Pages

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

Khối Ả Rập thông qua chế tài với Syria

Cuộc họp của Liên đoàn Ả Rập
Syria đã bị đình chỉ tư cách thành viên khối
 Ả Rập từ tuần trước
Liên đoàn Ả Rập vừa thông qua một số biện pháp chế tài đối với Syria, trong đó có việc phong tỏa tài sản và cấm đầu tư.
Quyết định này được đưa ra sau nhiều tháng bạo động. Liên Hiệp Quốc ước tính chừng 3.500 người thiệt mạng trong khi chính quyền Syria tìm cách dập tắt biểu tình chống chính phủ.

Liên đoàn Ả Rập đã đình chỉ tư cách thành viên của Syria hồi đầu tháng, động thái mà Damascus lên án là can thiệp vào công chuyện nội bộ.

Ngoại trưởng các quốc gia trong liên đoàn đã thông qua các biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ tại một cuộc họp ở Cairo với 19 phiếu thuận và ba phiếu chống.
Trước đó, Syria từ chối cho 500 quan sát viên của khối này được vào trong đất nước để đánh giá tình hình tại hiện trường.
Syria, một trong những sáng lập viên của Liên đoàn Ả Rập, nhanh chóng lên án việc này là phản bôi lại tình đoàn kết của khối Ả Rập.
Bộ trưởng Ngoại giao Syria Walid al-Muallem đã cáo buộc các nước trong liên đoàn là tìm cách "quốc tế hóa" cuộc xung đột.

Từ chối thực hiện

Thủ tướng, đồng thời là Ngoại trưởng Qatar Sheikh Hamad bin Jassim al-Thani đã công bố một số chi tiết về biện pháp chế tài tại một cuộc họp báo ở Cairo. Trong đó có:
  • Ngừng giao dịch với Ngân hàng trung ương Syria
  • Ngừng trợ giúp của các nước Ả Rập cho các dự án tại Syria
  • Cấm quan chức cao cấp nước này tới các nước Ả Rập khác
  • Phong tỏa tài sản liên quan tới chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad
Tuyên bố chung của khối cũng kêu gọi ngân hàng trung ương của các nước theo dõi các khoản chuyển ngân tới Syria, trừ ngoại hối của người Syria ở hải ngoại.
Các chuyến bay thương mại giữa Syria và các nước Ả Rập khác có thể sẽ bị đình chỉ, ngày tháng sẽ được thỏa thuận vào tuần tới.
Hai nước láng giềng của Syria là Iraq và Lebanon đã bỏ phiếu trắng.
Iraq cho rằng phong tỏa kinh tế sẽ không có tác dụng.
Sheikh Hamad nói Iraq sẽ không áp dụng chế tài, trong khi Lebanon "đang tự cô lập".
Iraq là bạn hàng lớn thứ hai của Syria, chiếm tới 13,3% tổng ngân sách thương mại của nước này, tức khoảng 6,78 tỷ euro.
Trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ, vốn tham gia cuộc họp với tư cách quan sát viên vì không phải thành viên Liên đoàn Ả Rập, nói sẽ có hành động thể theo quyết định của khối này.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu được hãng thông tấn Anatolia dẫn lời nói: "Khi dân thường bị giết hại tại Syria và chính phủ nước này ngày càng hà khắc đối với người dân, không ai có thể trông đợi Thổ Nhĩ Kỳ và Liên đoàn Ả Rập im lặng được".
Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ đã đưa ra trừng phạt từ trước đối với Syria.
Trong khi đó, tình trạng bạo lực tiếp tục vào Chủ nhật qua, giới hoạt động chính trị Syria cho hay ít nhất 11 người thiệt mạng trong nước này.
Tại Homs ít nhất sáu người chết trong ba vụ riêng rẽ, theo tổ chức Theo dõi Nhân quyền Syria có trụ sở tại London.

Hành lang nhân đạo

Liên đoàn Ả Rập đã đe dọa trừng phạt Syria hồi đầu tháng sau khi Tổng thống Bashar al-Assad nhiều lần không thực hiện được các biện pháp chấm dứt bạo lực, trong đó có việc cho phép quan sát viên quốc tế tới Syria.
Damascus xuất khẩu khoảng một nửa hàng hóa tới các nước láng giềng Ả Rập, đồng thời khoảng 1/4 lượng nhập khẩu là từ các nước này. Vậy cho nên việc chế tài của khối, cộng thêm Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ tăng thêm áp lực đối với Syria và khiến nước này càng bị cô lập hơn.
Hôm thứ Bảy, Ngoại trưởng Syria Muallem đã lên tiếng chỉ trích liên đoàn về việc mời LHQ tham gia phái đoàn quan sát viên, nói đây là mở đường cho can thiệp của nước ngoài thay vì ngăn chặn việc này.
Thế nhưng Sheikh Hamad nói các biện pháp trừng phạt là cần thiết nếu như các nước Ả Rập muốn chứng tỏ cho cộng đồng quốc tế là "nghiêm túc".
"Chúng tôi đang nỗ lực để ngăn chặn việc can thiệp từ bên ngoài."

Không có nhận xét nào: