Pages

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

Từ St Paul tới Thái Hà: "Chúa Jesus sẽ làm gì?"

A sign outside St Paul's cathedral on October 22nd during the Occupy London protest
Những người biểu tình phản đối bất bình đẳng kinh tế mang theo biểu ngữ "Liệu Chúa Jesus sẽ làm gì" bên ngoài Nhà thờ Thánh Paul

Trong những ngày qua Thánh đường St Paul ở London và Nhà thờ Thái Hà tại Hà Nội, dù khác nhau về tính chất, đều cùng phải chịu sự soi rọi của dư luận liên quan tới cách hành xử của họ.

Thánh đường St Paul nằm trong 'một dặm vuông' tài chính nổi tiếng giàu có đã bị giằng xé giữa chuyện chấp nhận cho những người biểu tình Chiếm London cắm trại trong không gian nhà thờ hay nhờ tới tay pháp luật cưỡng chế họ rời đi.

Nhà thờ Thái Hà cho chạy bảng điện tử đòi lại đất đai mà họ nói hàng chục năm về trước giáo hội đã có cả quyền sở hữu và sử dụng nhưng nay chính quyền đang "mượn".

Cho tới nay hai trong số các giáo sỹ cao cấp của Nhà thờ St Paul đã từ chức, một để phản đối khả năng cưỡng bức người biểu tình rời khuôn viên nhà thờ và một vì thái độ cứng rắn với những người cắm trại.


Còn trong vụ Nhà thờ Thái Hà, Linh mục Chính xứ tại đây đã bị chính quyền phạt tiền và yêu cầu dỡ bảng điện tử treo trên nóc nhà thờ.

Nhà thờ đã khởi kiện quyết định phạt hành chính của chính quyền vào ngày 3/11, cũng là ngày mà Giáo xứ Thái Hà nói chính quyền đã để "đầu gấu" tới đập phá và hành hung giáo dân tại nhà thờ.

Cả hai nhà thờ đều phải trả lời câu hỏi họ nên làm gì cho phải lẽ hay câu hỏi như trong tấm biển của một người biểu tình tại Nhà thờ Thánh Paul: "Chúa Jesus sẽ làm gì?" trong hoàn cảnh tương tự.

'Bạo lực nhân danh giáo hội'

Dean of St Paul's cathedral
Người đứng đầu Nhà thờ Thánh Paul, Graeme Knowles, đã từ chức vì ủng hộ khả năng cưỡng chế người biểu tình, điều mà một trong những người phó của ông từ chức để phản đối.

Ở một góc độ nào đó hai vụ này đều liên quan tới sự đan xen giữa không gian tôn giáo và không gian thế tục, nhưng có sự đổi vai với Thánh đường St Paul ở vào vị thế gần giống của chính quyền ở Hà Nội.

Một số giáo sỹ Anh giáo nói họ không phản đối biểu tình mà chỉ phản đối việc cắm trại lâu dài trên khuôn viên thuộc sở hữu của cả Nhà thờ lẫn Khu Tài chính London, đối tượng nhắm tới của người biểu tình.

Bản thân Thị trưởng London Boris Johnson và chính phủ Bảo thủ nói chung không muốn thấy cảnh cắm trại hiện nay, vốn có khả năng kéo dài tới Giáng Sinh.

Những người biểu tình phản đối bất bình đẳng kinh tế nói họ không gây ra những lo ngại về vệ sinh và an toàn trong khi Cơ quan Cứu hỏa London xác nhận không có nguy cơ cháy nổ do việc dựng trại và nấu ăn gây ra.

Thậm chí những người cắm trại còn được báo chí khen ngợi khi lập ra cả những khu trại cho trẻ em, khu của các sinh viên đại học và có nơi thu gom rác thải có thể tái chế.

Trong tuần trước giáo sỹ cao cấp hàng thứ ba của Thánh đường St Paul, Tiến sỹ Giles Fraser, đã từ chức để phản đối kế hoạch dùng tới vũ lực nhằm giải tán người biểu tình và nói ông không thể ủng hộ khả năng có "bạo lực nhân danh giáo hội".

Sang tuần này người đứng đầu Thánh đường, chức cần có sự phê chuẩn của Nữ hoàng Anh, cũng từ chức.

Cha Graeme Knowles trước đó ủng hộ kế hoạch cưỡng chế người biểu tình.

Thuế Robin Hood

Sức ép của công luận cũng khiến người đứng đầu Giáo hội Anh, Đức Tổng Giám mục Canterbury Rowan Williams phải chấp bút một bài trên báo Financial Times trong đó ông giải thích quan điểm của giáo hội trước làn sóng phản đối giới tài chính.

Tiến sỹ Williams dẫn ra một tài liệu của Hội đồng Công lý và Hòa bình của Vatican trong đó Tòa thánh ủng hộ việc có những thay đổi trong quản lý tài chính trên thế giới, tách các hoạt động ngân hàng thuần túy khỏi các hoạt động đầu cơ rủi ro.

Vatican cũng ủng hộ thu Thuế Giao dịch Tài chính hay còn được gọi là Thuế Robin Hood.

Ông Rowan Williams nói khoản thuế được đề nghị ở mức 0,05% đối với các giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ hay các sản phẩm dựa trên các giấy tờ có giá này trên toàn cầu có thể mang lại tới 410 tỷ đô la theo một ước tính.

Trong phần kết của bài viết trên Financial Times, người đứng đầu Giáo hội Anh viết:

"Kết cục có hậu nhất của những tranh cãi không vui ở Nhà thờ St Paul sẽ là khi các vấn đề do Hội đồng Công lý và Hòa bình [Vatican] đưa ra có thể tập trung những cố gắng đồng loạt để tiếp tục thảo luận và tạo ra những thay đổi đáng tin cậy trong thế giới tài chính."

'Chúa Jesus sẽ làm gì?'

Trở lại câu hỏi Chúa sẽ làm gì, ngay lập tức thế giới mạng đã đưa ra quan điểm của họ.

Một người bình luận trên báo Guardian viết:

"Chúa Jesus luôn luôn đứng về phía người nghèo và người bị áp bức. Ngài lật đổ bàn của những kẻ đổi tiền và khi Ngài chia con người thành cừu và dê thì đó là dựa vào chuyện họ có nuôi người đói và che chở cho những người không nhà cửa hay không."

Người này cũng viết: "Giáo hội cần khôi phục lại tiếng nói tiên tri của mình. Trong thập niên 80, giáo hội Anh giáo đã đã đứng lên và được lắng nghe...họ lại cần phải làm vậy một lần nữa và đứng về phía người nghèo những người đang chật vật trong lúc khốn khó này."

Nhưng cũng có những bình luận phản đối người biểu tình:

"Tôi đứng về phía nào ư? Dĩ nhiên là không phải phía những người cắm trại.

"Họ không nói thay hay đại diện cho tôi.

"Tôi nghĩ quý vị có thể cho tôi là người thuộc về cái gọi là 99% nhưng ủng hộ cái gọi là 1%."

Trở lại trường hợp Nhà thờ Thái Hà, bất đồng mới đây cho thấy một vấn đề sâu xa hơn đó là không gian hoạt động của nhà thờ và không gian của chính quyền và Đảng Cộng sản, đảng mà về lý thuyết là vô thần.

Một nhà bình luận nói với BBC các tôn giáo ở Việt Nam có thể hoạt động theo "tập tục" nhưng chính quyền cần làm theo luật lệ.

Nhưng bản thân chính quyền cũng chỉ theo những luật chơi mới trong hơn 20 năm trở lại đây.


Priest Nguyen Van Phuong
Chính quyền và Linh mục Nguyễn Văn Phượng đều nói đã bị "xuyên tạc" và "làm hại đến uy tín"



Hiện giờ nhiều luật căn bản còn đang trong quá trình xây dựng trong khi việc thực thi luật chịu nhiều chỉ trích, chủ yếu là các chỉ trích về sức ép của chính trị và đồng tiền lên các quyết định của tòa án.

Điều quan trọng hơn có lẽ là sự thiếu tin tưởng giữa những người có đức tin và nhà cầm quyền.

Một cuộc gặp mới đây giữa chính quyền quận Đống Đa và đại diện Nhà thờ vào giáo dân Thái Hà muốn đòi lại khu đất hiện đang là Bệnh viện Đống Đa đã chứng kiến những điều có thể coi là "lên lớp" lẫn nhau giữa hai bên.

Nhà thờ Thái Hà nói Bệnh viện Đống Đa nằm trong quy hoạch sẽ chuyển ra ngoại thành và họ muốn lấy lại khu đất để sinh hoạt tôn giáo và làm từ thiện.

Chính quyền trong khi đó dùng truyền thông để chứng minh họ đúng và lên án Nhà thờ không ủng hộ công trình nhằm cải tạo điều kiện vệ sinh ở Bệnh viện Đống Đa.

Căng thẳng hiện nay giữa Nhà thờ Thái Hà và chính quyền chưa có dấu hiệu sẽ hạ nhiệt.

Và "Liệu Chúa Jesus sẽ làm gì?" trong tình huống này?

Xin dành câu hỏi từ Thánh đường St Paul ở London này cho các độc giả.

Không có nhận xét nào: