Pages

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

‘Vấn nạn’ tài sản giáo hội: Phải chăng đã đến lúc cần có hướng giải quyết dứt điểm?


‘Vấn nạn’ tài sản giáo hội: Phải chăng đã đến lúc cần có hướng giải quyết dứt điểm?‘Sóng gió’ một lần nữa lại ấp đến nhà thờ Thái Hà chiều qua 03/11 với việc hàng trăm ‘côn đồ’ kéo đến đập phá đe dọa linh mục tu sĩ nơi này, chỉ vì ‘tội’ dám đã đòi lại bệnh viện Đống Đa vốn là tài sản của Dòng Chúa Cứu Thế có từ năm 1931, còn trước cả khi nhà nước CSVN ra đời.

Những hành vi bạo lực xúc phạm nơi thờ phượng như vậy, bất kể ai đúng ai sai luôn khiến người có đạo không khỏi ‘đau lòng’ tự hỏi vì sao đã bước sang thiên niên kỷ thứ 3 mà ngay giỡa lòng thủ đô ‘hòa bình’ lại xảy chuyện mất nhân tính như vậy? là giáo dân, liệu tôi có thể làm được điều gì đây, cùng Thái Hà xuống đường thì bị bắt, viết lách thì ‘phản động’!? Và các vị lãnh


Côn đồ tấn công Thái Hà
đạo cấp trên của quận Đống Đa, các Đấng bề trên của nhà thờ Thái Hà là TGM Hà Nội, Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ủy Ban Hòa Bình và Công Lý nữa… các vị đang ở đâu, suy nghĩ gì, sẽ phát biểu gì về biến cố này, hay …???



Cũng như hầu hết các vụ tranh chấp tài sản tôn giáo xảy ra ở nhiều nơi, với Thái Hà dù không trả nhưng chính quyền khó thể phủ nhận nguyên thủy đó là tài sản tôn giáo mà vì những lý do, hoàn cảnh ‘éo le’ khác nhau, các linh mục tiền nhiệm DCCT Hà Nội đã buộc phải giao cho chính quyền quản lý.


Thậm chí nếu có biết chắc là sẽ bị chiếm đoạt vĩnh viễn đi chăng nữa, thì ở vào thời buổi ‘nhiễu nhương’ vài thập niên trước, cán bộ đảng viên chỉ cần vài câu ‘lỡ lời’ cũng có thể bị khép tội ‘phản động’ đi tù mọt gông, làm sao các Cha DCCT dám chống lại lời đề nghị ‘mượn đỡ’ của chính quyền?

Nói thế để thấy rằng trong mọi trường hợp mất mát tài sản cho dù ở bất cứ giáo phận nào Hà Nội hay Vinh, Đồng Hới hay Đà Nẵng, Đà Lạt, Sàigòn hay Vĩnh Long v.v… giáo hội luôn bị ở vào vị trí nạn nhân, mà một khi đã là ‘nạn nhân’ thì không thể có chuyện linh mục giáo dân đi ‘gây rối’ kích động chính quyền được.

Mặt khác, mặc dù ‘lẽ phải’ luôn đứng về giáo hội trong các cuộc tranh chấp tài sản nhưng không vì thế mà các giáo xứ dòng tu có thể dễ dàng đòi lại được tài sản của mình, nếu chỉ dùng ‘lẽ phải’ này làm bằng chứng để bắt bẻ, buộc tội họ. Kinh nghiệm cũng còn cho thấy càng gây ‘ầm ĩ’ sẽ càng khó khăn hơn. Tại sao?


Đơn giản chỉ vì sai này chỉ là một trong vô vàn sai lầm của cả hệ thống chính quyền thời những năm 50- 60, sau 1975 tái diễn ở miền Nam và không chỉ xảy ra với riêng đạo công giáo. Thế nhưng cho đến nay, sau hơn hai thập niên nhiều thứ được ‘đổi mới’ vẫn chẳng có cái sai nào được công khai nhìn nhận và sửa cả.

Việc ‘đi đòi công lý’ của giáo hội ngày càng trở nên gian truân hơn mà ngoài lý do đất đai nhà cửa ở VN những năm gần đây ‘có giá’ hơn trước rất nhiều, còn là việc các lớp cán bộ thi nhau lên / xuống chức nhanh như chớp. Người mượn hay có liên hệ năm xưa nay đã quá cố, trong khi kẻ kế nhiệm, cho dù chẳng dính dáng gì nhưng để tồn tại họ đã buộc phải ‘trung thành’ với những điều sai trái cũ của cả hệ thống.


Chính vì lẽ ấy, không có việc địa phương nào dám tự ý ‘xuống nước’ trả lại tài sản cho giáo hội là vậy. Việc làm này là hoàn toàn nằm ngoài tầm tay của họ, ít nhất cũng là đến lúc này. Chính xác hơn là sẽ không có bất kỳ ‘ông bà’ địa phương nào được phép ‘phá lệ’ để nhượng bộ, mà chỉ có chuyện tài sản càng lớn, càng có ý nghĩa với giáo hội họ càng thận trọng hơn. Bởi trong suy nghĩ của nhà cầm quyền những việc làm tự phát này nếu để xảy ra tại các địa phương sẽ rất dễ có nguy cơ gây nên làn sóng đi đòi nhà cửa bùng nổ khắp nơi trên cả nước.


Nhưng nói thế không có nghĩa bênh vực hành vi mượn tay côn đồ tấn công nhà thờ Thái Hà. Đó không thể là cách xử sự của những con người đại diện cho một “nhà nước pháp quyền”, mà chỉ đáng là của những kẻ ngu xuẩn lạm quyền gây hại uy tín cho nhà nước, tổn hại cho mối quan hệ với giáo hội mà lẽ ra họ cần phải tôn trọng và cải thiện nhiều hơn.

Việc đánh lừa ‘dân đen’ bằng những bản tin phỏng vấn dàn dựng rẻ tiền, trò bôi nhọ bằng ‘cắt xén’ đài truyền hình VN có chắc đã ‘kiếm lời’ cho nhà nước sau khi khiến giới trí thức ngày càng thêm chán ngán mất niềm tin vào đảng?

Về phần giáo hội những chuyện ‘đau lòng’ như vừa xảy ra với Thái Hà hẳn cũng đã khiến không ít Đấng bậc cảm thấy khó xử. Không lên tiếng thì dễ bị tu sĩ giáo dân khắp nơi ‘trách móc’ là sợ hãi, là thiếu trách nhiệm, phải hứng những trận ‘búa rìu’ dư luận (là điều chúng con hoàn toàn chẳng hề mong). Nhưng chúng ta có bao giờ tự hỏi, nếu có muốn lên tiếng thì liệu các Ngài sẽ dựa vào đâu để mà nói, mà bênh vực đàn chiên của mình?


Kết luận: Cả các giáo xứ lẫn chính quyền sở tại cấp dưới chẳng thể nào tự mình giải quyết được ‘trận chiến’ bất phân thắng bại này. Vì là tài sản tôn giáo những ‘món nợ’ lớn – như trường hợp bệnh viện Đống Đa – rất khó thể có chuyện “để lâu hóa bùn” được. Nhưng nếu cứ để âm ỉ kéo dài mãi lại chẳng khác nào ‘nuôi bệnh’ ngày một nặng, đến khi xảy ra bùng nổ ắt sẽ không nhỏ cả nhà nước lẫn giáo hội đều thiệt hại nặng, chẳng ai được lợi lộc gì.

Vậy phải chăng ‘vấn nạn’ tài sản giáo hội bị chiếm đoạt trái phép nay đã đến lúc cần phải đem ra bàn bạc thẳng thắn và tìm cách giải quyết dứt điểm từ các cấp lãnh đạo cao cấp có thẩm quyền của cả hai phía, nhà nước và giáo hội?

Để rồi, được hay mất, những trường hợp nào, ở những nơi nào nhà nước buộc phải trả lại giáo hội hay giáo hội nên nhượng bộ v.v… ít nhiều gì cũng có được chút căn cứ làm ‘mệnh lệnh’ để các cấp chính quyền cũng như giáo quyền thi hành, thay vì tiếp tục im lặng để rồi thỉnh thoảng lại phải chứng kiến những cảnh đau lòng như vừa xảy ra với nhà thờ Thái Hà.


Sàigòn, 04/11/2011

Alf Hoàng Gia Bảo

Không có nhận xét nào: