Pages

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Chấn chỉnh Đảng, bắt đầu từ những… khẩu hiệu

Đào Tuấn
“Cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng lần này cũng vậy, sẽ chỉ là “khẩu hiệu” nếu không được bắt đầu sự “gội đầu” – chứ không phải là sự gương mẫu mang tính chất “khẩu hiệu”, “hình thức”- của người đứng đầu các tổ chức, cơ sở Đảng”
Tháng 8-2011, nhà báo Trương Duy Nhất lần đầu phát hiện khi về làm việc với các bộ ngành và địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không để cho họ căng khẩu hiệu “nhiệt liệt chào mừng” mình.
Dù TBT không hô hào, chém gió, không một lời về câu chuyện “nhiệt liệt chào mừng”, nhưng 1 tháng sau đó, Ban Bí Thư có công văn yêu cầu các cấp ủy và tổ chức đảng tiếp tục tổ chức thực hiện Quy định 60 của Bộ chính trị và quy chế làm việc của Ban chấp hành trung ương về chế độ đi công tác cơ sở, dự hội nghị, lễ kỷ niệm, lễ hội của các ngành, địa phương, đơn vị và tiếp khách quốc tế.

5 tháng tiếp sau, ngày 17-2-2012, Văn phòng TƯ Đảng có công văn 2430 nhắc lại yêu cầu: Khi các đồng chí lãnh đạo đảng và nhà nước đến thăm và làm việc với địa phương đơn vị, không được treo khẩu hiệu “nhiệt liệt chào mừng…” ở ngoài và trong nơi làm việc của lãnh đạo với địa phương, đơn vị.
Văn bản nhấn mạnh “Việc này cần phải được thực hiện thống nhất và thực hiện ngay trong toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở”.
“Nhiệt liệt chào mừng” bảo nhỏ, thì chỉ là chuyện treo hay không treo khẩu hiệu, chỉ là “chuyện hình thức” rềnh rang, phô trương. Nhưng nói lớn, thì đó lại là câu chuyện “nghi lễ” không được phép tồn tại trong các cuộc làm việc, sinh hoạt nội bộ một đảng, dù là đảng cầm quyền. Bởi những tấm khẩu hiệu “Nhiệt liệt chào mừng” chứa đầy sự quan cách, xu nịnh, chứa đầy khoảng cách cấp trên- cấp dưới; quan chức- nhân dân; đảng viên- quần chúng. Và rất có thể, từ những khẩu hiệu tưởng là trời ơi đất hỡi này, các đảng viên- cán bộ mất cảnh giác trước cám dỗ về danh lợi.
Nghị quyết TƯ 4 không bắt nguồn từ câu chuyện chấm dứt “nhiệt liệt chào mừng”. Nhưng việc bỏ khẩu hiệu đã bắt đầu và được thực hiện quyết liệt từ người lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Hôm qua, tại Hội nghị toàn quốc triển khai NQ TƯ 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra vấn đề “Nêu cao tính tiền phong và gương mẫu của cấp trên” trong giải pháp tự phê bình và phê bình, một trong 4 nhóm giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
“Những việc cần làm ngay là từng cán bộ, đảng viên, trước hết là từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tự giác, gương mẫu, tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình; cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình; cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn chủ nghĩa cá nhân ích kỷ”- TBT nói. Ông cũng yêu cầu: “Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giải quyết từng vấn đề cấp bách, những việc cần làm ngay, xác định rõ nội dung, thời gian hoàn thành và người chịu trách nhiệm cụ thể. Nghiêm túc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; đẩy mạnh phòng, chống tham những, lãng phí; xử lý dứt điểm một số vụ việc mà dư luận quan tâm. Cần đặc biệt chú ý chuẩn bị và tiến hành tốt việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao; giữ gìn đạo đức lối sống của bản thân và của người thân trong gia đình”.
Nguyên TBT Lê Khả Phiêu trong bài trả lời phỏng vấn báo chí ngày hôm qua, lần xuất hiện thứ 3 của ông trên các phương tiện truyền thông kể từ sau NQ TƯ 4- cũng đã cho rằng: Bệnh đã chẩn. Thuốc đã bốc. Nhưng thuốc kê giải bệnh phải uống để chỉnh đốn Đảng không phải là khẩu hiệu… vai trò tiên phong “uống thuốc giải bệnh” phải là Bộ Chính trị, cần sinh hoạt dân chủ, thẳng thắn tự phê bình và phê bình những yếu kém, tồn tại để làm gương cho cấp dưới. “Đã tắm thì phải biết gội đầu”- ông nói.
Có thể câu chuyện bỏ khẩu hiệu “nhiệt liệt chào mừng” chỉ là nhỏ so với việc lớn là xây dựng chỉnh đốn đảng, nhưng rất rõ ràng là người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã đóng vai trò tiên phong, gương mẫu. Cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng lần này cũng vậy, sẽ chỉ là “khẩu hiệu” nếu không được bắt đầu sự “gội đầu” – chứ không phải là sự gương mẫu mang tính chất “khẩu hiệu”, “hình thức”- của người đứng đầu các tổ chức, cơ sở Đảng.
Theo: Blog ĐT

Không có nhận xét nào: