Chính quyền của tổng thống Mubarak trong tuần này đã cắt mạng internet trên toàn nước Ai Cập trong một cố gắng tuyệt vọng để chấm dứt sự chống đối của dân chúng bùng sôi khắp nơi. Trong khi vai trò xúc tác của các trang mạng xã hội trong phản kháng dân sự vẫn còn đang được thảo luận rộng rãi thì hầu hết mọi người đều đồng ý rằng Facebook, Twitter và YouTube đã giúp sức cho các nhà đấu tranh tại Ai Cập, Tunisia và những nơi khác.
Tại Việt Nam, liệu nhà cầm quyền đã vô tình thúc đẩy sự chống đối của người dân khi ra lệnh cho các công ty cung cấp dịch vụ internet ngăn chặn trang mạng Facebook? Trong khi các phong trào phản kháng tại Việt Nam đang lớn dần, sự tham gia thường giới hạn ở con số vài ngàn người ngồi tọa kháng hoặc ủng hộ kiến nghị chống khai thác bô-xít.
Từ sau việc hạn chế Facebook lần nữa vào tháng 12 năm 2010, một số cư dân mạng đông chưa từng có tại Việt Nam đã kết hợp lại với nhau.
Một nhóm trên Facebook có tên là “Một triệu chữ ký để phản đối nhà mạng Việt Nam chặn Facebook” đã thu hút được gần 50.000 thành viên. Nhóm này tuyên bố:
“Mọi người đều có quyền lựa chọn trang mạng xã hội mình muốn sử dụng. Hãy cùng ủng hộ cộng đồng người sử dụng Facebook Việt Nam.”
Một nhóm khác với khoảng 4.500 thành viên có tên “Các chú chặn Facebook thì chúng cháu sẽ trèo tường khoét vách để vào”. Những góp ý trên mục thảo luận của nhóm này bày tỏ sự bất bình đồng thời hướng dẫn vượt qua sự ngăn chặn.
Theo lời một thành viên trong nước có nick là Losgi Athenford:
“Tiếp tục ngăn chặn Facebook sẽ càng khiến nhiều người có hứng thú muốn vượt qua sự ngăn chặn đó.”
Đáng chú ý là nhóm có tên “Hội của 1 triệu chữ ký chống ngăn chặn Facebook” đã thêm chữ “Hội” vào tên của nhóm. Điều này làm nhòa đi sự khác biệt giữa không gian mạng và xã hội Việt Nam mà quyền tự do hội họp bị tước đoạt. Hội mạng này hiện có 35.000 thành viên. Họ khẳng định rằng: “Nếu Facebook bị hoàn toàn ngăn chặn, chúng tôi thề sẽ không sử dụng mạng xã hội của nhà nước.”
Nghiên cứu sơ lược về tiểu sử những thành viên của các nhóm chống đối sự ngăn chặn Facebook tại Việt Nam cho thấy họ thuộc thành phần trẻ. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì sự hiện hữu của thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và đặc biệt là những người thông thạo và ham mê internet thường thuộc thế hệ trẻ.
Những người sử dụng Facebook tại Việt Nam đã tạo ra những hình ảnh và biềm họa rất dí dỏm. Nhiều người sử dụng những hình ảnh chống đối trên Facebook như là avatar riêng của mình.
Theo Trinh Nguyen, một chủ bút của Blog No Firewall chuyên phổ biến những kỹ thuật vượt tường lửa cũng như an toàn mạng:
“Nhà cầm quyền Việt Nam tự đặt mình vào tư thế thất bại khi ngăn chặn những trang mạng xã hội. Sự ngăn chặn này sẽ chỉ khuyến khích một một thế hệ bất đồng chính kiến mới. Những người tin rằng họ có quyền chat với bạn bè rất khó chịu về sự kiểm duyệt của nhà cầm quyền và sẽ lảm tất cả những gì có thể để vượt tường lửa.”
Một đoạn phim trên YouTube, được thực hiện ngay sau khi Facebook bị chặn lần đầu tiên vào tháng 11 năm 2009, khuyến khích người Việt Nam đòi hỏi các nhà mạng (ISP) hãy đem Facebook lại ngay. Đoạn phim này, giới thiệu nhiều khuôn mặt nổi tiếng ở hải ngoại, đã trở nên rất phổ biến.
Bằng hành động giới hạn việc truy cập Facebook, nhà cầm quyền Việt Nam đã chứng thực định luật về những hậu quả bất ngờ: Hàng chục ngàn người Việt Nam đã tụ tập trên công viên ảo để biểu tình phản đối sự kiểm duyệt.
Ngày 3 tháng 2, 2011
Hoàng Tứ Duy viết cho Global Voices
CTM chuyển ngữ
Nguồn: http://globalvoicesonline.org/2011/02/03/vietnam-bringing-facebook-back/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét