Pages

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

Lãnh đạo dân chủ Miến Điện nói về TQ

Bà Aung Sann Suu Kyi đã nói về quan hệ với Trung Quốc tại cuộc
 họp báo hôm 14/11
Bà Aung San Suu Kyi nóng lòng để có quan hệ tốt với Trung Quốc, theo một tờ báo tiếng Anh ở Hong Kong tường thuật từ bên trong Miến Điện.
Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (South China Morning Post) trong bài đăng trên mạng hôm 15/11 trích lời nhà lãnh đạo khối dân chủ Miến Điện nói nước bà và Trung Quốc "là láng giềng và sẽ luôn là láng giềng chừng nào thế giới còn tồn tại".

Bà Aung Sann Suu Kyi đã nói về quan hệ với Trung Quốc tại cuộc họp báo hôm 14/11 tại Rangoon.
Bà cho báo chí hay vào dịp một năm bà được tự do rằng bà muốn chấm dứt tình trạng khó khăn trong quan hệ với Trung Quốc hiện nay.

Aung San Suu Kyi nói vì hai nước là láng giềng, nên 'chúng tôi đặc biệt lo ngại làm sao để quan hệ hai bên được tốt".
Dùng từ 'Burma' để chỉ Miến Điện trong tiếng Anh chứ không gọi là Myanmar, bà nhắc lại quan hệ với Trung Quốc từ ngày độc lập:
"Chúng tôi đã có quan hệ tốt với Trung Quốc kể từ khi đất nước được độc lập năm 1948. Dù rằng, tất nhiên đã có những khúc mắc, trắc trở như trong mọi quan hệ, tôi tin tưởng là chúng ta có thể vượt qua khó khăn để tái lập quan hệ mà cả hai bên cùng vui".
Bà cũng cho rằng nếu Trung Quốc "muốn làm" thì nước này có thể có vai trò lớn trong quá trình dân chủ hóa ở Miến Điện.
"Dù đã có những khúc mắc, tôi tin tưởng là chúng ta có thể vượt qua khó khăn để tái lập quan hệ mà cả hai bên cùng vui"
Bà Aung San Suu Kyi nói về Trung Quốc
Cho tới nay chưa thấy chính quyền Trung Quốc phản ứng gì về phát biểu của bà Aung San Suu Kyi.
Diễn biến liên tục
Trong các diễn biến liên tục xảy ra tại Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi đang thực hiện các cuộc hội đàm với Tổng thống Thein Sein.
Ông Thein Sein, là cựu quân nhân mang hàng tướng, đã đổi áo dân sự để lãnh đạo chính quyền sau bầu cử tháng Ba năm nay.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Miến Điện được cho là "có thay đổi" sau khi chính quyền dân sự ở Miến Điện ra lệnh ngưng dự án xây đập hàng tỷ đô la do Trung Quốc trúng thầu.
Dự án 3,6 tỷ đô la ở Myitsone mà nếu thực hiện sẽ gây ngập nước khu vực rộng ngang Singapore, đã bị giới bảo vệ môi sinh và phe đối lập Miến Điện phê phán.
Các động thái của chính quyền Miến Điện như thả bớt tù chính trị cùng những chuyến thăm dồn dập của giới chức Mỹ và Liên Hiệp Quốc cho thấy có sự thay đổi từng bước ở nước này.
Tổng thống Thein Sein thăm Ấn Độ: các nước láng giềng lớn đều quan tâm đến chuyển biến nội bộ Myanmar
Gần đây nhất, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton phát biểu trước thềm hội nghị APEC ở Honolulu rằng nếu có cải thiện dân chủ, Miến Điện có thể "trở thành đối tác" của nước Mỹ.
Có vẻ như các nước Phương Tây đang nỗ lực khuyến khích Miến Điện chuyển hóa và một số động thái của họ được hoan nghênh.
Tuần này, Bộ trưởng Phát triển Hải ngoại của Anh, ông Andrew Mitchell được mời vào Miến Điện và hôm 15/11 sau khi thăm Rangoon đã có chuyến thăm đến Mandalay.
Đây là lần đầu tiên từ nhiều năm, một bộ trưởng Anh vào thăm Miến Điện.
Nay, phát biểu của bà Aung Sang Suu Kyi là diễn biến mới nhất cho thấy phe dân chủ Miến Điện của bà ngày càng tỏ ra có vai trò kể cả về đối ngoại.
Họ cũng dự tính sẽ đăng ký đảng chính trị của mình là Liên đoàn Dân tộc Dân chủ Miến Điện (NLD), vốn bị cấm từ nhiều năm qua.
Theo BBC Miến Điện từ Bangkok, khả năng tái đăng ký NLD một cách hợp pháp là hoàn toàn có thể xảy ra trong tuần này.
Một số ý kiến còn lạc quan rằng bà Aung San Suu Kyi có thể được mời giữ chức vụ trong chính quyền sau kỳ bầu cử tới.
Tuy nhiên, cho đến giờ NLD và bản thân nhà đấu tranh được Nobel Hòa bình chưa hề nói tới viễn cảnh đó.
Tin mới nhất từ ASEAN cho hay trước Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (East Asia Summit) tại Bali tuần này, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN ngỏ ý muốn để Miến Điện được lên làm chủ tịch luân phiên của khối năm 2014.

Không có nhận xét nào: