Pages

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

Hội nghị Trung ương 4 – sự kiện Đoàn Văn Vươn và vấn đề sửa đổi Hiến pháp

Nguyễn Trung

Lời nói đầu: Ba vấn đề lớn nêu trong tựa đề của bài viết này liên quan mật thiết với nhau và đều cấp bách. Song đề cập cả ba vấn đề này trong một bài viết là việc khó và quá lớn, do đó dưới đây chỉ xin nêu ra một số ý kiến sơ khởi ban đầu.
1
Hội nghị Trung ương 4 đã dành sự quan tâm lớn cho những vấn đề nóng bỏng nhất về phẩm chất và năng lực của Đảng, quyết định ban hành nghị quyết ”Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay“. Bế mạc hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo những yếu kém của Đảng[1] thách thức sự tồn vong của Đảng và chế độ chính trị.
Để có cái nhìn bao quát, xin điểm lại các đánh giá của các Đại hội Đảng toàn quốc kể từ khi tiến hành đổi mới (bắt đầu từ Đại hội VI, năm 1986):
Báo cáo chính trị Đại hội VII (6-1991) nhận định: Dân chủ trong Đảng còn hạn chế, kỷ luật không nghiêm, một số nơi mất đoàn kết nghiêm trọng. Có những quy định trong Điều lệ Đảng, trong các quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương và các cấp uỷ không được chấp hành nghiêm túc. Hiện tượng cán bộ lãnh đạo độc đoán, mệnh lệnh, trù dập, ức hiếp quần chúng còn xảy ra ở một số nơi, có khi rất trắng trợn. Nhiều đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, một bộ phận đã tha hoá, tham nhũng, xa dân, làm giảm sút nghiêm trọng uy tín của Đảng…”

Báo cáo chính trị Đại hội VIII (6-1996) viết: “Trong quá trình đổi nới đất nước, Đảng phải nghiêm túc xem xét những sai lầm, khuyết điềm và yếu kém, đổi mới và chỉnh đốn Đảng, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo…”
Báo cáo tại Đại hội IX (04-2001) viết: “…Nạn tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, kéo dài gây bất bình trong nhân dân và là một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta… Từ Đại hội VIII đến nay, Đảng đã có nhiều cố gắng tiến hành nhiệm vụ then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng… Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) đã ra Nghị quyết về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng; mở cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tiến hành tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng…”
Sau khi nêu lên những biểu hiện sa sút trầm trọng ngày càng tăng lên trong Đảng, Báo cáo về xây dựng Đảng tại Đại hội X (04-2006) kết luận: “…Thoái hóa biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đảy lùi, nhất là trong các cơ quan công quyền, các lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý doanh nghiệp nhà nước và quản lý tài chính, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ.”
Cũng với tinh thần phê hán nêu trên, Đại hội XI (1-2011), đi tới kết luận: “Tình trạng suy thoái về chính trị tư tưởng, đao đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước…”
Như vậy, nhiệm vụ chỉnh đốn, xây dựng Đảng được tất cả các Đại hội Đảng toàn quốc coi là nhiệm vụ then chốt, không bao giờ sao nhãng.
Tuy nhiên, thực tế 26 năm qua cho thấy: Đất nước càng phát triển càng phải đương đầu với nhiều vấn đề mới và khó, nhưng lại xuất hiện tình trạng phẩm chất chính trị của Đảng ở Đại hội sau liên tục giảm sút so với đại hội trước, những yếu kém và và xu thế tha hóa trong Đảng ngày càng tăng lên. Khoảng cách ngày càng rộng ra như vậy giữa một bên là đất nước và một bên là Đảng sẽ đưa đất nước đi về đâu?
Nhìn lại, chỉ có thể kết luận: Mọi nỗ lực trong chấn chỉnh và đổi mới xây dựng Đảng với nội dung và cách làm như suốt 26 năm không đem lại hiệu quả, 10 năm trước đổi mới còn vướng vấn đề Campuchia và chiến tranh Trung Quốc đánh biên giới phía Bắc nên không tính.
Nhìn thẳng vào sự thật, sẽ thấy đất nước đang đứng trước nhiều thách thức lớn, nan giải. Cụ thể là:
(a) chu kỳ các cuộc khủng hoảng kinh tế của nước ta có xu hướng ngày càng ngắn lại (1997, 2007, 2008-2011) – cuộc khủng hoảng hiện nay là trầm trọng nhất và kéo dài nhất, chỉ số ICOR liên tiếp 10 năm gần đây cao nhất châu Á cho thấy chất lượng tăng trưởng kinh tế nước ta ngày càng thấp, những ách tắc ngày càng nhiều… Tất cả nói lên tình trạng khủng hoảng cơ cấu sâu sắc của nền kinh tế, không thể hình dung trong vòng 8 năm tới – vào năm 2020, làm thế nào nước ta có thể cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại;
(b) khoảng cách tụt hậu của nước ta tiếp tục doãng ra so với hầu hết mọi đối tác và đối thủ, mặc dù nước ta đã nỗ lực rất lớn và phải trả giá đắt cho sự phát triển 25 năm qua;
(c) cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội toàn diện đang diễn ra trong nước ta hiện nay đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với an ninh và sức mạnh quốc gia;
(d) đứng trước những đòi hỏi phải chuyển đất nước vào thời kỳ phát triển mới bền vững trong bối cảnh quốc tế mới Đảng vẫn chưa để ra được chiến lược và quyết sách thuyết phục;
(e) tầm nhìn, bản lĩnh và phẩm chất của đội ngũ lãnh đạo đất nước ở các cấp nhìn chung ngày càng đuối tầm so với nhiệm vụ đất nước đặt ra;
(f) vân vân…
Nhìn thẳng vào sự thật như thế, sẽ có thể nêu ra 6 nhận xét:
1. Từ sau Đại hội VI, Đảng ngày càng tỏ ra bất cập toàn diện so với những đòi hỏi phát triển ngày một lớn của đất nước. Từ hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây (IX và X) cơ hội và nguồn lực đất nước có được rất lớn, song lại cũng là thời kỳ đất nước khủng hoảng sâu sắc nhiều mặt, kéo dài, và ngày càng có nhiều bất cập lớn.
2. Thiết kế và sự vận hành trên thực tế của hệ thống chính trị hiện nay lộ rõ những đặc điểm là: (a) không thực hiện đầy đủ với tất cả tính ràng buộc các quyền tự do dân chủ của dân đã ghi trong Hiến pháp, (b) nhân danh sự thống nhất quyền lực của hệ thống chính trị, trên thực tế quyền lực Đảng và quyền lực nhà nước quyện lại làm một, qua đó quyền lực Đảng trở thành “nhà nước” đích thực và là tối thượng, Đảng quyết định tất cả nhưng không phải chịu trách nhiệm gì, (c) con người và các tổ chức của nhà nước, của xã hội và trong bộ phận kinh tế giường cột của đất nước về nhiều mặt là công cụ trực tiếp hoặc gián tiếp của Đảng, đời sống nhiều mặt của đất nước bị đảng hóa nghiêm trọng… Thực tế này làm suy yếu Đảng trầm trọng, vô hiệu hóa toàn bộ nỗ lực chỉnh đốn và đổi mới xây dựng Đảng, kìm hãm sự phát triển của đất nước.
3. Ở vào đỉnh cao nhất của quyền lực, song hiện nay Đảng đang lâm vào thời kỳ suy thoái nghiêm trọng nhất trong toàn bộ lịch sử của mình kể từ khi thành lập. Thực tế này ngày một tích tụ thêm những yếu kém cho đất nước và mầm mống sự biến động nguy hiểm.
4. Sau 15 năm đầu tiên của đổi mới, những thành tựu kinh tế đạt được cùng với những đòi hỏi phát triển mới của đất nước trong tình hình mới, khiến cho từ đấy nhiệm vụ cải cách hệ thống chính trị làm tiền đề cho sự phát triển tiếp theo của đất nước ngày càng trở nên cấp bách. Nhưng trên thực tế 10 năm qua Đảng đã trì hoãn, hiện nay đang tránh né nhiệm vụ này; nguyên nhân chủ yếu là Đảng ngày càng tha hóa và bất cập đối với nhiệm vụ này, nhưng đang được bao biện là phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.
5. Thực tế 37 năm đất nước độc lập thống nhất cho thấy tư duy ý thức hệ đã dẫn tới hệ quả tất yếu đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích quốc gia và tạo ra nhà nước đảng trị; đồng thời tha hóa biến chất Đảng ngày càng trở thành đảng cai trị. Đây là nguyên nhân hàng đầu của khủng hoảng đường lối xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.
6. (a) Sự khủng hoảng về đường lối của Đảng, cùng với (b) sự thiếu vắng hệ thống chính trị thích hợp đất nước đòi hỏi phải có ở giai đoạn phát triển mới, đấy là 2 nguyên nhân trực tiếp và cơ bản kìm hãm sự phát triển năng động của đất nước, đẩy đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện kéo dài hiện nay.
Song cho đến nay chưa thấy bất kỳ ai ở bất kỳ cấp lãnh đạo hay cơ quan nghiên cứu nào của Đảng đưa ra cảnh báo cần thiết về những nguy cơ phát sinh từ đường lối của Đảng, từ hệ thống chính trị hiện hành và những vấn đề nghiêm trọng đang đặt ra đối với đất nước, đối với Đảng. Một số bậc xếp hạng trên thế giới của Việt Nam trong những năm gần đây tụt liên tục. Công ty tư vấn có tiếng Maplecroft, Anh, tháng 11-2011 xếp Việt Nam là một trong 15 nước có rủi ro chính trị cao…
Mọi thành tựu đất nước giành được trong ¼ thế kỷ đổi mới là to lớn, phải được trân trọng, phát huy, để đất nước có lực đi tiếp. Song lấy thành tựu đạt được hay quá khứ vinh quang ngày xưa để thay thế cho sự cảnh báo này và tự ru ngủ, chỉ tiềm tàng thêm nguy cơ mới cho đất nước, cơ hội mới đang đến sẽ có thể vuột mất và đẩy đất nước đứng trước những thách thức lớn hơn.
Vì vậy, nói đến những yếu kém trong chính đốn và đổi mới xây dựng Đảng, không thể chỉ đơn thuần nêu ra suy thoái phẩm chất chính trị và đạo đức của đảng viên, mà trước hết phải nhận thức đầy đủ tình trạng bất cập toàn diện hiện nay so với nhiệm vụ và trách nhiệm của một đảng cầm quyền duy nhất đang nắm trọn quyền lực và vận mệnh quốc gia trong tay.
Phải chăng, vì chưa nhìn thẳng vào sự thật như lẽ ra phải làm, nên 5 kỳ Đại hội toàn quốc đã qua đi, nhưng nhiệm vụ chấn chỉnh và đổi mới xây dựng Đảng vẫn giẫm chân tại chỗ?
Nhìn thẳng vào sự thật như thế, hiển nhiên không thể chấn chỉnh và đổi mới xây dựng Đảng đơn thuần bằng cách kêu gọi đảng viên nâng cao tự phê bình và phê bình, cải tiến các loại công tác đảng vụ, đẩy mạnh việc quản lý đảng viên, đảy mạnh chất vấn, khuếch trương các thành tích học tập chính trị tư tưởng, nghiên cứu lý luận, vân vân… như đã làm suốt 26 năm qua. Sự thật đang diễn ra là: Càng nhiều thành tích về học tập chính trị tư tưởng và công tác lý luận như đã và đang làm, càng nhiều các thành tích về xây dựng Đảng được khuếch trương như nêu trong nhiều báo cáo của Đảng qua các kỳ Đại hội và trên báo chí, mọi suy thoái và yếu kém của Đảng càng ngang nhiên gia tăng.
Nghị quyết số 12-NQ/TƯ của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đề ra nhiều vấn đề cụ thể, chủ yếu liên quan đến đảng viên và tổ chức Đảng cấp cơ sở. Như tên gọi của nghị quyết này, nó mới chỉ đề cập tới một số vấn đề cấp bách hiện nay. Điều đáng chú ý ở đây là các khóa Đại hội trước Đảng cũng đã có những nghị quyết mạnh mẽ và cụ thể về chỉnh đốn và xây dựng Đảng. Nhưng cuộc sống 26 năm qua cho thấy các nghị quyết như vậy vẫn không xoay chuyển được tình hình, có tăng thêm nhiều nghị quyết loại này đến thế nào đi nữa có lẽ cũng vô ích.
Chỉnh đốn và đổi mới xây dựng Đảng với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật như thế tất yếu sẽ là một việc lột xác, rất khó, rất phức tạp, là một trong những nhiệm vụ cốt lõi của đổi mới hay cải cách hệ thống chính trị. Do đó nhiệm vụ này nhất thiết phải được đặt trong khuôn khổ đổi mới hay cải cách hệ thống chính trị. Đã đến lúc phải có một chiến lược duy tân và cải cách toàn diện đất nước. Đây cũng là một món nợ lịch sử của Đảng đối với đất nước; Đảng cần phải chấn chỉnh, đổi mới chính mình thành đảng của dân tộc để trang trải.
2
Luồng không khí nhẹ nhõm chút ít do Hội nghị Trung ương 4 đem lại tan biến rất nhanh khi nổ ra tiếng “súng hoa cải” của Đoàn Văn Vươn chống lại các hành vi cưỡng đoạt của nhà cầm quyền nhân danh thực hiện “sự cưỡng chế theo Luật” để thu hồi đất đai.
Khắp nơi trong cả nước đã có nhiều ý kiến phân tích xác đáng sự kiện này.
Có thể coi sự phản kháng của Đoàn Văn Vươn báo động nấc cao nhất người dân có thể làm gì và sẽ làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ. Đồng thời, sự “cưỡng chế theo luật” ở Cống Rộc – Tiên Lãng – như một mẫu phẩm sinh thiết cắt ra từ cơ thể chính trị của đất nước, tự nó bóc trần những bất cập, yếu kém và thoái hóa trầm trọng của một cấp chính quyền địa phương (huyện – tỉnh, thành phố) với tính cách là một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị nước ta.
Cuộc sống cho thấy một chế độ chính trị dù là ở quốc gia nào, một khi để cho nội tình đất nước diễn biến tới mức chỉ còn nói chuyện được với nhau bằng vũ lực, dù là từ phía người dân hay từ phía chính quyền, chế độ ấy đang hướng tới giờ cáo chung.
Để bào chữa và bảo vệ cho các việc làm sai trái của nhà chức trách dưới cái tên “cưỡng chế theo luật” như đã xảy ra ở Cống Rộc – Tiên Lãng, có thể tùy tiện khai thác đến vô tận rất nhiều “lỗi” nằm ngay trong những bất cập và kẽ hở của hệ thống luật pháp nước ta, nhất là các phần trong Hiến pháp và trong các Luật có liên quan đến vấn đề đất đai, các văn bản dưới Luật… Nhưng xin đừng quên, các “lỗi” như thế là tác phẩm của toàn bộ hệ thống chính trị, nghĩa là người dân chỉ là nạn nhân. Vì vậy, khái niệm “hợp pháp”, hay “phạm pháp” còn phải được xem xét trong bối cảnh người dân bị dồn ép đến mức có lúc họ phải lựa chọn phạm pháp làm giải pháp.
Có thể câu chuyện không liên quan với nhau lắm và mỗi sự việc đều có bối cảnh riêng, song cứ xem xét thuần túy mệnh đề “hợp pháp” và mệnh đề “phạm pháp”, chắc chúng ta có thể hiểu được tiếng bom Sa Điện của liệt sỹ anh hùng Phạm Hồng Thái định ám sát toàn quyền Martial Merlin là hành động chính nghĩa; và đồng thời chúng ta cũng có thể hiểu được vì sao chế độ thực dân Pháp coi hành động của Phạm Hồng Thái là “phạm pháp”; việc chính phủ đô hộ này coi việc kết án ông là “hợp pháp”.
Vì những lý do sinh tử, đất nước ta đang cần có hòa bình, ổn định, song hiển nhiên không phải bằng phương thức dùng lực lượng vũ trang “cưỡng chế theo luật” như đã xảy ra ở Cống Rộc – Tiên Lãng, mà bằng cách gìn giữ lòng tin của người dân đối với chế độ, bằng cách làm cho chế độ trở thành chỗ dựa của từng người dân trong mưu sinh và trong mưu cầu hạnh phúc của họ.
Trong tình hình hệ thống luật pháp còn nhiều “lỗi” của một nhà nước nhận về mình sứ mạng là nhà nước của dân – do dân – vì dân, lẽ ra các công bộc của một nhà nước như thế bắt buộc phải có trách nhiệm và nghĩa vụ bổ khuyết tối đa có thể những gì mà hệ thống pháp luật hiện hành chưa làm được, để giảm thiểu những bất cập, vả để phục vụ lợi ích của dân. Đặt vấn đề như thế, lại xuất hiện thêm câu hỏi: Vụ Cống Rộc – Tiên Lãng phải được xử như thế nào là hợp pháp, nghiêm minh, thấu tình đạt lý, giữ được lòng dân, được chế độ chính trị?
Không thể trốn tránh được sự thật là sự kiện Đoàn Văn Vươn đặt ra một tình huống khó sử cho quốc gia, cho chế độ chính trị: Không xử nghiêm thì loạn, nhưng nghiêm thì phải theo chuẩn mực pháp lý nào, đạo đức nào và đối với đối tượng nào trong thực tế hệ thống chính trị và hệ thống pháp luật của nước ta có quá nhiều “lỗi” như hiện nay?
Như vậy, rõ ràng không thể nói đơn giản “cứ xử lý nghiêm theo pháp luật!” là mọi chuyện sẽ đâu vào đó. Cuộc sống nhiều quốc gia khác cũng không thiếu những tình huống khó xử như thế; và không hiếm khi xảy ra tình trạng cuộc sống đứng ra tự xử theo luật đời, nghĩa là “cùng tắc biến!”.
Cái “cùng tắc biến” như thế sẽ làm thay những gì mà luật pháp hiện hành ở đó không làm được; lợi cho bên này hay cho bên kia, đúng hoặc sai, cái giá phải trả và ai trả? cái kết cục cuối cùng sẽ ra sao? vân vân.., tất cả tùy thuộc vào tương quan lực lượng của các bên tham gia nằm trong cái “cùng tắc biến” như thế và sự diễn biến tiếp theo. Chung cuộc của cái cùng tắc biến như thế, đất nước thường mất nhiều hơn được.
Rồi đây sự kiện Đoàn Văn Vươn sẽ phải đưa ra xử, và xử những ai, chỉ xử một bên, hay xử cả hai bên bao gồm phía Đoàn Văn Vươn và phía những người thực thi “cưỡng chế theo luật”, xử như thế nào… tất cả đều còn đề để ngỏ. Án lệ đồng Nọc Nạn (Bạc Liêu) năm 1928 (xem:http://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%A5_%C3%A1n_N%E1%BB%8Dc_N%E1%BA%A1n#Th.E1.BA.A3m_k.E1.BB.8Bch_.C4.91.E1.BB.93ng_N.E1.BB.8Dc_N.E1.BA.A1n) cho một ví dụ tốt để tham khảo và đối chiếu.
Trong trường hợp đạt được kết quả xử án đúng, nghiêm minh với pháp luật, thấu tình đạt lý, thu phục được nhân tâm, còn phải thực thi nghiêm túc kết quả xử án mới có khả năng cải thiện được tình hình, lập lại trật tự và lấy lại lòng tin của dân. Kể cả một khi làm được như vậy, trước sau vụ án Cống Rộc – Tiên Lãng vẫn còn nguyên vẹn đối với những người lãnh đạo các cấp và toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước, với nghĩa là từ sự kiện này phải rút ra được những kết luận gì, phải thực hiện những thay đổi nào khả dĩ phòng ngừa được các “sự kiện Đoàn Văn Vươn” mới trong tương lai. Chắc chắn sẽ có nhiều rác rưởi của vụ này phải hót tiếp. Những rác rưởi và những khuyết tật trong toàn bộ hệ thống chính trị cũng như trong hệ thống luật pháp có thể phát hiện ra được qua vụ án này sẽ đặt ra nhiều việc phải làm. Cao xa hơn nữa, giải quyết đúng đắn sự kiện Đoàn Văn Vươn, sẽ tạo ra cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước cơ hội thúc đảy thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI; cơ hội này cần được tận dụng cho khởi xướng cải cách hệ thống chính trị của đất nước.
Trong trường hợp sự kiện Đoàn Văn Vươn không được xử lý trọn vẹn như trình bày trên, sớm muộn sẽ dẫn tới những bùng nổ nguy hiểm mới, lúc nào đó luật đời sẽ đứng ra tự xử theo cái lẽ “cùng tắc biến”.
Rồi đây, theo Luật Đất đai, trong cả nước quyền sử dụng ruộng đất được giao sẽ hết hạn năm 2013. Sự nghiệp phát triển đất nước sẽ còn đòi hỏi rất nhiều đất đai cho xây dựng kết cấu hạ tầng, xúc tiến đô thị hóa, công nghiệp hóa… Vân vân và vân vân… Đường lối chính sách và hệ thống chính trị phải như thế nào để tránh cho đất nước kết cục là tình trạng luật đờisẽ đứng ra tự xử mọi việc.
Một khía cạnh khác:
Cuộc cưỡng chế dân bằng lực lượng vũ trang ở Cống Rộc – Tiên Lãng được một trong những nhân vật điều hành chủ chốt coi là hiệp đồng cực kỳ hay, một trận đánh đẹp, có thể viết thành sách… Một mình câu nói này tự nó đã cho thấy: Chủ trương trấn áp này đến từ đâu, cấp nào, quy mô hình thành ra sao, mức độ nghiêm trọng của sự việc trấn áp… Câu nói này toát lên hơi hướng hay linh hồn của toàn bộ công vụ cưỡng chế theo luật ở Cống Rộc – Tiên Lãng. Riêng một câu nói này, cùng với sự chấp nhận, hưởng ứng, tán thành hay biện minh, bao che… của các cộng sự, còn cho thấy mức độ sa đọa nghiêm trọng về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức và văn hóa của những cán bộ, đảng viên có chức có quyền đã chỉ đạo hay đã nhân danh pháp luật trực tiếp thực thi công vụ này. Sự phấn khích bột phát ra từ câu nói này thật ghê sợ và đáng ngẫm nghĩ.
Không thể không đặt ra câu hỏi: Phẩm chất đảng viên ĐCSVN như thế nào, đạo đức cán bộ là công bộc của dân ra sao nằm trong phát ngôn như vậy?
Cứ coi câu nói ghê sợ đó của đại tá giám đốc công an thành phố Đỗ Hữu Ca là hiện tượng cá biệt, song nó không phải là sản phẩm của công tác giáo dục chính trị tư tưởng của Đảng cho đảng viên, nhìn xa hơn nữa là của nền giáo dục nước nhà, của sự biến đổi khủng khiếp những giá trị về sơn hà xã tắc đang diễn ra trong nước ta, là sản phẩm trực tiếp của hệ thống chính trị nước ta hiện nay hay sao? Nếu nhìn từ các hiện tượng xấu nghiêm trọng khác đã xảy ra trong cả nước trong những năm gần đây, có thể nói thực trạng tha hóa này lũng đoạn nghiêm trọng đời sống mọi mặt đất nước ta từ lâu rồi, nhưng nó đang bị che lấp. Câu nói ghê sợ của Đỗ Hữu Ca tự xé toạc ra sự thật và thách thức lương tri chúng ta.
Nghĩ như vậy không phải là cố ý bôi đen chế độ hay nghiêm trọng hóa sự việc. Đơn giản là, cũng như nhiều địa phương khác, Hải Phòng có không ít các “vụ cưỡng chế theo luật” trong vấn đề đất đai. Xin đừng quên khổ chủ Đoàn Văn Vươn – bây giờ trở thành bên bị – đã khiếu kiện từ năm 2008, nhưng nước đổ lá khoai, hoặc chính quyền bất lực không giải quyết được. Xin đừng quên, Hải Phòng năm 2006 đã có những vụ tham nhũng đất đai động trời mà tòa án sơ thẩm chỉ xử mức án không có trong Luật Hình sự là “cảnh cáo”. Ngày nay cái tên gọi “vụ xử án sơ thẩm tham nhũng đất đai ở Đồ Sơn” trở thành bia miệng người đời. Xin đừng quên, cũng như nhiều nơi khác, Hải Phòng không thiếu các “con sâu” chỉ bị phê bình, cảnh cáo, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự vì “đã có nhiều cống hiến..”; có dịp, những “con sâu” này vẫn có thể được thuyên chuyển công tác, lên chức, vân vân…
Có lẽ những sự việc cụ thể như vậy đã xảy ra ở Hải Phòng và trong cả nước trực tiếp giải thích tại sao mọi nỗ lực chấn chỉnh và đổi mới xây dựng Đảng 26 năm qua không chặn đứng được xu thế tha hóa trong Đảng. Sự việc Cống Rộc – Tiên Lãng róng thêm một hồi trống mới: Cải cách hệ thống chính trị và đổi mới xây dựng Đảng ngày càng trở thành vấn đề sống còn đối với Đảng.
Cho dù vụ nổ súng hoa cải và mìn bình ga của Đoàn Văn Vươn rồi đây sẽ được xử đúng xử sai như thế nào, nạn nhân-tội phạm Đoàn Văn Vươn đã tự khắc tên mình vào một cột mốc trên chặng đường đau khổ đất nước đang đi hôm nay, nhắc nhủ lương tri cả nước không được ngủ.
3
Trong quá trình chuẩn bị Đại hội XI, như một làn sóng mới tiếp theo các làn sóng từ các Đại hội trước, có rất nhiều ý kiến đóng góp nói lên đòi hỏi cấp thiết phải cải cách hệ thống chính trị và xây dựng Đảng trở thành đảng của dân tộc, coi đây là tiền đề cho sự phát triển bền vững và phồn vinh của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Tại Đại hội XI và hiện nay, lãnh đạo Đảng cũng không đặt ra vấn đề cải cách hệ thống chính trị, mà chỉ nhấn mạnh: Tiếp tục đổi mới trên nguyên tắc đồng bộ và phù hợp giữa đổi mới kinh tế và chính trị, nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất. Trước đấy, các Đại hội VIII, IX và X đều chung một cách nghĩ – cách làm như vậy, do đó hệ thống chính trị ngày càng tích tụ nhiều vấn đề nan giải.
Có nhiều vấn đề hệ trọng phải bàn đến trong nhiệm vụ cải cách hệ thống chính trị. Dưới đây xin lẩy ra vài khía cạnh.
Mối quan hệ giữa nhà nước CHXHCN Việt Nam và ĐCSVN trong thời kỳ đã hoàn thành sự nghiệp độc lập thống nhất đất nước được thiết kế và vận hành như thế nào?
Quan điểm nhất quán và xuyên xuốt 37 năm đất nước độc lập thống nhất ghi trong các Nghị quyết của Đảng và trong Cương lĩnh (Đại hội XI) là (a) ĐCSVN là đảng cầm quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội, (b) xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân do Đảng lãnh đạo, (c) xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quyền lực nhà nước là thống nhất.
Vấn đề cần được làm rõ là sự lãnh đạo của một đảng chính trị đối với nhà nước pháp quyền như thế nào.
Nhà nước pháp quyền – đảng cầm quyền – đảng lãnh đạo – xã hội dân sự
*
Trong một quốc gia có thể chế dân chủ, đặc điểm quan trọng nhất của nhà nước pháp quyền là quyền lực nhà nước là cao nhất, thể hiện qua Hiến pháp và luật pháp nhà nước là tối thượng. Vì thế, với nghĩa nhân dân là chủ đất nước, mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân: nhà nước pháp quyền không thừa nhận một quyền lực nào lãnh đạo nó, đứng trên nó, đứng ngang với nó. Mọi công dân hay thực thể pháp nhân trong xã hội đều là đối tượng chịu sự chi phối bình đẳng của nhà nước pháp quyền. Đảng phái chính trị trong một nhà nước pháp quyền là một thực thể pháp nhân trong xã hội và được nhà nước pháp quyền đối xử bình đẳng như các thực thể pháp nhân khác trong xã hội.
Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân là một phạm trù thuộc về thể chế chính trị dân chủ và chỉ tồn tại trong thể chế này. Tại một số nơi ở châu Phi, châu Á, Mỹ Latinh… có một số nước có chế độ chính trị chuyên chế, song người cầm quyền ở đấy tự cho là họ có nhà nước pháp quyền; rõ ràng đây chỉ là chuyện đùa cợt với chữ nghĩa.
*
Trong một quốc gia có nhà nước pháp quyền của thể chế dân chủ, các đảng phái chính trị cọ sát với nhau thông qua tranh cử và bầu cử để hội đủ những điều kiện trở thành đảng cầm quyền, với nghĩa: chiếm đa số ghế, hoặc liên minh với một hay nhiều đảng khác để có đủ đa số ghế trong quốc hội cho phép đứng ra lập nội các theo Hiến pháp và luật pháp. Đảng cầm quyền với nghĩa này chỉ tồn tại trong hệ thống chính trị có nhiều đảng.
Như vậy, đảng cầm quyền là đảng thông qua con đường luật pháp của nhà nước pháp quyền tham gia tranh cử và bầu cử, được dân chọn vào làm việc trong hệ thống nhà nước, được dân giao cho công việc của hệ thống nhà nước, và làm các việc được hệ thống nhà nước giao cho ấy theo quy định của Hiến pháp và luật pháp nhà nước. Với tinh thần này và trong phương thức được bầu chọn và được giao việc như vậy, trên thực tế đảng cầm quyền chỉ là một công cụ của nhà nước pháp quyền. Nói thật chặt chẽ, sau khi hội đủ điều kiện trong quốc hội để trở thành đảng cầm quyền, đảng này chỉ có một quyền duy nhất đối với nhà nước pháp quyền là được đứng ra lập nội các với sự phê chuẩn của quyền lập pháp trong hệ thống nhà nước (quốc hội…).
Đảng cầm quyền có quyền thực hiện những chủ trương chính sách mà đảng này muốn và đã cam kết có sự ràng buộc trước dân khi đảng tham gia tranh cử. Song việc thực hiện như thế cũng phải theo con đường của nhà nước pháp quyền, nghĩa là: Mọi chủ trương chính sách đảng cầm quyền muốn thực hiện đều phải kinh qua con đường của nhà nước pháp quyền, hợp thức trở thành chủ trương và luật của nhà nước pháp quyền, khi đưa ra thực hiện thì đó là chủ trương hay là luật của nhà nước pháp quyền, không còn là của đảng nữa. Chính nguyên tắc này là một đặc điểm nữa nói lên: đảng cầm quyền không có quyền lực gì đối với nhà nước pháp quyền, kể cả quyền lãnh đạo nhà nước pháp quyền.
*
Trong một quốc gia có thể chế dân chủ, nhà nước pháp quyền không có nghĩa vụ và đồng thời cũng không làm cái việc thừa nhận hay không thừa nhận quyền lãnh đạo của bất kỳ đảng phái chính trị nào đối với nó. Trong một quốc gia như vậy, thừa nhận hay không thừa nhận vai trò lãnh đạo của một đảng phái chính trị nào đó là việc của giữa các công dân với nhau trong xã hội dân sự. Điều này có nghĩa, đảng phái chính trị phải thông qua phấn đấu trong xã hội dân sự để tạo ảnh hưởng, để xây dựng được và để có được vai trò lãnh đạo của mình qua sự thừa nhận của dân trong xã hội.
*
Chịu sự cọ sát trong xã hội dân sự để xác lập được vai trò lãnh đạo của mình như thế, đấy chính là phương thức lãnh đạo của đảng phái chính trị đối với đất nước (không phải đối với nhà nước). Xây dựng xã hội dân sự phát triển là điều kiện tối quan trọng để đảng phái chính trị có môi trường trưởng thành, phát triển, tích tụ mọi điều kiện và phẩm chất để phấn đấu trở thành đảng cầm quyền.
Xã hội dân sự là cộng đồng xã hội của các công dân có ý thức, nơi công dân trực tiếp thực thi quyền lực là chủ đất nước và quyền năng con người của mình. Với ý nghĩa này, xã hội dân sự là cội nguồn tạo nên nhà nước pháp quyền, là đối trọng không thể thiếu của nhà nước pháp quyền, đồng thời cũng là quyền lực trực tiếp kiểm soát nhà nước pháp quyền, đối lập hay đối kháng với lũng đoạn. Nhà nước pháp quyền lành mạnh, nhất thiết phải có xã hội dân sự lành mạnh. Không có xã hội dân sự với đúng nghĩa, trên thực tế cũng có nghĩa là không có nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Xã hội dân sự được phát triển là một trong những yếu tố thiết yếu của tự do, dân chủ và sự phát triển thịnh vượng, văn minh trong một quốc gia.
*
Trong một quốc gia có thể chế dân chủ với nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, đảng lãnh đạo hay đảng cầm quyền thực hiện sự tiếm đoạt dưới bất kỳ hình thức nào quyền lực của nhà nước pháp quyền, hoặc tìm cách trở thành một bộ phận cấu thành của quyền lực của nhà nước pháp quyến, đảng ấy trở thành đảng lũng đoạn; và điều này xâm phạm hoặc tước đoạt bản chất và chức năng của nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.
Vấn nạn đảng lũng đoạn là một sản phẩm của quá trình tha hóa trong thể chế chính trị dân chủ và nhà nước pháp quyền ở hầu hết mọi quốc gia, vì thế phải có thể chế thường xuyên khắc phục sự tha hóa này. Chế độ chính trị của các nước Liên Xô – Đông Âu cũ sụp đổ có thể được xem là ví dụ điển hình nhất về hệ quả tất yếu của đảng lũng đoạn trong hệ thống chính trị một đảng, các ví dụ mới nhất là các cuộc “cách mạng hoa nhài” ở Bắc Phi.
*
Chú ý: Vì tất cả những lẽ vừa trình bày, xã hội dân sự là một trong 3 trụ cột không thể thiếu của thể chế dân chủ của một quốc gia tiên tiến: kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự.
Ở nước ta, đảng lãnh đạo, đồng thời cũng đảng cầm quyền trong hệ thống chính trị chỉ được phép tồn tại có một đảng duy nhất, trong một nhà nước được gọi là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Thực tế này tự nó đặt ra nhiều mâu thuẫn không giải quyết được. Hệ quả tất yếu của hệ thống này là Đảng và Nhà nước trên thực tế quyện lại thống nhất làm một, trong đó Đảng là nhà nước đích thực, Nhà nước về nhiều mặt chỉ còn là công cụ thực hiện, nhiều hoạt động trong toàn bộ hệ thống nhà nước chỉ có giá trị “hình thức nhà nước”. Sựthống nhất làm một như vậy đã tạo ra những khoảng trống quyền lực và những khoảng chồng lấn lên nhau của quyền lực, đó chính là các vùng đất lý tưởng khiến cho tham nhũng tiêu cực và nhiều suy đồi khác nảy nở không có cách gì ngăn chặn được.
Cũng vì đòi hỏi bảo vệ “sự thống nhất làm một này”, ngay trong việc thiết kế hệ thống nhà nước, Đảng cũng nhấn mạnh “quyền lực nhà nước là thống nhất” và bác bỏ nguyên tắc tam quyền phân lập.
Quan điểm cho rằng nền tảng của nhà nước ta là liên minh công nông và trí thức, và quan điểm phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng – đấy chính là 2 quan điểm gốc được lấy làm chỗ dựa về lý luận và đạo lý cho xây dựng “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” – bình phong của cái “nhà nước đích thực” là Đảng. Hai quan điểm gốc này được mệnh danh là nguyên lý bảo đảm tính giai cấp và tính đảng trong tổ chức toàn bộ hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước – biểu hiện tập trung nhất là hiện tượng “đảng hóa”. Hai quan điểm gốc này quyết định việc thiết kế các bộ máy của toàn bộ hệ thống chính trị, việc đào tạo và tuyển chọn nhân sự cho toàn bộ các bộ máy của hệ thống chính trị, việc xây dựng nền giáo dục thích ứng – bao gồm cả hệ thống các trường Đảng, các trường đào tạo hành chính của quốc gia.
Kết quả đạt được sau 27 năm đổi mới là: kinh tế quốc dân lớn hơn về quy mô và trình độ phát triển, hệ thống chính trị và bộ máy của nó hoàn chỉnh ở mức cao nhất từ xưa đến nay, Đảng ở đỉnh cao nhất của quyền lực kể từ ngày thành lập, song đất nước đang tiềm tàng nhiều nguy cơ lớn, hệ thống kinh tế – chính trị – văn hóa – xã hội của đất nước ngày càng nhiều bất cập, Đảng chưa bao giờ yếu kém và mất lòng tin của dân như hiện nay. Tất cả đã đảy đất nước lâm vào một cuộc khủng hoảng toàn diện như trình bày trong các phần trên của bài viết này.
Với ý thức nhìn thẳng vào sự thật, kết luận cần rút ra là: Cải cách hệ thống chính trị trở thành vấn đề sống còn, trong đó công việc đầu tiên và cái đích trước mắt là phải thiết kế lại mối quan hệ Nhà nước – Đảng hiện nay theo đúng mối quan hệ giữa nhà nước pháp quyền và đảng cầm quyền, Đảng phải được đổi mới và tổ chức lại theo mối quan hệ này. Từ đạt được cái đích trước mắt này, từng bước xây dựng tiếp nên thể chế chính trị dân chủ làm nền tảng cho nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân với đúng nghĩa.
Có thể sẽ có ý kiến: Nước ta còn nhiều mặt chậm phát triển, lại chỉ có chế độ chính trị một đảng, đặt vấn đề cải cách hệ thống chính trị như trên là không phù hợp và không khả thi.
Trả lời: Mọi chuyện chỉ phụ thuộc vào câu hỏi Đảng lựa chọn ai: đất nước, hay chính mình? Đảng lựa chọn đất nước thì hoàn toàn thực thi.
Bàn về nhiệm vụ sửa đổi Hiến pháp
Trước hết, có thể nêu lên một số nhận xét:
(a) Hiến pháp 1992 đã ghi được nhiều quyền cơ bản của dân, của một nhà nước pháp quyền; song một số điều khoản không rõ ràng, chồng chéo đã góp phần cản trở sự thực thi ràng buộc những quyền này, hoặc để ngỏ cho sự vận dụng tùy tiện, dẫn tới hệ quả chung cuộc là trong thực thi đã vô hiệu hóa nhiều điều khoản quan trọng, tính chất nhà nước pháp quyền nhiều mặt chỉ còn là tên gọi;
(b) Không làm rõ được mối quan hệ giữa Nhà nước và Đảng theo đúng tiêu chí nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, tiêu chí đảng cầm quyền;
(c) Không thiết kế được rạch ròi các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp có mối quan hệ ràng buộc và kiểm soát lẫn nhau giữa các quyền này. Lại trong tình hình quyền lực Đảng là tối thượng; thiếu sót này dẫn tới tình trạng hệ thống nhà nước vừa rối rắm, vừa cắt khúc và phân mảnh; khả năng vận hành yếu kém; tạo ra môi trường lý tưởng cho tham nhũng, tiêu cực.
(d) Có một số bất cập lớn liên quan đến quyền sở hữu;
(e) Có bất cập lớn trong vấn đề đất đai – một trong những vấn đề chiến lược sống còn của đất nước.
Đấy là những vấn đề lớn đặt ra phải giải quyết trong tiến hành sửa đổi Hiến pháp lần này. Nguyên nhân chủ yếu và hàng đầu của hiện tượng Hiến pháp không được thực thi ràng buộc nằm ngoài Hiến pháp là vấn nạn đảng lũng đoạn.
Hiện đang có 2 khuynh hướng chính tiếp cận khác nhau:
Khuynh hướng 1: Cho rằng, đất nước còn nhiều vấn đề chậm phát triển, thời kỳ này còn kéo dài, hệ thống chính trị không chấp nhận đa đảng, vậy chỉ nên tập trung công sức trong điều kiện hiện nay sửa đổi những vấn đề cấp bách. Nhiều biểu hiện cho thấy công việc sửa đổi Hiến pháp đang được tiến hành theo khuynh hướng này.
Khuynh hướng 2: Sửa đổi Hiến pháp lần này là cơ hội quan trọng để thúc đẩy cải cách hệ thống chính trị, tạo ra tiền đề cho cải cách kinh tế, mở ra cho đất nước một giai đoạn phát triển mới cao hơn trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Hơn nữa Hiến pháp là bộ luật giường cột của quốc gia không thể sửa đổi thường xuyên được. Tình hình đã chín muồi đòi hỏi nước ta phải có một Hiến pháp mới thích đáng ở vào bước ngoặt hiện nay của đất nước. Vì vậy, không thể chỉ sửa đổi tạm thời cho những yêu cầu trước mắt hay ngắn hạn.
Cần thảo luận công khai trong cả nước nên lựa chọn khuynh hướng nào. Người viết bài này khuyến nghị khuynh hướng 2.
Có rất nhiều vấn đề sẽ phải bàn. Trong phần này của bài viết, chỉ xin tập trung bàn tiếp mối quan hệ giữa Nhà nước và Đảng.
Có ý kiến nói “sửa đổi Điều 4 trong Hiến pháp là tự sát” (đối với Đảng). Có phải như vậy không?
Nội dung Điều 4 có 2 vế: (vế 1)thừa nhận Đảng có vai trò lãnh đạo đối với nhà nước và xã hội; (vế 2)Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp.
Xem xét kỹ, sẽ thấy:
- Vế 1 mâu thuẫn với nguyên tắc quyền lực nhà nước là tối thượng; nhà nước pháp quyền không thừa nhận ai hay bất kỳ thứ quyền lực nào đứng trên hay đứng ngang nó để lãnh đạo nó hay chỉ đạo nó.
- Vế 2 có 2 vướng mắc: (a) Không làm rõ được Đảng hoạt động trong hệ thống nhà nước phải với tính cách là đảng cầm quyền theo nội dung như đã trình bày trong các phần trên của bài viết này; (b) Hiến pháp của nhà nước pháp quyền không có nghĩa vụ thừa nhận hay không thừa nhận, không có trách nhiệm cho phép hay không cho phép mọi tổ chức của Đảng phải hoạt động như thế nào; Hiến pháp chỉ quy định những điều mà cả nước – các công dân hay các pháp nhân dưới mọi hình thức – kể cả các đảng phái chính trị – phải tuân thủ.
Trong đời sống đất nước hiện nay, vai trò lãnh đạo của ĐCSVN với nghĩa là người trên thực tế (de facto) nắm tuyệt đối mọi quyền hành và vận mệnh đất nước là một hiện tượng khách quan, do các nguyên nhân lịch sử và sự tương quan hiện nay giữa các lực lượng trong xã hội nước ta tạo ra. Trước mắt, và có thể còn trong một thời gian không nói trước được bao lâu, hiện tượng khách quan này còn tồn tại. Hiển nhiên bản chất hiện tượng khách quan này và bản chất tất yếu của nhà nước pháp quyền là hai thực thể không tương thích nhau và không thể dung hòa nhau. Điều 4 của Hiến pháp nhằm tạo ra sự tương thích này, với mục đích bảo vệ và duy trì vị thế hiện có của Đảng.
Thực tế sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước 37 năm trong thời bình cho thấy sự tương thích đang cố khiên cưỡng tạo ra này là hoàn toàn không thể; dẫn tới hệ quả hiện tại: cả Đảng và Nhà nước cùng suy yếu ngày một nghiêm trọng, sản sinh ra môi trường tham nhũng tiêu cực không có cách gì kiểm soát được, kìm hãm sự phát triển đất nước, và hiện nay đang đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng toàn diện; hệ quả tiếp theo thật khó lường; hệ quả khốc liệt nhất đẫm máu cảnh nồi da xáo thịt cho quốc gia có thể xảy ra là đổ vỡ: Đảng có thể không còn tồn tại và chế độ chính trị hiện nay sụp đổ, tạo ra môi trường lý tưởng cho sự can thiệp ê chề từ bên ngoài trước khi dân tộc ta có thể một lần nữa đứng lên vực lại quốc gia mình. Ai muốn giơ tay tán thành một kịch bản khốc liệt như thế cho đất nước?
Nhà nước pháp quyền là cái tất yếu mà đất nước không thể bỏ được trong một quốc gia người dân là chủ của đất nước. Song hiện tượng khách quan về Đảng nêu trên là một thực tếhiện tại không thể phủ nhận hay xóa bỏ được.
Vậy chỉ còn một con đường độc đạo, một giải pháp duy nhất: phải đổi mới xây dựng Đảng thành đảng cầm quyền (như đã trình bày trong box bên trên). Nói xây dựng Đảng thành đảng của dân tộc cũng bao hàm ý quan trọng này, việc xây dựng thể chế dân chủ cho quốc gia cũng đòi hỏi như vậy.
Lợi ích quốc gia trên hết đòi hỏi giải pháp như vậy; Đảng tự ghi vào Cương lĩnh và Điều lệ mục đích duy nhất của mình là phụng sự tổ quốc và lợi ích dân tộc cũng đòi hỏi phải làm như vậy. Và đây là lý do duy nhất và quyết định: Đảng phải tự giải phóng mình khỏi tư duy ý thức hệ, tự đổi mới mình trở thành đảng của dân tộc.
Hiển nhiên, việc trở thành đảng cầm quyền như vậy sẽ gắn sự nghiệp của Đảng vào sự nghiệp của dân tộc, là phương thức bảo vệ sự tồn tại của Đảng: còn gắn được với sự nghiệp của dân tộc, Đảng còn tồn tại. Trong tương quan lực lượng xã hội hiện nay, trở thành đảng của dân tộc, Đảng vẫn giữ ưu thế tuyệt đối và mạnh nhất, cái mà Đảng sẽ mất hay phải chấp nhận mất chỉ là tình trạng tha hóa đang hàng ngày hàng giờ biến chất và cuối cùng sẽ hủy diệt Đảng.
Vậy sửa Điều 4 như thế nào để thúc đảy quá trình Đảng phấn đấu trở thành đảng của dân tộc không phải là tự sát, mà là thách thức Đảng phải đọ sức: Sống hay là chết!
4
Thay lời kết: Nhìn thẳng vào sự thật
Từ dăm năm nay có những ý kiến cảnh báo đất nước đã đi tới ngã ba đường, hoặc là…, hay sẽ là…!
Có tình hình trên là vì:
- Thế giới đã chuyển sang một thời kỳ mới khác hẳn trước, mọi quốc gia phải thay đổi;
- đất nước đứng trước những đòi hỏi và thách thức trong, ngoài nhất thiết phải chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, hoặc ngày càng đi sâu vào con đường sụp đổ và nô dịch.
Thực tế cũng cho thấy suốt 37 năm qua đã có quá nhiều sai lầm và tội ác có nguồn gốc từ những hệ quả của ý thức hệ và sự bất cập của hệ thống chính trị, trong đó có nền kinh tế đang gặp nhiều bế tắc hiện nay.
Đến nay có rất nhiều ý kiến tâm huyết với đất nước – từ hàng ngũ đảng viên, những người ngoài Đảng, từ các trí thức sống ở trong nước và nước ngoài.., góp ý thẳng thắn với lãnh đạo Đảng và Nhà nước về thực trạng đất nước hiện nay sau 37 năm độc lập thống nhất, nhấn mạnh yêu cầu bức thiết phải thay đổi.
Trong những ý kiến ấy, có không ít ý kiến cho rằng tình hình đến mức không cứu vãn được nữa, phải làm lại từ đầu, mọi kiến nghị sửa đổi mà vẫn giữ nguyên Đảng, giữ nguyên hệ thống chính trị như hiện nay, chỉ kéo dài chặng đường đau khổ này của đất nước. Có ý kiến nói thẳng: Đảng không có khả năng tự thay đổi, con tầu đang lao xuống vực không thể kéo lại được, vì thế nên để nó lao tiếp theo quán tính, đành trả giá đắt vậy, còn hơn là cứ để đất nước kéo dài mãi tình trạng èo uột thế này!.. Vân vân… Những ý kiến của những kẻ đục nước béo cò không được bàn tới ở đây.
Tất cả những ý kiến tâm huyết như thế có lẽ những người giữ cương vị và trách nhiệm cao nhất của Đảng và Nhà nước đều ngầm biết, dù thừa nhận hay không thừa nhận. Có nhiều lý do để suy đoán thế. Song phản ứng công khai ra bên ngoài là sự phê phán không có lý lẽ hay đạo lý gì cả đối với những ý kiến đóng góp ấy, có lúc gọi đấy là những biểu hiện của suy thoái chính trị tư tưởng, thậm chí có lúc nói là trình độ dân trí còn thấp, và thiếu văn hóa hơn thì chửi rủa đấy là ý kiến của bọn phản động; đồng thời kìm kẹp báo chí trong “lề phải”, hoặc hội hè lu bù để làm loãng dư luận; trấn áp đã xảy ra trong những năm gần đây ngày một mau hơn… Tất cả những cách tiếp cận này không cứu vãn được gì, mà chỉ làm hỏng thêm đất nước về nhiều mặt, gia tăng thêm những mối nguy mới cho đất nước – kể cả trên phương diện an ninh và quốc phòng.
Nhìn ra bên ngoài, tướng Thein Sein – một nhân vật quan trọng trong giới tướng lĩnh Myanmar, từ khi lên làm tổng thống tháng 2-2011, đã một mình một ngựa làm nên chuyện bẻ lái con tầu quốc gia gần 50 năm dưới chế độ quân phiệt đẫm máu đi vào con đường dân chủ, cả thế giới ngỡ ngàng. Không ai biết hay nói trước được Tổng thống Thein Sein sẽ còn đi được tới đâu, toàn bộ con đường của Myanmar đi tới thể chế chính trị dân chủ còn ở phía trước. Song những gì đến nay ông đã làm, hiển nhiên là những việc hầu như không thể đã trở thành có thể.
Theo báo chí, cuối năm ngoái tại Myanmar, ngoại trưởng Hillary Clinton và ngoại trưởng William Hague đã có các cuộc gặp riêng bà Aung San Suu Kyi – lãnh tụ hàng đầu và linh hồn của phong trào dân chủ ở Myanmar. Khi các vị khách hỏi bà Suu Kyi về đánh giá những nỗ lực của tổng thống Thein Sein, bà trả lời: Tổng thống là người có nhân cách, những gì ông đã làm là thật; một khi phong trào dân chủ tham gia chính trường, đất nước Myanmar sẽ chuyển động… Bà Suu Kyi cũng có lần nói trực tiếp với báo chí như vậy.
So sánh giữa nước ta và Myanmar, ta có nhiều thuận lợi hơn và đã đi trước được Myamar một chặng đường dài. Không thể tránh được câu hỏi: Tổng thống Thein Sein đã làm được những việc hầu như không thể, ở nước ta Bộ Chính trị của Đảng có thể làm được không?
Dù là ai đi nữa, nếu từng thành viên lãnh đạo Đảng và Nhà nước tự khép lại quá khứ của chính mình, không ngoái lại quá khứ của chính mình, từ đây mở ra cho chính mình và cho đất nước một trang mới trên đường đời của mình – vì chính mình và vì đất nước, từ đây cùng nhau hướng về phía trước với ý thức Tổ quốc trên hết, làm như thế chắc chắn lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ làm được. Như thế, rồi toàn Đảng và cả nước sẽ làm được, bắt đầu từ mở rộng dân chủ và thực hiện công khai minh bạch. Mỗi người tự vượt lên chính mình như thế, để cùng nhau vì đất nước, đó cũng chính là con đường hòa giải dân tộc, Đảng có gánh nợ lịch sử trước dân tộc phải tiên phong bước vào.
Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã báo động, cuộc họp Hải Phòng ngày 10-02-2012 đang đòi hỏi những hành động quyết định tiếp theo, cả nước sẵn sàng hậu thuẫn. Đây là khoảnh khắc nghiêm trọng của sự thật: Hoặc là Đảng dứt khoát đặt chân vào ngả đường mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước, hoặc là Đảng nhắm mắt dung thứ việc tiếp diễn các thao tác màu mè làm tắt lụi hy vọng còn lại trong dân và để cho thất vọng độc chiếm trận địa. Thiết nghĩ đây chính là thời điểm Đảng phải vượt lên chính mình, mở ra cho chính mình và cũng là cho đất nước một trang sử mới./.
Võng Thị, xuân Nhâm Thìn – 02-2012
[1] Vì tiết kiệm công gõ chữ trên bàn phím, mọi chữ “Đảng” viết hoa trong bài là cách viết tắt “Đảng Cộng Sản Việt Nam”. Mọi chữ “Nhà nước” viết hoa trong toàn bài là cách viết tắt “Nhà nước CHXHCNVN”. Mọi chữ “đảng” và “nhà nước” không viết hoa trong bài chỉ là những danh từ bình thường.
 

Không có nhận xét nào: