Trần Sơn
(Nguồn: Dân Làm Báo)
Những ngày gần đây, tại Hà Nội, dư luận thực sự công phẫn với bộ máy tuyên truyền, chuẩn bị dọn đường thông tin đối với vụ án xét xử tên côn đồ, phạm tội giết người – Trung Tá Công An Nguyễn Văn Ninh.
Theo báo Lao Ðộng: Tin từ TAND TP Hà Nội cho biết, ngày 17 tháng 11 tới sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm nguyên Trung Tá Công An Nguyễn Văn Ninh (SN 1958, nguyên là cảnh sát trật tự công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) về tội “Làm chết người trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Ðiều 97, khoản 1, BLHS. Nạn nhân trong vụ án này là ông Trịnh Xuân Tùng (SN 1958, trú tại phố Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)……… Thấy vậy, trung tá Ninh đã tiến hành lập biên bản, xử lý hành chính vụ việc.
Anh Hùng và ông Tùng không đồng ý dẫn tới việc hai bên giằng co, xô xát nhau. (Lương Kết-Báo Lao Ðộng).
Tin trên báo Tiền Phong: Dự kiến ngày 17 tháng 11, TAND Hà Nội mở phiên xét xử cựu Trung Tá Công An Nguyễn Văn Ninh (SN 1958, công tác tại công an phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai) về làm chết người trong khi thi hành công vụ.
Theo cáo trạng, ngày 28 tháng 2, tổ công tác của Trung Tá Ninh được giao nhiệm vụ tuần tra, xử lý vi phạm giao thông tại khu vực trước bến xe phía Nam. Phát hiện anh Phạm Quang Hùng (làm nghề xe ôm) chở ông Trịnh Xuân Tùng (SN 1958) vào bến không đội mũ bảo hiểm, tổ công tác lập biên bản xử lý.
Anh Hùng và ông Tùng phản đối quyết định trên, dẫn đến xô xát với công an. Hậu quả, ông Tùng bị tổn thương 2 đốt sống cổ, sau đó tử vong. (Bắc Hà-Báo Tiền Phong).
Không! Nhất quyết chúng ta những người có lương tâm lên án hành vi cố tình giảm nhẹ, chạy tội của Viện Kiểm Sát Hà Nội cho tên giết người Nguyễn Văn Ninh.
Không thể đưa ra cáo trạng bỉ ổi như thế này được.
Thế nào là “làm chết người trong khi thi hành công vụ”???!
Ðiều 97, Khoản 1 của Bộ Luật Hình Sự quy định: “Người nào trong khi thi hành công vụ mà làm chết người do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.”
Viện Kiểm Sát đã cố tình bóp méo tội trạng này.
Pháp luật không cho phép sử dụng vũ lực trong trường hợp xử phạt vi phạm hành chính.
Ðây không phải tội hình sự.
Một trung tá công an không thể không biết trường hợp nào pháp luật cho phép sử dụng vũ lực, trường hợp nào pháp luật nghiêm cấm.
Ðiều khoản trên phải được hiểu là: Pháp luật cho phép sử dụng vũ lực trong một số trường hợp khống chế tội phạm, nhưng nhân viên công vụ đã sử dụng vũ lực quá chức năng pháp luật cho phép, dẫn đến chết người. Ví dụ như: thay vì dùng đạn cao su, lại dùng đạn thật. Hay trong khi tên cướp đã hoàn toàn bị khống chế, nhưng nhân viên công vụ vẫn sử dụng vũ lực không cần thiết dẫn đến chết người. Hoặc không kịp thời cấp cứu người bệnh đang bị giam giữ (trong quyền hạn và nhiệm vụ trực tiếp của mình) dẫn đến tử vong v.v…
Nếu Viện Kiểm Sát sử dụng điều khoản trên trong trường hợp này, thì vô hình trung, toàn dân hiểu là: Nhân viên công vụ (công an) – Ngoài những trường hợp pháp luật cho phép sử dụng vũ lực ra (làm chết người), còn được phép sử dụng vũ lực tùy tiện trong bất kể hoàn cảnh nào theo ý mình, kể cả cố tình giết người, dẫu có chết người thật thì mức án đưa ra xét xử cũng chỉ cỡ 7 năm là cùng!!!
Cụm từ trên của bản cáo trạng làm công chúng hiểu sai lệch hoàn toàn bản chất của vụ án, đồng thời bóp méo các khái niệm bất di bất dịch của luật pháp.
Làm sao một hành động dùng dùi cui, cố tình đánh tới tấp vào đầu, vào cổ nạn nhân, dẫn đến tử vong, mà có thể ngụy biện bằng những ngôn từ dối trá như thế được?
Pháp luật có tính đến những trường hợp bất cẩn, trong khi làm nhiệm vụ của nhân viên công quyền, hậu quả gây nên tử vong ngoài ý muốn. Chuỗi hành động đó mới tạm coi như tội “làm chết người trong khi thi hành nhiệm vụ.”
Nhưng ở đây, tên côn đồ Nguyễn Văn Ninh phạm tội giết người có chủ định. Chủ định ở đây là gì? Ðể thỏa mãn sự bực dọc cá nhân, chứng tỏ uy quyền.
Dã man hơn nữa, khi biết nạn nhân có thương tích, tên Nguyễn Văn Ninh đã không báo cho đồng bọn đang trực ở đồn, có nhiệm vụ tiếp nhận giam giữ ông Ninh về tình trạng sức khỏe của ông. Không nói rõ những hành động đánh người ở hiện trường để kịp thời cấp cứu cho nạn nhân. Và đã để mặc nạn nhân cho đến gần chết.
Họ có còn là người không, khi để gia đình nạn nhân phải quỳ xuống cúi lạy, xin cho cha, anh họ đi bệnh viện.
Ðây rõ ràng là hành động giết người có chủ định của tên Nguyễn Văn Ninh.
Tên côn đồ Nguyễn Văn Ninh, mất hết tính người, phải bị trừng trị nghiêm minh trước pháp luật đúng người, đúng tội. Ngoài ra đồng phạm với tên Ninh còn có những công an tại tổ trực, có nhiệm vụ tiếp quản nạn nhân tại đồn công an phường Thịnh Liệt.
Không thể để lọt tội phạm như thế này được.
Những công an trong ca trực này hoàn toàn đủ yếu tố cấu thành phạm tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (dẫn đến chết người) (Ðiều 285, Bộ Luật Hình Sự)
Chúng ta không thể ngồi chờ pháp luật sẽ được thực thi một cách công bằng (chứ đừng nói tới nghiêm minh) với bản cáo trạng dối trá như thế này.
Không thể để một bộ phận những tên lưu manh, côn đồ khoác áo công an, tiếp tục công tác trong xã hội Việt Nam hôm nay.
Xã hội băng hoại về đạo đức, cũng như những bất công, áp bức phần lớn là do những con người này gây ra.
Chúng ta, những người có lương tri, bằng mọi cách của mình hãy dấy lên công luận, làm rõ bản chất vụ việc dã man này. Trả lại công bằng cho vong linh nạn nhân Trịnh Xuân Tùng, cho gia đình cháu Trịnh Kim Tiến, và cho rất nhiều nạn nhân khác dưới bàn tay công an – là điều phải làm của chúng ta hôm nay.
Hành động phản đối bản cáo trạng lừa bịp, dối trá này sẽ giúp chúng ta ngăn chặn tội ác trong tương lai.
(danlambaovn.blogspot.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét