Pages

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

'Đổi nhận thức về trách nhiệm báo chí'

Internet ở Việt Nam
Có lo ngại truyền thông Việt Nam gây ảnh
 hưởng xấu cho độc giả
Dư luận gần đây xôn xao khi một số báo mạng trong nước đã đưa lên đoạn video ghi lại hình ảnh của vụ giết người cướp tiệm vàng Vững Bắc ở Thường Tín, Hà Nội chiều 16/2.
Việc phát tán nhanh chóng các hình ảnh bạo lực này trên internet làm không ít người lo ngại về tác động đối với xã hội.

Câu hỏi được đặt ra liệu có phải cạnh tranh thông tin đã khiến nhiều nhà báo bỏ qua các quy định đạo đức báo chí.
Đồng thời, ở góc độ người đọc, phải chăng công chúng cũng phải thay đổi cách tiếp nhận thông tin để tạo áp lực lại với truyền thông?
BBC có buổi trò chuyện với tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) ở Hà Nội, về vấn đề này.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng: Cảm giác của tôi khi xem video này là ghê sợ và bất bình!
Ghê sợ vì sự tàn nhẫn và bất bình vì tại sao những hình ảnh tàn nhẫn như vậy lại được đưa lên mạng một cách rộng rãi như vậy.
Tôi băn khoăn về khía cạnh đạo đức khi đưa những hình ảnh đó lên mạng, mặc dù cái video đó được lấy từ cửa hàng nhưng việc đưa lên mạng thành sản phẩm của báo chí thì tôi sợ đã vi phạm những quy định về luật báo chí, về riêng tư của cá nhân.
BBC:Theo bà, việc bùng nổ truyền thông đem lại nhiều lợi ích cho bạn đọc, nhưng cũng gây ra ảnh hưởng gì đến xã hội, đặc biệt là giới trẻ?
Những hình ảnh có tính chất bạo lực thì khi được đưa rộng rãi trong công chúng cần phải cân nhắc cẩn trọng.
Khi nghiên cứu về tâm lý xã hội, người ta đã đánh giá được tác động của những hình ảnh bạo lực trên phương tiện truyền thông đại chúng đối với tình cảm của khán giả.
Do đó, đưa những hình ảnh như vậy rất phản cảm và tác động nhiều đến tâm lý của khán giả, đặc biệt là của lớp trẻ nhất là trong bối cảnh tình trạng bạo lực gia tăng trong thời gian gần đây.
Tôi nghĩ rằng luật báo chí cũng như các quy định về mặt nghề nghiệp, nếu được thực hiện một cách nghiêm ngặt thì những hình ảnh như vậy không được phép xuất hiện.
Tuy nhiên, tôi lo ngại do sự thiếu cẩn trọng hoặc sự cạnh tranh trong việc đưa thông tin để thu hút khán giả thì có thể một số tờ báo đã vi phạm các quy định này.
Tôi tin rằng trong các trường đào tạo báo chí, người ta có giảng dạy những bộ môn về khía cạnh đạo đức của báo chí. Nhưng, có thể đã bị coi nhẹ và bị quên đi trong thời buổi cạnh tranh về mặt thông tin như thế này.
Các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cũng như các hội nghề nghiệp liên quan đến báo chí cần phải có trách nhiệm kiểm soát để làm sao những vụ việc như này không lập lại.
BBC:Tại Việt Nam, một mặt thông tin được kiểm duyệt rất gắt gao, mặt khác chiều hướng ‘lá cải’ dường như được phát triển tự do. Nghịch lý này được giải thích ra sao?
Giải thích điều này không khó khăn gì cả vì ở Việt Nam, những vấn đề liên quan đến chính trị được coi là những vấn đề hết sức nhạy cảm và thường được kiểm soát khá chặt chẽ.
"Những vấn đề liên quan đến hệ thống quyền lực thường được kiểm soát rất chặt. Còn những câu chuyện có tính chất văn hoá xã hội thì có vẻ được thoải mái hơn. Đấy là một nghịch lý."
Những vấn đề liên quan đến hệ thống quyền lực thường được kiểm soát rất chặt. Còn những câu chuyện có tính chất văn hoá xã hội thì có vẻ được thoải mái hơn. Đấy là một nghịch lý.
Tôi nghĩ rằng cần phải thay đổi vì những vấn đề văn hóa xã hội tưởng chừng không quan trọng nhưng thực ra rất quan trọng đối với cuộc sống các cá nhân, với quyền tự do và sự riêng tư của mỗi cá nhân. Chúng cần phải được tôn trọng như bất cứ vấn đề gì.
BBC:Bà nghĩ thế nào về ý kiến không nên kiểm soát báo chí nhưng phải làm sao để có một hệ thống báo chí có trách nhiệm hơn?
Câu chuyện này rất khó vì nghịch lý ở chỗ chúng ta mong muốn có được tự do báo chí thì có thể bao gồm cả việc người ta có thể đưa lên báo bất cứ chuyện gì.
Nhưng việc có thể đưa lên báo bất cứ chuyện gì lại dẫn tới việc các thông tin cá nhân sẽ bị vi phạm.
Tôi nghĩ nếu muốn đi đến tự do báo chí và một nền báo chí có trách nhiệm thì có lẽ chúng ta không chỉ vận động về mặt chính sách, mà cần phải giáo dục về phía xã hội nữa.
Trách nhiệm của các nhà báo khi đưa tin, đồng thời, về mặt ý thức xã hội để làm sao đấu tranh với các nhà báo, lên tiếng với các nhà báo để cho các câu chuyện và hiện tượng như vậy không được lập lại.
Khi xã hội có thể lên tiếng với những tờ báo đưa video của vụ cướp tiệm vàng (tiệm vàng Vững Bắc, Thường Tín, Hà Nội) vừa rồi, thì các nhà báo sẽ phải thay đổi cách đưa tin của mình.
Các cơ quan quản lý báo chí nhà nước chỉ là một phần nhưng tôi nghĩ sức ép của xã hội quan trọng hơn rất nhiều.
Bà Khuất Thu Hồng
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho rằng xã hội cần thay đổi nhận thức về truyền thông báo chí
Nếu xã hội tẩy chay hay không tán thành cách một số tờ báo đưa tin mà vi phạm bí mật riêng tư của cá nhân, tờ báo đó hoặc là không thể tồn tại hoặc là sẽ phải thay đổi cách làm việc của mình.
Câu chuyện ở đây là không chỉ các cơ quan báo chí nên thay đổi các quan điểm của mình về mặt báo chí mà bản thân toàn bộ xã hội cũng phải thay đổi trong cách nhận thông tin như thế nào và họ muốn thông tin được truyền tải như thế nào.
BBC:Bà thấy hướng phát triển của nền báo chí Việt Nam sẽ như thế nào giữa hai luồng kiểm duyệt và ‘lá cải?
Có thể nói một cách chung nhất là báo chí Việt Nam đang có xu hướng ngày càng tự do và cởi mở hơn. Báo chí ngày càng khẳng định sự đóng góp của nó về mặt xã hội khi thông tin được đưa một cách sâu rộng.
Về các vấn đề xã hội khác nhau thì tôi nghĩ đây là điều tốt của báo chí Việt Nam trong những năm gần đây. Tôi hy vọng báo chí ngày càng cởi mở và tự do hơn nữa.
Thế nhưng, tồn tại sự kiểm duyệt, sự kiểm soát báo chí trong việc tự do đưa tin thì đây là một vấn đề.
Bởi lẽ nhiều điều người ta muốn biết thì lại không được biết, có những điều có lẽ là không nên biết thì lại phải biết nhiều quá.
"Nhiều điều người ta muốn biết thì lại không được biết, có những điều có lẽ là không nên biết thì lại phải biết nhiều quá. Vậy thì điều chỉnh như thế nào thì có lẽ là một phần nằm ở việc điều tiết từ phía nhà nước hay từ phía các cơ quan kiểm soát báo chí, nhưng điều đáng nói là ở nhận thức xã hội."
Vậy thì điều chỉnh như thế nào thì có lẽ là một phần nằm ở việc điều tiết từ phía nhà nước hay từ phía các cơ quan kiểm soát báo chí, nhưng điều đáng nói là ở nhận thức xã hội.
Có lẽ xã hội ở Việt Nam cần bước đến giai đoạn mà nhận thức của toàn xã hội về báo chí, về trách nhiệm của báo chí phải tốt hơn và tạo ra được áp lực với báo chí để báo chí đáp ứng đúng nguyện vọng của xã hội.
Ví dụ như tẩy chay các tờ báo lá cải thì đấy sẽ là cách kiểm soát tốt hơn bất cứ một cơ quan nào.
Hiện nay, nhiều người phàn nàn về tình trạng báo lá cải thì tôi nghĩ rằng điều này ở Việt Nam không phải là trường hợp đặc thù duy nhất.
Báo lá cải cũng vẫn rất nhiều ở các nước khác. Tuy nhiên, số người đọc báo lá cải ở các nước thì họ là ai và ở Việt Nam là ai thì mọi người đều rõ.
Tuy nhiên, ở Việt Nam có một đặc thù là báo chí vẫn được đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước. Do đó, vô hình chung, bất cứ thông tin gì được bất kể tờ báo nào đưa lên cũng được coi là thông tin chính thống. Có rất nhiều người tin rằng các thông tin đó là chính xác. Điều đó rất nguy hiểm. Độc giả Việt Nam chưa thể phân biệt được thông tin cần phải tiếp nhận như thế nào.
Nhiều người dân cho rằng những thông tin được đưa lên báo là chính thống hoặc đúng, trong khi các thông tin được phản ánh ở trên báo có thể thông qua các nhãn quan của người làm báo và bị tác động bởi nhiều yếu tố về thị trường, quan điểm khác.
Thông tin đó sẽ có thể không còn khách quan nữa. Hoặc nó sẽ không phản ánh đúng điều lẽ ra cần phải truyền tải, và những tác động tích cực cho xã hội không được như mong đợi.

Không có nhận xét nào: