Pages

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

Can thiệp quân sự vào Syria không dễ

Con số thương vong ở Syria tăng lên mỗi ngày. Khả năng can thiệp quân sự vào Syria đã được đề cập đến, nhưng đi kèm với một chiến dịch là vô số bài toán khó chưa giải được.

Trẻ em Syria trong một cuộc tuần hành trên đường phố. Ảnh: AFP
Mỹ, Liên minh châu Âu, Liên đoàn Arab và Thổ Nhĩ Kỳ đang sử dụng tất cả biện pháp trừng phạt có thể để chống lại chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad của Syria. Đã có nhiều gợi ý về việc vũ trang cho lực lượng đối lập hoặc thực thi các hoạt động hỗ trợ, giống với trường hợp tại Libya vào năm ngoái.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều lo ngại về khả năng can thiệp quân sự. Bài viết dưới đây của CNN sẽ làm rõ thêm những nghi ngại đó.
Thiếu sự đồng thuận quốc tế
Đây là rào cản rõ ràng nhất. Năm ngoái, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết áp đặt vùng cấm bay tại Libya, đồng thời sử dụng "tất cả biện pháp cần thiết" để bảo vệ người dân nước này khỏi chế độ Moammar Gadhafi.
Tuy nhiên, Hội đồng đã không đạt được thống nhất trong vấn đề Syria. Nga và Trung Quốc hồi đầu tháng đã phủ quyết bản dự thảo. Văn bản này lên án chính phủ Syria và đề nghị can thiệp quân sự nếu cần thiết.
Đơn phương độc mã trong cuộc chiến này là điều không thể, hay ít nhất là chưa thể. Tuy nhiên, ý tưởng này không phải không nhận được sự ủng hộ. Một nhóm bảo thủ của Mỹ gần đây đã kêu gọi chính quyền của Tổng thống Obama "hành động ngay lập tức" bất chấp những nghị quyết không được thông qua.

Theo ông Rami Khouri, người điều hành chương trình Các vấn đề quốc tế tại Đại học American, Beirut, đây là khả năng tồi tệ nhất có thể được tính đến.
"Tôi cho rằng việc can thiệp quân sự quốc tế có thể sẽ trở thành một thảm họa. Hãy nghĩ về những gì người Mỹ đã gây ra ở Iraq và những điều bất thường nhất có thể xảy ra", ông Khouri nói.


Lực lượng nổi dậy ở Syria có thực sự đáng tin? Ảnh: AFP

Liệu có thể tin tưởng phe đối lập?

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh lực lượng đối lập ở Syria. Ai là người chịu trách nhiệm? Họ có đoàn kết không? Có đủ sức mạnh để đối đầu với chế độ Assad không? Có đáng tin không?

Phát biểu trong chương trình ngoại giao của CNN với người dẫn là nhà phân tích Fareed Zakaria, tướng Martin Dempsey, chủ tịch Bộ tổng tham mưu liên quân Mỹ, nói: "Cho tới khi chúng ta biết rõ họ là ai và họ làm gì, tôi cho rằng còn quá sớm để cung cấp vũ khí cho những người này".
Tại Libya, lực lượng nổi dậy có một trụ sở lớn tại Benghazi - thành trì chống Gadhafi. Trong khi đó, phiến quân Syria không sở hữu bất cứ địa điểm nào như vậy. Họ không kiểm soát được nhiều lãnh thổ.
"Họ tập trung ở những thành trì nhỏ, nơi đang bị pháo kích ngay lúc này", phóng viên CNN Nic Robertson, người đã tới nước này vài tuần trước, cho biết.
Rất nhiều người cho rằng quá mạo hiểm khi ủng hộ và cung cấp vũ khí cho một tổ chức không chắc chắn.
"Cho đến khi phe đối lập ở Syria thực sự thống nhất, giành được uy tín trong mắt của người dân nước này và có được sự phối hợp hiệu quả, quá trình nổi dậy không nên bị đẩy đi quá nhanh", Bilal Y. Saab, một giáo viên tại Viện nghiên cứu quốc tế Monterey, Mỹ, cho biết.


Lực lượng ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad vẫn còn rất đông đảo. Ảnh: AFP
Al-Assad vẫn được ủng hộ
"Ông Al-Assad vẫn đang được 20-30% người dân ủng hộ", phóng viên Robertson nói. "Họ vẫn tin tưởng những thông điệp tuyên chiến với các nhóm khủng bố của ông."
Những người ủng hộ ông al-Assad chủ yếu theo Kito giáo, Alawites, người Shiite. Trong khi phần lớn thành viên của lực lượng nổi dậy là người Hồi giáo Sunni.
"Thông điệp của ông Assad có nội dung: "Các bạn chỉ có thể an toàn khi đứng về phía tôi. Những người Sunni, nếu có sức mạnh, sẽ ép bạn từ bỏ gia đình và công việc của mình", Robertson cho biết thêm.
Điều quan trọng nhất, là ông al-Assad vẫn có được sự ủng hộ của quân đội Syria. Tổ chức này mạnh mẽ hơn, được trang bị quân sự tốt hơn và thống nhất hơn lực lượng quân đội nổi dậy.
Tất cả những điều này khiến việc can thiệp quân sự trở nên vô cùng khó khăn.
"Như những gì chúng ta đã thấy ở Damacus và Aleppo, hầu hết các nhà thờ, trường học và lực lượng vũ trang đều ủng hộ ông Assad. Chúng ta có thể mắc sai lầm khi đánh giá thấp nguy cơ của một cuộc chiến tranh toàn diện, bao gồm những cuộc xung đột sắc tộc đẫm máu và cuộc chiến của các bộ lạc", ông Ed Husain, nhà nghiên cứu Trung Đông tại Ủy ban quan hệ quốc tế, Mỹ, cho biết.

Trở ngại địa lý
Những lo ngại về mặt địa lý phải được tính tới khi xem xét khả năng can thiệp quân sự ở Syria. Trường hợp của Libya vào năm ngoái khá đơn giản. Phần lớn các mục tiêu tấn công đều gần với bờ biển Địa Trung Hải và căn cứ không quân của NATO ở Italy. Libya có bờ biển dài hơn rất nhiều so với Syria.
Không những thế, các quốc gia láng giềng của Syria có thể sẽ không đủ khả năng chứa vật tư, quân đội hay thiết bị hậu cần cho một cuộc chiến. Địa hình cũng là vấn đề cần quan tâm. Syria có nhiều núi đồi hơn Libya, và sẽ khiến khả năng chiến đấu của quân đội giảm sút đi nhiều lần.

Khả năng sử dụng lệnh trừng phạt
Phía Mỹ không loại bỏ bất cứ lựa chọn nào khỏi bàn đàm phán, tuy nhiên nước này hiện vẫn cam kết kiểm soát chặt chẽ các lệnh trừng phạt, đồng thời không vội trang bị quân sự cho phe đối lập.
Susan Rice, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, cho biết: "Chúng tôi hoàn toàn không muốn khơi mào một cuộc nội chiến". Bà Rice cho rằng, chế độ al-Assad đã xuất hiện những dấu hiệu rệu rã, và "áp lực đang gia tăng, nền kinh tế đang đang dần gục gã". Bà cũng bày tỏ niềm hy vọng, những trở ngại kinh tế này sẽ tác động tới người dân Syria, bao gồm cả lực lượng nổi dậy, cùng chống lại chính phủ của ông al-Assad.
"Tôi tin rằng, vấn đề mấu chốt là sự cân bằng giữa các lực lượng bên trong Syria", ông Fawaz Gerges, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Đông, Trường kinh tế London, nói.
Vấn đề kinh tế sẽ trở thành một trở ngại lớn cho chính phủ Syria.
Fareed Zakaria cho rằng: "Cuối cùng, Syria sẽ phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt tiền mặt. Và câu hỏi đặt ra là, liệu những gì sẽ xảy ra sau đó? Làm sao một chế độ có thể vượt quá những lệnh trừng phạt cũng như áp lực quốc tế. Nguồn viện trợ duy nhất lúc này của họ là Iran. Nhưng hiện tại, Iran cũng đang phải đối mặt với những vấn đề của riêng họ."
Dù sao, câu hỏi quan trọng được đặt ra lúc này là, người dân Syria sẽ phải chờ bao lâu nữa? Khi con số thương vong không ngừng tăng lên, thì số lệnh trừng phạt là bao nhiêu mới đủ?
"Hôm nay, số người thiệt mạng đã sắp lên tới 8.000", một thủ lĩnh phe nổi dậy Syria cho biết hồi tuần trước. "Bao giờ mới tới thời điểm để thế giới cứu chúng tôi? Không lẽ vẫn còn những chọn lựa khác chưa được tính đến hay sao?"
Quỳnh Hoa

Không có nhận xét nào: