Hình: Reuters |
Iran là một nhà nước độc đáo, không giống ai. Đó là nhà nước- giáo quyền độc đoán toàn trị theo đạo Hồi, được coi là quốc giáo. Hiện nay lãnh đạo tối cao của Iran là Ayatollah (giáo chủ) Ali Khamenei,73 tuổi, được Hội đồng Chuyên gia của giáo hội gồm 86 chức sắc cao nhất bầu tháng 7-1989; Hội đồng này cứ 8 năm được bầu lại một lần. Trước đó ông Ali Khamenei là tổng thống dân chủ đầu tiên sau khi lật đổ Vua Reza Palavi đầu năm 1979 và sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 1-4-1979 lập nên nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Theo Hiến pháp năm 1979, lãnh đạo tối cao đồng thời là tổng tư lệnh lục hải không quân, chỉ đạo bộ máy an ninh quốc gia, là người duy nhất quyết định hòa bình và chiến tranh, còn có quyền chỉ định chánh án ngành tư pháp, các viên chức đầu ngành truyền thanh, vô tuyến truyền hình quốc gia, tư lệnh cảnh sát. Tổng thống hiện nay là ông Mahmoud Ahmadinejad được bầu năm 2005, tái cử năm 2009, thay cho ông Mohammad Khatami. Ông Khatami từng nổi tiếng là một nhà chính trị dân chủ, cởi mở theo hướng xã hội công dân, thị trường tự do, còn ông Ahmadinejad theo đường lối bảo thủ, cứng rắn, làm cho quan hệ với Hoa Kỳ xấu đi, quan hệ với Israel rất căng thẳng, đặc biệt là từ 2 năm nay, khi kinh tế khó khăn.
Vấn đề bột phát trong quan hệ giữa Iran với Israel là vấn đề sản xuất vũ khí hạt nhân của Iran. Phía Iran luôn luôn khẳng định là chỉ phát triển năng lượng hạt nhân cho mục tiêu hòa bình, luôn luôn cam kết sẽ không sản xuất mọi thứ vũ khí sát thương hàng loạt.
Nhưng thực tế quan sát cho thấy Iran rất quan tâm nghiên cứu, sưu tầm, tìm hiểu, do thám, mua lén với giá cao những thiết bị kỹ thuật, kinh nghiệm, kiến thức liên quan đến vũ khí hạt nhân. Có thể Iran đã sản xuất được một vài cốt lõi nhỏ theo mô hình bom nguyên tử, và đang cố hoàn thiện. Hiện Iran đang ở trước ngưỡng cửa có tính chất quyết định: chế tạo ra quả bom A có sức công phá như những quả bom Hoa Kỳ đã thả xuống Nhật Bản tháng 8 năm 1945. Một số nhà báo và chuyên gia tình báo phương Tây cho rằng ngưỡng cửa ấy là năm 2012, chậm lắm là năm 2013. Hầu hêt các quốc gia phương Tây và nhiều nước thuộc khối A-rập tin rằng phải chặn trước khả năng này của Iran, nếu không sẽ là thảm họa cho cả nhân loại.
Không ảnh cho thấy có nhiều cơ sở thí nghiệm mọc lên hàng loạt trong vùng rừng núi rất hiểm trở, với nhiều hầm ngầm. Từ 2.000 máy ly tâm lớn đắt tiền, Iran đang dùng đến 8.000 máy với công xuất và thời gian sử dụng cao.
Thỉnh thoảng sau khi thanh minh là không hề có ý định sản xuất vũ khí hạt nhân, một số lãnh đạo ở Tehran lại lên giọng úp úp mở mở rằng mỗi nước có chủ quyền thiêng liêng, tự do làm mọi chuyện trên đất nước mình, không ai được nhòm ngó, can thiệp, cấm đoán. Ngày 3-1-2012, tướng Ataollah Salehi, tổng tư lệnh quân đội Iran, dưới quyền Lãnh đạo Tối cao Ali Khamenei, trong trả lời phỏng vấn của báo Đức, huênh hoang tuyên bố “Iran sẽ tiêu diệt Israel trong 11 ngày”.
Ai cũng biết Israel tuy chỉ có 8 triệu dân nhưng toàn xã hội theo tác phong quân sự chặt chẽ, vũ khí rất hiện đại, có vũ khí nguyên tử chiến thuật, lại rất thiện chiến. Và Israel liên minh chặt chẽ toàn diện với Hoa Kỳ, cường quốc quân sự số 1 của thế giới, và với các nước dân chủ khác.
Điều gì làm cho Iran trở nên hung hăng táo tợn? Có nhiều nguyên nhân. Trước hết là nguyên nhân lịch sử. Iran, trước đây thường được gọi là Ba Tư, do phiên âm tiếng Trung Hoa của chữ “Perse”, là một vương quốc thống nhất lớn, hình thành từ thế kỷ thứ VII trước Công nguyên. Iran theo chế độ quân chủ lập hiến từ năm 1906, đến năm 1953 trở lại quân chủ chuyên chế của dòng họ Vua (Shah) Palavi. Đến năm 1979 cuộc cách mạng dân chủ lật đổ triều đại Palavi, lập ra nước cộng hòa Hồi giáo, thực tế là một nhà nước giáo quyền chuyên chế, theo phái Hồi giáo Shia, thống nhất tiếng nói Iran.
Iran rất rộng lớn, diện tích hơn 1,6 triệu km2, bằng các nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Đức cộng lại. Dân số gần 80 triệu, gần bằng dân số Việt Nam.
Iran có vị trí địa lý đặc biệt, ở giữa vùng Trung Đông, lại nằm ngay trung tâm lục địa Âu - Á, ở ngã tư giao thông quốc tế. Iran có cả một nền văn minh cổ sớm phát triển rực rỡ một thời về văn học, triết lý, toán học, chiêm tinh, hàng hải…Dân tộc Iran đã qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài với nhiều võ công hiển hách, chống xâm lược Hy Lạp, La Mã, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mông Cổ.
Từ tự hào, hãnh diện dẫn đến kiêu ngạo, liều lĩnh, có thể thành mù quáng. Nhất là gần đây uy tín của chế độ xuống thấp do sự Thức tỉnh Hồi giáo của cuộc nổi dậy A-rập mang lại, dội mạnh vào Iran, làm lung lay quyền uy tuyệt đối của Lãnh đạo Tối cao Ali Khamenei và của tổng thống bảo thủ Mahmoud Ahmadinejad. Cuộc bầu lại tổng thống năm nay vào tháng 3 tới sẽ có nhiều bất ngờ theo dự đoán của chính dư luận Iran. Thanh niên Iran, sinh viên Tehran khao khát tự do theo dõi rất sát tình hình Bắc Phi và Trung Đông, muốn có báo chí, truyền thanh và truyền hình phong phú, cởi mở, tự do.
Cũng cần biết Iran coi Israel là kẻ tử thù, chưa bao giờ công nhận nước này, và hiện vẫn không có quan hệ ngoại giao chính thức với Hoa Kỳ. Giới Hồi giáo bảo thủ oán hận Hoa Kỳ đã tiếp sức cho cuộc cách mạng dân chủ 1979 lật đổ triều đại Palavi,
Israel luôn có quan hệ căng thẳng với các nước láng giềng A-rập, công khai coi các nước Lebanon, Syria, Saudi Arabia, Iraq, Yemen và Iran là quốc gia thù địch, cấm công dân mình đến. Ở Israel, báo chí cánh hữu công khai bàn luận việc nên sớm tiến công Iran nếu không sẽ là quá muộn. Họ phỏng đoán sẽ là cuộc đột kích táo bạo chớp nhoáng, bất ngờ, ồ ạt không cho đối phương trở tay, một cuộc tiến công như phẫu thuật chính xác, không gây thiệt hại cho dân thường, đồng thời đưa cánh đổi mới của ông Mohammad Khatami được trí thức thanh niên quý trọng trở lại cầm quyền, mang mùa Xuân đến.
Cuộc tiến công chớp nhoáng còn là cuộc chiến tranh trên mạng truyền thông internet cực nhạy, bịt mắt, bịt tai, nhiễu loạn hệ thống chỉ huy và lãnh đạo, tung tin hỏa mù, chia cắt cô lập từng khu vực của đối phương.Một đặc điểm của chiến trường là 2 nước không chung biên giới, lại cách nhau rất xa, khoảng 1.200 km. Phía nào sẽ là chiến trường chính? Không quân, trực thăng, tên lửa, quân đột kích nhảy dù, biệt kích, đặc công sẽ chiếm vị trí nổi bật. Yếu tố thời gian, phỏng chừng bao lâu? Một tuần? một tháng? chưa ai biết. Nhưng sẽ không thể kéo dài, như cuộc chiến tranh Iran - Iraq suốt 8 năm, chết hơn 1 triệu nhân mạng đôi bên.
Chiến tranh hiện đại giữa 2 nước còn là đòn cân não. Có lúc tưởng như nổ ra ngày một, ngày hai. Thời gian gần đây lại bớt căng. Tổng thống Obama ngày cuối năm 2011 đưa ra đòn hiểm, đánh vào khối tiền thu nhập dầu khí của Iran trong các ngân hàng quốc tế. Cả cộng đồng quốc tế phong tỏa chặt mọi ngân khoản thu chi xuất nhập của Iran. Iran cay cú dọa là giá dầu sẽ vọt lên gấp đôi. Nhưng suốt 1 tháng giá dầu chỉ nhích 4%. Đòn hiểm bắt đầu ngấm. Sau khi nhà quân sự cao nhất dọa “tiêu diệt Israel trong 11 ngày", nhà ngoại giao cao nhất - Ngoại trưởng Akbar Salehi xuống hẳn giọng, nói với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đang có mặt ở Tehran rằng “chúng tôi sẵn sàng trở lại bàn hội nghị để thảo luận về chương trình hạt nhân của Iran”.
Mềm, cứng, nóng, lạnh, bắt tay rồi dọa tiêu diệt nhau, mỉm cười rồi gầm gừ…giữa 2 nước xung khắc nhau về bản chất sẽ còn tiếp diễn. Cần cảnh giác. Kẻ yếu có khi nghĩ liều mạng cũng có thể là thế mạnh.
Một điều chắc chắn là loài người tiến bộ văn minh quyết không thể để cho một chế độ toàn trị - như Iran ở Trung Đông hay Bắc Triều Tiên ở Đông Á, nắm trong tay vũ khí hạt nhân tử sát thương hàng loạt nhằm thao túng nền an ninh khu vực và thế giới.
Bùi Tín Blog.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét