Pages

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

VIỆT NAM CẦN MỘT NHÀ NƯỚC VƯỢT QUA TỒI TỆ

Chuyện Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cai trị dân bằng Luật rừng nhưng vẫn oang oang “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân” không có gì mới, có mới chăng là mức độ tồi tệ đã làm ô nhục tên Việt Nam.
Càng ô uế hơn khi Lãnh đạo đảng rả rả ngày đêm kiên quyết giữ vững chủ quyền quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển đảo, vùng đặc quyền kinh tế, nhưng lại không dám để cho Đại biểu Quốc hội thảo luận công khai và ra Nghị quyết xác nhận chủ quyền trên các vùng biển và hải đảo đã bị Trung Cộng cưỡng chiếm từ 1974 (Hoàng Sa) cho đến năm 1988 (Trường Sa).
Ngay cả khi dự án Luật Biển Việt Nam được trình ra Quốc hội ngày 21/11 (2011) đảng cũng bắt Quốc hội phải họp kín để nghe Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, thay mặt Thủ tướng Chính phủ “trình bày Tờ trình về dự án Luật Biển Việt Nam và báo cáo thêm một số vấn đề về tình hình Biển Ðông.”
Sau đó, theo bản tin của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Biển Việt Nam.

Vào buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Biển Việt Nam (họp riêng).
Ngoại trừ vài cơ quan báo chí chính thức của đảng, trong đó có báo Nhân Dân được loan tin vắn tắt giống như tin của Văn phòng Quốc hội, không có bất cứ tờ báo nào được dự phiên họp của Quốc hội để loan tin.
Các báo cũng bị cấm không được hỏi các Đại biểu Quốc hội về nội dung Tờ trình của Phạm Bình Minh cũng như bản: ”Báo cáo thẩm tra dự án Luật Biển Việt Nam” của Phan Trung Lý.
Ngược lại các báo đã đăng tin chi tiết về Cuộc thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giám định Tư pháp (GÐTP).
Theo báo Nhân Dân (22-11-011) thì: “Hầu hết các ý kiến phát biểu đều tán thành sự cần thiết ban hành Luật GÐTP nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới mang tính đột phá, bền vững cho hoạt động GÐTP ở nước ta, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng mà trọng tâm là bảo đảm việc phán quyết của tòa án được kịp thời, khách quan, đúng pháp luật.”
Nếu so sánh 2 dự án Luật thì Luật Biển Việt Nam, được đem ra thảo luận vào thời gian đang có các cuộc thảo luận về an ninh và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông giữa các bên liên quan , trong đó có Trung Cộng, Việt Nam, Nam Dương, Phi Luật Tân, Đài Loan, Brunei và Mã Lai Á là một quyết định đúng lúc và cô cùng quan trọng của Việt Nam và chắc chắn sẽ được nhân dân ủng hộ.
Rất tiếc quyết định họp kín, che dấu nhân dân và cộng đồng thế giới của Đảng và Nhà nước Việt Nam chỉ có thể giải thích là một hành động có dấu chỉ mờ ám, nhu nhược của nhà cầm quyền Việt Nam trước nanh vuốt của con ma Trung Cộng.
Nhưng nếu Nhà nước đã yếu kém, tồi tệ không dám cho dân biết sự thật mình viết Luật Biển Việt Nam làm gì để bảo vệ chủ quyền, tài sản của Tổ tiên và quyền lợi của dân tộc thì 500 Đại biểu Quốc hội còn đáng bị lên án nhu nhược gấp trăm lần hơn vì đã chịu để cho đảng nắm đầu bịt mắt cử tri và che đây hành vi khinh dân cho đảng.
Nhưng không phải đây là lần đầu tiên Quốc hội đã vì “miếng ăn chung” của đảng mà về hùa với nhà nước phản dân.
Lần thứ nhất xẩy ra tại phiên họp của Quốc hội chiều ngày 4-8 (2011) để nghe Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngọai giao Báo cáo về tình hình Biển đông.
Sở dĩ có chuyện Phạm Bình Minh phải đích thân báo cáo với Quốc hội, thay cho dự kiến ban đầu của Ban Thường vụ Quốc hội, cơ chế sắp xếp nghị trình thảo luận của Quốc hội, chỉ muốn Chính phủ gửi bản báo cáo cho từng đại biều Quốc hội để nghiên cứu vì lúc bấy giờ dư luận trong nước muốn Quốc hội phải có thái độ với Trung Cộng bằng một Nghị quyết xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên các vùng biển đảo, kể cả Hoàng Sa đã bị Tâu chiếm tháng 1/1975 và 8 mỏm đá ngầm ở quần đảo Trường Sa năm 1988.
Ngoài ra dự luận trong nước và trong Quốc hội lúc ấy cũng rất bất bình với thái độ “cắn răng chịu trận” của Chính phủ trước nhiều vụ Tầu quân sự và tầu Hải giám của Trung Hoa tấn công, gây hấn, đe dọa mạng sống ngư dân Việt Nam hoạt động trong khu vực Hoàng Sa và Trường Sa. Thêm vào đó là hành động vi phạm chủ quyền trắng trơn của Trung Cộng đã cho tầu quân sự giả dạng tuần tra dân sự tấn công các tầu khảo sát đáy biển của Công ty dầu khí Việt Nam hoạt động tại khu vực đặc quyền kinh tế ở vùng Vũng Tầu-Côn Sơn và phía tây quân đảo Trường Sa.
Tuy hiên sau cuộc họp dài 60 phút, Quốc hội không thảo luận, không ra Nghị quyết về chủ quyền ở Biển Đông vì đã được đảng nhắc nhở không nên làm cho mối quan hệ Việt -Trung thêm phức tạp vì Biển Đông là vấn đề “nhậy cảm”!
Trong số 500 Đại biểu dự họp nghe Phạm Bình Minh chỉ có chừng 10 người lên tiếng quan tâm đến tình hình ở Biển Đông. Trong số này, người nói mạnh nhất là Đại biểu Dương Trung Quốc thuộc đơn vị Tỉnh Đồng Nai.
Ông nói tại phiên họp ngày 5-8 (2011): “Một Nhà nước của dân, vì dân càng phải quan tâm đến lòng tin của dân. Chúng ta cũng không nên nghĩ đến chuyện, chúng ta chưa xảy ra như ở Bắc Phi là một điều gì an ủi cả, chúng ta đã có cả một truyền thống đồng thuận giữa dân và Nhà nước, giữa trên với dưới chúng ta phải duy trì cái đó như chính con mắt, con ngươi của mình để tồn tại và phát triển.
Tôi xin đưa ra một ví dụ để làm rõ quan điểm của tôi cũng là đề cập đến một vấn đề hệ trọng chưa được Chính phủ quan tâm đúng mức xét từ khía cạnh quan tâm đến lòng tin của dân, đó là vấn đề Biển Đông.
Không thể không thừa nhận rằng vấn đề Biển Đông, trong đó có cả vấn đề bảo vệ chủ quyền cũng như vấn đề phát triển quốc gia lâu dài là một vấn đề nổi bật. Sự tranh chấp, sự đe dọa, sự không ổn định là vấn đề không chỉ các nước có liên quan mà cả thế giới quan tâm. Vậy mà báo cáo Chính phủ tuy có đề cập thể hiện quan điểm mang tính nguyên tắc của Nhà nước nhưng rõ ràng chưa thể hiện đúng mức. Chúng ta không thổi phồng, không kích động, không gây hoang mang, nhưng không thể coi đó là chuyện bình thường được. Nó phải được thể hiện trong báo cáo của Chính phủ đúng tầm mức của nó, được phản ánh trong chương trình nghị sự Quốc hội đúng tầm mức của nó để nhân dân tin tưởng, để nhân dân thông suốt.”
Lời nói của ông Quốc đã rơi vào khoảng không vô cảm của Chính phủ và của số đông đồng nghiệp của ông ở Quốc hội.
Bây giờ lại đến chuyện phải nghe Phạm Bình Minh báo cáo về dự án Luật Biển Việt Nam, nhưng người dân không được cho biết Luật này có bao nhiều Điều và nội dung ra sao và tại sao phải họp kín.
Vậy quyết định họp kín, không cho báo chí tham dự do ai quyết định, Chính phủ yêu cầu, Bộ Chính trị của đảng ra lệnh hay đây là ý riêng của Ban Thường vụ Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì?
Có thể những câu hỏi này sẽ chẳng bao giờ được trả lời, chừng nào dự Luật Biển Việt Nam chưa được công khai thảo luận tại Quốc hội và trực tiếp truyền hình cho người dân biết.
Chắc nhiều người chưa quên chuyện Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, sau khi nhận chức ngày 27-05 (2011) đã dõng dạc hứa với Báo chí khi được hỏi quan điểm của ông về tình hình Biển Đông : “ Các bạn cứ yên tâm một điều là lúc đó tôi sẽ có trao đổi về vấn đề Biển Đông”.
“Lúc đó” là khi Quốc hội bàn về Biển Đông, sau khi nghe Phạm Bình Minh báo cáo ngày 4/08 (2011). Nhưng không chỉ một mình Sang ngậm miệng mà cả 3 lãnh đạo hàng đầu khác là Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng; Nguyễn Tân Dũng, Thủ tướng và Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội cũng kín răng, sợ mở miệng sẽ bị gió từ hướng bắc Trung Hoa thổi vào lạnh cứng lưỡi chăng ?
Bây giờ 4 tháng sau lời hứa hão của Sang, người dân Việt Nam lại bị đảng và Quốc hội nhét vào mồm chiếc bánh vẽ thiu thối khác phát ra từ phiên họp kín về dự án Luật Biển Việt Nam.
Sự tồi tệ này chỉ nói lên điều duy nhất: Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền, nhưng pháp luật không dành cho mọi người vì mọi người không bằng một đảng nên mọi thứ phải là “của đảng, do đảng và vì đảng”.
Sự xuống cấp của hệ thống chính quyền càng làm cho vai trò “bù nhìn” của Quốc hội trơ trẽn hơn trong hệ thống cai trị khiến hai chữ Việt Nam bị bôi nhọ và miệt thị trước mắt nhân dân Thế giới. -/-
Phạm Trần
(11/011)

Không có nhận xét nào: