Pages

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Hoàn Cầu Thời Báo: Chiếc máy ủi của chính sách ngoại giao Trung Quốc

http://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2011/09/TQ-HK.jpgJens KastnerAsia Sentinel

Diên Vỹ, X- Cafe chuyển ngữ

Hoàn Cầu Thời Báo cùng Đảng chơi trò kẻ đấm người xoa
Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo xuất bản bằng tiếng Anh lẫn tiếng Trung có trụ sở tại Bắc Kinh, đang tạo những đợt sóng lớn chưa từng thấy tại thủ đô Trung Quốc bằng những bài xã luận với những ngôn từ cứng rắn kêu gọi hành động vũ trang chống lại những nước láng giềng.
Mặc dù được xuất bản dưới bảo trợ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, những bài viết của nó đã vượt rất xa những luận điệu cứng rắn nhất của đảng. Ví dụ như những đòi hỏi được đưa ra chỉ trong hai tháng vừa qua bao gồm việc tấn công hệ thống vũ khí của Hoa Kỳ nếu Đài Loan mua chúng cũng như tấn công Việt Nam và Philippines vì đã bảo vệ quyền lợi bờ biển của mình trong vùng biển Nam Hải và thậm chí tấn công Hàn Quốc vì đã bắt giữ những chiếc tàu đánh cá Trung Quốc.

Mặc dù những kêu gọi chiến tranh đã được tiếp lời bởi những tuyên bố điềm tĩnh từ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du, các nhà quan sát nói rằng những bài báo cực đoan diều hâu là một phần của một chiến dịch được tổ chức kỹ lưỡng nhằm giúp Bắc Kinh chiếm thế thượng phong trên những cuộc đàm phán quốc tế.
Bất chấp trên thực tế việc bà Khương Du đã nói rằng tờ báo được quyền theo đuổi quan điểm độc lập do Hồ Tích Tiến, tổng biên tập phiên bản tiếng Anh và tiếng Trung của tờ báo đưa ra, một người Mỹ làm việc ở đấy từ 2009 cho đến đầu năm nay bảo rằng đây là một điều vô lý.
“Đương nhiên là Bộ Ngoại giao nói dối. Ban biên tập thì chẳng độc lập hơn bất kỳ một cơ quan truyền thông nhà nước nào khác,” người cựu nhân viên nói. “Nội dung của nó đã và đang bị liên tục thay đổi vào phút chót bởi những biến đổi bất chợt từ Bộ Ngoại giao và Bộ Tuyên truyền cũng như những tiếng nói bảo thủ hơn từ tờ Nhân Dân Nhật Báo.”
Ông đã phản bác lại một quan điểm lâu nay rằng bản thân tổng biên tập Hồ Tích Tiến là người chủ trì những sự doạ dẫm này: “Ông Hồ không viết đa phần những bài xã luận như các bài viết khác trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo cũng đã thường nói rõ. Ông có viết vài bài, nhưng đa số chỉ là những bài diễn văn dịch lại từ tờ Nhân Dân Nhật Báo hoặc từ Bộ Ngoại giao hoặc Bộ Tuyên truyền.”
Mặc dù những người kiểm duyệt nội bộ – còn được các nhân viên gọi là “cố vấn biên tập cao cấp” – đã không còn trong thời gian người cựu nhân viên này làm việc ở đây, công việc của họ đã được thay thế bởi việc tự kiểm duyệt khởi đầu từ hàng ngũ phóng viên, ông nói.
“Chẳng ai biết được lằn ranh giới hạn ở đâu vì nó không được đánh dấu. Mọi biên tập viên kỳ cựu Trung Quốc kể cả ông Hồ và nhiều phóng viên đáng trọng khác đã từng phải viết bản tự kiểm vì đã vô tình vượt qua lằn ranh này.”
Phiên bản tiếng Trung của tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã được thành lập vào năm 1993. Hiện nay nó được in đến 1,500 triệu bản mỗi ngày, tất cả chúng đều ủng hộ mạnh mẽ Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng như 100 nghìn bản tiếng Anh, được khởi đầu từ năm 2009.
Quan điểm diều hâu của Hồ Tích Tiến được cho là đã hình thành từ việc đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư bị Hoa Kỳ và NATO thả bom vào năm 1999. Hồ, người đang tường thuật cuộc chiến ở Bosnia và Herzegovina từ năm 1993 đến 1996 trong vai trò phóng viên của tờ Nhân Dân Nhật Báo, được biết là quan điểm về Trung Quốc như là một quốc gia dưới cơ bị o ép nhất trên thế giới của ông được củng cố qua vụ thả bom đại sứ quán, và chính thế giới quan của ông cho đến nay đã điều khiển giọng điệu của tờ Hoàn Cầu Thời Báo. Và nó thật sự là một giọng điệu đầy cứng rắn.
Vào ngày 17 tháng Chín, tờ báo đã chạy một bài xã luận mang tên “Đài Loan mạo hiểm khi tìm sự che chở của Hoa Kỳ,” đã khiến không chỉ hòn đảo này phải nhướng mày. Một vài ngày trước đó Chính quyền Obama đã thông báo khả năng đạt được hợp đồng bán vũ khí bao gồm những chiếc chiến đấu cơ F-16 loại mới, bài báo kêu gọi giới lãnh đạo Trung Quốc trừng phạt Đài Bắc nếu thương vụ này diễn ra.
Đây là một cách biệt rõ rệt trong đường lối của đảng đối với Quốc Dân Đảng vốn thân thiện với Bắc Kinh, đã lên nắm quyền tại Đài Loan vào năm 2008. Bắc Kinh đã kềm chế công khai chỉ trích Đài Bắc, thậm chí khi chính quyền này đã yêu cầu mua vũ khí của Hoa Kỳ.
“Bắc Kinh thường tìm cách trả đũa Washington sau những lần bán vũ khí cho Đài Loan. Lần này, nó cần phải bao gồm cả Đài Bắc vì Bắc Kinh đã có sức bẩy mạnh hơn tại hòn đảo này,” bài xã luận nói. Nó cũng đã không quên chỉ ra cho giới lãnh đạo Trung Quốc cần làm những gì.
“Năm 1994, Thổ Nhĩ Kỳ đã đe doạ người Cypriot gốc Hy Lạp rằng nó sẽ phá huỷ bất cứ tên lửa nào nhập từ Hy Lạp và lắp đặt tại những khu vực do người Cypriot gốc Hy Lạp kiểm soát. Việc này đã rất hiệu quả,” bài xã luận nói.
Ngày 29 tháng Chín, một bài xã luận được minh hoạ với hình ảnh ba con mèo đang sắp xé xác một con cá trong chậu. Với tựa đề “Đã đến lúc dạy cho những nước chung quanh biển Nam Hải một bài học”, tác giả bắt đầu bằng việc nhắc nhở Việt Nam từng bị “Trung Quốc đập tan trong trận chiến Hoàng Sa năm 1974 và sau đấy là cuộc Chiến tranh Trung – Việt năm 1979.”
Tác giả sau đó đã kêu gọi Bắc Kinh phát động những “trận chiến tí hon” chống lại những quốc gia nào đánh cắp dầu hoả của Trung Quốc trên biển Nam Hải, cụ thể là Việt Nam và Philippines. Chấm dứt bài báo bằng một ghi chú lạnh lùng sắc máu, tác giả đã ca ngợi Nga trong cuộc chiến ở vùng Nam Ossetia vào năm 2008.
“Hành động dứt khoát của Nga đối với những vấn đề tại Biển Caspian vào năm 2008 cho thấy rằng những hành động của các nước lớn có thể tạo ra những cú sốc trong một khoảng thời gian ngắn nhưng lại đem đến hoà bình lâu dài trong khu vực.”
Rồi đến lượt Seoul bị đánh thức. Ngày 25 tháng Mười. Hàn Quốc và một lần nữa Philippines đã bị lên án vì đã bắt giữ những chiếc tàu đánh cá Trung Quốc. Tốt hơn là họ nên “chuẩn bị nghe tiếng súng đại bác,” bài xã luận viết.
Không cần phải nói là những nhận định này đã khiến mọi người quan tâm. Không bao lâu sau bài xã luận được vừa đăng tải, bà Khương Du đã đứng trước máy thu hình và trấn an rằng chính phủ bà cam kết những chính sách hoà bình trên biển.
“Truyền thông Trung Quốc có quyền tự do bày tỏ quan điểm của mình, nhưng chúng tôi hi vọng rằng họ sẽ đóng một vai trò xây dựng và chuyển tải một thông điệp chính xác,” bà nói.
Steve Tsang, giám đốc Học viện Chính sách Trung Quốc thuộc Đại học Nottingham đồng ý là khả năng Hoàn Cầu Thời Báo xuất bản những quan điểm đi ngược lại với Đảng Cộng sản Trung Quốc thì rất thấp.
“Tờ Hoàn Cầu Thời Báo nằm dưới sự chỉ đạo của tờ Nhân Dân Nhật Báo và vì thế cũng nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc,” ông Tsang nói trong một cuộc phỏng vấn. “Nó không là một tiếng nói độc lập của những công dân hoặc một tập đoàn kinh doanh hoặc một bộ phận của xã hội dân sự, và nó thường không xuất bản bất cứ điều gì đi ngược lại lợi ích hoặc đường lối của Đảng.”
Rồi ông giải thích rằng dù Hoàn Cầu Thời Báo không phải là tiếng nói chính thức hoặc thừa quyền của Trung ương Đảng, không như tờ Nhân Dân Nhật Báo, nó có quyền phản đối trong chừng mực nào đấy.
“Vì thế, Hoàn Cầu Thời Báo có thể, và thường xuyên đi xa hơn Nhân Dân Nhật Báo trong việc đưa ra những tuyên bố dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ. Những tuyên bố này được nhằm để biểu lộ những gì “người dân Trung Quốc đang suy nghĩ và đòi hỏi mà không phải biến nó thành những tuyên bố chính thức của các cơ quan quyền lực.”
Chính quyền Trung Quốc, ông tiếp tục, sử dụng Hoàn Cầu Thời Báo như là một công cụ trên những bàn thương thảo quốc tế, theo phong cách kẻ đấm người xoa.
“Việc cho phép Hoàn Cầu Thời Báo biểu lộ những quan điểm dân tộc chủ nghĩa cứng rắn tạo điều kiện cho chính quyền nhắc nhở những đối tác ngoại giao về áp lực trong nước mà họ phải chịu – họ là tiếng nói ôn hoà hơn tại Trung Quốc – từ đó yêu cầu các chính quyền ngoại quốc phải nhượng bộ thêm mà không phải ra vẻ quá khích.”
Tờ báo này còn đóng một vai trò quan trọng khác, ông Tsang nói. Nó còn có nhiệm vụ làm chiếc van an toàn cho nhóm người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan để họ sủa hơn là bắt chính quyền phải cắn.
“Với một hệ thống độc tài mà tính chính danh của nó dựa trên tinh thần dân tộc trong khi lại có một chính sách chính thức nhằm khuyến khích ‘một thế giới hài hoà’, tờ Hoàn Cầu Thời Báo có một chức năng chính trị trong nước đầy quan trọng.”
Theresa Fallon, một thành viên cao cấp tại Học viện Nghiên cứu châu Á tại châu Âu chỉ ra một ví dụ rõ rệt và thật sự lý thú về thái độ doạ dẫm của Hoàn Cầu Thời Báo đã trực tiếp đi theo chính sách ngoại giao Trung Quốc ra sao.
“Bài xã luận có thể mang mục đích trước mắt là doạ các công ty dầu hoả phương Tây phải tránh xa Việt Nam và Philippines cũng như cản trở họ ký kết các hợp đồng với những quốc gia này,” tờ Đài Bắc Thời Báo đăng tải lời bà. Trích dẫn những điện tín ngoại giao của Hoa Kỳ do WikiLeaks phát tán, bà Fallon cho rằng từ năm 2006, Trung Quốc đã có những nỗ lực nhằm gây sức ép đối với các công ty dầu như Exxon Mobil, BP, Chevron và Petronas sau khi họ đã ký kết hợp đồng với Hà Nội.
Bà Fallon cho Asia Sentinel biết rằng vài tuần sau khi bài xã luận trên Hoàn Cầu Thời Báo kêu gọi chiến tranh trên biển Nam Hải, chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng cảnh cáo các công ty dầu hoả nước ngoài nên tránh xa.
Tuy nhiên, bất cứ lợi lộc nào mà Đảng Cộng sản Trung Quốc gặt hái được qua “Chiến lược Hoàn Cầu Thời Báo”, rõ ràng là cũng có vô số thiệt hại phụ. Mặc dù những quan hệ dọc theo Eo biển có thể được xem là tốt nhất trong những thập niên qua, cho thế giới biết sự ngưỡng mộ của Trung Quốc về hành động khát máu chắc chắn sẽ dẫn đến việc các quốc gia láng giềng càng xích lại gần với Hoa Kỳ và đồng thời hình thành những liên minh khu vực chống lại Trung Quốc.
“Những cơn bộc phát mang tính dân tộc chủ nghĩa này đã làm suy giảm uy tín của chính sách nhằm đưa Trung Quốc đi lên một cách hoà bình,” ông Tsang nói. “Chúng làm thế giới phải suy nghĩ kỹ về ý định thật sự của chính phủ Trung Quốc về việc Bắc Kinh sẽ làm gì một khi tự cho mình cuối cùng đã vươn lên, và trong vị thế đó, sẽ ngửa lá bài của mình ra bàn.”

Không có nhận xét nào: