Một khảo sát mới cho biết đa số nhà đầu tư nước ngoài đánh giá thấp chất lượng điều hành của chính quyền, nhưng nó cũng không tác động lớn đến quyết định đầu tư của họ.
Bấm Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), vừa công bố hôm 23/2, khắc họa chân dung doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam.
Đây được xem là điều tra quy mô nhất về doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam
Khảo sát đã liên hệ với 1,970 doanh nghiệp FDI từ 45 nước, hoạt động ở 61 tỉnh, thành phố.
Vì sao chọn Việt Nam?
Theo báo cáo, giới đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam vì chi phí lao động, ổn định chính trị, chứ không đề cao vấn đề điều hành như chống tham nhũng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Bảng chấm điểm các yếu tố có thể ảnh hưởng quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư cho thấy chi phí lao động có khoảng cách khá xa so với các yếu tố còn lại.
Ổn định chính trị do chế độ một đảng, chất lượng lao động, ưu đãi về thuế, đất đai, sự sẵn có của khu công nghiệp, nguồn nguyên liệu... cũng được xếp cao.
Trong khi đó, kiểm soát tham nhũng bị xếp đứng chót bảng, và các yếu tố điều hành như bảo vệ sở hữu trí tuệ, bảo hộ đầu tư, khả năng tham gia vào quá trình xây dựng chính sách...đều nhận điểm thấp.
Nó chứng tỏ các nhà đầu tư đánh giá thấp chất lượng điều hành tại Việt Nam.
Tuy vậy, khi được yêu cầu lựa chọn ba yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định đầu tư, các doanh nghiệp FDI hầu như không lựa chọn yếu tố chất lượng điều hành. Ngược lại, một lần nữa, họ chọn chi phí lao động, ổn định chính trị và ưu đãi về thuế, đất đai.
Hiện tượng doanh nghiệp ít quan tâm khía cạnh điều hành có thể lý giải chủ yếu bằng thực tế là các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam hầu hết có mô hình hoạt động chi phí thấp, đứng cuối chuỗi giá trị toàn cầu.
Vì vậy, cắt giảm chi phí được họ nghĩ đến đầu tiên hơn là các yếu tố khác.
Quy mô
Nghiên cứu, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), cho biết 75% doanh nghiệp FDI ở Việt Nam có dưới 300 lao động.
37% trong số đó chỉ có chưa đầy 50 lao động.
Phần lớn họ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất (65%), chỉ có 30% trong lĩnh vực dịch vụ.
Hầu hết công ty đến từ Đông Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Kết quả mới nhất tái khẳng định lo ngại là đầu tư trực tiếp nước ngoài không hỗ trợ gì nhiều cho việc phát triển thị trường nội địa.
Họ nhập khẩu tới 57,5% hàng hóa, dịch vụ trung gian, chỉ giảm đôi chút so với 2010.
Chỉ 40% hàng hóa, dịch vụ được mua trong nước - trong đó chỉ có 2% là từ doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Nhóm nghiên cứu lo ngại về tính thiếu kết nối với khu vực tư nhân trong nước vì doanh nghiệp trong nước sẽ mất cơ hội khai thác lợi thế công nghệ và năng suất từ doanh nghiệp FDI.
Doanh thu tốt hơn
Đáng chú ý, mặc dù kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong năm 2011, nhưng với các doanh nghiệp FDI tham gia khảo sát, doanh số và lợi nhuận của họ tăng lên.
Lợi nhuận trên vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI trung bình tăng từ 11% năm 2010 lên 22% vào năm 2011.
Tuy vậy, các doanh nghiệp FDI lại tỏ ra khá bi quan về kế hoạch hai năm tới. Nếu năm 2010, 66% có kế hoạch tăng quy mô kinh doanh ở Việt Nam trong hai năm tới thì lần này, chỉ có 38% tỏ ra lạc quan.
Một điểm thú vị là các doanh nghiệp cũng được hỏi về số lần thanh, kiểm tra doanh nghiệp trong năm. Họ cho biết năm 2011, các doanh nghiệp FDI ít bị cơ quan nhà nước thanh tra hơn đôi chút.
Cơ quan thanh tra nhiều nhất vẫn là an toàn phóng chống cháy nổ, tiếp theo là Sở Tài nguyên - môi trường và cơ quan Thuế. Theo báo cáo, các cơ quan ít gây phiền toái nhất trong năm 2011 là Quản lý thị trường và Cảnh sát giao thông.
Doanh nghiệp FDI nhận định giáo dục phổ thông và đào tạo nghề vẫn chưa cải thiện đáng kể trong hai năm qua.
Theo các doanh nghiệp, 72% số lao động của họ có khả năng đọc viết và hiểu hợp đồng lao động.
Chỉ có 20,6% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tin tưởng vào chất lượng đào tạo nghề, và số lượng tin vào giáo dục phổ thông còn thấp hơn (19,8%).
Điều này dẫn đến việc gần 40% số doanh nghiệp FDI cho biết cần đào tạo tại chỗ cho lao động của mình.
Đây là năm thứ bảy báo cáo PCI được thực hiện, phản ánh cảm nhận của doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Nghiên cứu cũng xếp hạng các địa phương về khả năng điều hành và cải thiện môi trường kinh doanh.
Năm nay, lần đầu tiên hai tỉnh miền Bắc, Lào Cai và Bắc Ninh, vọt lên đứng đầu bảng xếp hạng vì được xem là có nỗ lực lớn cải thiện công tác điều hành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét