Pages

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Liệu sẽ có một Ô Khảm ở Việt Nam?

AFP PHOTO
Dân làng Ô Khảm bỏ phiếu bầu chọn 7 thành
 viên vào Ủy Ban Nhân Dân của làng hôm
01 tháng 02 năm 2012.

Việt Hà, phóng viên RFA

Vào ngày 1 tháng 2 vừa qua, những người dân làng Ô khảm thuộc tỉnh Quảng Đông, ở Trung Quốc lần đầu tiên háo hức tham gia vào cuộc bầu cử trực tiếp chọn ra những người lãnh đạo cho mình.
 
Dân làng được bầu cử trực tiếp?
Đây là một trường hợp hiếm hoi xảy ra ở Trung Quốc nơi đảng cộng sản luôn cố gắng tìm mọi cách duy trì quyền lực của mình ở mọi cấp. Sự việc này làm người ta không khỏi nghĩ tới Việt Nam, nước anh em láng giềng của Trung Quốc, vốn cũng có chế độ cộng sản độc quyền tương tự. Liệu Việt Nam sẽ sớm theo bước người anh em Trung Quốc, cho phép các cuộc bầu cử trực tiếp như vậy ở cấp địa phương? Việt Hà có bài tường trình sau đây:
Sự việc hàng ngàn người dân làng Ô Khảm, tỉnh Quảng Đông nổi dậy phản đối hành động lấy đất và tham nhũng của chính quyền địa phương vào hồi cuối năm ngoái đã khiến cho rất nhiều người Việt quan tâm. Nhưng có lẽ điều khiến nhiều người quan tâm hơn nữa là những diễn biến gần đây liên quan đến việc chính phủ Trung Quốc nhượng bộ, cho phép người dân làng Ô Khảm được bầu cử trực tiếp, chọn lãnh đạo cho mình. Trong số những ứng cử viên có cả những người không phải là đảng viên đảng cộng sản.


Có lẽ các vị lo là bầu trực tiếp như vậy thì đảng sẽ lãnh đạo nhưthế nào? Tôi nghĩ cái lo đó không chính đáng mà cái lo đó sẽ ngăn trởquyền làm chủ của người dân.
Lê Hiếu Đằng
So sánh này không phải không có căn cứ. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều do đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo, và những năm gần đây tình hình tranh chấp đất đai, tham nhũng ở địa phương đã khiến nhiều người dân chở nên bất bình. Cũng giống như Ô Khảm, tại Việt Nam, từ năm 1997 đã có vụ hàng ngàn nông dân Thái Bình biểu tình, nổi dậy, bắt giữ bí thư đảng ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân xã, công an, đòi xử lý cán bộ tham nhũng tiêu cực. Sự kiện kéo dài nhiều tuần đã khiến cho họat động của tổ chức, đảng và chính quyền ở địa phương bị tê liệt hoàn toàn.
Gần đây nhất là vụ lãnh đạo huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, cưỡng chế đất trái phép của gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn khiến người dân phải nổ súng chống cự. Sự kiện đã gây bức xúc trong dư luận suốt 2 tháng qua. Tiếp theo vụ Tiên Lãng, trong nhiều ngày nay, hàng trăm người dân ở Văn Giang, Hưng Yên và Dương Nội, Hà Đông đã tập trung về văn phòng quốc hội để yêu cầu các cấp trung ương phải giải quyết những khiếu kiện đất đai giữa người dân và giới chức địa phương kéo dài từ nhiều năm nay. Nhìn chung, những người dân tham gia các cuộc biểu tình, khiếu kiện đất đai tại trung ương đều phản đối những lãnh đạo ở địa phương, ở xã, huyện đã tham nhũng, câu kết, bè phái, thu hồi đất trái phép hoặc đền bù không thỏa đáng cho người dân. Điều này cho thấy một thực trạng là những lãnh đạo tại địa phương, các xã, các huyện, đã không thực sự làm tròn trách nhiệm là người đại diện cho dân.

doan-v-v-305xa.jpg
Lực lượng cưỡng chế thu hồi đất nhà anh Vươn hôm 05/1/2012. Photo courtesy of phapluat.vn
Nói về vụ Tiên Lãng, Hải Phòng, nguyên ủy viên thường vụ thường trực bộ chính trị Phạm Thế Duyệt nhận định trong trang blog của blogger Nguyễn Quang Vinh rằng ‘lãnh đạo Hải Phòng đã không đủ tầm, không đủ sức, và không đúng’.

Điều này đặt ra sự nghi ngờ về thực trạng bầu cử những lãnh đạo các xã, huyện ở Việt Nam. Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, một người dân ở Hà Nội từng nhiều lần lên tiếng chống tham nhũng tại địa phương nhận xét:
“Qua 45 tuổi đầu, tôi chứng kiến bầu cử lãnh đạo ở Việt Nam thì tôi rất thất vọng, việc sắp xếp cán bộ của họ đều mang tính vụ lợi. Họ vẫn rêu rao là họ là đại diện của dân, họ vẫn bảo là họ là đầy tớ của dân nhưng những đầy tớ này kiểu gì thì chỉ có xứ sở Việt Nam mới có. Cá nhân tôi đã tìm cách gặp chủ tịch huyện hay ông bí thư huyện nhưng chả bao giờ gặp họ cả.”

Tự do ứng cử?

Họ vẫn rêu rao là họ là đại diện của dân, họ vẫn bảo là họ là đầy tớcủa dân nhưng những đầy tớ này kiểu gì thì chỉ có xứ sở Việt Nam mới có.
Đỗ Việt Khoa
Từ trước đến nay, việc bầu chọn lãnh đạo hội đồng nhân dân địa phương đều do đảng chỉ đạo. Luật bầu cử hội đồng nhân dân năm 2003 của Việt Nam nói rõ tất cả mọi công dân Việt Nam không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng hay trình độ văn hóa, nghề nghiệp và đủ 21 tuổi trở lên thì đều có thể tham gia ứng cử. Cũng theo luật này, thì những người muốn ứng cử phải được ủy ban mặt trận tổ quốc chọn lọc và giới thiệu. Và đây chính là chỗ để đảng kiểm soát việc chọn lựa người lãnh đạo, nói như lời của ông Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch mặt trận tổ quốc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh:
“Tất nhiên đảng lãnh đạo mặt trận tổ quốc, nên danh sách là phải được duyệt hết, đó là thực tế.”
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho rằng việc sắp xếp này đã tạo điều kiện cho những lãnh đạo địa phương được đảng lựa chọn, có điều kiện tham nhũng, làm trái pháp luật.
“Họ sắp xếp, sự sắp xếp dẫn đến mua quan bán chức. Ông lãnh đạo ở trên thì sắp xếp cho vợ con, gia đình mình chiếm dần các chức vụ bất chấp sai phạm bao nhiêu. Hay trong bè đó có một số sai phạm thì họ bảo kê nhau, bảo kê tuyệt đối, dứt khoát, không chịu nhận lỗi, ví dụ như ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Cũng do tính bè phái như vậy mà mọi tố cáo tiêu cực đều rơi vào im lặng.”

000_Hkg5707306-305.jpg
Đại diện dân làng Ô Khảm phát biểu nhân cuộc biểu tình tố cáo các viên chức địa phương trưng dụng đất của họ mà không đền bồi thỏa đáng, ngày 21 tháng 12 năm 2011. AFP PHOTO.
Sự xuống cấp của đội ngũ lãnh đạo tại địa phương đã làm nảy sinh nhu cầu phải có bầu cử trực tiếp, nơi người dân tự ứng cử mà không qua sự chọn lựa của đảng, và các cử tri được quyền bầu chọn những người đại diện xứng đáng cho mình. Nguyên đại biểu quốc hội các khóa 11 và 12, Lê Văn Cuông nói:

“Tôi thấy vấn đề này trong điều kiện hiện nay là rất cần thiết đối với chính quyền cơ sở. Cho nên chắc chắn sắp tới đảng, nhà nước và quốc hội cũng nghiên cứu để đưa vào quy định pháp luật vấn đề cử tri bầu trực tiếp chủ tịch xã để thứ nhất phát huy quyền dân chủ của người dân, thứ hai là đề cao trách nhiệm của người lãnh đạo với vấn đề quyền lợi, chế độ, chính sách, đảm bảo tất cả các mặt kinh tế xã hội của cơ sở với chính quyền, tạo điều kiện cho chính quyền gần dân, gắn bó với dân theo đúng quan điểm nhà nước của dân, do dân và vì dân.”
Đề án thí điểm bầu cử trực tiếp chủ tịch xã đã từng được chính phủ đưa ra từ khoảng năm 2008 nhưng đã không được thông qua tại quốc hội lúc đó. Bí thư thành ủy Đà nẵng gần đây cũng đã có đề xuất cho phép thí điểm bầu cử trực tiếp chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên cho đến giờ, tất cả những phương án này đều chưa được chấp nhận. Ông Lê Hiếu Đằng giải thích lý do:
“Có lẽ các vị lo là bầu trực tiếp như vậy thì đảng sẽ lãnh đạo như thế nào? Tôi nghĩ cái lo đó không chính đáng mà cái lo đó sẽ ngăn trở quyền làm chủ của người dân.”
Chuyên gia Đông Nam Á, Carl Thayer thuộc học viện quốc phòng Úc đã từng nói rằng đảng cộng sản Việt Nam luôn học theo rất tỉ mỉ những chính sách của các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc. Liệu những dấu hiệu tiến bộ tại làng Ô Khảm, Trung Quốc gần đây và những diễn biến phức tạp về tranh chấp đất đai ở Việt Nam hiện nay có khiến chính phủ Việt Nam sớm phải xem xét lại đề án thí điểm bầu cử trực tiếp? Thầy giáo Đỗ Việt Khoa nhận xét:
“Không có đâu, ở Việt Nam có sự cấu kết chặt chẽ lắm, sự đàn áp cũng rất dữ dội, cho nên ở Việt Nam rất khó được như Ô Khảm của Trung Quốc vì tình hình dân trí còn thấp, mà lâu nay giáo dục của ta đã làm cho người ta hèn nhát rồi, nên không có chuyện như Ô Khảm đâu.”
Ông Lê Hiếu Đằng thì bày tỏ sự nghi ngờ về dấu hiệu dân chủ ở Ô Khảm vì cho rằng chính phủ độc đảng ở Trung Quốc sẽ không bao giờ chịu chia sẻ quyền lực. Việc cho phép bầu cử trực tiếp ở Ô Khảm chỉ là chiến thuật mà thôi. Tuy nhiên ông lại tin là người dân Việt Nam có thể tạo được áp lực cho những cuộc bầu cử tự do như vậy trong tương lai. Vấn đề chỉ còn chờ thời gian, bởi nếu không có thay đổi dân chủ từ địa phương thì rất có thể một Thái Bình thứ hai hay một Ô khảm của Việt Nam sẽ xảy ra. Và đến lúc đó tình hình sẽ không còn như Thái Bình 15 năm về trước.

Không có nhận xét nào: