được sử dụng trong các vụ rửa tiền.

Pháp : ngành ngoại giao liên tiếp bị sự cố

Về thời sự nước Pháp, Libération tỏ vẻ bất bình trước những vụ tai tiếng liên tiếp trong ngành ngoại giao : Sau vụ nghỉ mát ở Tunisia của ngoại trưởng Alliot Marie, nay đến lượt phát biểu thiếu lịch sự của tân đại sứ Pháp ở Tunis, khi trả lời báo chí.

Tổng thống Pháp đã gánh chiụ hệ quả : ông Sazkozy, theo Libération đã hy vọng lấy lại uy tín trong các cuộc thăm dò dư luận, nhờ hoạt động hăng hái trên sân khấu quốc tế. Nhưng ông đã gặt hái kết quả ngược lại. Theo thăm dò của Viavoice Libération, chỉ có không đầy 1/3 người Pháp là đánh giá tốt ông Sarkozy.

Theo kết quả thăm dò, trên bình diện ngoại giao, tổng thống Pháp chỉ được 35% người được hỏi tín nhiệm, trong lúc ông Dominique Strauss-Khan, đương kim Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, được đến 62%. Riêng ngoại trưởng Pháp Alliot Marie chỉ được 22% người tin tưởng.

Nhưng điều mà tờ báo e ngại và lấy làm tiếc là vai trò của Pháp : trong bối cảnh này, Libération, tự hỏi Pháp sẽ có thể đóng được vai trò như thế nào trong thế giới Ả Rập hậu cách mạng ? Pháp phải là mắt xích mạnh của ngành ngoại giao Châu Âu. Thế nhưng tờ báo kết luận : khi lịch sử gõ đến cửa, thì ông Sarkozy lại mắc chân vào tấm thảm.

G20 thực ra chỉ là G0 ?

Không chỉ trong lãnh vực ngoại giao thuần túy và đối với các nước Ả Rập, Pháp hiện đang làm chủ tịch nhóm G20. Nhìn lại cuộc họp kết thúc hôm thứ 7, các báo đã tỏ vẻ hơi thất vọng.

Les Echos nhắc lại trong hàng tít trang nhất : "G20 của Pháp : Một thoả thuận đầu tiên giành được vào giờ phút chót". Tờ báo nhìn thấy là Trung Quốc đã gây áp lực trên cuộc họp gấp rút, và các cuộc thảo luận sắp tới sẽ rất khó khăn. Phái đoàn Pháp sẽ rất vất vả từ đây đến cuộc họp thượng đỉnh tháng 11 tới.

Ở trang trong, Les Echos trích dẫn kinh tế gia người Mỹ, Nouriel Roubini, xem G20 chỉ là một G0 vì theo ông, G20 đã trở thành một diễn đàn hành chính quan liêu mà người ta nói thì nhiều, nhưng đồng ý với nhau thì rất ít.

Tờ L'Humanité đã chạy một tựa mỉa mai : "G20, Thượng đỉnh Paris : Lại đầu voi đuôi chuột". Và ở trang trong thì tờ báo nói đến : "Bước đầu ì ạch của chủ tịch Sarkozy".

Le Figaro cũng nhìn thấy nhũng khó khăn sau thỏa thuận mà tờ báo cho là Paris đã giành đuợc một cách gay go. Tại cuộc họp G20, Le Figaro thấy là chỉ có một kẻ mạnh : Trung Quốc. Từ cuộc họp này sang cuộc họp khác họ đã áp đặt được quan điểm của họ một cách đầy uy thế.

Tờ báo nêu ví dụ trong cuộc họp ở Paris, bộ trưởng tài chính Trung Quốc đã không ngần ngại đương đầu trong nhiều tiếng đồng hồ với 10 phái đoàn để vấn đề tỷ giá hối đoái không nằm trong các chỉ số chính thức cho phép đánh giá các mất cân đối của kinh tế thế giới.

Không có nhận xét nào: