Pages

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

Vụ tố cáo Cục trưởng Quản lý dược: “Vừa ăn cướp, vừa la làng”

(Dân Việt) – Hai công ty dược bị phát hiện có hành vi làm ăn gian dối và sai phạm nghiêm trọng trong việc sản xuất và phân phối sản phẩm thuốc có chất gây nghiện, hướng tâm thần và tiền chất Pseudoephedrine HCl.
Hai trong số 7 doanh nghiệp dược phía Nam đứng đơn tố cáo tập thể, “tố” Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), đã bị phát hiện có hành vi làm ăn gian dối và sai phạm nghiêm trọng trong việc sản xuất và phân phối sản phẩm thuốc có chất gây nghiện, hướng tâm thần và tiền chất Pseudoephedrine HCl. Đó là Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm và Công ty cổ phần Dược Minh Hải. Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục kiểm tra các doanh nghiệp tiếp theo.
Nhiều loại thuốc có chất gây nghiện được bán ra thị trường mà không có sự đồng ý của Bộ Y tế (ảnh minh họa).
Bán thuốc có chất gây nghiện không xin phép
Như báo NTNN đã đưa, ngày 26.9 trên trang nhất của một tờ báo ở TP.HCM nêu 8 doanh nghiệp dược phía Nam cùng ký tên tố cáo tập thể “tố” lãnh đạo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế có nhiều biểu hiện làm sai quy định; ký rất nhiều đơn hàng không có số đăng ký cho một số công ty không đúng nguyên tắc và ngăn chặn không duyệt đơn hàng cho các công ty khác; ưu tiên cho các công ty “sân sau” trong cấp hạn ngạch nhập khẩu, cấp phép nhập chuyến, cấp số đăng ký lưu hành thuốc, cho phép sản xuất gia công…
Cũng theo tờ báo này, bà Trần Thị Đào – Tổng Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Imexpharm, đại diện các doanh nghiệp – khẳng định họ xác định đây là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn nhưng vẫn phải đấu tranh. Bà Đào “chấp nhận hy sinh” và còn lớn tiếng khẳng định chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước mấy ngàn cán bộ, công nhân, viên chức và trước toàn thể các nhà đầu tư, các cổ đông.
Nhưng khi tiến hành kiểm tra, Cục CSĐT Tội phạm về ma túy, Bộ Công an và Thanh tra Bộ Y tế đã có kết luận sơ bộ: Chính Công ty Imexpharm lại có những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc có chứa chất gây nghiện và tiền chất Pseudoephedrine HCl (PSE).
Cụ thể, Công ty Imexpharm xuất khẩu thuốc Nucofed cap., cho Indochina Pharma Co.Ltd Cambodia khi không có giấy phép xuất khẩu của Bộ Y tế. Nucofed cap là thuốc viên nén thành phẩm phối hợp giữa hoạt chất gây nghiện (Codein base 10mg) và tiền chất (PSE 30mg). Từ tháng 1.2010 đến tháng 9.2010, Công ty Imexpharm sản xuất gần 5,8 triệu viên thuốc này và đã xuất bán gần 5 triệu viên thuốc không đúng đối tượng theo quy định. Tính đến thời điểm ngày 5.10, Công ty Imexpharm còn tồn trữ 796.100 viên.
Năm 2010, Công ty Imexpharm còn xuất khẩu thuốc viên nén Andol F VNE cho Công ty Indochina Pharma ở Campuchia mà không có giấy phép xuất khẩu của Bộ Y tế. Ngoài ra, trong hoạt động sản xuất, Công ty Imexpharm còn thiếu báo cáo về việc sử dụng nguyên liệu gây nghiện, hướng tâm thần, tiền chất. Điều này đã vi phạm nghiêm trọng quy định trong việc xuất khẩu thuốc có chứa chất gây nghiện, chất hướng thần và tiền chất PSE.
Bán cả thuốc gây nghiện Morphin ra ngoài
Như NTNN đã đề cập, Công ty cổ phần Dược Minh Hải (sau đây viết tắt là Công ty Dược Minh Hải) đã cùng ký tên trong đơn tố cáo tập thể “tố” lãnh đạo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) mà một tờ báo ở TP.HCM đăng tải ngày 26.9.2011.
Những tưởng doanh nghiệp này có vẻ “trong sạch” trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty Dược Minh Hải do ông Nguyễn Thành Bổn làm Tổng Giám đốc lại có nhiều sai phạm nghiêm trọng. Cụ thể, Công ty Dược Minh Hải đã bán hơn 2 triệu viên thuốc hướng tâm thần Armincort cho Công ty TNHH dược phẩm Thiên Sơn không đúng đối tượng theo quy định.
Thuốc viên nén Artenfed có chứa thành phần PSE, Công ty Dược Minh Hải bán cho 9 khách hàng (3 nhà thuốc, 6 công ty kinh doanh dược). Trong đó, có 2 khách hàng không có hợp đồng mua bán, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc.
Từ tháng 1.1.2010 đến tháng 4.2011, Công ty Dược Minh Hải được Sở Y tế Cà Mau giao nhiệm vụ bán lẻ thuốc gây nghiện cho bệnh nhân trên địa bàn thành phố Cà Mau. Chính điều này đã tạo điều kiện cho Công ty Dược Minh Hải “vô tư” bán lẻ thuốc gây nghiện cho bệnh nhân không đúng quy định.
Cụ thể, kiểm tra xác suất 5 đơn mua thuốc của bệnh nhân thì có 1 đơn thuốc Morphin HCl 0,01g/1ml (thuốc gây nghiện), Công ty Dược Minh Hải đã bán quá ngày kê đơn thuốc theo quy định (đơn kê ngày 6.12.2010, công ty bán thuốc ngày 4.1.2011).
Khi bán đơn thuốc gây nghiện đợt 5, Công ty Dược Minh Hải không có giấy xác nhận của Trạm Y tế xã về thông tin bệnh nhân còn sống, không ghi số CMND của người nhà bệnh nhân theo đúng quy định. Sai phạm đặc biệt nghiêm trọng khi Công ty Dược Minh Hải đã mua 500kg nguyên liệu PSE của Công ty Yteco khi chưa có duyệt dự trù của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế (ngày 14.3.2011). Ngoài ra, Công ty Dược Minh Hải còn sản xuất một loại thuốc có nhãn không đúng với mẫu nhãn được Cục Quản lý dược, Bộ Y tế duyệt, đó là thuốc Armincort.
Từ ngày 22.11.2010 đến ngày 5.3.2011, Công ty Dược Minh Hải đã xuất 4 hóa đơn bán hàng cho Công ty cổ phần Vật tư Y tế Dược 10 (Lào Cai) với số lượng thuốc Artenfed tổng cộng 5.580.000 viên. Tuy nhiên, ngày 6.10.2011 Sở Y tế tỉnh Lào Cai đã có báo cáo kiểm tra, xác minh các công ty mua bán thuốc có chứa tiền chất PSE đã khẳng định không phát hiện Công ty Dược 10 Lào Cai mua bán các thuốc có chứa tiền chất PSE, không phát hiện các thuốc có tên như trên các hóa đơn đã đề cập. Vậy Công ty Dược Minh Hải đã bán hàng triệu viên thuốc có chứa PSE cho ai?
Minh Anh – Đức Phúc
http://danviet.vn/64008p1c33/vu-to-cao-cuc-truong-quan-ly-duoc-vua-an-cuop-vua-la-lang.htm

Không có nhận xét nào: