Pages

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Dân có quyền đuổi những công bộc hư hỏng

GS.Tương Lai

(Bài đăng báo Lao Động ngày 8.2.2012–Tòa soạn có cắt bỏ một số đoạn)
Từ “sự kiện Tiên Lãng”, hơn lúc nào hết cần nhắc lại lời Bác Hồ : “Chính phủ Cộng hòa dân chủ là gì? Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải để thăng quan phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”.*
Vậy thì các đày tớ của dân trong vụ cưỡng chế đất đai và tài sản của công dân Đoàn Văn Vươn và gia đình của “công dân ngụ cư” này như thế nào. Báo chí đã đưa quá đủ thông tin về sự tiền hậu bất nhất trong những lời tuyên bố của các “công bộc” của dân từ thành phố đến huyện đến xã tại thành phố Cảng ra sao, tưởng cũng không nên tốn giấy nhắc lại nữa.

Giám đốc Đỗ Hữu Ca (đứng ngoài cùng bên trái–CA TP Hải Phòng) trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường.
Chỉ xin chép ra đây nguyên văn lời của đại tá Giám đốc CA Hải Phòng, người chỉ huy cuộc cưỡng chế cũng đủ để thẩm định về cách “đày tớ” phục vụ “dân” đắc lực như thế nào :
“Vụ việc hôm ấy tuy bắt không được đối tượng nhưng trấn áp được đối tượng. Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này. Một là anh em cơ động dùng thuyền để tiếp cận là chưa bao giờ có trong giáo án, đã phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp sát mục tiêu đấy. Đánh mũi trực diện nghi binh ra làm sao. Rồi là tác chiến vòng ngoài, vòng trong thế nào. Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách” (trích VOV.VN).
“Sách” này sẽ dạy cho ai đây? Cho các cán bộ chiến sĩ CA dưới quyền ông, những người mà Bác Hồ dặn là phải “kính trọng và lễ phép” với dân sao. Nên nhớ cho là “…trước hôm cưỡng chế, ông Vươn đã mang toàn bộ giấy tờ, văn bản tới nhà bạn ở trong xã ngủ. Sáng sớm, khi vụ cưỡng chế diễn ra, ông không có mặt ở khu đầm mà vẫn tới kêu với cơ quan chính quyền, Viện Kiểm sát. Khi tới Viện KSND thành phố thì ông bị bắt.” ** Và rồi, “Khi được hỏi tại sao căn nhà hai tầng của ông Đoàn Văn Quý tại khu đầm không nằm trong phần diện tích 19,3 ha mà huyện cưỡng chế thu hồi nhưng đã bị san phẳng, phải chăng huyện đã cưỡng chế nhầm, ông Hiền, Chủ tịch Huyện Tiên Lãng thừa nhận ngôi nhà bị phá sập nằm trong phần diện tích đầm chưa bị cưỡng chế nhưng là nơi chủ đầm tấn công lực lượng cưỡng chế. Theo ông Hiền, lúc đó căn nhà bị đập là “áp dụng các biện pháp…”.
Giáo sư Hoàng Xuân Phú, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong bài “Nhân vụ Tiên Lãng, bàn về công vụ” đã đặt những vấn đề mà những “công bộc của dân” ở Hải Phòng đang lẩn tránh :
Quyết định thu hồi đất một nơi, lực lượng cưỡng chế lại tiến vào hành sự trên một mảnh đất khác, hoàn toàn không nằm trong khu vực bị thu hồi, và đập phá nhà dân trên diện tích ấy. Đó là xâm phạm và phá hoại tài sản hợp pháp của công dân. Không chỉ phá hoại, một khi người tham gia cưỡng chế đã vơ vét đồ đạc, Xã đội phó cuỗm cả cái ổn áp, thì phải gọi là cướp bóc. Chẳng nhẽ công vụ là vậy sao? Nếu người nhà ông Vươn đuổi theo vị Xã đội phó và giật lại cái ổn áp, thì sẽ bị buộc cho tội chống người thi hành công vụ chăng? Khi xảy ra đụng độ, bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) và bà Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) đứng trên đê, từ xa nhìn lại. Vậy mà hai người phụ nữ yếu ớt ấy lại bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ.
Giáo sư Phú đặt tiếp câu hỏi : Nếu lực lượng cưỡng chế chỉ tới diện tích 19,3 ha ghi trong Quyết định thu hồi số 461/QĐ-UBND và Quyết định cưỡng chế số 3307/QĐ-UBND, không tùy tiện tiến vào khu vực 21 ha mà quyền quản lý và sử dụng hợp pháp hoàn toàn thuộc về anh em họ Đoàn, không tiếp cận ngôi nhà của ông Quý, thì mìn đã không nổ, súng đã không bắn và do đó không có ai bị thương cả. Vậy thì, nói cho cùng, ai mới là người phải chịu trách nhiệm về việc 4 cán bộ, chiến sĩ công an và 2 cán bộ quân đội bị thương? Nếu có tội giết người trong vụ này, thì ai mới là người phải chịu tội ấy?
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, một chuyên gia am hiểu sâu sắc về luật đất đai, thì chỉ ra rất rành mạch : “Có thể coi sự việc vừa qua ở Tiên Lãng là đỉnh điểm của những bất cập về cả luật đất đai và việc thực thi pháp luật ở các cấp địa phương. Một người nông dân tốt, thuần chất, ham lao động mà phải bảo vệ quyền lợi đất đai của mình bằng vũ khí tự tạo thì quả là cùng cực. Con người ai cũng tin vào công lý và tin vào công lý đó được pháp luật bảo vệ. Những người nông dân khai phá đất nuôi thủy sản ở Tiên Lãng chắc chắn cũng tin như vậy. Rồi tới tòa án, nơi rất công bằng, mà những chân lý giản dị như họ tự hiểu cũng vẫn không nhìn thấy. Họ phải tự quyết liệt một mình trong vô vọng”.
Không chỉ giới khoa học lên tiếng, nhiều nhà lãnh đạo, tướng lĩnh, đại biểu Quốc hội, các chính khách có tên tuổi đã kịp thời tỏ thai độ rất minh bạch và công khai, xem đây là một “tổn thất chính trị” không chỉ của Hải Phòng. Xin chỉ dẫn ra đây sự phân tích của Cựu Chủ tịch Nước :
“Thứ nhất, nếu Đoàn Văn Vươn là một người lương thiện được người dân địa phương quý mến, thì lý do gì khiến anh ta phải có hành vi tiêu cực như vậy? Điều này cần khẩn trương làm rõ”. “Thứ hai, tại sao sự việc lại để kéo dài nhiều năm, tại sao có sai sót mà không quản lý được, phải chăng chính quyền địa phương có sự buông lỏng quản lý?”.“Mặt khác, việc cơ quan công an tiến hành cưỡng chế mà không có sự kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để nảy sinh phức tạp cũng là một thiếu sót. Nếu mình làm được tốt thì những hành vi chống trả lực lượng chức năng đã không xảy ra”.
Thế nhưng, các “công bộc” của dân ở Hải phòng đã tiếp thu như thế nào?
Xin dẫn lại đây lời ông Trưởng ban Tuyên Giáo Huyện ủy Tiên Lãng dõng dạc tuyên bố với 300 đảng viên của Thị trấn Tiên Lãng vào sáng ngày 3.2.2012, đúng ngày kỷ niệm 82 năm thành lập Đảng như sau : “Qua việc thông tin về vụ cưỡng chế thu hồi đất hết thời hạn của ông Đoàn Văn Vương, đề nghị các cán bộ đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức trách nhiệm, thống nhất về mặt tư tưởng bình tưởng tin tưởng sự lãnh đạo của huyện ủy, sự chỉ đạo điều hành của UBND và cơ quan chức năng giải thích theo thông báo như trên đây. Rất mong các đồng chí là đảng viên của huyện giữ vững lập trường”.
“Lập trường” của các “công bộc “ của dân trong “Sự kiện Tiên Lãng” nên hiểu là “lập trường của ai”? Xin nhắc lại lời của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi nghe báo cáo về “Sự kiện Thái Bình” năm 1997 đã uốn nắn lại tác giả của “Báo cáo” đó khi nói rằng : “Ở đây không hề có chuyện “địch ta”, ở đây chỉ là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân”. Ông nghiêm khắc chỉ ra : “Đây là mâu thuẫn giữa một bên là những người cầm quyền hư hỏng, thoái hóa biến chất đè nén, áp bức để dân không còn chịu được nữa, và bên kia là người dân phải vùng dậy đấu tranh. Có phân tích như vậy mới tìm ra được giải pháp đúng”!
Quả là một nhận định thật tường minh và chuẩn xác về mối quan hệ giữa “đày tớ” và “ông chủ”. Không hiểu cái “chính phủ địa phương Hải Phòng” nghĩ thế nào về sự khẳng định đó và ngẫm nghĩ ra sao về lời cảnh báo của Bác Hồ cách đây 65 năm : “ Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”.
___________________
* Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập 5. NXBCTQG. Hà Nội..1995, tr.60
** ‘Ngôi nhà xảy ra nổ súng có thể nằm ngoài đất cưỡng chế‘ của VnExpress

Không có nhận xét nào: