Pages

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

Cần gì cho 1 chính danh?

Tôi không phải là 1 nhà ngôn ngữ học để phân tích định nghĩa của những danh từ với tất cả kiến thức uyên thâm của 1 học giả, nhất là những danh từ pháp luật. Nhưng tôi tin rằng ngôn ngữ cũng chỉ là 1 qui ước giữa con người và con người. Và khi mà con người chấp nhận 1 cách xữ dụng nào đó thì âm thanh đó trở thành ý nghĩa của nó mà xuất xứ và sự phiên dịch không còn là yếu tố duy nhất quyết định của ý nghĩa (từ nguyên thuỷ) của nó nữa? Sau 30 tháng Tư 1975, chúng tôi phải chấp nhận xữ dụng những danh từ rất xa lạ, tối nghĩa, có khi là vô nghĩa nữa miễn làm sao nó diễn đạt đước 1 số ý trong những buổi thảo luận tổ tại trường…
Sở dĩ tôi có chút dài dòng vì bị lôi cuốn vào những tranh luận gần đây về ý nghĩa “chính danh” của 1 nhà cầm quyền mà Giáo Sư Vũ Quốc Thúc đã dùng cho nhà cầm quyền CSVN, và quan trọng hơn cả là câu kết luận của ông về 1 thái độ chính trị dựa trên cái định nghĩa này:
Chúng ta – những người sông yên ổn ở hải ngoại – có bổn phận ủng hộ họ : thư ngỏ là một hành động yêu nước , phục vụ dân chủ , phục vụ RULE OF LAW

Theo tôi hiểu ( và xin được chỉ giáo) khi nghe chử “chính thống” tôi có cảm nhận về 1 đặc tính của sự nguyên thủy thí dụ như trong câu nói : nó chính thống là dòng dỏi của nhà Nguyễn để ám chỉ dòng họ của chúa Nguyễn Ánh, là các thế hệ vua chúa tại Việt-Nam từ năm 1802 với những người cũng mang họ Nguyễn khác.
Khi nghe chử “chính danh”, “chính đáng” tôi có cảm nhận về 1 gía trị đạo đức, chẳng hạn như trong câu “chính danh quân tử”, bên cạnh những diễn dịch có tính hợp pháp, tính pháp lý của từ này. Có lẽ vì vậy, rất nhiều người đã đề nghị chỉ nên gọi cái “chính quyền” của CSVN hiện nay là nhà cầm quyền CSVN để chỉ rõ họ chỉ là 1 tập đoàn đang nắm quyền lực “chính trị” tại Việt-Nam mà thôi.
Trong phương diện luật pháp,” nhà cầm quyền” và “chính quyền” có khác nhau? Một cuộc cưỡng chiếm, rồi thông qua những bầu cử gian lận để thành lập những đại diện dân cử bù nhìn, 1 chính quyền độc diễn, toàn trị thì rồi cũng sẽ có chính danh?
Cách đây vào khoãng hơn 8 tháng, khi ông Gadhafi đang còn nắm quyền lực tại Lybia và được các quốc gia khác tiếp đón như là lãnh tụ của 1 nước, có đại diện tại Liên Hiệp Quốc thì cái “chính quyền” của ông có thật sự là chính danh hay không? Có lẽ quan niệm như vậy cho nên ông Vũ Quốc Thúc cho rằng chính quyền Gadhafi là chính danh và thật là điên khùng để làm cách mạng theo kiểu Lybia…?
Chỉ trong 1 thời gian ngắn, ông Gadhafi bị lật đổ và cái chính quyền “lâm thời” lập tức được hầu hết các quốc gia trên thế giới nhìn nhận, kể cả Trung Cộng và CSVN thì cái chính quyền vừa lật đổ 1 cái chính quyền “chính danh” trước đây có chính danh hay không?
Cứ cho là hễ nắm được quyền lực chính trị (“chính quyền”) và dựng được 1 bộ máy hành chính (dù là bá đạo) là có chính danh thì trên toàn thế giới này có cuộc cách mạng nào mà không chống lại cái chính quyền đương nhiệm – nghĩa là chống lại cái “chính danh”? Như vậy, căn bản của 1 chính danh không chỉ căn cứ trên những định nghĩa pháp lý – nhất là từ định nghĩa cúa chính cái chính quyền đương nhiệm và thế giới này sẽ trở nên bịnh hoạn biết bao khi hễ kẻ nào nắm được quyền lực là trở thành chính danh!
Tôi cứ tưỡng chỉ có ở Việt-Nam thì những gía trị đạo đức mới bị băng hoại bởi sự lảnh đạo của đảng CSVN. Tôi phải đau buồn mà nói rằng những băng hoại của đạo đức như thế đó vẫn xãy ra tại hải ngoại, nơi con người có hoàn toàn tự do để chọn lựa 1 ý nghĩa cho chính mình …
Cuối cùng vì nhà cầm quyền CS là chính danh nên người Việt có “bổn phận” phải ủng hộ họ? Cái ngôn ngữ này lại càng khó hiểu hơn nữa khi áp dụng những suy luận như vậy cho những người Việt tị nan – những người đã đánh đổi cả sinh mạng để trốn chạy cái chế độ chính danh đó!
Kể về tuổi tác, Giáo Sư Thúc còn hơn cả người cha đã qua đời từ nhiều năm của tôi. Kể về học vấn, văn bảng, GS Thúc còn thành tựu hơn cả những bậc thầy của tôi. Năm xưa khi còn ở Việt-Nam tôi không theo học Luật nhưng hầu hết như sinh viên ai cũng biết GS Thúc là 1 cây cổ thụ trong ngành Luật Học của miền Nam Việt-Nam. Trong vất vã của cuộc đời tị nạn, tôi đã quên mất ông và chỉ trong vài năm gần đây tôi mới tình cờ đọc được 1 bài ông viết để đính chính xuất xứ của 2 câu thơ trứ danh của đất thần kinh:
Gío đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.
Bằng tất cả kiến thức và kinh nghiệm sống, GS Thúc chứng minh rằng 2 câu thơ trên có xuất xứ từ miền Bắc và nguyên thủy là:
Gió lay(?) cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Quốc, canh gà Thọ Xương…
với dẫn chứng rằng Huế không có làng Thọ Xương trong khi địa danh này là có thật ở Hà Nội và nằm gần chùa Trấn Quốc….
Một số nhân sĩ miền Nam đã có viết phản biện với dẫn chứng rằng làng Thọ Xương hay trước đây là Vĩnh Xương, là 1 địa danh được vua nhà Nguyễn chính thức phong cho…
Một điểm mà GS Thúc cố gắng chứng minh là 1 sự thật có tính lịch sữ, hay vật lý của 1 địa hình mà không để ý đến cái âm thanh của nó như là linh hồn của 1 văn hoá mà người miền Nam nói chung và người Huế nói riêng rất trân trọng. Đó là 1 âm thanh của 1 “tiếng lòng tôi”, là âm thanh của bát nhả, của 1 tỉnh thức chứ không phải là 1 âm thanh vật lý. Đó là âm thanh của những kỹ niệm ngay cả từ thời thơ ấu của các bậc cha, chú của tôi. Cái âm thanh này tôi không thể nghe và cảm nhận dù cho tôi có đứng giữa lòng Hà Nội để kiểm nghiệm cho cái sự thật có tính lịch sữ và vật lý này.
Trong những năm tháng còn lại trên xứ người, thỉnh thoảng tôi vẫn còn nghe văng vẵng đâu đây tiếng chuông Thiên Mụ và tiếng gà gáy từ làng Thọ (Vĩnh) Xương trong những đêm tỉnh mịch… Nó rất quan trọng với tôi, không phải vì cái tính chính danh vật lý của nó mà vì mất nó là tôi mất cả 1 tâm hồn…
A! có những sự thật cho 1 đời người mà dù có được chứng minh là đúng cũng chẵng làm nên ý nghĩa gì thì chính danh của 1 tập đoàn độc tài cầm quyền có gì là quan trọng qua phán xét của trò chơi pháp lý?
Biện hộ cho tính chính danh của nhà cầm quyền CSVN là dẵm lên những vết thương, trên máu và nước mắt của những nạn nhân của chế độ này mà ở đó sự thắng cuộc của thuật ngữ không hề làm tăng thêm giá trị nhân bản nào cho 1 nhận thức như thế!
Có 1 câu nói mà chưa có 1 hiến pháp nào ghi thành văn bảng thì có được xem là chính danh hay không(?):
“ Khi 1 nhà cầm quyền xữ dụng bạo lực để đàn áp dã man chính người dân của nước mình thì nhà cầm quyền đó đã đánh mất cái chính danh của mình…”
HỌ TỰ ĐÁNH MẤT CÁI CHÍNH DANH CỦA HỌ CHỨ KHÔNG AI CƯỚP MẤT HAY PHONG CHO HỌ MÀ CÓ ĐƯỢC!.
Võ Trang
San Diego, Nov. 1st 2011

Không có nhận xét nào: